19/09/2024

Đường cao tốc: Tai nạn thường xảy ra ban đêm

Theo Trung tâm Quản lý Đường Cao tốc TP.HCM – Trung Lương, từ khi đi vào khai thác (tháng 2-2010) đến nay đã có 5.000 sự cố liên quan đến ôtô khi chạy trên đường này, bình quân 7 vụ/ngày

Đường cao tốc: Tai nạn thường xảy ra ban đêm

Tại Việt Nam hiện chỉ có đường TP.HCM – Trung Lương là đạt tiêu chuẩn cao tốc. Mới đưa vào khai thác 15 tháng, tại đường cao tốc này đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng lưu ý, nhất là vụ tai nạn thảm khốc làm tám người chết và 10 người bị thương rạng sáng 13-6.

Theo Trung tâm Quản lý Đường Cao tốc TP.HCM – Trung Lương, từ khi đi vào khai thác (tháng 2-2010) đến nay đã có 5.000 sự cố liên quan đến ôtô khi chạy trên đường này, bình quân 7 vụ/ngày, trong đó có khoảng 2.000 vụ nổ vỏ xe và 3.000 vụ xe chết máy, hơn 40 vụ xe lấn tuyến va chạm gây tai nạn giao thông. Vụ tai nạn do nổ vỏ xe hôm 13-6 được coi là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất.

Theo tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, đã xác định được tên tuổi hai nạn nhân cuối cùng của vụ tai nạn thảm khốc trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương tử vong. Đó là ông Hồ Thanh Long (56 tuổi) và cháu Nguyễn Chí Nguyên (5 tuổi). Những nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn này hiện vẫn đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Chợ Rẫy.T.Dương

7 vụ tai nạn, 20 người chết

Theo cơ quan chức năng, sau gần một năm rưỡi đưa vào khai thác, trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã xảy ra bảy vụ tai nạn giao thông làm 20 người chết và hàng chục người bị thương (kể cả vụ tai nạn ngày 13-6). Phần lớn các vụ tai nạn đều xảy ra ban đêm, đa số do nổ vỏ xe, xe chạy quá tốc độ, xe chạy không giữ đúng khoảng cách quy định, lái xe ngủ gật…

Vụ tai nạn đầu tiên trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương xảy ra ngày 5-2-2010. Cụ thể, một xe tải bị lật ngay khúc cua tại km49 thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Nguyên nhân do xe này chở quá tải, va vào rào chắn bên vệ đường, sau đó bị lật giữa làn đường cao tốc.

Vụ tai nạn làm chết người đầu tiên trên đường cao tốc này xảy ra lúc 5g ngày 15-3-2010, hai ôtô lưu thông hướng từ TP.HCM về Trung Lương đã tông vào nhau khiến một người chết tại chỗ. Nguyên nhân được xác định do một trong hai xe trên chạy với tốc độ quá cao, vượt không đúng quy định.

Ngoài vụ tai nạn do sự cố nổ vỏ xe hôm 13-6-2011, một vụ tai nạn khác cũng liên quan tới nổ vỏ xe xảy ra tối 7-6. Theo đó, một xe tải từ TP.HCM đi Tiền Giang tới khúc cua tại km49 (nơi xảy ra vụ tai nạn đầu tiên) thì bị nổ vỏ. Xe đậu ngay làn đường có tốc độ tối đa 80km/giờ, tài xế không đặt biển báo phía trước và phía sau xe như quy định. Một xe tải khác đã tông vào xe này khiến cabin xe phía sau bẹp dúm, tài xế tử vong.

Chưa có quy chế cụ thể

Một cán bộ của Bộ GTVT cho biết dù đã có quy hoạch rất cụ thể trong đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc nhưng đến nay Việt Nam chưa có một cơ chế rõ ràng trong việc quản lý và khai thác các tuyến đường cao tốc, mọi việc vẫn đang ở bước triển khai thực hiện.

Ngoài việc quy định tốc độ chung trên đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng, đến nay các tuyến đường cao tốc như TP.HCM – Trung Lương hay đại lộ Thăng Long vẫn khai thác theo quy chế tạm thời.

Thượng tá Trần Sơn – phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông Cục CSGT đường bộ – đường sắt (Bộ Công an) – cho biết để hạn chế tai nạn trên đường cao tốc, luật yêu cầu lái xe phải tuân thủ các quy định cao hơn ngoài các quy định chung. Các cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện tổ chức giao thông, đồng thời phải tuyên truyền để người dân biết quy tắc giao thông cũng như quy định riêng của tuyến đường cao tốc hoặc cận cao tốc.

 T.PHÙNG

Liên quan đến các vụ tai nạn hoặc sự cố nổ vỏ xe khi chạy trên đường cao tốc, ông Lê Văn Ngoạn – phó giám đốc Trung tâm quản lý đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – cho rằng cơ quan kiểm định đã khẳng định công nghệ làm đường cao tốc không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nổ vỏ xe như cánh tài xế vẫn đổ thừa.

