24/11/2024

Đức Giêsu thành Nazareth – Diễn từ cánh chung của Đức Giêsu

Đức Giêsu biết Giêrusalem đang trên đường diệt vong như lần quân Babylon phá huỷ Đền thờ năm 587 tr. CN. Hàng ngũ chức sắc Do Thái tại Giêrusalem cho rằng Thiên Chúa vẫn đảm bảo sự tồn tại chính trị của họ. Tuy nhiên, điều đó không đúng. Những nỗ lực quân sự của người Do Thái nhằm lật đổ chế độ cai trị của La Mã cũng sẽ thất bại. Quân La Mã phá huỷ Đền thờ năm 70 là việc tất yếu sẽ xảy ra: hệ thống tế tự của dân Do Thái sẽ phải chấm dứt.

DIỄN TỪ CÁNH CHUNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, sau những lời Đức Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu “khốn cho các ngươi” – nghĩa là trong ngữ cảnh những bài diễn từ sau khi Người vào Giêrusalem – Đức Giêsu đã nói một câu bí ẩn mà Thánh Luca cũng trích dẫn như sau: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các tiên tri và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi…” (Mt 23:37-38; Lc 13:34-35). Đoạn này cho thấy rõ Đức Giêsu hết mực yêu mến thành và hết sức cố gắng khơi lên phản ứng tích cực của thành đối với thông điệp Người rao giảng. Với thông điệp này, Người đứng vào hàng ngũ các tiên tri trong lịch sử cứu độ trước đó.

Hình ảnh gà mẹ chăm sóc, bảo vệ đàn con được gợi lên từ Cựu Ước: “Chúa đã gặp thấy [nhà Giacop] giữa miền hoang địa…Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bày con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy, rồi cõng con trên mình” (Ðnl 32:10-11). Từ đây, người ta lại nhớ tới lời tốt đẹp của Thánh vịnh 36:7: “Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao! Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.”

Ở đây, Đức Giêsu diễn tả sứ vụ và lời kêu gọi làm môn đệ Người bằng cách thể hiện tình yêu thương che chở của Thiên Chúa, Đấng đã bảo vệ Giêrusalem với đôi cánh giang rộng (Is 31:5). Bây giờ, chính tình thương bảo bọc đó cần đến sự ưng thuận tự do của đàn con, nhưng chúng từ chối: “mà các ngươi không chịu” (Mt 23:37).

Đức Giêsu mô tả hậu quả của sự khước từ đó trong một câu nói được diễn tả bằng phong cách của lời tiên tri cổ. Câu nói đó đầy bí ẩn nhưng không gây nhầm lẫn, vì Tiên tri Giêrêmia cũng đã ghi nhận lời Chúa về những vụ việc gây ô uế Đền thờ: “Nhà của Ta, Ta đã bỏ rơi, cơ nghiệp của Ta, Ta cũng vứt bỏ” (Gr 12:7). Đức Giêsu nói cùng một ý như thế: “Nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang” (Mt 23:38). Đức Chúa đang rút lui. Đền thờ không còn là nơi Danh Thiên Chúa ngự trị. Đền thờ sẽ bị bỏ trống, chỉ còn là “nhà các ngươi”.

Sử gia Flavius Josephus viết về cuộc chiến Do Thái cũng có những lời mô tả tương tự như câu nói này của Đức Giêsu. Tacitus cũng diễn tả cùng một ý như Đức Giêsu trong bản văn lịch sử của ông (x. Hist. 5, 13). Flavius Josephus tường trình những sự kiện lạ trong những năm cuối trước khi cuộc chiến Do Thái nổ ra. Nhiều sự kiện khác nhau và đáng lo ngại đó báo trước ngày lụi tàn của Đền thờ. Vị sử gia kể lại tất cả bảy dấu chỉ như vậy. Tôi chỉ bình luận một dấu chỉ gần như bản sao của những lời u ám Đức Giêsu đã thốt lên mà chúng ta trích dẫn bên trên.

Dấu chỉ xảy đến vào lễ Ngũ tuần năm 66 sau CN: “Vào dịp lễ Ngũ tuần, khi các tư tế vào sân trong của Đền thờ ban đêm để thực hiện những nghi thức phụng vụ như theo thông lệ, thì theo như chính lời họ khẳng định, họ nghe thấy một luồng chuyển động mạnh và một tiếng động ầm vang, rồi một lời đồng thanh vang lên: ‘Chúng ta hãy ra khỏi nơi đây’” (The Jewish War, tr. 361). Cho dù chính xác chuyện gì đã xảy ra, có một điều quá rõ ràng: trong những năm cuối cùng trước bao tai ương vào năm 70, bao quanh Đền thờ là một không khí đậm đặc điềm báo khiến người ta linh cảm về cái kết cục sắp tới của Đền thờ. “Nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang”. Bằng ngôi thứ nhất số nhiều đặc trưng cho những lời Chúa phán được ghi trong Cựu Ước (x. St 1:26), Đức Chúa thông báo Người sắp sửa rời khỏi Đền thờ “Chúng ta hãy ra khỏi nơi đây”, để nó “bị bỏ hoang”. Một bước ngoặt lịch sử có tầm quan trọng không ai lường trước được sắp diễn ra.

