23/11/2024

Chúng ta kêu mời Mẹ hãy mừng vui lên

Trong Đêm Vọng Phục Sinh thật long trọng, bài ca Alleluia, là từ Hybá mà ai cũng đều biết có nghĩa là “hãy ca tụng Chúa“, một lần nữa lại vang vọng lên sau những ngày Chay Tịnh. Trong suốt Mùa Phục Sinh, lời mời gọi ca ngợi này được chuyền từ môi miệng người này đến môi miệng người khác, từ quả tim người này đến quả tim người kia.

 

Chúng ta kêu mời Mẹ hãy mừng vui lên
 
Bài nói chuyện giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Tại Dinh Tông Toà Castelgandolfo
Thứ Hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh, 24/3/2008
 
 
Anh chị em thân mến!
 
Trong Đêm Vọng Phục Sinh thật long trọng, bài ca Alleluia, là từ Hybá mà ai cũng đều biết có nghĩa là “hãy ca tụng Chúa“, một lần nữa lại vang vọng lên sau những ngày Chay Tịnh. Trong suốt Mùa Phục Sinh, lời mời gọi ca ngợi này được chuyền từ môi miệng người này đến môi miệng người khác, từ quả tim người này đến quả tim người kia. Lời ca ngợi ấy âm vang từ một biến cố vô cùng mới mẻ, đó là cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Tiếng ca Alleluia được xuất phát từ tâm hồn những người môn đệ tiên khởi, đàn ông cũng như đàn bà, vào buổi sáng Phục Sinh, tại Giêrusalem… Hình như chúng ta đều nghe tiếng của họ: tiếng của chị Maria Mađalêna là người đầu tiên được thấy Chúa trong khu vườn, gấn đồi Canve; tiếng của những chị em phụ nữ gặp thấy Người, đang khi họ chạy đi báo tin cho các môn đệ biết về ngôi mộ trống, lòng đầy sợ hãi, nhưng lại cảm thấy hạnh phúc; tiếng của hai môn đệ trên đường đi Emmau, gương mặt u buồn, và ngay buổi chiều hôm đó, đã quay trở lại Giêrusalem, lòng đầy vui mừng vì được nghe Đức Giêsu nói và đã nhận ra Người “theo cách Người bẻ bánh“; tiếng của mười một Tông Đồ, cũng vào buổi chiều hôm ấy, đã thấy Người hiện ra đứng giữa họ, trong phòng Tiệc ly, chỉ cho họ thấy những vết đinh đóng, lưỡi đòng đâm thâu và nói với họ: “Bình an cho các con!“ Cái kinh nghiệm này đã viết lên một lần thay cho tất cả bài ca Alleluia trong tâm hồn của Giáo Hội! Cũng như trong tâm hồn của chúng ta.
 
Cũng từ kinh nghiệm này, chúng ta lại thấy lời kinh mà chúng ta đọc trong ngày hôm nay, cũng như mỗi ngày trong Mùa Phục Sinh: Lời Knh Regina caeli, Lạy Nữ Vương thiên đàng, thay thế cho lời Kinh Angelus, Kinh Truyền Tin. Bản văn thay thế Kinh Angelus, đọc trong những tuần lễ này, thì ngắn gọn, dưới hình thức một lời loan báo: như thể đó là một lời “truyền tin“ mới cho Đức Maria, lần này không phải do một sứ thần truyền tin, mà là do chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta mời gọi Mẹ mừng vui lên, vì người Con mà Mẹ cưu mang trong dạ nay đã phục sinh như lời Người đã hứa. Thật thế, “Mừng vui lên” đã là lời đầu tiên mà vị sứ giả thiên đình ngỏ lời với Đức Trinh Nữ tại Nazareth. Và đây là ý nghĩa của câu nói ấy: lạy Đức Maria, xin hãy mừng vui lên, vì Con Thiên Chúa đã đến làm người trong lòng Mẹ. Giờ đây, sau thảm kịch Thương Khó, lại vang lên một lời mời gọi hãy vui mừng: “Gaude et laetare, Virgo Maria, alleluia, quia surrexit Dominus vere, alleluia… Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, alleluia, vì Chúa đã sống lại thật, alleluia“.
 
Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy để cho bài ca alleluia phục sinh này in sâu trong lòng ta, để cho bài ca này không chỉ là một câu nói đọc lên trong một vài dịp bên ngoài nào đó, mà là cách biểu lộ của chính cuộc đời chúng ta: những con người hiện hữu mời gọi nhau ca ngợi Chúa, và ca ngợi Chúa với cách ăn nết ở của những con người đã được “phục sinh“. Chúng ta hãy thân thưa với Đức Maria: “Xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con“, để cho Đấng đã làm cho thế gian được vui mừng, khi cho Con của Người sống lại, cũng cho phép chúng ta được hưởng cùng một niềm vui ấy, bây giờ và mãi mãi, trong cuộc đời chúng ta hiện nay và trong cuộc sống vĩnh cửu.
 
Xin cám ơn anh chị em đã hiện diện thật vui vẻ trong ngày hôm nay.
 
 
Cuối giờ Kinh Lạy Nữ Vương
 
 
Buổi sáng sau Lễ Phục Sinh, ngày lễ chiếu soi cuộc đời Kitô hữu, và mang lại cho cuộc đời ta toàn bộ ý nghĩa của nó, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì tình Người yêu ta, và hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta có được một đức tin vào Đức Kitô ngày càng sâu xa hơn nữa.  Xin chúc tất cả anh chị em một Mùa Phục Sinh thánh thiện.
 
Khánh nhật cầu nguyện cho các thừa sai tử đạo mà chúng ta cử hành hôm nay, ngày 24/3 này, có một ý nghĩa đặc biệt dưới ánh sáng của Đức Kitô phục sinh. Tưởng nhờ và cầu nguyện cho những người anh chị em chúng ta – Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân -, đã qua đời trong năm 2007, khi các ngài đang thi hành công việc truyền giáo của mình, là một bổn phận biết ơn của toàn thể Hội Thánh, và là một lời mời gọi mỗi người trong chúng ta luôn làm chứng một cách can đảm hơn nữa cho đức tin và niềm trông cậy vào Đấng, mà trên Thập giá đã chiến thắng quyền lực của hận thù và vũ lực, bằng tình yêu đầy quyền năng của Người.
 
Hôm nay chúng ta cũng cử hành Ngày thế giới chống bệnh lao. Tôi đặc biệt gần gũi những bệnh nhân và gia đình của họ, và tôi cầu chúc cho công việc phòng chống tai ương này trên bình diện thế giới được phát triển. Tôi đặc biệt kêu gọi các cơ sở Công giáo hãy giúp đỡ những ai đang đau khổ vì cơn bệnh này, để họ có thể nhận ra Chúa Phục Sinh đang ban cho họ ơn chữa lành, sự an ủi và bình an, qua hành động bác ái của những cơ sở đó.
 
Tôi cầu chúc cho mỗi người và mọi người hưởng được ngày Thứ hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh trong an bình, ngày mà lời loan báo tin mừng Phục Sinh vang lên một cách mãnh liệt trong tâm hồn chúng ta. Mặc dầu ánh nắng mặt trời vào lúc này đây có vẻ chói chang trên đỉnh đầu chúng ta. Xin chúc mừng Lễ Phục Sinh vui vẻ và thánh thiện cho tất cả mọi người trong anh chị em. Xin cám ơn!
 
 
 
 
41. Giáo Hội biểu lộ Lòng Thương Xót Chúa
 
Bài nói chuyện giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Tại Dinh Tông Tòa Castelgandolfo
Chúa nhật kính Chúa Thương Xót, 30/3/2008
 
 
Anh chị em thân mến!
 
