Chúa Nhật III Phục Sinh, năm C: Bản chất cuộc sống lại của Đức Giêsu
Đức Giêsu Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ để cho các ông hiểu cuộc sống lại có ý nghĩa gì đối với đời sống của Người và của các môn đệ, trong đó có chúng ta.
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, năm C
BẢN CHẤT CUỘC SỐNG LẠI CỦA ĐỨC GIÊSU
Hành Khất Kitô
Caritas Việt Nam
Nhập đề
Đức Giêsu Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ để cho các ông hiểu cuộc sống lại có ý nghĩa gì đối với đời sống của Người và của các môn đệ, trong đó có chúng ta.
Qua bài Phúc Âm hôm nay (x. Ga 21,1-14), Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ trên bờ biển Galilê sau một đêm các ông đánh cá nhưng không bắt được con nào. Cuộc hiện ra lần này kèm theo phép lạ cho các ông bắt được nhiều cá như gợi lại phép lạ lúc Người gọi các ông theo Người trước đây để trở thành kẻ chinh phục con người. Muốn trở thành chứng nhân cho Đấng Phục Sinh, nhất là hiểu được bản chất phong phú của đời sống mới, chúng ta được mời gọi để lặp lại tiến trình của lòng tin nơi các môn đệ.
1. Cần phải giải thích về cái chết của Chúa Giêsu
Trước hết, để có thể tín thác trọn vẹn vào Đức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ cần phải giải thích được cái chết nhục nhã và vô lý của Đức Giêsu. Khi tận mắt thấy Người bị treo trên thập giá, lòng các ông bàng hoàng, lo sợ, thất vọng, chán chường. Nhưng những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh đã quy tụ các ông lại như 7 môn đệ cùng đi đánh cá với nhau (x. Ga 21,2) và các ông dần dần giải thích được cái chết của Đức Giêsu. Dưới sự soi sáng của Người và của Chúa Thánh Thần, các ông hiểu rằng cái chết và cuộc sống lại chỉ là hai mặt trái phải của một thực tế nhiệm mầu. Đức Giêsu cần phải chết trên thập giá mới bước vào vinh quang phục sinh (x. Mc 8,31; 9,31; 10,33; Rm 8,34).
Cái chết của Đức Giêsu không phải là một sự ngẫu nhiên, tình cờ. Người chết không phải do bản tính hèn nhát của tổng trấn Philatô, sự thù hận của các thượng tế, sự vô ơn của quần chúng Do Thái hay bất cứ lý do trần tục nào. Người chết là để hoà giải con người với Thiên Chúa theo chương trình cứu độ được ấn định từ muôn thuở và đã được báo trước trong Thánh Kinh.
Khi hiện ra ở bờ biển Galilê hôm nay, Người gợi cho các ông nhớ lại những gì Người đã nói, đã làm trong những năm rao giảng Tin Mừng với các ông. Từ mẻ cá lạ lùng đầu tiên cho đến những lần hiện ra, Người đã báo trước nhiều lần rằng Người sẽ bị bắt, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Người dạy cho họ hiểu về cái chết qua dụ ngôn hạt giống (x. Ga 12,24), qua lời báo về đền thờ Giêrusalem bị phá huỷ và được xây dựng lại (x. Ga 2,20-22), qua dụ ngôn tiên tri Giona hay hình ảnh Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê mà Isaia (x. Is 40-53) đã báo trước. Người chính là Con Chiên Vượt Qua bị giết, máu bôi lên mi cửa để cứu độ con người và vạn vật mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu cho dân chúng. Người đến để lập giao ước mới với Thiên Chúa bằng chính máu của mình.
Vì thế, các môn đệ dần dần hiểu rằng cái chết của Đức Giêsu không phải là một sự bất lực hay thất bại của Thiên Chúa trước sự bất công, tàn ác của con người mà chỉ là khởi đầu cần thiết cho cuộc giải thoát toàn diện. Thập giá Đức Giêsu trở thành phương tiện cứu độ cho con người và vạn vật (x. 1Cr 1,23-25).
2. Bản chất cuộc sống lại
Qua những lần hiện ra, Đức Giêsu cũng dạy cho các môn đệ hiểu được những ý nghĩa phong phú nằm trong bản chất cuộc sống lại của Người.
Trước hết, cuộc sống lại không phải là một cuộc hồi sinh như họ đã từng biết đến khi Đức Giêsu làm cho con gái ông Giairô, con trai bà goá thành Naim hay Lazarô sống lại. Hồi sinh chỉ là trở về đời sống cũ trước đây để tiếp tục sống thêm vài chục năm tháng rồi lại chết đi như bao người khác.
Những người lữ khách đi Emmaus, hoạ sĩ Rembrandt (1606-1669), vẽ năm 1648.
Cuộc sống lại của Đức Giêsu thì khác hẳn. Người sống bằng sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa. Người sống bằng quyền năng Thiên Chúa (x. 2Cr 13,4). Người không bao giờ chết nữa vì đây là sự sống vĩnh hằng. Người trở nên Đấng Hằng Sống (x. Dt 7,26), Đấng Sống Động trong muôn vật muôn loài (x. Lc 24,5; Kh 1,18), Người sẵn sàng chia sẻ sự sống kỳ diệu, phi thường, vĩnh viễn và quyền năng này cho tất cả những ai tin tưởng, yêu thương và muốn làm chứng cho Người.
