23/12/2024

Tường thuật Thánh lễ kính hai Thánh Phêrô – Phaolô và trao dây Pallium cho 45 tổng giám mục thuộc 25 quốc gia

VATICAN – Lúc 9:30 sáng 29-6, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô, mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô, Bổn mạng Giáo hội Rôma, và trao dây Pallium cho 45 tổng giám mục trên thế giới.

 

Tường thuật Thánh lễ kính hai Thánh Phêrô – Phaolô và trao dây Pallium cho 45 tổng giám mục thuộc 25 quốc gia 

 


VATICAN – Lúc 9:30 sáng 29-6, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chủ sự Thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô, mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô, Bổn mạng Giáo hội Rôma, và trao dây Pallium cho 45 tổng giám mục trên thế giới. 

Cùng đồng tế thánh lễ đã có hàng chục hồng y và 41 tổng giám mục nhận dây Pallium do Đức Thánh Cha trao, Đức ông Georg Ratzinger bào huynh và một vài linh mục cùng lớp với Đức Thánh Cha. Các vị tổng giám mục đến từ 25 quốc gia, trong đó có 6 vị người Brasil, 4 vị người Mỹ và 4 vị người Colombia. Từ Á châu có 2 vị người Philippines, 2 vị người Ấn Độ và 1 vị người Đại Hàn. Ngoài ra, có 4 vị tổng giám mục vắng mặt sẽ nhận dây Pallium tại trụ sở giáo phận liên hệ. 

Tham dự Thánh lễ có phài đoàn đại diện Giáo hội Chính thống Costantinopoli, đông đảo các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh và 10.000 tín hữu, trong đó cũng có thân nhân các tổng giám mục nhận dây Pallium và phái đoàn của một số tổng giáo phận liên hệ. 

Dây Pallium được làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen và hai dải ngắn phía trước và phía sau cổ. Lông chiên dùng để dệt các dây Pallium được lấy từ các con chiên do các tu sĩ thuộc một tu viện tại Giáo xứ Thánh Anê trên đường Nomentana ở Rôma nuôi, rồi giao cho các nữ tu Biển Đức thuộc Tu viện Thánh Cecilia gần Vatican tiếp tục nuôi và xén lông để dệt các dây Pallium. Dây Pallium biểu hiệu cho sự hiệp nhất giữa các vị tổng giám mục các giáo đoàn năm châu với Toà Thánh Phêrô. 

Giảng trong Thánh lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô, cũng là dịp Lễ Ngọc 60 năm linh mục của mình, Đức Thánh Cha đã nêu bật nòng cốt ơn gọi linh mục là sống tình bạn và sự hiệp nhất với Chúa Kitô, để sinh nhiều hoa trái trong sứ mệnh rao truyền Tin Mừng, linh mục cũng là rượu tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại và trần gian. 

Nhắc lại các tâm tình của ngài trong Thánh lễ Truyền chức, Đức Thánh Cha nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu” (x. Ga 15,15). 60 năm đã trôi qua kể từ ngày thụ phong linh mục, nhưng tôi vẫn còn nghe vang lên trong tim các lời này của Chúa Giêsu, mà Đức Hồng y Faulhaber, vị Tổng Giám mục lớn của chúng tôi với giọng hơi yếu nhưng vững vàng, nói với các tân linh mục vào cuối lễ truyền chức. Theo trật tự phụng vụ thời đó, các lời này có nghĩa công khai trao cho các linh mục quyền tha tội… Trong lúc đó, tôi ý thức sâu xa rằng chính Chúa đang nói với riêng tôi. Trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, Chúa đã kéo chúng ta tới với Người, và đón nhận chúng ta vào gia đình của Thiên Chúa. Nhưng còn hơn thế nữa, trong lúc thụ phong linh mục, Người gọi tôi là bạn và tiếp nhận tôi vào hàng ngũ những vị hiện diện trong Nhà Tiệc Ly, và trao cho tôi quyền làm những gì mà chỉ có Người là Con Thiên Chúa mới có thể nói và làm một cách hợp pháp. Và điều này khiến cho tôi lo sợ. Người muốn tôi nói lên lời Người nói: “Ta tha tội cho con”. Đàng sau lời đó là Cuộc Khổ Nạn của Người vì tôi và cho tôi. Ơn tha thứ có giá trả là cuộc Khổ Nạn. Chúa đã xuống trong vực sâu đen tối bẩn thỉu của tội lỗi chúng ta. Người đã xuống trong đêm đen lỗi lầm của chúng ta, và chỉ như thế nó mới có thế được biến đổi… Người tâm sự với tôi: “Không phải là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”. Người trao ban cho tôi các lời Truyền Phép trong Thánh Thể. Người coi tôi có khả năng loan báo Lời Người, giải thích nó cách đúng đắn và đem nó tới cho con người ngày nay. 

