24/11/2024

Tình yêu phải cần có sự khác biệt

Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của ông Xavier Lacroix, triết gia kiêm thần học gia người Pháp, về sự khác biệt cần thiết cho tình yêu.

Tình yêu phải cần có sự khác biệt

 

Một số nhận định của ông Xavier Lacroix, triết gia kiêm thần học gia người Pháp

 

Ngày mồng 7-11-2012, Hội đồng Bộ trưởng Pháp đã chấp nhận dự thảo luật hôn nhân đồng phái và cho phép các cặp hôn nhân đồng phái quyền nhận nuôi con. Dự luật này sẽ được Quốc hội Pháp bắt đầu thảo luận vào cuối tháng 1-2013 và chính quyền dự trù sẽ cho áp dụng vào tháng 9-2013. Cho tới nay, tại Pháp đã có luật Khế ước Sống chung, do chính quyền của thủ tướng Lionel Jospin đưa ra, nhưng nó hạn hẹp hơn dự luật hôn nhân đồng phái lần này. Nếu luật được Quốc hội Pháp thông qua, thì nước Pháp sẽ là quốc gia thứ 14 có luật hôn nhân đồng phái sau các nước như: Hà Lan, Bỉ, Canada, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Nam Phi, Na Uy, Bồ Đào Nha, Island, Argentina, Mehicô, Brasil và 6 tiểu bang tại Hoa Kỳ là Massachusettes, Connecticut, Iowa, Vermont, New Hampshire, New York và Washintton DC, trong khi tại tiểu băng California luật này đã bị treo.

 

Ngay từ năm 1995, đã có 51% dân Pháp chấp nhận hôn nhân đồng phái, và chỉ có 39% đồng ý cho các cặp đồng phái quyền nhân con nuôi. Theo các thăm dò hiện nay, xem ra có tới 65% chấp nhận hôn nhân đồng phái và 56% chấp nhận cho họ quyền nhận con nuôi. Các tín hữu Dothái, Hồi giáo, Tin Lành Pháp và đặc biệt là Giáo hội Công giáo Pháp mạnh mẽ chống lại dự luật này. Hồi tháng 8-2012, các Giám mục Pháp đã phát động phong trào cầu nguyện cho quốc gia và các nhà lãnh đạo biết sáng suốt và có các quyết định hợp với luân lý và thực sự phục vụ công ích.

 

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn một số nhận định của ông Xavier Lacroix, triết gia kiêm thần học gia người Pháp, về sự khác biệt cần thiết cho tình yêu.

 

Ông Xavier Lacroix là Giáo sư Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học và Học viện Gia đình của Đại học Lyon, miền nam nước Pháp. Ông cũng là thành viên Uỷ ban Cố vấn Pháp về Luân lý, chuyên viên của Hội đồng Toà Thánh về Gia đình, và cũng đã từng là thành viên Uỷ ban Cố vấn Gia đình của Hội đồng Giám mục Pháp. Trong số nhiều sách nổi tiếng của ông đã được dịch sang tiếng Ý có các cuốn như: “Thân xác và tinh thần. Tính dục và cuộc sống Kitô” (1996); “Thân thể xác thịt. Chiều kích luân lý, thẩm mỹ và tinh thần của tình yêu” (2001); “Hôn nhân… một cách đơn sơ” (2002); “Những người chuyền sự sống: Khảo luận về tình phụ tử” (2005); “Sự khác biệt từ nguyên thuỷ. Tính dục, hôn nhân, nhận nuội con” (2006).

 

Hỏi: Thưa Giáo sư Lacroix, giáo sư có nhận định nào về bầu khí chung quanh dự thảo luật cho phép hôn nhân đồng phái, đang bị dân chúng Pháp phản đối hiện nay?

 

Đáp: Các Giáo hội đã không phải là các cơ cấu duy nhất đưa ra lập trường về vấn đề này. Nhưng cũng có các tác giả vô thần và các tôn giáo khác diễn tả cùng một chiều hướng như vậy. Các lý lẽ do các Giáo Hội đưa ra không phải là các lý lẽ tôn giáo hay thần học, nhưng là các lý lẽ nhân chủng học, và chúng hướng tới lý trí con người. Giáo Hội muốn tham dự vào cuộc thảo luận về vấn đề này, vì nghĩ rằng nó liên quan tới thiện ích chung.

 

Hỏi: Có các khía cạnh cho tới nay đã bị đánh giá thấp hay không, thưa giáo sư?

 

Đáp: Cuộc thảo luận là điều có thể làm, chiếu theo sự lẫn lộn và không chắc chắn rất lớn mà người ta hiện có đối với từ “hôn nhân”. Đối với nhiều người ngày nay, hôn nhân là một cử hành xã hội của tình yêu, như một dân biểu quốc hội Pháp đã chủ trương. Người ta lẫn lộn “tình yêu” với “hôn nhân”.

 

Nhưng hôn nhân không phải chỉ là thế, vì nó là một cơ cấu, nghĩa là một hình thức cuộc sống do chính xã hội xác định. Đàng khác, thật sự ra, trong tất cả các nền văn hoá hôn nhân là nền tảng của một gia đình. Như thế, chúng ta đang nói tới quan niệm về gia đình.

 

Hỏi: Có người nhấn mạnh nguy cơ của một đảo lộn nhân chủng học hơn là một đảo lộn về luân lý. Riêng giáo sư, thì giáo sư nghĩ sao?