Sau lời tiên tri về ngôi nhà bị bỏ trống – không trực tiếp nói đến sự phá huỷ Đền thờ mà ngụ ý sự mất đi ý nghĩa sâu xa của Đền thờ như là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người – bản Tin Mừng theo Thánh Matthêu trình bày bài diễn từ thế mạt của Đức Giêsu. Bài diễn từ cánh chung này lấy sự phá huỷ Đền thờ, sự tàn phá Giêrusalem và ngày Phán xét cuối cùng làm chủ đề trung tâm. Cả ba bản Phúc âm Nhất Lãm đều có bài diễn từ cánh chung, với chỉ một vài khác biệt nhỏ giữa ba bản. Bài diễn từ này có thể được xem là khó hiểu nhất trong các Phúc Âm.

Trong một chừng mực nào đó, lý do nằm ở độ khó về nội dung. Bản văn một phần nhắc tới các sự kiện lịch sử đang diễn ra trong lúc đó, nhưng chủ yếu nói tới một tương lai nằm ngoài thời gian và thực tại mà ta có thể lĩnh hội: thật ra, tương lai ấy đưa thời gian và các sự kiện lịch sử đến điểm chung cuộc của chúng. Đức Giêsu loan báo về một tương lai vượt trên những phạm trù có thể được nhận biết nhờ kinh nghiệm, tuy nhiên các phạm trù đó lại chỉ có thể được diễn tả bằng những mô hình rút ra từ kinh nghiệm của con người chúng ta, và vì thế những mô hình đó không đáp ứng được mục đích diễn đạt trọn vẹn. Đây là lý do vì sao Đức Giêsu luôn phát biểu trong mối tương quan liên tục với Lề Luật và các tiên tri, và trong bài diễn từ này Người viện đến một chuỗi những điểm hàm ý từ trong Kinh Thánh, từ đó Người xác định yếu tố mới trong sứ vụ của Người – sứ vụ của Con Người.

Như vậy, viễn tượng về những gì sẽ xảy ra nhìn chung được diễn tả qua những hình ảnh rút ra từ truyền thống, với dụng ý hướng chúng ta về những thực tại gần như không thể biểu đạt. Độ khó về nội dung còn tăng thêm do những vấn đề phát sinh từ lịch sử biên soạn bản văn. Đức Giêsu có ý trình bày lời lẽ của mình như những sợi chỉ nối tiếp từ truyền thống chứ không phải là những hình ảnh tả chân về những điều sắp diễn ra. Vấn đề là những môn đệ biên soạn có thể nâng những sợi chỉ tiếp nối này lên một bậc xa hơn, dựa trên những tình huống cá nhân cụ thể của từng người biên soạn và khả năng lĩnh hội của đối tượng họ muốn loan báo, cho dù họ vẫn cẩn trọng giữ đúng nội dung thiết yếu trong thông điệp của Đức Giêsu.

Chủ trương của quyển sách này là không đi vào những vấn đề chi tiết của khoa phê bình biên soạn và lịch sử lưu truyền. Tôi chỉ muốn khảo sát ba khía cạnh của bài diễn từ cánh chung của Đức Giêsu, từ đó làm rõ những ngầm ý trong bài diễn từ này.

1.  CHẤM DỨT THỜI CỦA ĐỀN THỜ

Trước khi trở lại với lời của Đức Giêsu, chúng ta cần xem qua những sự kiện lịch sử trong năm 70. Cuộc chiến Do Thái bắt đầu vào năm 66 với vụ trục xuất quan Tổng trấn Gessius Florus và chiến thắng cuộc phản công của La Mã. Đây không chỉ là cuộc chiến của người Do Thái chống lại quân La Mã, mà nhìn rộng ra, còn là cuộc nội chiến giữa những phe phái kình chống nhau và giữa những người cầm đầu các phe phái này. Đó là lý do trận chiến Giêrusalem có mức độ tàn phá đáng kinh sợ.