Tiếp đến, Đức Thánh Cha quang diễn ý nghĩa lời ấy của Chúa: “Không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu”: lời này chứa đựng toàn chương trình của một cuộc đời linh mục. Tình bạn thực sự là gì? “Idem velle, idem nolle” – muốn cùng các điều như nhau, không muốn cùng các điều như nhau – người xưa nói thế. Tình bạn là một sự hiệp thông tư tưởng và ý muốn. Và Chúa nhấn mạnh điều đó với chúng ta: “Ta biết các chiên của Ta và các chiên của Ta biết Ta” (x. Ga 10,14). Mục Tử gọi tên các con chiên của mình (x. Ga 10,3)… Tình bạn mà Chúa ban cho tôi không thể chỉ có nghĩa là tôi cũng phải tìm ngày càng hiểu biết Chúa hơn; mà còn hơn thế nữa, nó còn có nghĩa rằng trong Thánh Kinh, trong các Bí tích, trong gặp gỡ cầu nguyện, trong sự hiệp thông của các Thánh, trong các người đến gần tôi và Chúa gửi tới với tôi, tôi phải ngày càng tìm hiểu biết chính Chúa hơn. Tình bạn không chỉ là sự hiểu biết, mà còn là sự hiệp thông ý muốn. Nó có nghĩa là ý chí của tôi lớn lên hướng về chỗ thưa “vâng” với ý muốn của Người… Trong tình bạn, ý muốn của tôi hiệp nhất với ý muốn của Chúa, ý muốn của Chúa trở thành ý muốn của tôi, và như thế tôi trở thành chính mình. Ngoài sự hiệp thông tư tưởng và ý muốn, Chúa còn nhắc đến một yếu tố mới mẻ thứ ba nữa: Người ban sự sống của Người cho chúng ta (x. Ga 15,13; 10,15). 

