23/11/2024

Tị nạn môi trường – Kỳ cuối: Sửa lại “ngôi nhà”

TT – Buổi trưa, khi con nước lớn đầy sông, chúng tôi cùng ông Phạm Văn Đồng, cán bộ kiểm lâm xã Long Hoà (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và một số ngư dân ấp Hai Thủ thuê thuyền đi dọc từ Thủ sau ra Thủ trước của cù lao Long Hoà để quan sát cánh rừng bần mà người dân nói đã làm đổi thay cuộc sống xứ cù lao.

Tị nạn môi trường – Kỳ cuối: Sửa lại “ngôi nhà”

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Hai, 20/09/2010

TT – Buổi trưa, khi con nước lớn đầy sông, chúng tôi cùng ông Phạm Văn Đồng, cán bộ kiểm lâm xã Long Hoà (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) và một số ngư dân ấp Hai Thủ thuê thuyền đi dọc từ Thủ sau ra Thủ trước của cù lao Long Hoà để quan sát cánh rừng bần mà người dân nói đã làm đổi thay cuộc sống xứ cù lao.

“Lá chắn cuộc sống”

Chỉ tay về phía rừng bần, ông Đồng giới thiệu: “Hai bên cù lao Long Hoà được bao bọc bởi sông Cổ Chiên, còn mặt hậu thuộc ấp Hai Thủ giáp với biển Đông. Trước đây, vào mùa gió chướng thổi vào đất liền thì nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm hecta đất của người dân bị cuốn trôi ra biển, nhiều người phải bỏ đi nơi khác. Vì vậy, tới mùa gió chướng thì dân Hai Thủ cứ nơm nớp lo âu”.

Từ năm 2002, khu vực ấp Hai Thủ bắt đầu trồng rừng trở lại (chủ yếu là cây bần chua) đến nay diện tích đã trên 146ha. Từ biển trông vào, cù lao Long Hoà được bao bọc bởi đai rừng. Những cây bần chua mọc từ biển vô đất liền hàng trăm mét và chạy dài khoảng 3km tạo thành lá chắn vững chắc.

“Hà Lan vốn nổi tiếng với những công trình đắp đê chống bảo lũ nhưng nếu nước biển dâng 1m thì việc nâng cao đê là không khả thi. Vì vậy phương pháp quản lý nước truyền thống của Hà Lan phải thay đổi.

Một trong những biện pháp ứng dụng ở Hà Lan để thích ứng với biến đổi khí hậu là tạo các vùng chứa lũ tạm thời, làm chậm lũ bằng cách di dời đê, tạo các sông nhánh, hạ thấp cao trình ven sông…

Đối với ĐBSCL, duy trì rừng ngập mặn là giải pháp tốt”.

Ông Jean Henry Laboyrie (giám đốc dự án, Công ty tư vấn Hà Lan Royal Haskoning)

Đi cùng thuyền, ngư dân Trần Hữu Chí nói vẫn nhớ như in cái ngày cơn bão số 5 (năm 1997) tràn vào xứ cù lao Long Hoà. Cơn bão đã tàn phá gần như hết nhà cửa của người dân sống gần bờ biển.

Ông Chí lắc đầu, chắc lưỡi: “Sau bão dân chúng tôi mới thấm thía cảnh mất rừng, rồi tiếc nuối đã chặt bỏ những cây chà là, cây đước, cây vẹt… để làm rẫy. Khi sóng biển đánh vào chúng tôi mất lá chắn bảo vệ chính cuộc sống của mình. Rồi đất cứ lở, nhà cửa cứ mất đi, nhiều người xứ Thủ phải đi tị nạn nơi khác”.

Để chứng minh từ khi có rừng, xứ cù lao Long Hoà thay đổi, ông Võ Văn Thành – chủ tịch UBND xã Long Hoà – thống kê sơ bộ: nếu năm 2005 số lượng cua giống khoảng 200.000 con thì năm 2010 là 10 triệu con (ngoài ra bà con bán nơi khác chưa thống kê được), số lượng cá kèo chỉ xuất hiện lác đác vài con thì nay trên 1 tấn. Nghêu vào năm 2005 chỉ 100 tấn, đến năm 2010 thì 600 tấn… Ngoài ra còn có những loài thuỷ sản khác. Phía trên cò, vạc… cũng về trú ngụ ngày càng nhiều.

“Nhờ có rừng, thuỷ sản xuất hiện trở lại thì đời sống người dân địa phương cải thiện rõ rệt và hộ nghèo cũng giảm mạnh. Từ 30% vào năm 2005 nay giảm hơn một nửa” – ông Thành nói.

