22/12/2024

Đi bộ từ làng Sen đến bến Nhà Rồng

Nếu ai bảo việc đi bộ cả ngàn cây số là một sự điên rồ thì có ít nhất 500 bạn trẻ đã sắp hoàn tất sự “điên rồ” ấy

Đi bộ từ làng Sen đến bến Nhà Rồng

Hôm nay (9-8), 500 bạn trẻ hoàn tất cuộc đi bộ từ làng Sen (Nghệ An) đến bến Nhà Rồng (TP.HCM), sau 40 ngày ròng rã vượt hơn 1.500km.

Nếu ai bảo việc đi bộ cả ngàn cây số là một sự điên rồ thì có ít nhất 500 bạn trẻ đã sắp hoàn tất sự “điên rồ” ấy: hôm nay 9-8, họ sẽ về đích ở bến Nhà Rồng (TP.HCM), sau khi đã vượt qua 1.560km từ làng Sen (Nghệ An) chỉ bằng đôi chân trên con đường thiên lý sau 40 ngày ròng rã.

Đó là nhóm Hành trình xuyên Việt 2011 (HTXV), khởi hành từ làng Sen quê Bác hôm 3-7-2011, do nhóm Hành trình xanh tổ chức.

Trải nghiệm từ đôi chân

Được thành lập từ năm 2008, đến nay Hành trình xanh đã tổ chức bốn cuộc hành trình xuyên Việt, trong đó các năm 2008-2010 là hành trình bằng xe đạp. Từ năm 2010 đến nay tổ chức Hành trình xanh trở thành đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu văn hoá phương Đông thuộc Hội Khoa học Đông Nam Á – Việt Nam. Đồng thời được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên – môi trường, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và nhiều đơn vị khác bảo trợ về pháp nhân và hỗ trợ về tài chính.

Ngày thứ 37: 3 giờ sáng, khi những người dân Phan Thiết (Bình Thuận) còn ngủ yên thì từ đường Trần Hưng Đạo nối ra quốc lộ 1, đoàn đi bộ HTXV đã nối nhau rời thành phố, những bước chân sải đều mạnh mẽ. Đế giày đã mòn, đầu gậy đã toe nhưng tất cả đều háo hức vì đích đến – bến Nhà Rồng, TP.HCM – đã gần chạm được.

Phan Thiết không phải là nơi duy nhất mà đoàn đi bộ HTXV khởi hành vào lúc mặt trời chưa mọc. 90% hành trình đi qua đất miền Trung vào những ngày hè nắng gió đoàn HTXV đều khởi hành vào giờ này. Nắng lên, ánh nắng cộng với hơi nóng từ mặt đường nhựa hắt lên làm nhiệt độ trên đường lúc nào cũng tương đương 500C và đoàn hành trình mỗi ngày đều chiến đấu với cái nóng hầm hập đó.

Dương Tuấn Vũ – sinh viên Học viện Bưu chính – viễn thông, phó giám đốc điều hành của hành trình – cho biết những chặng đầu tiên từ Nghệ An đến Quảng Bình gần như 100% thành viên của đoàn đều bị phồng chân. Xe “vớt” – dành cho những người bị đuối sức, xỉu dọc đường – làm việc liên tục. Đau rát, mệt nhọc nhưng khi gắng vượt qua thì đó chính là những trải nghiệm đáng nhớ nhất, bởi những ngày sau đó thể lực được tăng dần, lớp da chân bong ra đã chai lại và quen dần với những cung đường nắng lửa.

Kim Chung – sinh viên năm 1 khoa báo chí truyền thông Đại học KHXH&NV – bảo rằng đã từng qua miền Trung bằng ôtô, tàu lửa nhưng không có cảm giác thú vị bằng cuộc hành trình chỉ bằng chính đôi chân mình. Đôi khi, sự thú vị đó đơn giản chỉ là một nắm sim rừng hái dưới chân Hải Vân quan, một cái phóng tầm mắt từ đèo Cả và chợt nhận ra bóng dáng bé nhỏ của mình đã đứng ngang tầm với đỉnh Đá Bia. Hay thân thương hơn chỉ là một bát nước chè xanh của các mệ giữa đường trưa chang nắng qua cồn cát Quảng Bình, một quả ổi chua của chị bán quán trên đường qua xứ nẫu Bình Định, Phú Yên…

Hơn cả 1.560km

1.560km chắc chắn là rất dài với những người đi bộ giỏi nhất và càng dài hơn với phần lớn thành viên của đoàn HTXV bởi họ đều là sinh viên, học sinh với quá nửa là nữ. Nhưng nói như Dương Tuấn Vũ: “Về gần đích mới thấy độ dài 1.560km không phải là điều lớn nhất mà HTXV đã vượt qua”.

Điều lớn hơn cả 1.560km ấy với những người dõi theo và cổ vũ cho cuộc hành trình có thể chính là 42 chiếc laptop, 100 máy tính bàn, hàng trăm suất quà và hàng vạn tin nhắn ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam… được trao tặng. Đoàn cũng dọn rác, tuyên truyền về môi trường, an toàn giao thông những nơi đi qua.

Nhưng với tất cả các bạn, điều lớn lao nhất chính là việc họ đã vượt qua được bản thân mình. Thanh Thuý – sinh viên ĐH Kinh tế, mảnh khảnh chưa tới 40kg – bảo rằng “chưa bao giờ nghĩ mình có thể vượt được một chặng đường ngàn cây số”. Những điều lớn lao nhất ấy chắc chắn còn rất nhiều, tuỳ theo cách mà mỗi thành viên của HTXV cảm nhận. Đường thiên lý không dài thêm nhưng sự trải nghiệm và vốn sống của mỗi thành viên HTXV sẽ không dừng lại sau cuộc cuốc bộ 1.560km này.