Nước, ánh sáng và lửa hồng

Anh chị em thân mến, Trong bài diễn từ vĩnh biệt, Đức Giêsu đã dùng một câu nói bí nhiệm để tiên báo cái chết cận kề và sự phục sinh của Người cho các môn đệ: “Thầy ra đi và Thầy sẽ trở lại với các con“ (Ga 14, 28). Chết là ra đi. Ngay cả khi thân xác của người quá cố còn nằm đó – cá nhân người đó đã ra đi đến một nơi vô định, và chúng ta không thể nào theo họ đến đó được (x. Ga 13, 36). Còn trong trường hợp của Đức Giêsu, có một nét mới mẻ độc nhất vô nhị, và nét mới mẻ này làm thay đổi thế giới.

 

Nước, ánh sáng và lửa hồng
 
 
Bài giảng Lễ Vọng Phục Sinh
Tại Vương cung Thánh đường Vatican
Thứ Bảy Tuần Thánh, 22/3/2008
 
 
Anh chị em thân mến,
 
Trong bài diễn từ vĩnh biệt, Đức Giêsu đã dùng một câu nói bí nhiệm để tiên báo cái chết cận kề và sự phục sinh của Người cho các môn đệ: “Thầy ra đi và Thầy sẽ trở lại với các con“ (Ga 14, 28). Chết là ra đi. Ngay cả khi thân xác của người quá cố còn nằm đó - cá nhân người đó đã ra đi đến một nơi vô định, và chúng ta không thể nào theo họ đến đó được (x. Ga 13, 36). Còn trong trường hợp của Đức Giêsu, có một nét mới mẻ độc nhất vô nhị, và nét mới mẻ này làm thay đổi thế giới. Trong cái chết của chúng ta, ra đi là một cái gì đó đã hoàn toàn kết thúc, không hề quay trở lại. Còn trái lại, Đức Giêsu đã nói về cái chết của mình như sau: “Thầy ra đi, và Thầy sẽ trở lại với các con“. Trong thực tế, thì qua cuộc khởi hành này, Người đã đến. Đối với Đức Giêsu, thì việc Người ra đi đã khai mở cho mình một hình thức hiện diện hoàn toàn mới mẻ và lớn lao hơn. Qua cái chết, Người đã bước vào trong tình yêu của Chúa Cha. Cái chết của Người là một động tác tình yêu. Nhưng tình yêu thì lại bất diệt. Chính vì thế, cuộc khởi hành của Người lại biến thành một cuộc trở về mới mẻ, biến thành một hình thức hiện diện sâu xa hơn và không còn chấm dứt nữa. Trong cuộc sống dương gian của Người, cũng như tất cả mọi người trong chúng ta, Đức Giêsu cũng lệ thuộc vào những điều kiện ngoại tại của cuộc sống thể xác: lệ thuộc vào một khoảng không gian nhất định, và một khoảng thời gian nào đó. Thể xác tính đã đặt những giới hạn cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta không thể nào cùng một lúc ở vào hai khoảng không gian khác nhau được. Thời gian của chúng ta rồi cũng phải chấm dứt. Và ở giữa cái tôi và anh, còn có cả một bức tường tha thể. Dĩ nhiên là trong tình yêu, một cách nào đó, chúng ta có thể thâm nhập vào trong người khác. Tuy nhiên bức tường được xây nên do sự kiện chúng ta khác biệt nhau vẫn còn đó, và chúng ta không thể nào vượt qua được. Còn trái lại, Đức Giêsu, giờ đây Người đã hoàn toàn được biến đổi do tác động của tình yêu, cho nên Người không còn lệ thuộc vào những giới hạn và biên giới này nữa. Không những Người có thể đi xuyên qua được những cánh cửa bên ngoài đã đóng kín mít, như các bài Phúc Âm tường thuật (x. Ga 20, 19), mà Người lại còn có thể đi xuyên qua cánh cửa nội tâm giữa cái tôi và anh, đi xuyên qua cánh cửa khép kín giữa ngày hôm qua và ngày hôm nay, giữa quá khứ và tương lai. Khi một nhóm người Hy Lạp đến xin gặp Người, trong cuộc khải hoàn vào Thành Giêrusalem, thì Người đã trả lời cho họ qua dụ ngôn hạt lúa mì, nếu muốn sinh được nhiều bông hạt, thì phải đi qua cái chết. Qua dụ ngôn này, Người đã tiên báo số phận của mình: như thế, Người không chỉ muốn ngỏ lời với một người Hy lạp này hay với một người Hy Lạp kia trong một vài phút. Qua Thánh giá của Người, qua cuộc ra đi của Người, qua cái chết của Người giống như hạt lúa mì, Người mới thực sự đến với người Hy Lạp, đến độ họ có thể thấy được Người và đụng chạm đến Người trong đức tin. Cuộc ra đi của Người trở thành một cuộc trở về theo cách thế hiện diện hoàn vũ của Đấng Phục Sinh, và qua cách thức này, Người hiện diện ngày hôm qua, ngày hôm nay, và cho đến muôn ngàn đời; qua cách thức này, Người đã ôm trọn tất cả mọi khoảng thời gian và khoảng không gian. Bây giờ Người có thể vượt qua được bức tường tha thể ngăn cách giữa cái tôi và anh. Điều này cũng đã xảy ra cho Thánh Phaolô, người đã mô tả tiến trình hoán cải và phép rửa của mình qua những lời sau đây: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi“ (Gl 2. 20). Qua việc Đấng Phục Sinh đến với mình, Thánh Phaolô đã có được một căn cước tính mới. Cái tôi khép kín của người đã mở ra. Từ nay người sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, trong cái tôi vĩ đại của những tín hữu đã trở nên “một trong Đức Kitô“ (Gl 3, 28), như Thánh Tông đồ đã định nghĩa.
 
