16/01/2025

Ông Hái “què” ráp máy chà

Dù học chưa hết lớp 10, với đôi chân không lành lặn và hằng ngày làm việc trên đôi nạng gỗ, nhưng những máy chà được ông ráp chạy rất ngon lành

 Ông Hái “què” ráp máy chà

Đến Cà Mau hỏi những người có máy chà lúa (máy xay xát lúa) ai cũng biết ông Lý Hái (43 tuổi, ngụ ấp 11, xã Khánh An, huyện U Minh) mà họ hay gọi vui là Hái “què”. Sở dĩ được biết nhiều như vậy bởi ông đã “khai sinh” nhiều máy chà cho người dân vùng này…

Đến nay, số lượng máy chà ông ráp cho bà con vùng cuối đất đã hơn 100 chiếc lớn nhỏ. Dù học chưa hết lớp 10, với đôi chân không lành lặn và hằng ngày làm việc trên đôi nạng gỗ, nhưng những máy chà được ông ráp chạy rất ngon lành.

Chiếc xe nghĩa tình

Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Sen dẫn đi quan sát máy chà của ông ở khóm 3, P.8, TP Cà Mau với lời khoe máy chà này thuộc loại lớn nhất ở tỉnh, với các hệ thống chằng chịt do chính Hái “què” ráp cách đây hơn hai năm. Bà con hàng xáo (thương lái) đem lúa đến đây xay xát đều tấm tắc khen máy chạy rất “ngon” khiến việc làm ăn của ông thuận lợi. Ông Sen nhớ thời khắc mà mình đã có quyết định đầy thử thách: giao công trình máy chà có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đồng cho Hái làm, dù chưa rõ năng lực của Hái tới đâu.

“Lúc đó có thiếu gì nhà thầu lớn nhỏ nhưng tui chỉ nghĩ đơn giản “thằng này làm được” nên kêu làm và đặt niềm tin vào Hái. Làm xong rồi bản thân tui cũng thấy ớn lạnh vì hệ thống nhà máy quá phức tạp mà nó vẫn làm được”. Khoái chí với máy chà làm xong, ông không ngần ngại cho Hái thêm 6 triệu đồng ngoài tiền công đã thoả thuận. “Nó tật nguyền mà có ý chí và làm rất tốt như vậy nên tui và những người làm nghề này ai cũng thương” – ông Sen bộc bạch.

“Tui nghĩ nghề nào cũng vậy, miễn mình cố gắng học hỏi, đừng mặc cảm là thành công thôi à”

LÝ HÁI

Tiếng lành đồn xa, từ đó việc nhận thầu của Hái “què” trở nên rất thường xuyên và đem lại cho ông nguồn thu nhập ổn định nuôi bốn đứa con đang độ tuổi ăn học và người vợ ở nhà trông con. Đến xem ông Hái lắp ráp máy cho ông Lê Văn Nu ở Kinh Quế (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) mới tận mắt chứng kiến tình cảm giữa chủ nhà máy và chủ thầu rất gần gũi. Họ cùng giúp nhau làm, cùng kiểm tra máy móc và thảo luận thân tình về cách nào cho máy chạy êm nhất.

Ông Nu thật tình: “Mấy năm trước đây ổng ráp cho nhà tui một cái rồi. Thấy ổng ráp “ngon” nên tui kêu ổng ráp thêm một cái nữa”. Ông Nu còn thông tin thêm: Hái được mọi người thương lắm. Thương người có tật một phần, nhưng chính là thương cái tài, cái đức của ông Hái. Chính vì vậy mấy năm trước, những người từng nhờ Hái ráp máy chà cùng nhau góp được 6 triệu đồng để phụ ông mua chiếc xe máy nhãn hiệu Hàn Quốc. Chiếc xe này đã đồng hành trên mọi nẻo đường làm ăn của Hái “què” nhiều năm qua.

Giăng câu thành chủ thầu

Khi đất nước còn chiến tranh, trong một lần bò từ hầm trú đạn lên nhà để uống nước, cậu bé Lý Hái lúc ấy mới 7 tuổi đã bị đạn lạc bắn xuyên vai chạm dây thần kinh dẫn đến liệt cả hai chân. Dù bị liệt nhưng Hái đã không chịu khuất phục số phận mà làm mọi việc có thể. Với chiếc xuồng ba lá nhỏ, cậu đã bơi hằng ngày giăng câu kiếm cá phụ giúp gia đình. Nhà nghèo, học đến giữa lớp 10 Hái đành nghỉ học về nhà làm… nông dân.

Khoảng năm 1997, chàng trai trẻ Lý Hái từ giã nghề giăng câu đánh lưới để theo phụ người anh ruột làm ở các máy chà với các công việc lặt vặt như rửa bulông, trộn hồ cho các thợ chính và không lâu sau Hái được làm thợ gằng (trông coi hoạt động của máy móc khi máy chà hoạt động).