Eusebius thành Caesarea (mất khoảng năm 339), và Epiphanius thành Salamis (mất năm 403) – với một góc nhìn khác, kể cho chúng ta rằng các Kitô hữu đã chạy sang thành Pella phía Đông sông Jordan trước khi thành Giêrusalem bắt đầu bị bao vây. Theo Eusebius, họ quyết định chạy trốn sau khi “những người đáng trọng” được thông truyền mệnh lệnh đó trong một mặc khải (Hist. Eccl. III/5). Mặt khác, Epiphanus viết: “Đức Kitô bảo họ bỏ thành Giêrusalem và lánh sang nơi khác, vì thành sẽ bị vây hãm” (Haer. 29, 8). Thật ra, ngay trong diễn từ thế mạt của Đức Giêsu, chúng ta cũng đã tìm thấy lời chỉ bảo này: “Khi anh em thấy đồ-ghê-tởm-khốc-hại đứng ở nơi nó không được phép đứng… thì bấy giờ ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi” (Mc 13:14).

Chúng ta không xác định được sự kiện hay thực tế nào mà người Kitô hữu xem như dấu hiệu chỉ “đồ ghê tởm khốc hại” để rồi gấp rút tháo chạy, nhưng chúng ta không thiếu những khả năng hợp lý – đó là những sự kiện xảy ra trong cuộc chiến Do Thái có thể được chọn để giải thích như dấu hiệu mà Đức Giêsu cảnh báo. Cụm từ “đồ ghê tởm khốc hại” được lấy từ Sách Đanien (9:27, 11:31, 12:11), nhằm chỉ hành vi người Hy Lạp mạo phạm Đền thờ. Hình ảnh biểu trưng rút từ lịch sử Do Thái đó mở ra nhiều cách giải thích cho lời tiên đoán về những điều sắp tới. Như vậy, bản văn của Eusebius là hoàn toàn đáng tin, vì rằng một vài thành viên đáng kính nào đó trong cộng đồng Kitô hữu tiên khởi có thể đã nhận ra nơi một sự kiện cụ thể “nhờ một mạc khải” dấu hiệu đã được tiên báo, và họ hiểu đấy như là dấu chỉ chuẩn bị trốn chạy.

Alexander Mittelstaedt chỉ ra rằng vào mùa hè năm 66, cùng với Joseph ben Gorion, cựu thượng tế Annas II – kẻ vào năm 62 đã kết án tử ông Giacôbê, “người anh em của Chúa” và là người đứng đầu cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái – đã được chọn làm tướng lĩnh chỉ huy các cuộc tác chiến quân sự cho cuộc chiến (Lukas als Historiker, tr. 68). Các Kitô hữu gốc Do Thái có thể đã xem sự bầu chọn cựu thượng tế Annas II như dấu hiệu đến lúc phải trốn đi. Phải công nhận đây chỉ là một trong nhiều giả thuyết. Tuy nhiên, vụ trốn chạy của các Kitô hữu gốc Do Thái khỏi cuộc chiến càng làm rõ thái độ khước từ của họ trước cách giải thích về thông điệp trong Kinh Thánh và thông điệp của chính Đức Giêsu theo hướng “Nhiệt thành” hay “Quá khích” (“Zealot”): họ ấp ủ một hy vọng thuộc dạng hoàn toàn khác!

Chúng ta hãy quay lại với cuộc chiến Do Thái. Khi hoàng đế Nero qua đời năm 68, Vespasian – người được Nero giao phó trách nhiệm tiến hành các chiến dịch quân sự – đã dừng mọi hoạt động tác chiến. Chẳng bao lâu sau, vào ngày 1 tháng 7 năm 69, Vespasian được phong làm hoàng đế. Do đó, ông giao cho con trai Titus nhiệm vụ chinh phạt thành Giêrusalem.

Theo sử gia Flavius Josephus, Titius hẳn đã tới cổng Thành Thánh vào thời điểm diễn ra lễ Vượt Qua, vào ngày 14 của tháng Nisan, như vậy là vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đức Giêsu bị đóng đinh và thập tự. Hàng ngàn khách hành hương lũ lượt đổ về thành Giêrusalem. John thành Gischala, một trong những người cầm đầu đối lập của cuộc nổi dậy, lén đưa các chiến binh vũ trang giả dạng khách hành hương đi vào đền thờ, tại đó, họ bắt đầu tàn sát những người đi theo ông Eleazar ben Simon – đối thủ của John thành Gischala. Như thế, một lần nữa, thánh điện lại vấy máu người vô tội (x. Mittelstaedt, Lukas als Historiker, tr. 72). Thế nhưng đây chỉ mới là khởi điểm của những hành động tàn bạo vô độ theo sau đó khi sự cuồng tín của phe này và cơn cuồng nộ của phe kia cứ dâng lên không ngừng.