Sự sống này được đổi mới hoàn toàn nhờ quyền năng của Thánh Thần. Đó là sự sống có thể xác bằng vật chất của Người trước khi chịu chết nhưng thân thể sống động của Đấng Phục Sinh không còn bị lệ thuộc vào định luật của vật chất, không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian. Vì thế, Người xin Tôma hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh để ông cảm nghiệm được thân thể bị hành hình trước đây nay đã sống lại. Người vào nhà các môn đệ một cách dễ dàng, dù các cửa đóng kín. Người không hoá thân thành một luồng khí như Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký để chui vào kẹt cửa hay lỗ hổng nào đó vì Người là Thiên Chúa hằng sống hiện diện ở khắp mọi nơi. Đức Giêsu hiện ra ở bờ biển Galilê sau khi vừa mới hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem. Hai địa điểm cách nhau vài trăm cây số mà vào thời đó phải đi mất 3 ngày đường.
Cuộc sống lại của Đức Giêsu còn là một cuộc tạo dựng mới. Cuộc tạo dựng này bắt nguồn ngay từ khi Đức Giêsu gục đầu chết trên thập giá để trao ban thần khí (x. Ga 19,30). Thánh Phaolô gợi ý cho ta hiểu rằng Đức Giêsu chính là Adam mới, trần truồng thiếp ngủ trên cây gỗ so với Adam cũ bên cây biết lành biết dữ. Adam mới này đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá thay cho Adam cũ bất tuân đã cắt đứt mối dây thông hiệp với Thiên Chúa và kéo theo bao hậu quả tai hại cho con người và vũ trụ. Eva mới cũng được dựng nên từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, nơi đã chảy ra những giọt nước, giọt máu tượng trưng cho bí tích Rửa Tội và Mình Máu Chúa Kitô để làm nên thân thể mầu nhiệm Người là Giáo Hội và cũng là hiền thê yêu quý của Đức Kitô. Chính nhờ sự vâng phục cho đến chết này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người (x. Cv 3,13), đặt Người làm Chúa, làm Đấng Kitô (x. Cv 2,36), làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết (x. 1Ts 1,10), làm Con Thiên Chúa.
3. Đức Giêsu Phục Sinh chuyển thông sự sống cho ta
Đức Giêsu Kitô đã chuyển thông sự sống mới mẻ, kỳ diệu, vĩnh hằng của Thiên Chúa cho các môn đệ cũng như cho chúng ta nếu chúng ta tin cậy và yêu mến Người. Tất cả chúng ta đều có thể cảm nghiệm được sự sống này qua thân xác yếu đuối của mình.
Phêrô đã cảm nghiệm được sự sống ấy khi nói với người ăn xin ở Cửa Đẹp đền thờ Giêrusalem: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có điều này cho anh là nhân danh Đức Giêsu Kitô, anh hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Lập tức anh ta được chữa lành. Ngài cũng đã làm cho chị Tabitha sống lại (x. Cv 9,36-42). Phaolô cũng đã chữa lành cho nhiều người, cho cậu bé Euticô sống lại khi bị rơi từng tầng thứ 3 xuống (x. Cv 20,7-12).
Hôm nay Đức Giêsu chứng tỏ quyền năng trên vạn vật khi cho các môn đệ đánh được mẻ cá lớn, dù các ông thả lưới gần bờ ngay khi trời đã sáng. Các môn đệ thấy có sẵn lửa than trên có cá và bánh như thể Chúa Giêsu trong nháy mắt đã lấy ra những thứ cần thiết để các ông cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa nơi Người.
Chúng ta đang được mời gọi để hoàn toàn tin tưởng vào Đấng Phục Sinh và nhận được sự sống kỳ diệu Người ban vì chúng ta đã chịu Phép Rửa và đón nhận Mình Máu Chúa Kitô. Tuy nhiên, có thể rất nhiều người chúng ta chưa cảm nghiệm được sự sống này như các môn đệ vì chúng ta chưa giải thích được một cách thoả đáng những đau khổ, thất bại, tật bệnh là dấu hiệu cái chết của Đức Giêsu nơi chúng ta như các Tông đồ xưa. Chúng ta vẫn cứ đau buồn, tiếc nuối, thất vọng vì chúng. Hơn nữa, chúng ta có thể đang bị chi phối, bị trói buộc bởi những định luật của vật chất như tiền bạc, của cải, nhà cửa, đất đai mà không thoát ra được nên chưa thể gặp được Đấng Phục Sinh trong đời sống thường ngày.
Cuối cùng, chúng ta có thể vẫn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nên không gặp được Đức Giêsu Kitô đang hiện diện ở khắp nơi và trong bất cứ thời đại nào. Nhiều người chúng ta vẫn gắn bó mãi với một thời điểm nào đó để tiếc xót cho những của cải đã mất, cho những người thân không còn nữa và giữ mãi lòng ghen ghét, hận thù trong khi Đức Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ, yêu thương, giữ vững niềm vui và bình an vì những vật chất đó đã được biến đổi để trở thành phần thưởng nếu chúng ta biết sử dụng chúng để làm sáng danh Chúa và tất cả những người thân yêu của chúng ta vẫn đang sống hạnh phúc cùng với Đấng Phục Sinh.
Kết luận
Hôm nay, sau khi tìm hiểu bản chất sâu xa của cuộc sống lại nơi Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi mở rộng tâm hồn cho một trời mới, đất mới với những con người mới mà Người đã tạo dựng nên để chúng ta cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu ngay trong thế giới này. Chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Đấng Phục Sinh để mang lại bình an và hạnh phúc cho tất cả mọi người.