Từ những chuyến đi thực tế nghiên cứu rừng ngập mặn ba tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng, ông Trần Văn Tư (Viện Khoa học và công nghệ phương Nam) cho rằng trồng rừng là một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hữu hiệu, ít tốn kém nhất và bền vững nhất.

Ông Tư dẫn chứng: “Thực tiễn chúng tôi nghiên cứu ở tỉnh Trà Vinh cho thấy cù lao xã Long Hoà từ khi có rừng đã chống được sạt lở. Trong khi đó ấp Bào (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải) có xây một đoạn kè khoảng 800m chưa đưa vào sử dụng đã bị sóng biển đánh sạt lở. Nguyên do chính là không có rừng che chắn. So với Hà Lan, ĐBSCL có biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu thuận lợi hơn vì chúng ta có rừng ngập mặn”.

Còn ông Đoàn Văn Thành – giám đốc ban quản lý rừng Hòn Đất, Kiên Hà (tỉnh Kiên Giang) – phân tích: “Nếu trồng 1ha rừng theo chương trình 661 tính cả công trồng và chăm sóc là 10 triệu đồng. Trong khi đó chúng ta đầu tư 1km bờ kè bằng bêtông cần khoảng 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu kè mà không có rừng bảo vệ thì khó chịu được sóng biển. Chính vì thế tôi cho rằng trồng rừng có hiệu quả kinh tế rất cao”.

Hãy tỉnh ngộ

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học – kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chọn các kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu như là lĩnh vực ưu tiên trong mọi hoạt động của mình.

Cùng với nghiên cứu, đề ra các kịch bản biến đổi khí hậu tác động đến các vùng khác nhau tại Thừa Thiên – Huế, một trong những hành động cụ thể đã được CSRD thực hiện là triển khai dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước ở cấp độ cộng đồng”.

Dự án đã tiến hành hỗ trợ ba địa phương dễ bị tổn thương thuộc vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là xã Vinh Phú (huyện Phú Vang), hai xã Hải Dương, Hương Phong (huyện Hương Trà) bằng việc trồng cây ngập mặn, cây bản địa để chống xói lở cục bộ, tạo môi trường sống cho các loài thuỷ sinh rừng ngập mặn.

Giám đốc CSRD, bà Lâm Thị Thu Sửu, cho biết với diện tích 20-25ha, khu bãi đẻ Cồn Chìm, xã Vinh Phú được chọn làm khu bảo vệ thí điểm “treo thuyền” nhằm dưỡng sức đàn cá bố mẹ, đảm bảo sự sinh trưởng và sinh sản cũng như tái tạo nguồn lợi lâu dài.

Hơn 200 gốc cây tra (tên khoa học là thespesia populnea) được trồng quanh Cồn Chìm, có tác dụng bảo vệ bờ kè và tạo môi trường thuận lợi cho các loài thuỷ sản trong vùng bảo vệ phát triển, dự kiến sắp tới sẽ có 800 gốc tra khác được trồng dọc theo bờ phá để bảo vệ khu vực ven bờ xung quanh khu vực nói trên.

Tại khu vực định cư thôn 3, xã Hải Dương, gần 600 gốc cây tra bao quanh khu dân cư đã được trồng để cản gió và dòng chảy lũ vào mùa mưa lũ. Tại khu vực Cồn Tè, xã Hương Phong – nơi đối diện với cửa biển Thuận An, thường xuyên rơi vào “vòng xoáy” của bão lũ – cũng có hàng ngàn cây bần trắng, cây sú và cây đước được trồng trên diện tích khoảng 10ha.

Lãnh đạo xã Hương Phong cho hay việc phát triển rừng ngập mặn ở đây sẽ tạo điều kiện bảo vệ các loài thuỷ sản ở giai đoạn ấu trùng và con non có nơi trú ẩn, qua đó sẽ tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng và nâng cao ý thức cho người dân thích nghi với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Đỗ Nam, giám đốc Sở Khoa học – công nghệ tỉnh, cho rằng cuộc sống của khoảng 300.000 người sống xung quanh và trên mặt nước đầm phá phụ thuộc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến tài nguyên thiên nhiên đầm phá. “Chúng ta cần tiến hành các hoạt động cần thiết để thích ứng với tình trạng này ngay từ bây giờ, khi chưa quá muộn” – ông Nam nói.

Vâng, hãy hành động trước khi chưa quá muộn, hành động để đề phòng những cơn hạn khát cháy cổ, những cơn nóng thiêu đốt cơ thể hay những đợt sóng thần, lở đất… có thể cuốn trôi người Việt vào thảm họa bất ngờ…

TẤN THÁI – ĐÌNH TOÀN