24/11/2024

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – GS năm C – Thanh tẩy toàn diện con người

Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới dòng nước sông Giorđan, hoà chung với đám tội nhân, không phải để rửa tội mình, nhưng là để thánh hoá dòng nước, biến nước thành một dụng cụ, một bí tích giúp thanh tấy con người trở thành con yêu dấu Thiên Chúa.Vì thế hôm nay chúng ta suy tư về việc thanh tẩy con người toàn diện để đời sống mỗi ngày sạch sẽ hơn, tốt đẹp hơn.

 CN CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Thanh tẩy toàn diện con người

Hành Khất Kitô

Lời mở

Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa dưới dòng nước sông Giorđan, hoà chung với đám tội nhân, không phải để rửa tội mình, nhưng là để thánh hoá dòng nước, biến nước thành một dụng cụ, một bí tích giúp thanh tấy con người trở thành con yêu dấu Thiên Chúa .

Vì thế hôm nay chúng ta sẽ suy tư đôi chút về việc thanh tẩy con người toàn diện để đời sống mỗi ngày sạch sẽ hơn, tốt đẹp hơn.

1. Việc thanh tẩy con người toàn diện

Chúng ta đều biết con người có hai hai phần: thể xác và tâm hồn. Trong cuộc sống thường ngày, cả hai phần này đều chịu tác động của môi trường quanh ta sạch hay bẩn, của con người quanh ta tốt hay xấu hoặc của hoạt động sinh lý tự nhiên, như ăn uống hay thu nhận, bài tiết hay thải ra của chính cơ thể, làm cho mình có thể bị nhơ bẩn nên phải tắm rửa, tẩy trừ.

1.1. Việc tắm rửa thân thể

Việc tắm rửa này có lẽ là một nhu cầu hết sức cần thiết sau việc ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc. Nhiều người sợ tắm, vì ngại nước nhất là vào mùa lạnh như hiện nay vì thiếu nước ấm. Tuy nhiên ta cần tắm hầu như mỗi ngày để làn da với hàng tỷ lỗ chân lông được sạch sẽ, thoáng mát. Khi tắm, ta cũng nên tránh dùng quá nhiều xà phòng, hoá chất tẩy trắng da, không nên chà sát mạnh lên da bằng đá kỳ, sơ mướp, bọt biển vì có thể làm tổn thương bề mặt của da, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm độc xâm nhập vào sâu bên trong thân thể.

1.2. Việc thanh tẩy tâm hồn

Việc tắm rửa thể xác cho sạch sẽ cần như thế thì việc tắm rửa tinh thần hay thanh tẩy tâm hồn càng cần hơn. Một số tín hữu có thói quen xưng tội vài ba tháng một lần, có người đợi đến lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, nhưng thử hỏi nếu có sẵn nước sạch, có bao giờ ta đợi vài ba tháng mới tắm một lần không? Có thể vì không cảm nhận được sự nhơ bẩn tinh thần bằng mắt thường nên người ta không cảm nghiệm được những nguy hại mà sự bẩn thỉu, ô nhiễm gây nên cho làn da tinh thần hoặc từ đó ăn sâu vào nội tâm nên không thấy cần thanh tẩy. Nếu có đôi mắt tinh thần trong sáng hơn, nhất là dưới ánh sáng mạnh mẽ và diệu kỳ của Chúa, ta sẽ thấy tinh thần của mình đang có nhiều vết nhơ rất cần thanh tẩy thường xuyên.

1.3. Sự nhơ bẩn tác hại tâm hồn

Sự nhơ bẩn này có thể bắt nguồn từ chính bản chất bên trong con người bị tội nguyên tổ huỷ hoại nên chiều theo những tham vọng, dục vọng bất chính. Chúa Giêsu nói: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những thứ làm cho con người ra ô uế” (Mt 15, 19-20).