Ông Ngoạn nói: “Xe chạy với tốc độ 100km/giờ trở lên suốt gần một tiếng đồng hồ thì đương nhiên vỏ xe bị nóng và nếu vỏ xe không đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, áp suất hoặc chở quá tải thì sẽ bị nổ”. Ông Ngoạn giải thích: quốc lộ quy định tốc độ tối đa 80km/giờ nhưng xe thường xuyên vào khu vực đông dân cư nên chỉ chạy được 50km/giờ và còn phải dừng đèn đỏ nữa nên vỏ xe không ma sát nhiều, có thời gian nghỉ nên khó bị nổ vỏ xe như trên đường cao tốc.

Những điều cần lưu ý khi đi trên đường cao tốc

Theo ông Nguyễn Huy Thao – giám đốc Trung tâm Quản lý đường cao tốc, người lái ôtô trên đường cao tốc cần chạy xe trên làn đường đúng với tốc độ quy định. Cụ thể, ở làn sát với dải phân cách ở giữa xe được chạy với tốc độ 100km/giờ và ở làn bên cạnh xe được chạy với tốc độ 80km/giờ, xe chạy trên làn 100km phải giữ khoảng cách tối thiểu 100m, chạy xe trên làn 80km phải giữ khoảng cách tối thiểu 50m.

Trường hợp có trời mưa mà tầm nhìn từ 100m đến dưới 200m xe chỉ được chạy với tốc độ 60km/giờ, trường hợp trời mưa mà tầm nhìn từ 50m đến dưới 100m xe được chạy với tốc độ 50km/giờ, còn trời mưa có tầm nhìn dưới 50m xe được chạy với tốc độ 30km/giờ.

Đề cập các vụ tai nạn do nổ vỏ xe, ông Thao cho rằng các xe chở hàng phải đảm bảo đúng tải trọng thiết kế, trước khi đưa xe vào đường cao tốc, tài xế phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe như xăng dầu, vỏ xe, két nước… Nếu thấy xe chưa bảo đảm, chủ xe cần cho xe chuyển sang đi trên quốc lộ 1. Ông Thao nhấn mạnh phần lớn vụ tai nạn trên đường cao tốc đều xảy ra ban đêm, các doanh nghiệp nên bố trí các lái xe có đủ điều kiện về sức khỏe, đặc biệt không để lái xe ngủ gật.

Một CSGT thuộc Công an TP.HCM cho biết các vụ tai nạn trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương thường xảy ra rạng sáng và đêm khuya. “Đó là thời gian cơ thể thường mệt mỏi và tầm nhìn giảm nên các tài xế phải đặc biệt lưu ý. Khi gặp sự cố nổ vỏ xe hoặc chết máy, tài xế cần bật đèn tín hiệu để cảnh báo các xe đi cùng làn đường với mình” – vị CSGT lưu ý.

Hiện CSGT đã tổ chức bắn tốc độ trên đường cao tốc nhưng thực tế cho thấy nhiều xe vẫn chạy quá tốc độ. Theo cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, dự kiến cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012 sẽ lắp đặt hệ thống hướng dẫn điện tử lưu thông trên đường cao tốc, trong đó sẽ lắp đặt hệ thống camera. Theo đó, các camera và các thiết bị điện tử sẽ ghi nhận xe chạy quá tốc độ hoặc không đúng khoảng cách, khi ra khỏi đường cao tốc thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt.

Lún sụt trên đường cao tốc

Trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đoạn nối từ Tân Tạo đến Chợ Đệm (trước khi vào đường cao tốc chính) dài 9,7km có nhiều chỗ bị lún sụt, nhất là những đoạn băng qua cầu và cống. Tại khu vực cầu kênh số 7 (hướng từ Long An về TP.HCM) và cầu kênh số 8 (hướng từ TP.HCM về Long An) mặt đường lún sụt rất nặng, giữa cầu kênh số 7 còn có một ổ gà đường kính 0,5m.

Tương tự, tuyến đường nối vào đường cao tốc từ nút giao Bình Thuận (giao lộ Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1A) đến Chợ Đệm dài 2,2km mới đưa vào sử dụng trước tết 2011 có vài ba đoạn bị lún. Theo cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), do TP.HCM có yêu cầu thông xe trước tết nên cấp thẩm quyền chấp thuận cho xe lưu thông tạm thời trên đoạn đường này dù đường chưa được gia tải đầy đủ. Ban quản lý đã gắn bảng báo hiệu “đường cho lưu thông tạm thời và đang theo dõi lún”.

Trên tuyến đường cao tốc chính từ Chợ Đệm đến Trung Lương dài gần 40km, mặt đường tương đối êm. Tuy nhiên, ở km28 hướng từ TP.HCM về Tiền Giang, chúng tôi ghi nhận mặt đường bị bong tróc với một số ổ gà có đường kính khoảng 10cm và sâu 5-7cm. Cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết đang chuẩn bị sửa chữa những đoạn ổ gà này, sau đó sẽ sửa chữa lún trên các đường nối vào đường cao tốc.

N.ẨN – B.SƠN