19/09/2024

Bao giờ công khai ca khúc được phép phổ biến?

Nhiều năm qua, nhà sản xuất, công ty tổ chức biểu diễn lẫn nghệ sĩ đã đề nghị cơ quan quản lý thành lập trang web cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến nhưng đến nay website này vẫn chưa có

 Bao giờ công khai ca khúc được phép phổ biến?

Nhiều năm qua, nhà sản xuất, công ty tổ chức biểu diễn lẫn nghệ sĩ đã đề nghị cơ quan quản lý thành lập trang web cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến nhưng đến nay website này vẫn chưa có, gây phiền toái cho nghệ sĩ và nhà tổ chức chương trình.

Cùng một ca khúc, lúc cho lúc không

Các công ty tổ chức biểu diễn “điên đầu” về việc những ca khúc sáng tác trước 1975 được hay không được phép phổ biến tại Việt Nam. Trường hợp ca khúc được cấp phép cách đây đã lâu, thình lình không thể biểu diễn cũng không phải hiếm. Đơn cử, nhà tổ chức chương trình Bước chân miền Trung (diễn ra vào 16.7 tại Nhà hát Hoà Bình, TP.HCM) đang đau đầu khi ca khúc Hội trùng dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương không được Cục Nghệ thuật – Biểu diễn (NT-BD) cho phép sử dụng trong chương trình này dù trước đó năm 2001, ca sĩ Ánh Tuyết đã trình bày ca khúc này trong album Hội trùng dương do Hãng phim Trẻ sản xuất và phát hành, rồi biểu diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 21 (tháng 1.2010) và chương trình Con đường âm nhạc(tháng 6.2011). Bà Lương Minh Hồng – Giám đốc Công ty giải trí Tiếng Hát Việt bày tỏ: “Tôi chẳng hiểu vì sao bài Hội trùng dươngbị cấm hát trong chương trình Bước chân miền Trung. Cục NT-BD chưa có trang tin về danh mục ca khúc được cấp phép nên những nhà tổ chức như chúng tôi chẳng biết đâu mà lần. Mỗi khi làm chương trình phải đi xin phép lại từ đầu”.

Tiêu chí để đánh giá và thẩm định một ca khúc của nhạc sĩ miền Nam trước 1975 và nhạc sĩ Việt ở hải ngoại sau 1975 được cấp phép vẫn chưa công khai (dư luận chỉ biết chung chung rằng ca khúc tâm lý chiến, ca ngợi lính cộng hoà trước đây không được phép phổ biến).

Sự thông thoáng hơn trong lĩnh vực văn hoá của nhà quản lý đã kéo theo hàng loạt ca khúc nói trên nhận giấy phép phổ biến thời gian gần đây. Nhưng kèm theo đó là sự không rõ ràng về thông tin khiến dư luận bức xúc. Đại diện Sở VH-TT-DL TP.HCM phân trần: “Nhiều ca khúc sáng tác tại miền Nam trước 1975 được Cục NT-BD cấp phép nhưng không cập nhật với Sở nên khi đơn vị tổ chức xin giấy phép biểu diễn, chúng tôi không thể cấp do thiếu thông tin. Việc này dễ bị hiểu lầm là chúng tôi “nhũng nhiễu”. Nếu Cục NT-BD đã cấp phép phổ biến ca khúc nào rồi cập nhật lên trang tin điện tử thì quá dễ dàng cho bộ phận quản lý văn hoá lẫn người tổ chức, sản xuất và nghệ sĩ”.

Bao giờ trang tin của Cục Nghệ thuật – Biểu diễn ra đời?

Quá nhiều nguyên nhân được các nhà quản lý nêu ra nhưng trang tin này vẫn chưa được thực hiện dù đã lên kế hoạch từ năm 2008 khiến những nhà sản xuất băng đĩa nhạc, công ty tổ chức, ca sĩ gặp không ít khó khăn.

Điều nghịch lý là trong khi các chương trình ca nhạc lớn được quản lý chặt việc cấp phép biểu diễn các ca khúc do những nhạc sĩ miền Nam sáng tác trước năm 1975 hay nhạc sĩ Việt ở hải ngoại sáng tác sau 1975, thì đa số phòng trà lại thoải mái để ca sĩ hát nhiều bài chưa được (hay không được) cấp phép.

Nhà sản xuất băng đĩa cũng nhọc nhằn khi “đụng” đến thủ tục xin cấp phép phổ biến ca khúc thuộc thể loại đã nói ở trên. Cục NT-BD chỉ cấp phép từng trường hợp cụ thể nên nhiều hãng sản xuất băng đĩa, công ty tổ chức biểu diễn không biết ca khúc nào được phép phổ biến vì vậy khi thực hiện họ buộc phải làm thủ tục xin cấp phép từ đầu, với cả những ca khúc từng được cấp phép cho đơn vị khác.

Có ý kiến cho rằng Cục NT-BD nên lập danh mục các ca khúc bị cấm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà tổ chức, nhà sản xuất. Tuy nhiên, đến nay đề nghị này vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm.

Trả lời câu hỏi bao giờ có trang tin của Cục NT-BD, trong đó cập nhật danh mục ca khúc được phép phổ biến (tính đến nay khoảng hơn 1.100 bài), Cục trưởng Cục NT-BD thuộc Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho biết: “Nhiều đơn vị tổ chức, nhà sản xuất băng đĩa và cả nghệ sĩ mong trang tin này ra đời. Tôi đang cho chỉnh sửa, cập nhật và thiết kế lại, độ 1 hay 2 tháng nữa thì có thể vận hành”.

“Sở VH-TT-DL TP.HCM chỉ cấp phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa nhạc sau khi có quyết định cho phép phổ biến các ca khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam. Nếu cần thiết, Sở VH-TT-DL TP.HCM sẵn sàng cung cấp dữ liệu để Cục thực hiện trang tin cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến này”.

Ông Võ Trọng Nam – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM

“Khi một đơn vị xin cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 và được Cục NT-BD chấp thuận thì các đơn vị khác không biết nên phải làm thủ tục từ đầu. Hiện quy định khi xin phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa phải nộp danh mục ca khúc và văn bản ca khúc (gồm ca từ và nốt nhạc kèm theo) với những ca khúc cách mạng, truyền thống hay do các ca sĩ trong nước sáng tác sau 1975, theo tôi chỉ làm phức tạp hoá thủ tục giấy tờ”.

Bà Phan Mộng Thuý – Phó tổng giám đốc Công ty văn hoá Phương Nam

Những nhà quản lý văn hoá phải tích cực hơn nữa trong việc cấp phép phổ biến các ca khúc sáng tác ở miền Nam trước 1975. Nếu không, sẽ bào mòn lòng nhiệt tình của nghệ sĩ, vô tình làm mất đi kho tàng âm nhạc Việt Nam, gây thiệt thòi lớn cho khán giả. Ngoài giải trí, âm nhạc còn ghi lại lịch sử của dân tộc. Nhiều bài hát đang trở thành thảm hoạ âm nhạc vẫn được lưu hành trong khi các ca khúc rất hay trước năm 1975 gặp khó khăn trong kiểm duyệt.

Ca sĩ Ánh Tuyết