Chúa Nhật XVIII TN – A: Những mẩu bánh thừa
Chúa Giêsu nhắc các môn đệ và người Do Thái thu nhặt những mẩu bánh thừa và người ta đã thu được 12 thúng đầy. Tại sao Chúa Giêsu lại thực hiện hành động này? Người muốn dạy chúng ta điều gì?
Những mẩu bánh thừa
Hành Khất Kitô
Lời mở
Chúng ta đã nhiều lần nghe giải thích về phép lạ hoá bánh ra nhiều, hôm nay chúng ta chú đến một chi tiết, đó là Chúa Giêsu nhắc các môn đệ và người Do Thái thu nhặt những mẩu bánh thừa và người ta đã thu được 12 thúng đầy. Tại sao Chúa Giêsu lại thực hiện hành động này? Người muốn dạy chúng ta điều gì?
1. Lãng phí vật nhỏ, thiệt hại chuyện lớn
Trước hết, nếu nhìn toàn bộ Phúc Âm, so sánh với nhau, chúng ta sẽ thấy cả 4 Phúc Âm Matthêu (x. Mt 13,21), Marcô (x. Mc 6,30-44), Luca (x. Lc 9,10-17) và Gioan (x. Ga 6,1-13) đều nhắc đến phép lạ hoá bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá rồi thu lại được 12 thúng đầy những miếng bánh vụn. Đặc biệt trong Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói trực tiếp với các tông đồ và người Do Thái: “Anh em hãy thu lại những miếng thừa, kẻo phí đi” (Ga 6,12). Trong Phúc Âm theo thánh Marcô, người ta không chỉ thu lại những mẩu bánh thừa mà còn cả những miếng cá vụn (x. Mc 6,43).
Chúa Giêsu như muốn mời gọi người Do Thái và chúng ta thay đổi những hành động rất nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày để bớt lãng phí. Người Do Thái cũng như người Việt
Trong đời sống, nhiều khi chúng ta lãng phí vì cho đó là chuyện nhỏ, vật nhỏ. Chẳng hạn, chúng ta không ăn hết đồ ăn, bao giờ cũng để thừa lại một ít, sợ mình ăn hết đĩa thức ăn, vét hết nồi cơm trước mặt khách sẽ mang tiếng là nhỏ mọn, keo kiệt hay tham ăn tham uống.
Không phải chúng ta chỉ lãng phí những vật nhỏ mà còn phung phí nhiều thứ khác như thời giờ, tài năng và cả ân sủng Chúa. Đi họp hay đi ăn tiệc, người Việt chúng ta ít khi đúng giờ. Chúng ta nghĩ mình đi trễ 5,10 phút cũng chẳng sao. Tới sở làm việc có chậm nửa giờ thì cũng giống như những người khác. Nhưng nếu nhân lên cho hàng trăm người phải chờ đợi mình, chúng ta sẽ thấy số thời gian lãng phí rất lớn. Đức Giêsu mời gọi hãy thu lại những mẩu thừa thời gian ấy kéo phí đi!
Trong báo cáo của Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), ngày 11/5/2011, người ta tính rằng mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị thất thoát hay lãng phí, tương đương với 1/3 sản lượng làm ra trên toàn thế giới trong bối cảnh giá thực phẩm tăng nhưng sản lượng lại giảm như hiện nay.
Thất thoát lương thực là hậu quả của khâu sản xuất hay do khâu chế biến kém hiệu quả. Ở bên Mỹ, có những đồng ruộng, nông trại rất lớn, sản xuất thừa thãi lương thực thực phẩm, nhưng người ta không cho đi, không bán ra ngoài vì sợ giá cả hạ xuống, nên có năm người ta đổ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn tấn lúa mì, hàng trăm ngàn tấn sữa xuống biển để giữ giá lương thực. Khâu chế biến cũng gây nên thất thoát như vậy, nhất là trong các nước đang phát triển. Thí dụ ở Việt
Việc lãng phí lương thực còn vì do người bán lẻ và người mua thấy rằng đó là chuyện nhỏ, không cần thiết: họ đổ thức ăn đi, dù còn dùng được. Thí dụ: sau 9 giờ tối, tất cả các cửa hàng bên Mỹ phải đổ đồ ăn đi chứ không được để lại ngày hôm sau hoặc cho những tổ chức từ thiện vì lỡ người ăn bị ngộ độc là chủ tiệm sẽ bị kiện ra toà và phải bồi thường. Chuối bán ở siêu thị phải xanh, phải vàng, nếu chỉ hơi bị lấm tấm đen một chút là giá từ 4 đô la 1 pound rớt xuống còn 1 đô la, vì người ta quan niệm rằng chuối chín kỹ như vậy có nhiều đường, ăn không tốt. Trong báo cáo của Tổ chức Lương nông Quốc tế, các nước giàu phung phí thực phẩm mỗi năm 222 triệu tấn lương thực, tương đương với sản lượng lương thực sản xuất ở toàn châu Phi! Trong khi đó, mỗi năm có hàng chục triệu người chết đói và hàng trăm triệu người ăn đói!
2. Lời mời gọi của Chúa Giêsu
2.1. Nhìn lại cách sống của mình để tránh lãng phí
Vì thế, qua việc thu nhặt các mẩu bánh thừa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống của mình, đừng lãng phí vì sĩ diện hão. Nhiều khi chúng ta làm ra vẻ không thua kém ai để người ta coi trọng mình hoặc thậm chí muốn che giấu sự thua kém của mình để người ta khỏi coi thường. Đi vào tiệm ăn sang trọng một chút, dù Việt
Chúng ta được mời gọi để nhìn vào nồi cơm trong bữa ăn xem mình có ăn hết và không bỏ thừa không? Chúng ta có phân phát cho những người trong bàn để cùng ăn cho hết không hay để thừa lại một chút vì sợ người khác chê cười? Chúng ta có dám nhặt một quả cà chua, một quả dưa leo vô tình rơi trên mặt đường thay vì để người khác cán nát không, hay chúng ta sợ người khác chê mình là bần tiện, tham lam?