Chúng ta không cần tìm hiểu chi tiết thành phố và Đền thờ bị chiếm giữ và tàn phá ra sao, tuy nhiên cũng nên trình bày lại ở đây bản tóm tắt của Mittelstaedt mô tả tấn bi kịch: “Đền thờ suy vi theo ba giai đoạn: đầu tiên, việc dâng lễ vật hàng ngày chấm dứt, và thánh điện bị biến thành pháo đài; kế đó, thánh điện bị đốt cháy cũng theo ba bước … và cuối cùng tàn tích của Đền thờ bị đánh đổ sau khi thành phố thất thủ. Vụ phá huỷ chính diễn ra trong lửa thiêu; vụ phá đổ tiếp theo chỉ là hậu quả… Những ai sống sót, nếu không chết sau đó vì nạn đói và bệnh dịch, thì cũng bị đem ra đấu trường, đưa vào hầm mỏ, hay sống kiếp nô lệ” (tr. 84-85).

Theo sử gia Flavius Josephus, con số tử vong lên tới 1.100.000 người (The Jewish War, tr. 371). Orisius (Hist. Adv. Pag. VII, 9, 7) và Tacitus (Hist. V, 13) cho rằng số người chết là 600.000. Mittelstaedt nói rằng người ta đã phóng đại số tử vong, và ước tính khoảng 80.000 người chết (tr. 83). Bất kỳ ai từng đọc các bản văn tường thuật nói trên, với những câu chuyện kể về cuộc thảm sát hàng loạt, giết người, cướp bóc, đốt phá, đói kém, xúc phạm tử thi, phá hoại môi trường (khắp nơi trong vòng bán kính mười một dặm đều bị chặt phá và huỷ diệt), đều có thể hiểu lời bình luận của Đức Giêsu dựa trên một đoạn văn trong Sách Đanien (12:1): “Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa” (Mc 13:19).

Trong bản văn của Đanien, tiếp theo sau lời tiên tri về hoạ diệt vong trên là một lời hứa: “Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa” (12:1). Tương tự như vậy, trong bài diễn từ của Đức Giêsu, sự dữ không giành được tiếng nói cuối cùng: những ngày kinh hoàng được rút ngắn, và những người được chọn sẽ được cứu thoát. Thiên Chúa để cho sự dữ và kẻ ác một mức độ tự do hoành hành, theo chúng ta nghĩ, là quá lớn! Tuy nhiên, ngay cả đúng như vậy, thì lịch sử vẫn nằm trong tay Ngài.

Giữa tấn bi kịch – điển hình cho vô số thảm kịch trong lịch sử – một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử tôn giáo và nhân loại đã diễn ra: vào ngày 5 tháng 8 năm 70, “việc tế lễ hàng ngày bị bãi bỏ vì nạn đói và súc vật khan hiếm” (Mittlelstaedt, Lukas als Historiker, tr. 78).

Sau khi vua Nebuchadnezzar phá huỷ Đền thờ năm 587 tr. CN, việc tế các lễ vật toàn thiêu bị trì hoãn 70 năm, và lần thứ hai, từ năm 166 đến 164 tr. CN, dưới ách thống trị của vua Hy Lạp Antiochus IV, Đền thờ bị tục hoá và việc tế tự dành cho Thiên Chúa duy nhất bị thay bằng những lễ tế cho thần Zeus. Tuy nhiên, trong cả hai lần đó, Đền thờ đều được tái thiết và việc thờ phượng theo Lề Luật được tái lập.

Trái lại, vụ tàn phá năm 70 đặt dấu chấm hết cho Đền thờ: Những nỗ lực nhằm xây dựng lại Đền thờ dưới thời Hoàng đế Hadrian trong suốt cuộc khởi nghĩa của Bar Kochba (132-135 s. CN), và sau đó, dưới thời Hoàng đế Julia (năm 361), đều đi đến thất bại. Cuộc nổi dậy của Bar Kochba khiến Hoàng đế Hadrian ra lệnh cấm người Do Thái vào Giêrusalem và vùng chung quanh thành. Ngay tại vị trí của Thành Thánh, hoàng đế cho xây một đền thờ mới, gọi là Aelia Capitolina, để cúng tế thần Jupiter Capitolinus. “Vào thế kỷ thứ tư, Hoàng đế Constantine là vị đầu tiên cho phép người Do Thái về viếng thăm Thành Thánh mỗi năm một lần vào dịp kỷ niệm thành Giêrusalem bị phá huỷ để than khóc tại bức tường của Đền thờ” (Gnilka, Nazarener, tr. 72).

Đối với Do Thái giáo, Đền thờ bị phá huỷ và nghi lễ hiến tế chấm dứt, hẳn là một đại nạn, vì Đền thờ và hy lễ là trung tâm của Lề Luật. Giờ đây việc đền tội không còn nữa, nghĩa là chẳng còn gì có thể đền bù cho tội lỗi chồng chất trong thế gian. Nghiêm trọng hơn nữa là trên trần gian không còn nơi trú ngụ cho Thiên Chúa – Đấng đã thiết lập Thánh Danh trong Đền thờ và cư ngụ cách bí ẩn nơi đó. Giao Ước sẽ ra sao? Lời hứa đâu cả rồi?

