23/11/2024

Đức Thánh Cha tiếp kiến Thủ tướng Malaysia

CASTEL GANDOLFO – Sáng ngày 18-7-2011, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ông Najib Bin Abdul Razak, Thủ tướng Malaysia, và đoàn tuỳ tùng tại Castel Gandolfo. Trong cuộc hội kiến, các vị đã nhắc tới các phát triển liên hệ tích cực giữa Toà Thánh và Malaysia và thoả thuận thiết lập ngoại giao trên cấp bậc Sứ thần và Toà Đại sứ.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Thủ tướng Malaysia 

 
CASTEL GANDOLFO – Sáng ngày 18-7-2011, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ông Najib Bin Abdul Razak, Thủ tướng Malaysia, và đoàn tuỳ tùng tại Castel Gandolfo.
 
Sau khi gặp Đức Thánh Cha Thủ tướng đã hội kiến với Đức Hồng y Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, và Đức Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Toà Thánh.
 
Trong cuộc hội kiến, các vị đã nhắc tới các phát triển liên hệ tích cực giữa Toà Thánh và Malaysia và thoả thuận thiết lập ngoại giao trên cấp bậc Sứ thần và Toà Đại sứ. Ngoài ra, Đức Thánh Cha và Thủ tướng Malaysia cũng duyệt qua tình hình chính trị và xã hội tại Á châu, đặc biệt là tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên văn hoá và liên tôn giáo để thăng tiến hoà bình, công lý và hiểu biết nhiều hơn giữa các dân tộc.
 
Đức Thánh Cha cũng đã tiếp đoàn tuỳ tùng gồm phu nhân thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Kinh tế Malaysia, Đức cha Murphy Pakiam, Tổng Giám mục Kuala Lumpur, và ông Tan Sri Abdul Shukor, Chủ tịch Hội đồng Fatwa Hồi giáo Malaysia.
 
Theo Linh mục Lawrence Andrew, giám đốc nguyệt san Herald, sự kiện có một vị Sứ thần Toà Thánh tại Kuala Lumpur sẽ có các hiệu quả rất tích cực đối với Giáo hội Công giáo và toàn cộng đoàn Kitô Malaysia. Các tương quan giữa chính quyền và Giáo Hội sẽ được cải tiến. Các Kitô hữu sẽ có cơ hội trở thành một điểm tham chiếu luân lý, phổ biến và bảo vệ các giá trị tinh thần cao quý, chống lại nạn gian tham hối lộ, các lạm dụng và các sự dữ khác đang gây khổ đau cho cuộc sống quốc gia. Giáo hội Công giáo tiếp tục loan báo sự thật và bảo vệ các giá trị nền tảng như phẩm giá con người và tự do tôn giáo.
 
Hiện nay, các vấn đề liên quan tới Giáo Hội gồm việc sử dụng từ Allah để gọi Thiên Chúa cho các tôn giáo không phải là Hồi giáo; việc tự do lưu hành Thánh Kinh; cuộc chiến đấu để loại trừ án tử hình; tôn trọng tự do tôn giáo và các quyền căn bản của con người.
 
Trong thời gian qua đã có các xung đột tại Malaysia. Chính quyền và cảnh sát tiếp tục đe doạ dân chúng. Sáu người hoạt động cho nhân quyền đã bị bắt giam, và có nhiều hạn chế tự do. Chính quyền hứa sẽ có sự trong sáng và hợp pháp trong các cuộc bầu cử sắp tới. Và đó là điều mà tín hữu mọi tôn giáo tại Malaysia đều mong muốn. 
 
Malaysia hiện có khoảng 27,5 triệu dân, 60% theo Hồi giáo, 20% theo Phật giáo, 10% theo Kitô giáo, trong đó có khoảng 1 triệu tín hữu Công giáo, 6,3% theo Ấn giáo, còn lại theo Lão giáo, Khổng giáo và đạo thờ vật linh. (SD FIDES 18-7-2011)