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói rằng lời Chúa Giêsu nói về tình bạn ở trong diễn từ về cây nho. Người gắn liền hình ảnh cây nho với nhiệm vụ trao cho các môn đệ: “Thầy đã cắt cử các con để các con ra đi và mang nhiều hoa trái, và hoa trái của các con tồn tại” (Ga 15,16). Bổn phận đầu tiên của các môn đệ bạn hữu của Chúa là lên đường, ra khỏi chính mình và đi đến với tha nhân. Chúng ta có thể nghe thấy lời Thánh Mátthêu kết thúc Phúc Âm: “Các con hãy ra đi giảng dạy cho muôn dân… ” (Mt 28,19 tt). Chúa khích lệ chúng ta thắng vượt các biên giới của môi trường mà chúng ta sống, để đem Tin Mừng vào trong thế giới của những người khác, để Tin Mừng thấm nhập tất cả, và như vậy thế giới rộng mở cho Nước Thiên Chúa. Điều này nhắc nhớ chúng ta rằng chính Chúa cũng đã ra khỏi chính Người, đã từ bỏ vinh quang của Người để kiếm tìm chúng ta, để đem ánh sáng của Người đến cho chúng ta. Nhưng đâu là hoa trái mà Chúa chờ đợi nơi chúng ta? Đâu là hoa trái tồn tại? Đó là trái của cây nho mà người ta làm ra rượu. Để nho ngon có thể chín, cần có mặt trời và mưa, ngày và đêm. Để có rượu quý, cần phải đạp giập trái nho, kiên nhẫn chờ nho lên men, và săn sóc cho nho chín. Rượu ngon không phải chỉ có vị ngọt, mà còn có các hương vị khác nhau phát triển trong các tiến trình chín tới và lên men. Đây là một hình ảnh của cuộc sống con người, đặc biệt là cuộc sống linh mục của chúng ta. Chúng ta cần mặt trời và mưa, sự thanh thản và các khó khăn, các chặng của sự thanh tẩy và thử thách, cũng như thời gian bước đi tươi vui với tin Mừng… Rượu là hình ảnh của tình yêu; đó là hoa trái thực sự tồn tại, là điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Nhưng cũng không được quên rằng trong Thánh Kinh Cựu Ước rượu từ nho quý cũng là hình ảnh của công lý, phát triển trong một cuộc sống theo lề luật của Thiên Chúa. Mà tổng hợp nội dung đích thực của Luật Lệ là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Nhưng tình yêu hai chiều đó không phải là một cái gì dịu ngọt, nó chất chứa sự kiên nhẫn, lòng khiêm tốn, sự trưởng thành trong việc đào tạo và đồng hoá ý muốn của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ như thế tình yêu của chúng ta mới đích thực và là hoa trái tồn tại. Sự đòi hỏi nội tại của nó, lòng trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội Người luôn đòi buộc được thực hiện cả trong khổ đau… Yêu có nghĩa là phó thác, tận hiến, mang dấu ấn của thập giá trong chính mình. 

Hướng tới các tổng giám mục sẽ nhận dây Pallium, Đức Thánh Cha nêu bật ý nghĩa của dây Pallium: Dây này trước hết có thể nhắc cho chúng ta nhớ đến ách êm dịu của Chúa Kitô được đặt trên vai chúng ta (x. Mt 11,29tt). Ách của Chúa Kitô giống y như tình bạn của Người. Đó là một ách tình bạn, vì thế là một “ách êm dịu”, nhưng cũng chính vì vậy mà nó cũng là một ách đòi hỏi và uốn nắn chúng ta. Đó là ách ý muốn của Người, là một ý muốn của sự thật và tình yêu thương. Như thế, đối với chúng ta trước hết đó là ách dẫn đưa người khác bước vào trong tình bạn với Chúa Kitô và hoàn toàn sẵn sàng đối với tha nhân và trở thành mục tử săn sóc họ. Dây Pallium làm bằng lông chiên con được làm phép ngày lễ Thánh Anê. Nó nhắc chúng ta nhớ tới Vị Mục Tử trở thành Chiên Con vì tình yêu đối với chúng ta. Nó nhắc chúng ta nhớ Chúa Kitô bước đi trên núi đồi và trong sa mạc, trong đó chiên con của Người là nhân loại đã bị lạc. Nó nhắc chúng ta nhớ Người đã cầm lấy chiên con nhân loại ấy và vác lên vai để đưa trở về. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng, như là các chủ chăn phục vụ Người, chúng ta cũng phải vác các người khác trên vai như vậy, và đem họ tới với Chúa Kitô. Nó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta cũng có thể là các mục tử của đoàn chiên, đoàn chiên luôn là của Người chứ không trở thành đoàn chiên của chúng ta. Sau cùng, dây Pallium có một nghĩa hết sức cụ thể: nó diễn tả sự hiệp thông của các Chủ Chăn của Giáo Hội với Thánh Phêrô và các người kế vị. 

Tiếp đến là lễ nghi trao dây Pallium. Vị Hồng y trưởng đẳng phó tế giới thiệu các vị tổng giám mục lên Đức Thánh Cha. Từng vị một xướng tên mình và tổng giáo phận rồi đọc lời thề “sẽ luôn luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, vâng phục Giáo hội Rôma thánh thiện tông truyền, và vâng phục Đức Giáo Hoàng và các người kế vị”. 