Chúng ta thấy rõ điều này: cần phải đọc Kinh Thánh – Cựu Ước với cách thức mới. Do Thái giáo theo phái Xađốc không tồn tại sau thảm hoạ này vì hoàn toàn gắn chặt với Đền thờ. Nhóm Qumran, dù phản đối Đền thờ của vua Herod, cũng biến mất vì đặt kỳ vọng vào một Đền thờ mới. Trước hoàn cảnh này, chỉ có hai hướng ra khả thi – hai cách mới để đọc hiểu Cựu Ước sau biến cố năm 70: đọc trong ánh sáng của Đức Kitô, dựa trên nền tảng các Tiên tri, và đọc theo các rabbi.

Trong số những trường phái tư tưởng thịnh hành vào thời Đức Giêsu, trường phái duy nhất còn tồn tại sau khi mất Đền thờ là nhóm Pharisêu, lấy trường rabbi Jamnia làm trung tâm mới và phát triển cách đọc và lý giải Cựu Ước tập trung vào Lề Luật. Chỉ như vậy “Do Thái giáo” theo nghĩa nghiêm túc mới có thể được xem như một tôn giáo nhìn nhận quy điển Kinh Thánh được Thiên Chúa mạc khải và đọc quy điển Kinh Thánh theo cách mới trong hoàn cảnh thiếu vắng các nghi thức thờ phượng trong Đền thờ cũ. Sự thờ phượng đó không còn nữa. Như vậy, sau năm 70, đức tin của người Do Thái mang một hình thái mới.

Sau nhiều thế kỷ đối kháng, bây giờ chúng ta nhận ra mình có nhiệm vụ so sánh, đối chiếu hai cách đọc hiểu Kinh Thánh trên – cách của Kitô giáo và cách của Do Thái giáo – nếu ta thấy cần phải hiểu đúng ý Chúa và lời Chúa.

Thánh Gregory thành Nazianzen (mất khoảng năm 390) đã đưa ra cách phân chia các thời đại trong lịch sử tôn giáo sau khi suy ngẫm về vụ phá huỷ Đền thờ Giêrusalem. Ngài nói về tính nhẫn nại của Thiên Chúa: Ngài không đưa ra những gì khó hiểu cho con người. Thiên Chúa kiên nhẫn như một người thầy giàu lòng nhân ái hay như một vị lương y từ tâm. Ngài chậm rãi đưa một vài tập quán, tục lệ nào đó đến điểm dừng, cho phép những phong tục khác được tiếp diễn, và như thế dẫn dắt con người tiến lên. “Người ta không dễ xa lìa những truyền thống được kính chuộng lâu đời. Đấy là quan điểm của tôi. Sự thay đổi đầu tiên dẹp bỏ ngẫu tượng, nhưng vẫn cho phép tế lễ. Sự đổi mới thứ hai chấm dứt lễ vật, nhưng không cấm đoán việc cắt bì. Rồi khi con người đã dần quen với sự thu hồi đó, họ sẽ chấp nhận cho vào dĩ vãng những thói tục mà Thiên Chúa đã nhượng bộ để lại cho họ” (Oration 31, “On the Holy Spirit”, đoạn 25). Theo quan điểm của vị Giáo phụ, ngay cả những hy tế mà Lề Luật quy định dường như cũng chỉ là điều được châm chước – một giai đoạn trên con đường hướng tới sự thờ phượng Thiên Chúa một cách đúng đắn, một thứ tạm thời cần phải được vượt qua, và Đức Kitô đã thật sự vượt trên điều đó.

Một câu hỏi quan trọng nảy sinh ở đây: Làm sao Đức Giêsu nhìn ra chân lý đó? Và bằng cách nào các Kitô hữu đã hiểu được Người? Chúng ta không cần xét tầm mức mà những chi tiết trong bài diễn từ cánh chung có thể được quy cho chính Đức Giêsu. Chúng ta không hoài nghi về sự kiện Đức Giêsu báo trước Đền thờ sẽ bị huỷ hoại – sự sụp đổ của nó về mặt thần học, nghĩa là từ quan điểm của lịch sử cứu độ. Ngoài diễn từ cánh chung, còn có những bằng chứng khác minh hoạ cho lời khẳng định của chúng ta: đoạn về ngôi nhà bị bỏ phế (Mt 23:37-38; Lc 13:34-35), lời lẽ của tên chứng gian trong vụ xử án Đức Giêsu (Mt 26:61; 27:40; Mc 14:58; 15:29; Cv 6:14) – lời lẽ đó lại tái xuất hiện theo dạng mắng nhiếc, chế nhạo dưới chân Thập giá, và lời đó do chính Đức Giêsu nói trong Tin Mừng theo Gioan (Ga 2:19).

