Cuộc thiên di của loài người – Kỳ 1: Bỏ rơi sa mạc

LTS: Sẽ có những quốc gia phải biến mất vĩnh viễn. Đã có những chính khách phải ngồi họp dưới đáy biển hoặc trong sa mạc để cảnh báo hiểm hoạ biến mất của quốc gia mình. Sau loài chim thì loài người đang phải chấp nhận những cuộc thiên di…

Cuộc thiên di của loài người - Kỳ 1: Bỏ rơi sa mạc

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Ba, 21/09/2010

LTS: Sẽ có những quốc gia phải biến mất vĩnh viễn. Đã có những chính khách phải ngồi họp dưới đáy biển hoặc trong sa mạc để cảnh báo hiểm hoạ biến mất của quốc gia mình. Sau loài chim thì loài người đang phải chấp nhận những cuộc thiên di…

Mông Cổ – quốc gia Trung Á rộng thứ 19 trên thế giới và dân số chỉ có 3 triệu người, với các láng giềng là Nga và Trung Quốc. Thế kỷ 13, người Mông Cổ đã có những cuộc chinh phục khắp châu Á và châu Âu. Một thời đế chế Mông Cổ là hiện thân của quốc gia rộng lớn và hùng mạnh nhất thế giới.

“Du mục” về đô thị

Mỗi năm, trên thế giới thay đổi khí hậu là tác nhân khiến hơn 300.000 người thiệt mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới 325 triệu người khác và gây thiệt hại kinh tế khoảng 125 tỉ USD. 4 tỉ người dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của thời tiết, trong đó có khoảng 600 triệu người (10% dân số trên hành tinh) cực kỳ dễ bị tổn thương. Do đó, biến đổi khí hậu đã được coi là mối đe doạ cơ bản đối với quyền con người.

Tỉnh Bulgan là một trong 12 tỉnh của Mông Cổ, nằm ở phía bắc với thủ phủ là Bulgan. Với anh nông dân Bayanzul, 38 tuổi, mùa đông vừa mới qua vẫn như đang hiện hữu. Anh vừa trải qua một thời gian dài chịu đựng thời tiết nhiệt độ âm 45OC, nay quyết định từ bỏ công việc chăn nuôi gia súc hàng chục năm qua của mình để khăn gói lên thành thị thử vận may.

“Mùa đông vừa rồi thật quá sức chịu đựng – vừa nói anh vừa lùa đàn gia súc đi chầm chậm qua khu đất khô cằn về phía chợ ở Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ – Tôi sẽ bán hết, bán sạch, kiếm đủ tiền mua cái xe buýt nhỏ và chở khách kiếm tiền”. Người Mông Cổ không xa lạ gì với những mùa đông nghiệt ngã, nhưng mùa đông vừa qua là một trong những mùa giá lạnh nhất lịch sử.

“Nhớ lại có lúc tôi cứ mang một nhóm 20 con vào lều, sưởi ấm chúng, cho chúng ăn lúa – Bayanzul kể – Sau vài giờ tôi lại đưa chúng ra ngoài, rồi lại đưa các con khác vào, cả ngày ròng rã như thế! Vậy mà vẫn mất 100 con bò, hơn 300 dê và cừu vì giá rét”. Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) ước tính hơn 7,8 triệu súc vật, chiếm 17% tổng đàn gia súc của Mông Cổ, đã chết vì dzud, tức một mùa đông lạnh khủng khiếp đến ngay sau mùa hè hạn hán.

Cuộc sống trở nên quá khó khăn với 800.000 người chăn nuôi gia súc sống cuộc đời du mục ở Mông Cổ. Họ buộc phải xa quê hương và tìm đến thành thị để kiếm việc. Dù “sáng kiến” bán gia súc lấy tiền đem lại sự hỗ trợ tài chính về mặt ngắn hạn cho họ, nhưng Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 9.000 hộ dân không còn gia súc để bán và 32.700 hộ mất ít nhất một nửa tổng đàn gia súc của mình.

“Thảm hoạ này không giống như động đất hoặc sóng thần, khi mọi việc xảy ra trong tích tắc, phá hủy mọi thứ ngay lập tức và mọi người bắt tay vào xây dựng lại từ đầu – Shoko Noda, phó đại diện của UNDP tại Mông Cổ, cho biết – Thảm hoạ biến đổi ở Mông Cổ đang tiếp tục và cứ diễn ra từ từ. Những người chăn nuôi gia súc nay đã mất toàn bộ kế sinh nhai”. Các chuyên gia ước tính khoảng 10.000 người từng làm nghề chăn nuôi gia súc và gia đình của họ rồi sẽ khăn gói lên các thành phố lớn.