Các bạn thân mến, như thế rõ ràng là qua Bí tích Thánh tẩy, những lời nói bí nhiệm của Đức Giêsu tại Nhà Tiệc ly giờ đây lại xuất hiện trước mắt anh chị em. Qua Phép Rửa, Chúa đến trong cuộc đời anh chị em, qua cánh cửa lòng anh chị em. Chúng ta không còn là những người sống bên cạnh nhau nữa, hay người này chống lại người kia nữa. Chúa đã băng qua tất cả những cánh cửa này. Đấy chính là thực thể của Bí tích Thánh tẩy: Người là Đấng Phục Sinh, Người đến, Người đến với anh chị em, và Người liên kết đời mình với cuộc đời anh chị em, giữ anh chị em sống trong ngọn lửa tình yêu rộng mở của Người. Vâng, đúng thế, anh chị em hợp nhất, trở nên một với Người, và từ sự kiện này, trở nên một với nhau. Thoạt đầu, thì điều này có vẻ là quá ư lý thuyết và chẳng thực tế chút nào. Thế nhưng, anh chị em càng sống cuộc sống của người chịu Phép Rửa bao nhiêu, thì anh chị em lại càng có thể cảm nghiệm được chân lý của những lời nói ấy bấy nhiêu. Những người tín hữu đã chịu Phép Rửa không bao giờ còn sống xa lạ với nhau nữa. Những châu lục, những nền văn hóa, những cấu trúc xã hội, hay những khoảng cách lịch sử có thể ngăn cách chúng ta. Nhưng khi chúng ta gặp gỡ nhau, thì chúng ta biết nhau, nhờ cùng một Chúa, một đức tin, một đức cậy, một tình yêu đào tạo chúng ta. Lúc đó, chúng ta mới cảm nghiệm được rằng nền tảng đời sống chúng ta chì là một. Chúng ta mới cảm nghiệm được rằng, ngay từ tận chiều sâu tâm khảm, chúng ta đang cắm neo trong cùng một căn cước tính, mà từ đây, mọi khác biệt bên ngoài, cho dẫu chúng có thể to lớn đến mấy đi chăng nữa, thì cũng chỉ là thứ yếu. Các tín hữu không bao giờ là hoàn toàn xa lạ với nhau. Chúng ta thông hiệp với nhau, nhờ căn cước tính sâu xa nhất của chúng ta, đó là Đức Kitô đang cư ngụ trong lòng chúng ta. Như thế, đức tin là một sức mạnh hòa bình và hòa giải trên toàn thế giới: sự xa lạ đã bị vượt qua; trong Chúa, chúng ta đã trở nên gần gũi nhau (x. Ep 2, 13).
 