Đức Giêsu yêu quý Đền thờ (x. Lc 2:49) và vui sướng được giảng dạy tại đó, vì Đền thờ thuộc về Cha Người. Người gìn giữ nó sao cho đúng với chức năng là nhà cầu nguyện cho muôn dân. Tuy nhiên, Người cũng ý thức thời của Đền thờ sắp qua và một điều mới liên quan tới cái chết và sự Phục sinh của Người sẽ đến.

Qua quá trình lắng nghe và chú tâm đọc hiểu, Giáo hội sơ khai đã chắp nối những lời xem ra bí ẩn và rời rạc của Đức Giêsu về Đền thờ, Thánh giá và Phục sinh để rồi cuối cùng có thể hiểu ra thông điệp hoàn chỉnh của Đức Giêsu. Đó chẳng phải việc dễ dàng, nhưng đã được bắt đầu ngay ngày lễ Hiện xuống, và chúng ta có thể khẳng định rằng những điểm thiết yếu của tổng luận mới đã hình thành trong thần học theo Thánh Phaolô trước khi Đền thờ bằng gỗ đá sụp đổ trên thực tế.

Về mối liên hệ của cộng đoàn sơ khai nhất với Đền thờ, sách Công vụ Tông đồ cho biết: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2:46). Như vậy, đời sống của Giáo hội non trẻ xoay quanh hai địa điểm chính: họ tập họp để rao giảng và cầu nguyện tại Đền thờ, vì họ vẫn xem Đền thờ là nhà của lời Chúa và của cầu nguyện; mặt khác, họ tổ chức lễ bẻ bánh – trung tâm phụng tự mới trong đời sống tín hữu – tại tư gia, nơi ấy họ tụ họp và hiệp thông nhân danh Đức Kitô Phục sinh.

Dù cho tới lúc này chưa thấy rõ sự ngăn cách với lễ tế theo Lề Luật, nhưng chúng ta cũng rút ra được điểm khác biệt: lễ tế đã được thay thế bởi “lễ bẻ bánh”. Ẩn dưới cụm từ đơn sơ ấy là di sản của buổi Tiệc Ly, nhắc tới tình liên đới trong thánh thể của Đức Kitô, gắn với cái chết và sự Phục sinh của Người.

Thánh Têphanô và Thánh Phaolô – hai gương mặt nổi bật liên quan tới tổng luận thần học mới – nhận ra nơi cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu hồi kết của Đền thờ trong lịch sử cứu độ, ngay cả trước lúc Đền thờ sụp đổ.

Trong cộng đồng tiên khởi tại Giêrusalem, Têphanô thuộc nhóm Kitô hữu gốc Do Thái nói tiếng Hy Lạp (“Hellenists”). Nhóm này nhìn Lề Luật bằng nhãn quan mới. Sự hiểu biết đó đã dọn đường cho nền Kitô học của Thánh Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại bài diễn thuyết của Thánh Têphanô, trong đó thánh nhân trình bày nhãn quan mới của ngài về lịch sử cứu độ. Bài diễn từ của ngài ngưng lại ngay trọng điểm, vì cơn điên giận của những kẻ thù nghịch đã đến cao điểm và bùng phát thành màn ném đá vị sứ giả của Thiên Chúa. Dù vậy, vấn đề đang tranh cãi đã được chỉ ra trong lời kết án trước Thượng Hội đồng: “Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nazareth sẽ phá huỷ nơi này [Đền thờ] và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta” (Cv 6:14). Thánh Têphanô công khai làm chứng, tuyên bố chính lời tiên báo của Đức Giêsu về sự sụp đổ của Đền thờ bằng gạch đá, và thay vào đó, Đền thờ mới, hiện diện trong dạng thức khác, sẽ hình thành.

Dù không thể tái hiện chi tiết thị kiến thần học của Thánh Têphanô, nhưng chúng ta vẫn thấy rõ điểm cốt yếu: thời của Đền thờ gạch đá và nghi thức tế tự kèm theo đã qua rồi. Chính Thiên Chúa cũng đã nói: “Trời là ngai của Ta, còn đất là bệ chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào? Và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi? Chẳng phải chính tay Ta đã làm nên mọi sự ấy sao?” (Cv 7:49-50; x. Is 66:1-2).

Têphanô biết lời các Tiên tri phê bình nền phụng tự xưa. Đối với ngài, Đức Giêsu đến đồng nghĩa với thời tế tự với lễ vật đã tận, và ngày tàn của chính Đền thờ đã tới. Giờ đây lời của các Tiên tri được chứng tỏ là có giá trị. Ý nghĩa thâm sâu của nghi thức tế tự xưa được nên trọn trong khởi điểm của một điều mới mẻ.

