23/11/2024

Cái chết của một tờ báo

Tờ Daily Mail lên tiếng than khóc về sự mất đi của một tờ báo: “Trong xã hội tôn trọng sự khác biệt, một tờ báo đóng cửa đồng nghĩa với một tiếng nói biến mất và nền dân chủ bị thụt lùi”

Cái chết của một tờ báo

Sau 168 năm “vẫy vùng”, tờ báo lá cải lớn nhất thế giới News Of The World (NoW) đã bất ngờ đóng cửa, 200 nhân viên đột ngột mất việc. Thế nhưng dư chấn của nó không chỉ có vậy.

Ngày 7-7 là một trong những ngày đen tối của nước Anh, khi nó được nhớ tới kèm với sự kiện tàu điện ngầm bị đánh bom khủng bố. Nhưng ngày này còn được đi kèm với sự kết thúc của một trong những tờ báo gây tranh cãi nhất trên thế giới.

Bỏ con tép bắt con tôm?

Cái chết của “vua chủ nhật”

Lần đầu tiên xuất bản ngày 1-10-1843 ở London với lượng phát hành 2.812.005/số, tờ NoW được coi là tờ báo có nhiều người đọc hơn bất kỳ tờ báo tiếng Anh nào khác trên thế giới.

James Murdoch, chủ tịch của News International, cho biết tờ báo “tự hào có truyền thống đấu tranh tội phạm, phanh phui những việc làm sai trái và thường xuyên thiết lập chương trình tin tức cho quốc gia”.

Tờ NoW có vị trí quan trọng trong lịch sử báo chí Anh. Sau khi về tay ông trùm Rupert Murdoch, nó thay đổi nhanh chóng, trở thành một tờ báo thuộc loại “trả tiền cho nguồn tin để đăng tin”.

10-7 là ngày phát hành ấn bản cuối cùng của NoW.

Quyết định của tỉ phú 80 tuổi, trùm truyền thông nước Mỹ Rupert Murdoch về việc News Corporation đóng cửa NoW được xem là một bước đi đầy tính toán giúp quá trình sở hữu Đài truyền hình British Sky Broadcasting của ông được suôn sẻ.

Ngoài ra, đó cũng là một chiêu “tái xây dựng thương hiệu” bằng cách đoạn tuyệt với một sản phẩm bị chỉ trích quá nhiều. Nó cũng giúp quá trình đẩy tờ The Sun lên thành tờ lá cải xuất bản liên tục trong tuần như kế hoạch nhanh hơn. Nhưng đóng cửa không đủ để chấm dứt mọi việc với ông trùm này vì “không dễ mà rũ bỏ”.

Vụ bê bối nghe lén điện thoại mà NoW bị cáo buộc liên quan tới hàng ngàn người Anh, trong đó có cả nạn nhân của các vụ giết người, gia đình các binh sĩ Anh đã tử nạn tại Iraq và Afghanistan, các gia đình nạn nhân của vụ đánh bom tàu điện ngầm năm 2005 ở London. Nó đã làm lộ ra rõ hơn mối quan hệ chằng chịt dây mơ rễ má giữa các nhân vật trong đế chế truyền thông Murdoch với các cảnh sát, chính trị gia.

Trùm truyền thông Murdoch là người từng có thời nắm giữ hầu hết các cơ quan truyền thông Anh, có ảnh hưởng cực lớn tới nền chính trị của Anh với các mối quan hệ sâu sắc cả phe Công Đảng và Bảo thủ để có thể thúc đẩy các lịch trình chính trị của mình.

Trong một tuyên bố đầy tính “phê bình và tự phê bình” ngày 8-7, James Murdoch – con trai của ông Murdoch, người thừa kế sản nghiệp – đã công nhận Công ty con News International tại Anh của News Corporation “không thể dừng việc lặp lại những việc làm sai trái đã xảy ra, nhưng không có mục đích chính danh hay quy tắc đạo đức nào biện hộ”, và “những ai làm sai sẽ phải lãnh chịu hậu quả”.