Bản tính sâu xa của Bí tích Thánh tẩy được xem là hồng ân thông ban cho ta một căn cước tính mới, được Giáo Hội biểu thị qua Bí tích, nhờ những yếu tố hữu hình. Yếu tố cơ bản của Bí tích, đó là nước; và bên cạnh nước, còn có một yếu tố phụ, đó là ánh sáng, mà trong phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh, đã chiếu tỏa thật huy hoàng. Chúng ta chỉ cần đưa mắt nhìn xem hai yếu tố này. Trong chương cuối của Thư gởi tín hữu Do Thái, chúng ta gặp thấy một câu khẳng định về Đức Kitô, qua câu này, nước không được đề cập một cách trực tiếp, nhưng vì mối dây liên kết giữa nước với Cựu Ước, nên ta thấy được mầu nhiệm của nước và ý nghĩa biểu tượng của nó. Ta đọc thấy như sau: “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an đã đưa vị mục tử chăn dắt đoàn chiên, vị Mục Tử tuyệt hảo, nhờ máu của Giao ước mới, ra khỏi thế giới kẻ chết“ (x. 13, 20). Qua câu nói này, ta thấy nhắc đến một lời trong Sách Isaia xem Môisen như vị mục tử được Chúa đưa ra khỏi nước, khỏi biển cả (x. 63, 11). Đức Giêsu xuất hiện như vị Mục tử mới, vị mục tử cuối cùng đã hoàn tất điều ông Môisen đã làm: Đức Giêsu dẫn đưa chúng ta ra khỏi những dòng nước chết chóc của biển cả, ra khỏi những dòng nước tử thần. Qua mạch văn này, chúng ta có thể nhớ đến việc ông Môisen được thân mẫu đặt vào trong một cái thúng cho trôi trên dòng sông Nil. Và sau đó, nhờ Chúa quan phòng, ông đã được đưa ra khỏi nước, được đưa ra khỏi sự chết để đến sự sống, và như thế, sau khi đã được cứu thoát khỏi dòng nước tử thần, ông có thể dẫn đưa người khác, bằng cách đem họ vượt qua biển chết chóc. Vì chúng ta, Đức Giêsu đã bước vào trong dòng nước tăm tối của tử thần. Nhưng nhờ máu Người, nhưThư gởi tín hữu Dothái đã nói, Người đã được đưa ra khỏi cái chết: tình yêu của Người đã kết hợp với tình yêu của Chúa Cha, và từ vực sâu cái chết, Người đã có thể sống lại. Bây giờ, Người đưa chúng ta ra khỏi cái chết để đi đến sự sống đích thật. Vâng, đúng thế, đó là điều đã được thực hiện trong Bí tích Thánh tẩy: Người đưa chúng ta đi lên với Người, Người lôi kéo chúng ta đến sự sống đích thật. Người dẫn đưa chúng ta qua biển cả của lịch sử lắm khi tăm tối, qua biển cả mà nhiều lúc chúng ta bị đe dọa chết chìm, giữa những hỗn độn và hiểm nguy. Qua Phép Rửa, Người nắm lấy bàn tay chúng ta, Người dẫn đưa chúng ta trên con đường vượt qua Biển Đỏ của thời đại này, và Người dẫn chúng ta đi đến cuộc sống không bao giờ chấm dứt, cuộc sống đích thật và công chính. Chúng ta hãy nắm chặt lấy bàn tay Người! Dẫu cho điều gì có thể xảy ra, hay điều gì chúng ta có thể gặp thấy, chúng ta cũng đừng có bỏ rơi bàn tay của Người! Lúc đó chúng ta sẽ bước đi trên con đường dẫn đến sự sống.
 