Sự nhơ bẩn còn từ những cái bên ngoài có thể lọt vào tâm hồn ta. Mỗi ngày ta có thể đưa vào tâm trí mình bao lời nói xấu, nói tục, nói dối, qua đôi tai của mình; hàng triệu những hình ảnh đồi truỵ, dâm đãng, bạo lực, ma quái qua đôi mắt của mình, nhất là qua các phương tiện truyền thông như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, Internet.

Tất cả những thứ nhơ bẩn ấy, một khi đi vào trong tâm thức ta, chúng ở nguyên đấy chứ không thoát đi được, nếu chúng ta không biết cách loại trừ, tẩy rửa chúng. Chúng làm cho tâm hồn ta bị vấy bẩn không còn xinh đẹp, trong sáng trước mặt Chúa, trước mặt ông bà tổ tiên đã khuất, dù rằng những người đang sống chẳng ai thấy được tâm hồn băng hoại của ta. Rồi từ lớp da tinh thần là tầng ý thức bên ngoài, càng để lâu, chúng càng phát triển độc tố, ăn sâu vào tiềm thức, vô thức của lớp cấu trúc bên trong để gây nên những bệnh nặng trong nội tạng tâm hồn khiến chúng ta không còn phát huy được những tài năng kỳ diệu của tinh thần như trí hiểu, trí nhớ, trí tưởng tượng, ý chí, tình cảm, óc sáng tạo, lòng nhân hậu, khoan dung, các đức tính tốt, cuối cùng có thể đánh mất sự hiệp thông với Chúa.

2. Phép Rửa của Chúa Giêsu

Vì thế hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn vào Chúa Giêsu chịu phép Rửa dưới sông Giorđan để học bài học thanh tẩy của Người.

2.1. Ý nghĩa hành động của Đức Giêsu

Người là Thiên Chúa trong sạch vô cùng, thánh thiện vô song, là nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên nên không thiếu điều tốt đẹp nào hoặc cần loại trừ điều xấu xa nào. Sau khi trở thành người trong mầu nhiệm Giáng Sinh qua thân phận hài nhi bé nhỏ, hôm nay, Đức Giêsu là một người trưởng thành, với tất cả ý thức và tự nguyện dấn thân, Người bước xuống dòng nước để đem sự trong sạch, thánh thiện và tất cả những ân sủng cao quý của Thiên Chúa cho con người cũng như cho muôn loài, tượng trưng qua dòng nước. Người muốn biến đổi nước thành 1 phương tiện tẩy rửa cho thân xác con người được trong sạch và thành một bí tích thanh tẩy cho tâm hồn con người được tốt đẹp xứng đáng với Thiên Chúa.

Người không phải chịu phép Rửa của ông Gioan để rửa tội mình nhưng mời gọi chúng ta hãy dùng những phương tiện Người ban và hãy sống như Người để có thể tìm lại sự trong sáng, tốt đẹp của con cái Thiên Chúa. Vì thế, ông Gioan nói với người Do Thái rằng: “Phần tôi, tôi làm phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Lc 3,16).

2.2. Phép Rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa là gì?

Qua phép Rửa Chúa Giêsu chia sẻ cho ta Thánh Thần, nghĩa là những gì tốt đẹp nhất của chính Thiên Chúa vì Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Nhờ đó ta trở nên con cái Thiên Chúa giống như Người, được quyền gọi Chúa là Cha (x. Rm 8,15; Gl 4,6). Vì thế Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình dạng chim bồ câu để xác nhận phép Rửa của Chúa Giêsu và mời gọi chúng ta hành động như Chúa Giêsu. Ngài xức dầu cho ta, sai ta đi rao giảng Tin Mừng (x. Is 61,1), cùng hành động với Chúa Giêsu để mở “1 con đường cho Đức Chúa, lấp đầy mọi thung lũng, bạt xuống mọi núi đồi..để mọi người phàm sẽ cùng được thấy vinh quang Thiên Chúa” (x. Is 40, 3-5).

