23/11/2024

Chế “cáp treo” đi mần ruộng

Ông Võ Văn Nê, tác giả của chiếc cáp treo đầu tiên dọc bờ kênh Phú Hữu, cười xoà: “Có cái cáp này ra đồng cũng tiện, mang lúa giống, phân bón cũng ngon mà tới mùa khỏi lo bị lái buôn ép giá vì cách trở như hồi trước nữa”

 Chế “cáp treo” đi mần ruộng

Chuyện mới nghe tưởng giỡn chơi nhưng đang là chuyện thiệt ở nhiều nơi ven bờ kênh Phú Hữu, xã Phú Hữu (An Phú, An Giang).

Nghe tiếng người gọi “An ơi, có khách” bên kia bờ kênh, cha con ông Võ Văn Nê và anh Võ Văn An lật đật ngồi dậy. Khoác vội chiếc áo, anh An bước lên “thùng” cáp hình bánh ú đang đong đưa trên mặt nước rồi đẩy nhẹ. Vù, chiếc cáp nhẹ nhàng từ bên kia kênh đã chạy xòng xọc qua bờ bên này. Anh An xuống khỏi cáp chào hỏi khách, rồi vù một cái, chiếc “thùng” cáp lại tự động chạy ngược về phía bên kia kênh. Ông Võ Văn Nê, tác giả của chiếc cáp treo đầu tiên dọc bờ kênh Phú Hữu, cười xoà: “Có cái cáp này ra đồng cũng tiện, mang lúa giống, phân bón cũng ngon mà tới mùa khỏi lo bị lái buôn ép giá vì cách trở như hồi trước nữa”.

“Chưa ai mần thì mình mần…”

Anh An mời tôi lên cáp qua bên kia kênh ghé nhà uống trà. Thấy khách tần ngần, biết ý, anh khoái chí khoe chiếc cáp có thể chở hơn 200kg, cỡ hai người như tôi và anh đâu ăn thua gì. Chiếc cáp lắc lư hụp lên trồi xuống vài nhịp, thoáng một cái đã thấy mình qua bên kia kênh.

Ông Nê bảo làm đồng gặt lúa xong vận chuyển lúa từ bên này qua bên kia kênh bán cho thương lái luôn gặp khó khăn do cách trở cầu ngang. Rồi mỗi khi con cháu qua phía bờ bên kia bị té vì đi cầu khỉ trơn tuột, người nhà ốm muốn đi trị bệnh phải mòn mỏi chờ đò…Một hôm lên huyện bán lúa, ngang qua mấy nhà máy xay xát lúa, ông Nê bất chợt thấy chiếc xe chở lúa chạy theo đường ray từ bến sông lên nhà máy, ông bật lên ý nghĩ sao không làm một đường ray cáp chạy qua sông.

Bàn với con trai ý định chế chiếc cáp treo qua sông, anh An nghe thích quá hối thúc cùng nhau làm. Vậy nhưng đến hồi hai cha con ông tự vẽ rồi rủ chòm xóm hùn tiền bắc cáp treo qua kênh ai cũng không nín được cười, cho là ông làm chuyện dở hơi. Nếu làm chiếc cáp đó dễ dàng thì bấy lâu nay người dân miệt sông nước đã làm từ lâu, đâu phải luỵ đò.

Không ai hưởng ứng, đầu năm 2007 ông Nê và con lẳng lặng làm, ông lấy 500.000 đồng đi mua dây thép 10 li, dây cáp, thanh sắt… chế chiếc cáp đã vẽ. Ông dùng bốn thanh sắt hàn thành “thùng” cáp có hình cái bánh ú, đáy lót gỗ vừa chỗ cho ba người đứng, phía trên đỉnh ông cho bắt hai con đội và móc vào hai sợi dây cáp dài 35m kéo căng ngang kênh được chịu lực bởi bốn cột trụ đá ximăng cao trên 7m. Ông Nê thiết kế thêm hai dây nhỏ lòn ngang “thùng” cáp để kéo cho cáp di chuyển. Từ mặt nước lên tới đáy cáp treo khá cao nên ghe tàu chạy qua không sợ bị vướng.

Ngày đầu ông vận hành cáp treo, người dân xem đông nghẹt, vỗ tay hoan hô rần trời. Và sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng ông Nê đã thành công.