 

Đáp: Biện pháp xem ra liên quan tới một con số người rất ít ỏi. Một thiểu số đồng phái yêu cầu sự cải cách này, và như vậy nó liên quan tới một thiểu số trong một thiểu số. Tại các nước đã cơ cấu hoá hôn nhân đồng phái, 1,5% các vụ hôn nhân liên quan tới các người đồng phái. Nhưng các lý do đưa ra đụng chạm tới tất cả mọi người, bởi vì càng ngày người ta càng thường nghe nói rằng gia đình không dựa trên “sinh học” nữa, nghĩa là trên sự sinh sản, nhưng trái lại nó dựa trên ý muốn và trên một khung cảnh pháp lý.

 

Tôi nghĩ rằng nếu gia đình không dựa trên sự sinh sản nữa, thì nó sẽ không đạt tới chiều kích biểu tượng của nó, vì thiếu tương quan giữa sự sinh sản và liên hệ con cái. Và đối với tôi chính tương quan giữa việc sinh sản và liên hệ con cái xem ra là vấn đề nhân chủng học chính yếu.

 

Hỏi: Ý muốn trước sự sinh sản: có phải chúng ta đang đứng trước các đòi hỏi thuộc một loại mới hay không, thưa giáo sư?

 

Đáp: Các lý do đã được đưa ra và triết học mà chúng phản ánh, còn khiến cho tôi lo âu hơn là các quyết định chính trị. Trên bình diện văn hoá, chúng ta đang chứng kiến sự đồng quy của các trào lưu tư tưởng gán cho ý muốn, các ước mong hay cho xã hội một loại toàn quyền. Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng xã hội và ước muốn không phải là tất cả, mà chúng ta nhận được từ cuộc sống; và sự sống, một cách nền tảng, là một ơn, đặc biệt là qua thân xác. Đối với tôi, thân xác quan trọng cũng như sự sinh sản vậy.

 

Hỏi: Các chân trời triết lý mới này có mở đầu cho một khả thể thoát ra khỏi truyền thống duy nhân bản hay không, thưa giáo sư?

 

Đáp: Có một tư tưởng thống trị nào đó đối chọi thiên nhiên và văn hoá. Và như thế, người ta đối chọi thân xác với văn hoá. Tôi thuộc số những người khẳng định rằng một tư tưởng quân bình và đầy đủ nối liền thiên nhiên với văn hoá, và như thế nối liền thân xác với ngôn ngữ. Chúng ta phải nghĩ tới việc nối liền thân xác với ngôn ngữ, và gia đình ở trong sự nối liền ấy.

 

Hỏi: Thưa giáo sư, một vài người chống đối nhắc tới Hiệp định Quốc tế về Quyền của các Trẻ em. Như thế họ có lý không?

 

Đáp: Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta phải quy chiếu nhiều hơn Hiệp định về Quyền của các Trẻ em năm 1989; và nhất là điều 7 khẳng đinh rằng “trẻ em có quyền, trong mức độ có thể, biết cha mẹ mình, và được giáo dục bởi cha mẹ”.

 

Khi chú ý nhiều hơn tới các quyền của trẻ em được giải thích trong nghĩa này, người ta sẽ lý luận một cách khác. Nhưng vấn đề đó là ngày nay trẻ em bị coi như là một đối tượng của quyền sở hữu; và vì thế, các cặp đồng phái khẳng định rằng họ có quyền có một đứa con nuôi, như thể là họ có thể cần một món đồ tiêu thụ. Trong một chương trình truyền hình đề cập tới vấn đề này, một trạng sư lại còn đề cập tới “một chợ bán trẻ em” nữa. Và tôi thấy điều đó gây âu lo.

 

Hỏi: Như vậy là chúng ta đang đứng trước các cố gắng định nghĩa các quyền của con người, có đúng thế không?

 

Đáp: Tôi tin rằng có sự mâu thuẫn giữa việc đánh giá con người, chủ thể, các quyền con người, cá nhân và việc đề nghị các mẫu gia đình tương tự, bởi vì nếu người ta thực sự để con người vào trung tâm, thì điều tốt hơn là người ta sẽ cống hiến cho đứa trẻ một tình trạng sống theo hình tam giác, nghĩa là một tình trạng sống trong đó có một người nam và một người nữ và đứa trẻ là ba. Có một tương quan giữa con người và thân xác. Khi đó người cha là một người nam và người mẹ là một người nữ.

 

Hỏi: Có một vài tín hữu Kitô bày tỏ sợ hãi bị coi như là những kẻ “sợ hãi con người”. Làm thế nào để gắn liền các xác tín riêng với bổn phận của Kitô hữu là tiếp đón tha nhân, thưa giáo sư?

 

Đáp: Một đàng, bằng cách khẳng định một cách đơn sơ rằng chúng ta phân biệt vấn đề của sự đồng phái với vấn đề hôn nhân. Chúng ta không xét đoán khuynh hướng đồng phái, khi khẳng định rằng hôn nhân là một cơ cấu không chỉ tuỳ thuộc nơi ý muốn. Thứ hai là bằng cách minh nhiên nhiều hơn nữa tất cả những gì được làm bên trong Giáo Hội để tiếp đón những người đồng phái.

 

(Avvenire 20-11-2012)