Chúa Thánh Thần sẽ dùng ngọn lửa tình yêu kỳ diệu để đốt nóng tâm hồn, thanh luyện ta khỏi mọi thứ rỉ sét nhơ bẩn, mà những thứ nước thông thường của các phép rửa khác không thể thanh luyện được. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16), đốt cháy tâm hồn mới đủ sức xoá đi những xấu xa, bẩn thỉu gây tổn thương cho tinh thần con người và chữa lành những vết thương lòng mà nhiều người tưởng như không thể thực hiện được, nhất là đối với nhựng ai tin vào khoa học kỹ thuật hiện nay.

Cuối cùng, nhờ ân sủng muôn hình vạn trạng của Chúa Thánh Thần, con người mới được thanh tẩy toàn diện để phát huy mọi khả năng thể lý cũng như tinh thần, để trở thành con người phi thường như Chúa Giêsu, xứng đáng đón nhận lời Chúa Cha nói với Đức Giêsu hôm nay: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22) vì mỗi tín hữu thật sự là chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Người.

3. Chúng ta làm gì để thanh tẩy toàn diện con người?

3.1. Tránh xa nguồn gây ô nhiễm

Để việc thanh tẩy toàn diện được mau chóng, dễ dàng, chúng ta phải ngăn ngừa ngay từ đầu nguồn gốc ô nhiễm, độc hại bằng cách bảo vệ môi trường sống cho trong sạch và tránh đưa vào tâm trí mình những thứ nhơ bẩn qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều ông chủ và những người làm trong lĩnh vực truyền thông cần phải hiểu những phim ảnh sách báo đồi truỵ của họ gây tổn thương cho tinh thần và thể xác con người nặng nề như thế nào và họ đừng quên chính họ sẽ phải trả lời cho Thiên Chúa và tổ tiên ông bà về những hành động sai trái của họ.

3.2. Nhiều cách thanh tẩy

Giáo Hội giới thiệu nhiều cách thức khác nhau để giúp tín hữu tìm được sự thanh tẩy toàn diện con người. Trước hết là bí tích Rửa tội bằng nước để Chúa Thánh Thần thanh tẩy, thánh hoá và công chính hoá nhờ “mặc lấy Chúa Kitô” (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG) số 1227-1228). Tiếp theo là bí tích Giải Tội để đưa tội nhân về lại trong ân sủng của Thiên Chúa sau khi thanh tẩy các tội lỗi nhơ bẩn của họ (x. GLHTCG, số 1468). Bí tích Thánh Thể quan trọng hơn cả vì người lãnh nhận được chính Chúa Giêsu tẩy rửa bằng dòng máu châu báu của Người (x. GLHTCG, số 827, 1393).

Ngoài ra, còn nhiều cách thanh tẩy khác “nhờ Máu Chúa Kitô và các ân sủng của Chúa thánh Thần” (x.GLHTCG, số 827) qua các hình thức thống hối như giữ chay, cầu nguyện, bố thí (x. GLHTCG, số 1334-1339), thú nhận tội lỗi (x. 1Ga 1,9), loan báo Tin Mừng (x. GLHTCG, số 2527).

Chúng tôi cũng muốn giới thiệu 1 việc làm cụ thể và mong anh chị em thực hiện hằng ngày như là một thói quen tắm rửa linh hồn: mỗi tối, trước khi ngủ, ta dành ra 1,2 phút nhìn lại ngày sống vừa qua của mình xem có vết nhơ, vết bẩn nào bám vào tâm hồn mình hay không để xin lỗi Chúa, xin lỗi người. Hành động tự kiểm và thống hối này sẽ bảo đảm cho tâm hồn ta trong sạch, giấc ngủ an bình và ngày sống mới hiệu quả hơn.

Lời kết

Nhìn vào Chúa Giêsu chịu phép Rửa, chúng ta học lại bài học thanh tẩy toàn diện con người để trở nên con cái yêu dấu của Chúa Cha, anh em ruột thịt của Chúa Giêsu và bạn thân thiết của Chúa Thánh Thần. Đó là sự thật mà lòng ta ít khi nghĩ tới!