Cuộc đời và sứ điệp của Thánh Têphanô đứt gãy khi ngài bị ném đá, dù đồng thời chính tai ương đó cũng mang cuộc sống và thông điệp của ngài đến chỗ hoàn tất: qua khổ nạn, ngài trở nên giống Đức Giêsu. Cả vụ xử án và cái chết của ngài đều tương tự cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu. Cũng như Đức Chúa chịu đóng đinh, ngài cầu nguyện trong cơn hấp hối: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7:60). Nhiệm vụ giải thích chi tiết thị kiến thần học này để gầy dựng Giáo hội cho dân ngoại giáo rơi vào Thánh Phaolô, kẻ khi còn mang tên Saolê đã tỏ ý đồng tình với hành vi giết ông Têphanô (x. Cv 8:1).

Cuốn sách này không định liệt kê những yếu tố chính trong thần học theo Thánh Phaolô, ngay cả những điểm liên quan tới Đền thờ và việc tế tự. Chúng tôi đơn giản chỉ muốn trình bày niềm xác tín của Giáo hội sơ khai rằng vai trò của Đền thờ trong lịch sử cứu độ đã chấm dứt rất lâu trước khi nó sụp đổ trước mắt con người, nghĩa là đã kết thúc với lời tuyên bố của Đức Giêsu về “nhà bị bỏ hoang” và Đền thờ mới.

Nỗ lực lớn lao của Thánh Phaolô gầy dựng Giáo hội cho dân ngoại bằng việc phát triển một Kitô giáo “thoát khỏi Lề Luật” lạ thay chẳng liên can gì tới Đền thờ. Cuộc tranh luận của ngài với nhiều nhóm Kitô hữu gốc Do Thái chỉ xoay quanh các “tập tục” thể hiện căn tính của người Do Thái như: cắt bì, ngày Sabba, luật về thực phẩm, luật thanh sạch. Mặc dù vài cuộc khẩu chiến đã nổ ra về vấn đề liệu các “tập tục” này có cần thiết cho ơn cứu độ hay không, thậm chí trầm trọng đến mức khiến ông Phaolô bị bắt giữ tại Giêrusalem, nhưng thật đáng ngạc nhiên là không đâu nhắc tới dù chỉ một cuộc tranh cãi về Đền thờ và tính hữu ích của các hy tế gắn liền với Đền thờ, cho dù đã “có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6:7).

Tuy nhiên, thật ra Thánh Phaolô không bỏ qua vấn đề này. Trái lại, ngài đặt những tư tưởng sau làm trọng tâm cho lời giảng dạy của mình: nơi Thập giá Đức Kitô, mọi hy tế được kiện toàn; nơi Người, mục đích cơ bản của mọi lễ vật được thực hiện, đó là để đền tội, Đức Giêsu nhận lấy vị trí của đền thờ; chính Người là Đền thờ mới.

Chỉ cần viện dẫn một ví dụ cũng đã đủ. Đoạn văn quan trọng nhất nằm trong Thư gửi Tín hữu Rôma (3:23-25): “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm.”

Từ “chuộc tội” (“expiation”) trong tiếng Hy Lạp là hilastërion, trong tiếng Do Thái là kappöret – từ này chỉ nắp Hòm bia Giao ước, là nơi Thiên Chúa Giavê (YHWH) ngự đến trong một đám mây, nơi Thiên Chúa hiện diện một cách bí ẩn. Trong ngày lễ Xá tội – lễ Yom ha-Kippurim (x. Lv 16), nơi này được tưới máu tế vật “mà sự sống của nó được dâng lên Thiên Chúa để đền thay cho sự sống bị những người tội lỗi làm cho vẩn đục” (Wilckens, Theologie des Neuen Testaments II/1, tr. 235). Tư tưởng ở đây là máu tế vật thấm đẫm tội lỗi của con người khi được chạm vào Thiên tính sẽ được tẩy sạch – như thế, qua quá trình này, con người lấy máu tế vật làm đại diện cho họ cũng sẽ trở nên thanh sạch nhờ được tiếp xúc với Thiên Chúa. Đó là một ý tưởng đáng khâm phục, nhưng đồng thời cũng chưa hoàn chỉnh. Tư tưởng đó không thể là tiếng nói cuối cùng trong lịch sử tôn giáo, không thể là tiếng nói quyết định trong lịch sử đức tin của Israel.