Trong NămThánh 2000, Đức Gioan Phaolô II, người tôi tớ Chúa, đã quyết định là trong toàn thể Giáo Hội, ngày Chúa nhật sau Lễ Phục Sinh không những chỉ được gọi là Chúa nhật in Albis – Chúa nhật Áo trắng-, mà còn được gọi là Chúa nhật Chúa Thương Xót. Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố như thế trong Lễ Phong thánh cho Chân phước Faustine Kowalska, là một nữ tu người Ba Lan, sinh năm 1905, và qua đời năm 1938, người là sứ giả nhiệt thành của Chúa Giêsu thương xót. Trong thực tế, lòng Chúa Thương Xót là tâm điểm của sứ điệp Tin Mừng, đây chính là tên của Thiên Chúa, là dung mạo, mà qua đó, Người đã mạc khải chính mình qua Cựu Ước, và đã mạc khải trọn vẹn qua Đức Giêsu Kitô, là Tình Yêu sáng tạo và Cứu chuộc nhập thể. Tình thương xót này cũng chiếu tỏa trên gương mặt của Giáo Hội, cũng như biểu lộ qua các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa giải, cũng như qua các việc làm bác ái, có tính cách cộng đồng cũng như cá nhân. Tất cả lời nói và việc làm của Giáo Hội điều biểu lộ Lòng Thương Xót Chúa đối với con người, và như thế, đối với chúng ta. Khi Giáo Hội phải nhắc lại một chân lý bị hiểu sai lạc, hay một việc thiện bị phủ nhận, thì Giáo Hội vẫn luôn hành động theo lòng thương xót, để cho mọi người có được sự sống và sống dồi dào (x.Ga 10, 10). Hòa bình đích thật trên thế giới, hòa bình giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau, đều phát xuất từ  tình yêu đầy lòng thương xót của Chúa, một tình yêu mang lại an bình cho các tâm hồn.
 
Cũng như nữ tu Faustine, Đức Gioan Phaolô II cũng là vị tông đồ rao giảng Lòng Chúa Thương Xót. Đức Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, vào buổi chiều thứ bảy 2/4/2005 đáng ghi nhớ, vì là ngày áp Chúa nhật II Phục Sinh, và nhiều người đã ghi nhận sự trùng hợp thật đặc biệt này, đó là ngày mà chiều kích Thánh Mẫu – ngày thứ bảy đầu tháng – lại kết hợp với chiều kích Lòng Chúa Thương Xót. Thật thế, chiều kích Lòng Chúa thương xót là tâm điểm của triều đại Giáo Hoàng thật dài và đa dạng của người; toàn bộ sứ mạng phục vụ chân lý về Thiên Chúa và con người, phục vụ hòa bình trên thế giới mà Đức Gioan Phaolô II đã đeo đuổi, đều được tóm tắt qua lời tuyên bố sau đây của người tại Cracovie-Lagiewniki năm 2002, dịp người khánh thành đại Giáo đường kính Lòng Chúa Thương Xót: “Không hề có một nguồn suối hy vọng nào cho con người ngoài Lòng Chúa Thương Xót“. Như thế, sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II, cũng như sứ điệp của Thánh nữ Faustine, cả hai đều quy về gương mặt của Đức Kitô, là sự mạc khải tối hậu về Lòng Thương Xót của Chúa. Luôn chiêm ngưỡng Dung Mạo này, đó là di sản mà Đức Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta, di sản mà chúng ta tiếp nhận với niềm vui vẻ và thừa nhận là của chúng ta.
 
Trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ đặc biệt suy nghĩ về Lòng Thương Xót của Chúa, nhân dịp Đại hội Tông Tòa thế giới lần I về Lòng Thương Xót của Chúa, sẽ được diễn ra tại Rôma, và nếu Chúa muốn, thì sẽ được khai mạc bằng một Thánh lễ do tôi chủ sự vào sáng thứ tư, 2/4, nhằm ngày giỗ ba năm của người tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II. Chúng ta hãy đặt Đại Hội dưới sự che chở từ trời cao của Rất Thánh Trinh Nữ Maria Mater Misericordiae – Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa -. Chúng ta phó dâng trong tay Mẹ đại cuộc hòa bình trên thế giới, để cho Lòng Thương Xót Chúa thực hiện điều mà tự sức riêng con người không thể làm được, và làm phát sinh trong các tâm hồn sự can đảm để đối thoại và hòa giải.
 