Từ nay, người Công giáo chúng ta nên hành xử khác và không sĩ diện hão. Đi ăn tiệc, chúng ta dám đứng ra gắp thức ăn chia cho mọi người để ăn cho hết phần ăn đã được dọn ra. Nhưng để khỏi dư thừa, lãng phí, chúng ta lại phải biết cách tính toán, tổ chức bữa ăn thế nào cho vừa đủ, cách đi chợ thế nào để không thừa mẩu bánh, ngọn rau… Sống như vậy chúng ta mới theo đúng ý muốn của Chúa Giêsu.
2.2. Hãy tôn trọng vạn vật như Chúa Giêsu
Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại dạy chúng ta hành động như vậy? Người mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn về vạn vật: chúng không phải là những thứ vô tri vô giác để ta muốn sử dụng thế nào tuỳ ý: thừa thì đổ vào thùng rác, không dùng được thì loại bỏ.
Vạn vật chính là những đứa em trong đại gia đình Thiên Chúa, được Chúa Cha dựng nên nhờ Lời của Ngài: Tất cả được dựng nên nhờ Người và cho Người (x. Ga 1,3). Chúa Giêsu coi chúng là những đứa em của Người, con cùng một Cha Trên Trời, nên Người tôn trọng, yêu thương và sẵn sàng chết để cứu độ chúng, vì thế Người không muốn cho một giọt nước hay một mẩu bánh nào bị thừa thãi, phung phí. “Đức Giêsu yêu cầu các môn đệ nhìn thẳng vào sự vật, mùa màng và con người với thái độ tin tưởng của trẻ thơ, luôn biết rằng mình không bao giờ bị Người Cha an bài bỏ rơi (x. Lc 11,11-13). Thay vì làm nô lệ cho sự vật, người môn đệ Đức Giêsu phải biết cách sử dụng chúng để đem lại sự chia sẻ và tình huynh đệ” (x. Lc 16,9-13; Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 453).
Chúng ta cũng được mời gọi để thay đổi cách nhìn như vậy. Chúng ta không cảm được nỗi đau xót của những mẩu bánh mà chúng ta lãng phí, vì chúng ta coi chúng vô tri vô giác. Nhưng nếu hiểu được tâm tư của những vạn vật ấy trong tình thương đối với Thiên Chúa và anh em như Chúa Giêsu hôm nay (Mt 14,14), chúng ta mới thể hiện được quyền năng sai khiến và biến đổi vạn vật như Chúa Giêsu. Vì không hiểu được tâm tư của vạn vật nên chúng ta không điều khiển được chúng. Còn Chúa Giêsu, vì Người hiểu biết và cảm thông, nên Người có thể nói: “Gió ơi, im đi! Biển ơi, lặng đi! Bánh cá ơi, hoá nhiều ra!” chúng mới nghe theo lời của Người (x. Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Lc 8,22-25).
Khi có tâm tình cảm thông với vạn vật như vậy, giống như thánh Phanxicô Khó Nghèo đã gọi anh mặt trời, chị mặt trăng, lúc bấy giờ chúng ta mới tôn trọng, yêu quý và gìn giữ từng mẩu bánh, chút nước hay bất cứ vật chất nào Chúa gửi cho ta và sử dụng chúng một cách hiệu quả để nuôi sống con người vì chính chúng ta có trách nhiệm lo cho con người: “Chính anh em hãy lo cho họ ăn” (Mt 14,16).
2.3. Hãy chia sẻ những mẩu bánh cho người nghèo
Hơn nữa, chúng ta không phải chỉ nhìn vạn vật như những đứa em nhỏ trong đại gia đình mà còn đổi mới cách nhìn đối với những người nghèo khó quanh ta đang cần những mẩu bánh thừa, những ly nước uống dở dang, những vật chất thừa thãi mà chúng ta bỏ đi đó.
Trong tâm tình yêu thương, chúng ta có thể tiết kiệm, dành dụm để nuôi sống những anh chị em nghèo khổ ấy. Thế giới sẽ hoà bình hơn, nhân loại sẽ no đủ và phong phú hơn nếu những con người, nhất là những người giàu, thay đổi cách sống, thay đổi cách dọn bàn ăn, thay đổi cách tiêu tiền, thay đổi cách sản xuất, chế biến lương thực cho hiệu quả.
Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng: “Vào đầu thiên niên kỷ mới này, sự nghèo đói của hàng tỷ người nam cũng như nữ chính là một vấn đề thách thức nhất cho lương tâm con người cũng như lương tâm các Kitô hữu. Tình hình nghèo đói mang đặc điểm là có sự tăng trưởng không bình đẳng vì chưa nhìn nhận quyền bình đẳng của mọi người được ngồi dự trong bàn tiệc chung” (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 449; ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình, năm 2000).
Lời Kết
Hôm nay, qua hành động của Chúa Giêsu yêu cầu thu nhặt những miếng bánh vụn, chúng ta đang được mời gọi để nhìn vạn vật một cách thân tình hơn và thay đổi cách sống để vừa tạo nên công phúc cho mình, vừa tạo nên hạnh phúc cho người.