Như một cái duyên, cũng chính công việc này đã tạo điều kiện cho Lý Hái tiếp xúc nhiều với các bộ phận của máy chà. Với tính tò mò, thợ gằng Lý Hái luôn nghiền ngẫm đến mức tối về không ngủ được để nghiên cứu xem người ta làm thế nào lắp ráp được các bộ phận của máy, các bộ phận liên kết với nhau thế nào… Đêm nào cũng vậy, hình ảnh các chi tiết của máy móc luôn ám ảnh trong đầu người thợ gằng Lý Hái.

Những năm 2001-2002, khi đã học lóm được chút nghề, Lý Hái quyết định tách ra làm thầu với vài người thợ đi theo. Bước đầu Hái chỉ nhận thầu những máy chà nhỏ để tập dượt và nâng cao tay nghề. Máy chà đầu tiên mà Hái ráp là máy chà quy mô nhỏ của bà Ba Thắng ở xã Khánh Lâm (U Minh) chạy khá trơn tru. Làm xong trong nửa tháng, Hái nhận 7 triệu đồng tiền công.

“Cha còn sống là con không được nghỉ học”

Ông Hái kể: Một lần về nhà sau khi ráp xong máy chà cho ông Út Nu, ông ghé tiệm dọc đường mua hai đòn bánh tét về nhà cho bốn đứa con gái. Tới nhà, ba đứa con nhỏ ùa ra ôm lấy cha để thoả nỗi nhớ lâu ngày không gặp. Cảm xúc hạnh phúc với tổ ấm giản đơn đã giúp ông có động lực phấn đấu làm việc thật tốt, đến mức mà chính ông cũng nhiều lần tự vấn: “Không ngờ mình làm được cái nghề này như hôm nay”.

Sau một lần tan vỡ hôn nhân, khoảng 25 tuổi ông được người quen làm mai mối với bà Hửu Thị Ẹm là vợ ông hiện nay. Khi biết tình trạng tật nguyền của ông, không ít người đã lời ra tiếng vào với bà Ẹm: “Mày lấy thằng đó làm gì? Nó què như vậy lấy gì mà nuôi mày?”. Nghe buồn lắm nhưng không vì thế mà ông gục ngã, buông xuôi. Bởi vậy, ngay khi vợ sinh đứa con đầu lòng là Lý Xuân Huệ (hiện đã 17 tuổi) được vài ngày là ông khăn gói lên đường làm thợ gằng kiếm tiền nuôi con và học hỏi kinh nghiệm lắp ráp máy chà với ý muốn sẽ làm cho mọi người thấy mình “tàn nhưng không phế”.

Thấy cha quá khổ cực, đang học lớp 10 nhưng nhiều lần Huệ ngỏ ý với cha xin nghỉ học để học may kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng ông gạt ngang: “Chừng nào cha còn sống là con không được nghỉ học. Cha thế nào cũng được nhưng con phải học để có cái chữ nuôi gia đình sau này”. Thấy tôi thắc mắc việc ông leo thoăn thoắt trên thiết bị máy móc rất cao tại nhà máy của ông Út Nu, ông nói thật: “Leo vậy chứ tui run tay chân hết đấy, nhất là hai cái chân, nhưng tui phải ráng để kiếm tiền nuôi con. Nhà có mình ên tui làm à, ráng được bao nhiêu thì ráng”.

Khi cùng ông về nhà, một trong những việc đầu tiên chúng tôi thấy là ông lấy sổ học bạ của Huệ ra xem rồi cười khoe: “Cả năm nó được bảy phẩy (7.0) đấy, môn toán thì được tám phẩy một (8.1), vậy cũng khá chứ”. Lúc chia tay, tôi nhờ ông “bật mí” về thành công trong nghề, ông chỉ nói ngắn gọn: “Tui nghĩ dù trong nghề nào mình đừng mặc cảm và cố gắng tìm tòi, học hỏi thì thành công thôi à”.

Đi khắp đồng bằng với đôi chân tật nguyền

Ông Hái (đứng dưới) và ông Út Nu trao đổi cách điều chỉnh để máy chà chạy êm hơn. Đây là máy chà ông Hái mới ráp cho ông Nu – Ảnh: C.Q.

Với đôi nạng gỗ, ông Hái đi khắp các tỉnh ĐBSCL như Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp… để tìm đến các chủ cơ sở bán vật tư, thiết bị lắp ráp máy chà bàn chuyện làm ăn.

Ông Võ Hùng Linh, chủ cơ sở Tám Nhi ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long), nói: “Ông Hái là một khách hàng đặc biệt nhất của tôi. Tôi làm ăn với ổng được mấy năm nay do trước đây ổng chủ động tìm tới chúng tôi. Khi thì thấy ổng đi theo xe tải, xe đò nhưng cũng có lúc ổng tự chạy xe máy lên đây. Bây giờ quen biết, ổng có uy tín nên nhiều lúc tui giao hàng để ổng lắp máy cho người ta xong rồi mới lấy tiền sau”.

Còn bà Cao Thị Huệ – chủ cửa hàng nông ngư cơ Thành Huệ ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) – khẳng định: “Ổng là người đặc biệt, làm ăn rất sòng phẳng và ăn nói đàng hoàng lắm”.