Cuối giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
 
Trước tiên, tôi xin được gởi lời chào thân tình đến đông đảo các khách hành hương đang tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, vào giờ phút này, đặc biệt là những ai đã tham dự Thánh lễ do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cử hành trong nhà thờ Santo Spirito ở Sassia, nhân ngày Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Anh chị em thân mến, ước gì Thánh nữ Faustine và người tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II cầu bàu cùng Chúa cho anh chị em trở nên những chứng nhân đích thật của Lòng Thương Xót Chúa. Ngày hôm nay tôi vui sướng giới thiệu với anh chị em một mẫu gương khác để bắt chước, đó là Mẹ Celestina Donati, Đấng sáng lập Dòng Figlie povere di San Giuseppe Calasanzio, Mẹ sẽ được tuyên phong Chân Phước trong ngày hôm nay tại Florence.
 
Nhân giờ kinh Thánh Mẫu Regina caeli, tôi xin chào anh chị em là những người khách hành hương nói tiếng Pháp, đặc biệt là các Nữ tu Dòng Thánh Giuse Hiện ra tại Syria, cũng như các bạn trẻ thuộc Trung tâm Madeleine de Rueil, và các học sinh trường Thánh Gioan de Passy đến Rôma để tuyên xưng đức tin. Qua kinh nguyện và đời sống Bí tích, ước gì anh chị em có thể chiêm ngưỡng Đấng Phục Sinh, Người đã mang lại cho chúng ta sự bình an sâu xa, và mạc khải cho ta gương mặt đầy Lòng Thương Xót của Cha chúng ta trên trời. Anh chị em hãy ở lại trong ánh sáng Phục Sinh, là nguồn mạch phát sinh niềm vui.
 
Tôi xin chào tất cả các khách hành hương và khách tham quan nói tiếng Anh đang hiện diện nơi đây, vào lúc này. Bài Phúc Âm ngày Chúa nhật hôm nay nhắc lại cho ta nhớ rằng, qua đức tin, chúng ta nhận ra Chúa phục sinh hiện diện trong lòng Giáo Hội, và nhờ Người, chúng ta lãnh nhận ân huệ Thánh Thần. Trong suốt Mùa Phục Sinh này, ước gì chúng ta gia tăng lòng ước ao làm chứng tá cho Tin Mừng của Đức Giêsu, Đấng đã kêu gọi chúng ta hưởng một cuộc sống bình an và vui mừng. Tôi khẩn nài Thiên Chúa ban cho tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, và cho gia đình anh chị em, những ơn lành hạnh phúc và khôn ngoan.
 
Trong ngày Chúa nhật Áo trắng này, tôi xin chào tất cả các khách hành hương và khách tham quan nói tiếng Đức đang hiện diện nơi đây, tại Castel Gandolfo này. Đức Giêsu, sau khi sống lại, đã ban toàn quyền tha tội cho các Tông đồ, giúpTông đồ Tôma tin vững mạnh, và mạc khải cho chúng ta Lòng Thương Xót của Chúa. Về phần chúng ta cũng thế, chúng ta hãy luôn tin tưởng vào quyền năng cứu độ xuất phát từ các vết thương của Đức Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu châu báu của Người. Ước gì Chúa ban cho anh chị em, anh chị em và gia đình anh chị em, một Mùa Phục Sinh đầy ân sủng.
 
Ngày hôm nay tôi trở về Rôma; chúng ta sẽ gặp lại nhau vào tháng bảy tới, nếu Chúa muốn. Tôi xin chúc cho tất cả anh chị em một tuần lễ tốt đẹp. Xin tạm biệt và chúc ngày Chúa nhật tốt đẹp.
G.B. Lưu Văn Lộc