Tổng biên tập bị bắt

Ngày 8-7, Andy Coulson – cựu tổng biên tập của NoW, cựu phát ngôn viên của chính phủ Thủ tướng David Cameron – đã bị bắt vì cáo buộc mua tin từ cảnh sát trong thời gian làm tổng biên tập. Ông bị cáo buộc đã trả cảnh sát khoảng 100.000 bảng Anh.

Ông sẽ phải trả lời các câu hỏi xem ông có biết về chuyện nghe lén hay cho phép thực hiện việc đó hay không. Việc Andy Coulson bị bắt là một cú sốc lớn không chỉ cho ông Murdoch mà cho cả Chính phủ Anh và Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron. Vị thủ tướng này luôn lên tiếng bảo đảm về sự chính trực của ông Coulson và nói ông tin ông Coulson không làm gì sai trái.

Theo tờ New York Times, NoW đã trả các khoản tiền cho cảnh sát, lên tới sáu con số, để mua tin – việc làm mà báo chí lá cải vẫn thực hiện (dù xét về luật là không hợp pháp) và cũng để có các tài liệu mật mà cảnh sát đang giữ.

Tranh cãi trong giới báo chí

Nhà báo lâu năm Chris Elliott của tờ The Guardian cho rằng vụ bê bối nghe lén khiến đóng cửa NoW là việc “gây choáng váng”. Với kinh nghiệm 40 năm, ông không ngạc nhiên về chuyện báo chí nghe lén điện thoại của những người nổi tiếng, các chính trị gia, nhưng nghe lén cả điện thoại của nạn nhân các vụ khủng bố, của gia đình các binh sĩ Anh đã hi sinh ở Iraq hay Afghanistan là điều khiến người ta phải xem lại về nghề nghiệp.

Uỷ ban xử lý các phàn nàn về báo chí Anh (PCC) – cơ quan hoạt động độc lập tiếp nhận các đơn thư phàn nàn của độc giả về thông tin trên báo chí – có thể sẽ phải xem lại cách hoạt động của mình. “Với giới phóng viên, vụ bê bối nghe lén của NoW đã trở thành thời khắc của sự thật. Nó cho thấy các áp lực thương mại từ web và từ bên trong các tập đoàn lớn đã bóp méo đạo đức đến mức nào” – Simon Jenkins của tờ Guardian nhận định.

Bài bình luận trên tờ The Independent ngày 7-7 với tiêu đề “Không phải tất cả tờ báo đều như vậy” nêu rõ: “Hầu hết các nhà báo và các tờ báo đều biết sự khác biệt giữa đạo đức và vô đạo đức, hợp pháp và phi pháp. Hầu hết đều đứng ở bên đúng đắn”.

Cái giá NoW phải trả đã rõ, nhưng không thể phủ nhận một cách làm báo năng động mà NoW đã thực hiện – vốn là lý do để tờ báo này tồn tại gần 200 năm qua. Cây bút Andrew Gilligan bình luận trên Guardian về cái chết của tờ báo có lượng phát hành lớn nhất thế giới này như sau: “Tờ báo được người ta nhắc tới ở khắp mọi nơi với thái độ vừa chê bai, chỉ trích vừa bất mãn, vừa sợ hãi vừa lôi những gì viết trên đó ra làm trò đùa. Và dù công chúng không còn sợ hãi NoW nữa, họ cũng nên được nhắc về một nỗi sợ hãi khác mà đôi khi họ không để ý tới. Đó là báo chí hiếm khi được yêu quý và nâng niu. Chức năng của báo chí là một trong những bộ phận giám sát xã hội, ngăn chặn, hạn chế sự lạm dụng quyền lực của những thế lực có khả năng đàn áp những người thấp cổ bé họng, không được chú ý tới”.