Đức Thánh Cha đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium mà các phó tế đã đưa tới trước bàn thờ Tuyên xưng Đức tin. Ngài xin Thiên Chúa là Mục Tử đời đời của các linh hồn, đã được mời gọi trở thành chiên thuộc đoàn chiên bởi Chúa Giêsu Kitô Con Người, Đấng đã giao phó quyền cai quản cho Thánh Phêrô và các người kế vị, chúc lành và ban ơn thánh cho các dây Pallium được chọn làm dấu chỉ thực tại săn sóc mục vụ. Qua công nghiệp và lời bầu cử của hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô, xin Chúa nhận lời cầu cho các chủ chăn mang dây Pallium này tự nhận biết mình như chủ chăn của đoàn chiên Chúa và thi hành chức vụ ấy trong cuộc sống. Xin cho các vị mang lấy ách Tin Mừng trên vai, ách êm ái nhẹ nhàng để các vị đi trước làm gương cho người khác trong con đường của các giới răn Chúa, nêu gương kiên trì trung thành cho tới khi được vào đồng cỏ vĩnh cửu của Nước Chúa. 

Sau đó, Đức Thánh Cha đọc công thức trao dây Pallium, rồi từng vị tổng giám mục tiến lên trước Đức Thánh Cha để ngài quàng dây Pallium. Trong phần dâng của lễ, có một cặp vợ chồng, hai nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, trong đó có chị Bé Sáu người Việt, một gia đình gồm cha mẹ và 3 người con. Trong phần Hiệp lễ, 50 linh mục đã giúp Đức Thánh Cha phân phát Mình Thánh Chúa cho giáo dân. 

Thánh lễ đã kết thúc lúc hơn 12 giờ trưa. Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn nhắc tới lễ kính hai Tông đồ Bổn mạng Giáo hội Rôma, ngài nói: Chứng tá tình yêu và sự trung thành của hai Thánh Phêrô – Phaolô soi chiếu các chủ chăn của Giáo Hội để dẫn đưa con người tới chân lý, đào tạo họ trong niềm tin nơi Chúa Kitô. Đặc biệt Thánh Phêrô diễn tả sự hiệp nhất của Tông đồ đoàn. Đó cũng là ý nghĩa của lễ nghi trao dây Pallium cho cho 41 tổng giám mục, biểu lộ sự hiệp thông với Giám mục Rôma trong sứ mệnh hướng dẫn dân Chúa tới ơn cứu độ… Chính đức tin đã do Thánh Phêrô tuyên xưng làm thành nền tảng của Giáo Hội. Quyền tối thượng của Thánh Phêrô là do sự ưu ái của Thiên Chúa, cũng như ơn gọi linh mục. 

Chúa Giêsu đã nói với thánh nhân: “Không phải phàm nhân đã mặc khải cho con điều đó, nhưng là Cha Thầy ở trên trời đã mặc khải cho con” (Mt 16,17). Điều này cũng xảy ra đối với người quyết định đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, với toàn cuộc sống của mình. Tôi thích nhớ tới ngày kỷ niệm 60 năm thu phong linh mục của tôi. Xin cám ơn sự hiện diện và các lời cầu nguyện của anh chị em. Tôi biết ơn anh chị em và đặc biệt biết ơn Chúa vì ơn gọi và chức thừa tác Người đã trao phó cho tôi. Và tôi xin cám ơn những ai trong dịp này đã biểu lộ sự gần gũi và nâng đỡ sứ mệnh của tôi bằng lời cầu nguyện, không ngừng dâng lên Thiên Chúa từ mọi giáo đoàn (x. Cv 12,5). 

Trong bầu khí này, tôi cũng xin gửi lời chào Phái đoàn của Toà Thượng phụ Chính thống Constantinopoli, đang hiện diện tại Rôma theo thói quen ý nghĩa, để tôn kính hai Thánh Phêrô – Phaolô và cùng tôi chia sẻ ước mong cho sự hiệp nhất các Kitô hữu do Chúa muốn. Sau đó, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người và chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.