Cuộc đời của họ sẽ ra sao? Có những người sẽ ổn định, nhưng không ít người sẽ sống ở những khu tạm cư tại Ulan Bator, những khu vực mà đường chỉ là đường đất, thiếu nước sạch. Thủ đô đã là nhà của 1/4 trong tổng dân số 2,7 triệu người của Mông Cổ và tỉ lệ thất nghiệp hiện nay đã xấp xỉ 50%. Thực tế chật chội, thiếu thốn cuộc sống thiên nhiên sẽ không phải là điều dễ quen đối với những người dân di cư mới đến thành phố vốn quen với những khoảng không gian thoáng đạt, thảo nguyên mênh mông.

Ký ức của cát

“Chúng tôi từng có khoảng 1.000 con vật, ngựa này, bò này, dê này, cừu này – Bolormaa, 40 tuổi, chia sẻ – Nhưng thời tiết năm 2005 đã cướp đi tất cả. Trắng tay, đến giờ chúng tôi cũng không thể phục hồi đàn gia súc được”. Năm 2009, bán đi con vật cuối cùng, bà chuyển cả nhà gồm chồng và ba đứa con đến một vùng ở Ulan Bator để tìm việc. Đến tận tháng 6 vừa rồi chồng bà mới tìm được việc làm bảo vệ cho một công ty xe buýt tư nhân, kiếm 146 USD/tháng (khoảng 3 triệu đồng). Cô con gái 22 tuổi của bà làm công nhân trong nhà máy sản xuất bánh mì.

“Quen với cuộc sống mới khó lắm. Cả đời tôi làm nghề chăn nuôi gia súc, bây giờ thì chẳng có con nào mà chăm sóc, chăn nuôi”, bà nói khi ngồi trong sân nhà, đống rác to lừng lững bên ngoài. Nhà bà đã phải cầm cố hết gia sản để cho con trai lớn nhất học đại học và con nhỏ nhất lên cấp III. “Cuộc sống ở Ulan Bator rất khó khăn. Và người thành phố chẳng thích người nông thôn chúng tôi” – bà nói.

“Thất nghiệp là vấn đề chính cho những ai rời bỏ cuộc sống nông thôn lên thành thị – Bolormaa Gulguu, giám sát chương trình Cứu trợ trẻ em (Save the children) ở Mông Cổ, cho biết – Họ không thể tiếp cận được nguồn cung cấp việc làm. Khi sống ở quê, họ là người chăm sóc chăn nuôi gia súc, cả nhà bao thế hệ đã làm việc đó. Giờ chuyển tới Ulan Bator, họ chẳng có kỹ năng nghề ngỗng gì để kiếm được việc. Một số người đi làm việc không chính thức ở chợ đen, nhiều người phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ”.

Người Mông Cổ vẫn còn may là có trợ cấp của chính phủ. Theo Ngân hàng Thế giới báo cáo hồi đầu năm, trợ cấp chính phủ chiếm 20% tổng thu nhập của khu vực tạm cư. Với những người có việc, gần 1/3 trong số đó là những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, như công nhân xây dựng hoặc các nhà máy sản xuất.

“Họ đã mất mọi thứ và phải quyết định xem họ ở lại với cuộc sống nông nghiệp hay chuyển đổi sang ngành nghề khác – Noda nói – Có thể chúng tôi khuyến khích họ chuyển đổi sang ngành nghề khác, nhưng nên nhớ rằng cuộc đời du mục đã ăn sâu trong trái tim họ rồi, vì vậy xa cuộc sống đó thật sự không dễ”.

Với nông dân Bayanzul, anh may mắn không mất sạch cả đàn gia súc nên có thể vào thành phố với ít vốn dằn túi. Cuộc sống có thể không quá khó khăn như nhiều người khác, nhưng tìm được việc mới và làm quen với cuộc sống thành thị sẽ không phải là điều dễ làm. “Năm đầu tiên chắc sẽ khó khăn. Tôi sẽ nhớ đàn gia súc và quê nhà của mình – anh nói, giọng buồn bã – Nhưng tôi không thể chịu nổi một mùa đông như mùa đông vừa rồi nữa”.

HẠNH NGUYÊN tổng hợp