Nhà báo lão luyện Alastair Campbell – người được biết đến như giám đốc truyền thông và chiến lược cho thủ tướng Tony Blair từ năm 1997-2003 – đã lên tiếng đòi điều tra công khai ở tất cả các tờ báo, để dẫn tới sự ra đời của hệ thống quy định khác đối với báo chí Anh. Đồng tình quan điểm này, ông Ed Milband, lãnh đạo Công Đảng, cho rằng NoW đóng cửa cũng không giải quyết được vấn đề thật sự. Ông gọi PCC là “chó không răng” và nhấn mạnh cần có một cơ quan mới, với quyền lực điều tra thích hợp vì PCC hiện hoạt động theo dạng “tự điều tiết theo các quy định tự đưa ra”, trong khi báo chí đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin của công chúng.

Đáp lại, bình luận của Gilligan cho rằng mười năm qua, ông Campbell chỉ trích văn hoá báo chí Anh không phải vì nó xâm phạm sự tự do của mỗi người, mà chỉ vì các tờ báo đã quá “không tốt” với những nhân vật được coi là “đầy tớ của nhân dân” như bản thân ông. Thực tế không phải tất cả các tờ báo đều giống như NoW, mỗi tờ có những mục tiêu và cách hành xử khác nhau. Và thanh danh của hầu hết các tờ báo đều không nên bị làm hoen ố bởi những gì đang xảy ra với NoW vì đa số nhà báo không hành xử như tại NoW. Về việc trả tiền mua tin như NoW, Gilligan nhận định nếu tờ Daily Telegraph không trả tiền cho nguồn tin của mình thì công chúng không thể biết về cách chi tiêu “vung tay quá trán” tiền thuế của dân của các vị nghị sĩ như vừa qua.

Các nhà báo Anh cũng đồng tình với Gilligan khi cho rằng điều nguy hiểm hiện nay với báo chí Anh là lấy cớ công luận tức giận về các vụ nghe lén để biến thành cơ hội làm ra “một hệ thống luật lệ mới và khác”, khiến báo chí càng khó lấy tin tức hơn vì bị ràng buộc nhiều hơn. Các bên đều sai, trong đó có cảnh sát (biết sai mà không thực thi pháp luật), hệ thống chính trị và bản thân mỗi phóng viên. Báo chí chân thật và đúng đắn cần được bảo vệ và được hoạt động tự do hơn.

Tờ Toronto Star viết đưa tin vì lợi ích của cộng đồng được xem là xương sống của mô hình báo chí trách nhiệm, đặc biệt báo chí điều tra buộc những người lãnh đạo phải giải trình, phải công khai và cung cấp các thông tin cần thiết cho công dân. Tờ này đã cập nhật Cẩm nang tiêu chuẩn đạo đức của toà soạn với lời nhấn mạnh: “Chính xác, công bằng và chất lượng từ lâu đã là những điều vô cùng quan trọng trong một tổ chức như Toronto Star – và chưa bao giờ quan trọng như hiện nay, trong thế giới kỹ thuật số”. Báo chí tự do luôn đi kèm với trách nhiệm.

Tờ Daily Mail lên tiếng than khóc về sự mất đi của một tờ báo: “Trong xã hội tôn trọng sự khác biệt, một tờ báo đóng cửa đồng nghĩa với một tiếng nói biến mất và nền dân chủ bị thụt lùi”. Tờ báo này gợi ý giờ là lúc ngành báo chí phải đứng cạnh nhau để đảm bảo không còn những vụ bê bối đó xảy ra nữa. Daily Mail cho rằng cần phải nhắc với người Anh rằng một nền báo chí tự do hay thương mại hoá ít ra có một điểm tích cực ở chỗ: đem lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói trong xã hội và giúp họ không bị những người giàu có, thế lực lấn át và lạm dụng. Daily Mail nhấn mạnh: không nên để quyền lực tập trung vào tay một cá nhân như Murdoch nữa.