Thứ đến, còn có biểu tượng về ánh sáng và lửa. Thánh Grégoire de Tours có nói đến một thói quen đã được duy trì từ lâu, ở nhiều nơi, đó là trực tiếp lấy lửa mới từ mặt trời, nhờ một tấm thủy tinh, để cử hành Lễ Vọng Phục Sinh: có thể nói được là người ta lại nhận lấy ánh sáng và lửa của bầu trời, để rồi sau đó, thắp lên mọi thứ ánh sáng và ngọn lửa trong năm. Đây là một biểu tượng của việc chúng ta cử hành trong Đêm Vọng Phục Sinh. Vì tình yêu của Đức Kitô, tình yêu mang một đặc tính căn cơ, tình yêu mà qua đó, quả tim của Thiên Chúa và quả tim của con người nối kết với nhau, Đức Giêsu Kitô đã thực sự lấy ánh sáng của trời cao và đã mang nó đến trần gian – ánh sáng của chân lý và ngọn lửa của tình yêu, cả hai đã biến đổi hữu thể con người. Đức Kitô đã mang ánh sáng đến, và giờ đây, chúng ta biết được Thiên Chúa là ai, và Thiên Chúa như thế nào. Từ sự kiện này, chúng ta cũng biết được những điều liên quan đến con người xảy ra như thế nào; chúng ta biết được chúng ta là gì, và chúng ta hiện hữu là vì mục đích gì. Chịu Phép Rửa, có nghĩa là ngọn lửa của ánh sáng này đã đi vào phần sâu xa nhất của tâm hồn chúng ta. Chính vì thế, trong Giáo Hội cổ xưa, Bí tích Thánh tẩy cũng còn được gọi là Bí tích Chiếu sáng: ánh sáng của Thiên Chúa đi vào trong con người chúng ta; như thế, chúng ta trở nên con cái của ánh sáng. Chúng ta không hề muốn cho Ánh sáng chân lý chỉ đường ta đi phải tắt ngúm đi. Chúng ta muốn bảo vệ ánh sáng này khỏi mọi quyền lực muốn dập tắt nó đi, để làm cho chúng ta phải nằm trong bóng tối tăm không còn biết đến Thiên Chúa và biết đến mình nữa. Đôi khi, bóng tối dường như rất thích hợp với chúng ta. Tôi có thể che giấu bản thân mình, và để cả cuộc đời mình trong giấc ngủ say. Thế nhưng, Chúa không kêu gọi chúng ta sống cho bóng tối, mà là cho ánh sáng. Với những lời hứa ngày chúng ta chịu Phép Rửa tội, có thể nói được rằng chúng ta lại thắp lên ánh sáng này, trong suốt cả cuộc đời chúng ta: vâng, tôi tin rằng thế giới và cuộc đời của tôi không đến một cách tình cờ, nhưng đến từ Lý Trí vĩnh cửu, và đến từ Tình Yêu vĩnh cửu, và tôi tin rằng thế giới và cuộc đời của tôi đã được Thiên Chúa toàn năng tạo dựng nên. Vâng, tôi tin rằng, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ sự nhập thể, nhờ khổ giá và sự phục sinh của Đức Giêsu, Gương Mặt của Thiên Chúa đã được biểu lộ; rằng trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta, rằng Thiên Chúa liên kết chúng ta, và dẫn đưa chúng ta đến mục đích của đời ta, đến Tình Yêu vĩnh cửu. Vâng, tôi tin rằng Thánh Thần ban cho chúng ta Lời chân lý, và soi chiếu tâm hồn chúng ta; tôi tin rằng trong mối hiệp thông của Giáo Hội, tất cả chúng ta trở nên một Thân Mình duy nhất với Chúa, và như thế, chúng ta gặp được sự phục sinh và cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng chân lý. Ánh sáng này, đồng thời cũng là ngọn lửa, là sức mạnh đến từ Thiên Chúa, là sức mạnh không hề phá hủy, nhưng lại muốn biến đổi tâm hồn chúng ta, để chúng ta thực sự trở nên những con người của Thiên Chúa, và để cho bình an của Người tác động trên trần gian này.
 