Cả xã đi “cáp treo”

Ba năm chưa có sự cố

Anh Nguyễn Văn Lẹ, cán bộ UBND xã Vĩnh Hậu, cho biết theo thống kê tạm thời, toàn xã có trên sáu chiếc cáp treo do người dân hùn lại làm để đi làm ruộng, qua kênh thuận tiện. Theo anh Lẹ, những chiếc cáp treo này hoạt động trên ba năm chưa xảy ra sự cố đứt dây cáp do cáp treo cách mặt nước khá cao không gây vướng víu, cản trở ghe tàu qua lại nên xã không ngăn cấm người dân làm cáp qua kênh.

Từ ngày cáp treo vận hành trơn tru, người nhà ông Nê qua kênh Phú Hữu dù gặp trời mưa hay dông gió không còn phải chờ đò. Tính ông Nê vốn hào sảng nên nhà nông nào ra đồng làm ruộng, ông đều cho đi nhờ cáp treo, không lấy đồng xu nào. Tiếng lành đồn xa, thay vì phải chạy xe gắn máy hay bơi xuồng lòng vòng mới ra được ruộng, nay có gì người ta cứ nhảy lên cáp mà đi ké với bao thứ lỉnh kỉnh bên người như lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu…

Ông Năm Nhàn, hàng xóm ông Nê, kể: “Thấy ông bạn già chế cáp treo độc chiêu quá, tui bèn tới xem rồi về bàn với vợ. Làm xong đi lại đã quá, muốn qua kênh giờ giấc nào cũng được, khỏi kêu con cháu bơi xuồng qua đưa đón phiền phức như trước đây”.

Ông Út Bò, ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lợi, chỉ cáp treo bắc qua kênh năm xã, khoe: “Đó đó, tui vừa học kinh nghiệm chú Nê làm cáp treo khoảng hai tháng nay, chạy ngon lành lắm, qua kinh gọn hơ”. Ông Út Bò kể hồi đó mỗi lần ra đồng, ông và cánh nhà nông xứ này phải hùn tiền bắc cầu khỉ qua sông. Nhưng con kênh năm xã lúc nào ghe tàu cũng qua lại nên cầu khỉ phải tháo dỡ cho ghe qua lại, bất tiện vô cùng. Thế rồi đi thử cáp treo ông Nê thấy êm quá, ông Út Bò về rủ lối xóm hùn tiền chế cáp. Ông Út Bò cười toe: “Chú Nê nhiệt tình lắm, chỉ vẽ tui cách làm cáp treo còn dặn kỹ đừng có căng dây cáp buộc vào trụ đá vài ngày là gãy trụ, phải buộc vào thân cây to đang sống mới chịu nổi. Bây giờ tụi tui ra đồng khoẻ lắm, hồi trước mang vác nặng nhọc qua kinh hơi mệt, giờ cứ thảy mọi thứ lên cáp là xong”.

Tôi chạy xe lòng vòng qua các con kênh trong các cánh đồng huyện An Phú. Tới ấp Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hậu lại thấy bóng nhà nông đứng trên “thùng” cáp kéo qua kênh rạch Cần Thơ. So với kênh năm xã và Phú Hữu, con kênh này lớn hơn, nước chảy xiết… Lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, nhà nông Nguyễn Văn Tùng nói: “Chiếc cáp này tụi tui hùn tiền lại làm theo kiểu cáp treo chú Nê nhưng hoành tráng hơn cáp chú Nê và các cáp khác ở vùng này. Ví như cáp chú Nê chỉ bắt hai con đội chở được 2-3 người, còn cáp treo của tui bắt tới bốn con đội nên chở từ bốn người trở lên”.

Chạy sâu vào con đường đất bụi xã Vĩnh Hậu, cứ cách vài mét lại thấy cáp treo của Tư Vịt, Ba Thật, Út Lố, Út Nước… Ai cũng cười vui vì từ ngày chế cáp treo, việc qua kênh ra đồng làm ruộng thuận lợi hơn trước đây. Tư Vịt trầm ngâm nói: “Ở đây dân cư thưa thớt, còn lại là đồng ruộng hoa màu. Muốn bắc cây cầu ngang kinh khó lắm vì tốn nhiều tiền, ghe đò qua lại vướng víu phải tháo dỡ tới lui, chưa kể đất ruộng nên nếu xây cầu cũng khó”. Tôi hỏi Tư Vịt vậy miệt ruộng này có bao nhiêu cáp treo, Tư Vịt ngẫm nghĩ hồi lầu rồi lắc đầu: “Nhiều lắm, không biết hết đâu, ngay như ấp Vĩnh Lộc của xã này cũng có mấy cái, tui nghĩ vùng này nơi nào có kinh rạch chắc có cáp treo quá”.