Thăng Long giai thoại – Bài 7: Hai cậu bé đốt cầu Thê Húc
Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc không chỉ là nơi ghi dấu văn chương, mà còn là biểu tượng của một thành đô không chịu khuất phục cường quyền ngoại xâm. Nhà Trịnh suy vong, Lê Chiêu Thống trả thù bằng cách đốt cung Khánh Thụy, nơi dùng để yến ẩm cho chúa Trịnh Giang trên núi Ngọc vào năm 1786. Sang thế kỷ XIX, một ngôi chùa được dựng lên trên nền cung Khánh Thụy.
Thăng Long giai thoại – Bài 7: Hai cậu bé đốt cầu Thê Húc
Báo Thanh Niên, ngày 14/09/2010
Đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc không chỉ là nơi ghi dấu văn chương, mà còn là biểu tượng của một thành đô không chịu khuất phục cường quyền ngoại xâm.
Nhà Trịnh suy vong, Lê Chiêu Thống trả thù bằng cách đốt cung Khánh Thụy, nơi dùng để yến ẩm cho chúa Trịnh Giang trên núi Ngọc vào năm 1786. Sang thế kỷ XIX, một ngôi chùa được dựng lên trên nền cung Khánh Thụy. Năm 1843, chùa đổi thành đền, thờ Văn Xương, Trần Hưng Đạo và Quan Vũ (một danh tướng thời Thục – Hán, Trung Quốc). Năm 1864 hoặc 1865, Nguyễn Văn Siêu – nhà thơ lớn đất Thăng Long và cũng là một trong 4 người được vua Tự Đức khen: “Văn như Siêu,Quát vô tiền Hán. Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường” – đã đứng ra tu sửa lại toàn bộ khu đền. Không chỉ là nhà văn, Nguyễn Văn Siêu còn là nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa. Ông có câu nói nổi tiếng mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị: “Có hai loại văn chương, loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú vào văn chương. Còn loại đáng thờ là loại chuyên chú vào con người”.
Nguyễn Văn Siêu cho dựng đình Trấn Ba, xây tháp đá ngoài cổng cao 9 mét, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là Tháp Bút, phần thân tháp, ông tạc ba chữ “Tả thiên thanh” (viết lên trời xanh). Nguyễn Văn Siêu cũng cho xây thêm Đài Nghiên và sửa sang lại cầu đặt tên là Thê Húc (giọt ánh sáng đậu lại). Cuối đời vua Tự Đức, khi các kỳ thi Hương được tổ chức ở Hà Nội thì đền Ngọc Sơn đông nghịt sĩ tử vào lễ vì đền thờ Văn Xương chủ về văn học. Do quá đông nên nhiều sĩ tử phải trọ ở phố Cầu Gỗ chờ đến ba ngày mới vào được. Hằng ngày có một ông già chuyên đi các phố nhặt hết các giấy có chữ Nho mang về đây đốt ở miếu nhỏ bởi có quan niệm chữ Nho là chữ thánh hiền, giấy có chữ Nho không nên dùng để gói hoặc để chùi.
Đốt cầu Thê Húc
Sau khi hạ được thành Hà Nội, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư. Ban ngày, có một đám lính canh xua tất cả những ai lại gần. Và cấm tuyệt đối dân vào đây cúng lễ. Trước cảnh ngang trái ấy có một học trò tên là Nguyễn Văn Minh, 17 tuổi, đang theo học chữ Nho cùng một người bạn 14 tuổi là Đức Nghi, nhà ở phố Hàng Dầu (phố chuyên bán dầu thực vật), nảy ra ý định đốt cầu Thê Húc. Khoảng nửa đêm ngày 30.9.1887, Minh và Nghi lẻn vào cầu vì lính canh đã rút vào đền. Hai người nhét sẵn giẻ, giấy bản và bấc đèn tẩm dầu đã chuẩn bị sẵn vào khe ván trên mặt cầu rồi rải than hoa (than củi) đang cháy. Xong việc cả hai nhanh chóng về nhà. Giẻ dầu gặp than lại có gió bắc thổi đã bùng lên và khi lính trong đền phát hiện thì cầu đã thành tro.
Ngày hôm sau, lính Pháp phải chuyển đồ của viên quan tư đi nơi khác không dám ở đây nữa. Quân Pháp đóng ở đền Trấn Quốc, chùa Châu Long và đình làng Yên Phụ vội vã rút quân đi chỗ khác. Nhưng do còn quá trẻ, Đức Nghi đã kể chuyện đốt cầu cho một người bạn và cậu này kể lại với bố. Có ngờ đâu bố cậu bé đã báo cho quan Pháp, thế là hai ngày sau Minh bị bắt. Còn Nghi do chưa đến tuổi thành niên nên được tha. Nguyễn Văn Minh bị bắt tù rồi sau đó Pháp đưa vào nhóm tải đạn, tải lương phục vụ cho lính Pháp đánh chiếm các tỉnh miền núi phía Bắc. Mùa đông năm 1888, Minh bị đầy lên Thái Nguyên theo cuộc hành quân của lính viễn chinh đánh vào chợ Chu. Minh trốn thoát nhưng vì không thông thạo địa hình cuối cùng bị bắt lại và bị tử hình. Năm đó Minh tròn 18 tuổi.
Nơi truyền bá của Đông Kinh Nghĩa Thục
Trong 3 năm từ 1904-1906, Hà Nội bị dịch hạch. Nguyên nhân là do những người Hoa được chủ Pháp tuyển mộ ở Quảng Châu để làm đường sắt Vân
Đền Ngọc Sơn cũng từng là nơi những người tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục đến truyền bá tinh thần dân tộc, đổi mới xã hội và lòng hướng thiện. Sau khi phong trào bị Pháp đàn áp và bắt những nhà Nho có tư tưởng chống đối, đền lại trở thành nơi giảng Kinh đạo Nam với nội dung không khác nhiều với tư tưởng Đông Kinh Nghĩa Thục. Những người chủ trương đưa nội dung bỏ hủ tục, theo cái mới, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường đồng thời hô hào quốc dân thức tỉnh thông qua thơ lục bát, ca trù cho người nghe dễ thuộc và nhanh nhập tâm. Người chép ra Kinh đạo Nam là Nguyễn Đồ Tỉnh (còn gọi là đồ Tỉnh), một nhà Nho tiến bộ quê ở Xuân Trường, Nam Định. Năm 1920, Kinh đạo Nam bị cấm thì Hội Hướng thiện lại giảng Kinh Tâm Pháp trong đền, cái lõi của kinh này là khuyên con người tin ở thần thánh và nhân ái, bao dung trong cuộc sống. Sau đó Hội Hướng thiện mất dần sinh khí do bị chính quyền dọa nạt, phần khác do thời thế đã thay đổi nên hoạt động của hội trong đền chỉ là tụng niệm và cúng lễ.
Tết Nhâm Thìn 1952, cầu Thê Húc bị sập vì dân vào lễ đền quá đông. Mấy chục người ngã xuống hồ, may nước cạn nên không ai thiệt mạng. Chính quyền thành phố lúc đó đã cho phá bỏ cầu cũ, tìm thiết kế mới và trong bản thiết kế của cả người Pháp lẫn người Việt thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn. Cầu Thê Húc mới có hai hàng cọc, mỗi bên 15 trụ bằng bê tông cốt thép, các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng xưa. Dầm ngang và dầm dọc cũng bằng bê tông, mặt và thành cầu bằng gỗ. Đó là công trình đẹp, phù hợp với cảnh quan và không gian hồ Gươm.
Nguyễn Ngọc Tiến