Trong Giáo Hội thời xa xưa, vị Giám mục hay linh mục, sau bài giảng, thường kêu gọi cộng đồng dân Chúa, bằng công thức sau đây: “Conversi ad Dominum“ – Hãy hướng về Chúa. Trước tiên, điều này muốn nói là quay mặt về hướng Đông – theo hướng mặt trời mọc biểu tượng cho Đức Kitô tái lâm, mà trong khi cử hành Bí tích Tạ Ơn, chúng ta đi đến để gặp Người. Ở nơi nào, vì một lý do nào đó, họ không thể quay mặt về hướng Đông được, thì họ cũng có thể quay mặt về khuôn hình Đức Kitô được đặt ở phía sau giáo đường, hay quay mặt về Thánh Giá, để hướng lòng mình về Chúa. Bởi vì xét cho cùng, ở đây ta muốn ám chỉ đến một sự kiện nội tâm: đó là conversion, tức là sự hoán cải, hoán cải là hướng tâm hồn ta về với Đức Giêsu Kitô, và như thế, là hướng về Thiên Chúa hằng sống, về ánh sáng đích thật. Ngày hôm nay cũng thế, trước khi đọc Kinh Tiền Tụng, linh mục cũng dùng một lời kêu gọi khác tương tự như công thức được sử dụng ngày xưa, đó là câu “Sursum corda”  – Hãy nâng tâm hồn lên - để ngỏ lời với cộng đoàn tín hữu – Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên khỏi những vướng mắc chằng chịt trong cuộc sống đầy bận rộn, khỏi những ước muốn, khỏi những âu lo, khỏi những lo ra chia trí chia lòng – Anh chị em hãy nâng tâm hồn lên, nâng nơi sâu thẳm nhất trong đáy hồn ta cho Chúa! Trong cả hai câu mời gọi trên, chúng ta như thể được mời gọi để sống lại Bí tích Thanh tẩy: Conversi ad Dominum, Hãy hướng về Chúa – Chúng ta phải luôn luôn thoát ra khỏi những hướng đi sai lạc, mà lắm khi chúng ta vẫn bước vào trong đó bằng tư tưởng và hành động. Chúng ta phải hướng về Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta phải trở nên những “con người hoán cả “, trọn cả cuộc đời quy hướng về Chúa. Và chúng ta phải làm thế nào cho tâm hồn mình thoát khỏi lực kéo chúng ta xuống đất, và làm thế nào đưa tâm hồn chúng ta hướng lên cao: trong chân lý và tình yêu. Và bây giờ, chúng ta hãy cám tạ Chúa, vì nhờ sức mạnh của Lời Chúa và của các Bí tích, Người đưa chúng ta đến nẻo chánh đường ngay, và lôi kéo tâm hồn chúng ta lên cao. Và chúng ta sẽ cầu xin với Người: Vâng, lạy Chúa, xin hãy làm cho chúng con trở nên những con người phục sinh, trở nên những con người của ánh sáng, lòng đầy tràn ngọn lửa tình yêu Chúa. Amen.
G.B. Lưu Văn Lộc