Khi Thánh Phaolô ví Đức Giêsu như nắp Hòm bia Giao ước với từ hilastërion, nghĩa là như nơi Thiên Chúa hằng sống ngự trị, thì toàn bộ nền thần học phượng tự của Cựu Ước (cùng với tất cả các nền thần học phượng tự trong lịch sử tôn giáo) “được giữ lại và thăng hoa” [aufgehoben], được nâng lên một tầm cao mới, trổi vượt. Đức Giêsu chính là sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. Đức Giêsu là nơi kết giao giữa Thiên Chúa và con người, giữa Thiên Chúa và thế giới. Ý nghĩa của nghi thức trong ngày lễ Xá tội được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Bằng cái chết hy sinh tự hiến trên Thánh giá, tương tự như trong lễ Xá tội, Đức Giêsu mang lấy mọi sai lầm của thế gian nhấn chìm vào tình yêu của Thiên Chúa, và nhờ đó, có thể tẩy sạch hết tội lỗi. Khi chấp nhận Thánh giá và tình liên đới với Đức Kitô, chúng ta bước vào quá trình biến đổi và đền tội.

Chúng ta sẽ quay lại đề tài trên khi suy tư về buổi Tiệc Ly và cái chết của Đức Giêsu trên Thánh giá, để tìm hiểu cặn kẽ hơn. Ở đây chúng ta chỉ chứng minh rằng Thánh Phaolô đã đưa chủ đề Đền thờ và thần học hiến tế gắn với Đền thờ vào nền Kitô học của ngài. Đối với Thánh Phaolô, Đền thờ và tập quán phượng tự của nó đã “sụp đổ” khi Đức Giêsu chịu đóng đinh. Vai trò của Đền thờ nay được đảm nhiệm bởi Đức Kitô chịu nạn và Phục sinh. Người là Hòm bia Giao ước sống động. Nếu cùng với Ulrich Wilckens, chúng ta chấp nhận câu 3:25 trong Thư gửi Tín hữu Rôma là “công thức tuyên xưng đức tin của các Kitô hữu gốc Do Thái” (Theologie des Neuen Testaments I/3, tr. 182), thì chúng ta sẽ thấy điểm suy tư này đã phát triển nhanh chóng như thế nào trong Kitô giáo, vì ngay từ đầu, người ta đã hiểu rằng Chúa Phục sinh là Đền thờ mới, nơi gặp gỡ thật sự giữa Thiên Chúa và con người. Do đó, Wilckens có lý khi nói: “Ngay từ đầu, các Kitô hữu đã không tham gia vào việc tế tự trong Đền thờ nữa… Vì vậy, biến cố Đền thờ bị tàn phá năm 70 sau CN không là vấn đề tôn giáo trầm trọng đối với họ” (Theologie des Neuen Testaments II/1, tr. 31).

Như vậy, tầm nhìn thần học quan trọng trong Thư gửi Tín hữu Do Thái chỉ đơn giản giải thích chi tiết hơn những gì Thánh Phaolô đã nói và những gì đã hiện hữu đầy đủ trong chính truyền thống của Giáo hội Kitô giáo trước đó mà ngài nhận thấy. Ngoài ra, lời nguyện thượng tế của Đức Giêsu là lời lý giải lại ý nghĩa của ngày lễ Xá tội và cũng là của trọng tâm thần học cứu chuộc theo Cựu Ước: ý nghĩa đó được nên trọn trên Thập giá Chúa Kitô.

 

2.  THỜI CỦA DÂN NGOẠI

Nếu đọc hay nghe thoáng qua bài diễn từ thế mạt của Đức Giêsu, người ta dễ cho rằng Đức Giêsu có ý nói Giêrusalem suy tàn đồng nghĩa với thế giới sụp đổ không lâu sau đó, đặc biệt khi đọc dòng này trong Tin Mừng Matthêu: “Ngay sau những ngày gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm…; bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời” (Mt 24:29-30). Khi chúng ta đọc tiếp cách vài dòng: “Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra” (Mt 24:34), thì dường như mối liên hệ về thời gian giữa ngày tàn của Giêrusalem và ngày tận thế càng thêm rõ ràng.

Thoạt nhìn qua, dường như chỉ có Tin Mừng Luca không nhấn mạnh mối liên hệ đó: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại” (Lc 21:24). “Thời của dân ngoại” xen giữa ngày tàn của Giêrusalem và ngày tận thế. Người ta phê bình rằng Thánh Luca đã di dời trục thời gian của Tin Mừng và của thông điệp gốc của Đức Giêsu do thay thời cuối bằng thời trung gian, và như thế tạo ra thời của Giáo hội như một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ. Nhưng nếu xem kỹ lại trong Tin Mừng theo Matthêu và Marcô, chúng ta tìm thấy “thời của dân ngoại” cũng được tiên báo, nhưng ở vị trí khác và bằng cách diễn đạt khác.

Lời sau đây của Đức Giêsu được trích trong Tin Mừng Matthêu: “Tin Mừng này về Vương quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24:14). Chúng ta thấy trong Tin Mừng Marcô câu sau: “Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc” (Mc 13:10).

Một lần nữa, chúng ta thấy rằng cần phải cẩn thận khi xác định những mối liên hệ trong diễn từ này của Đức Giêsu. Bài diễn từ được kết hợp từ những mảng lưu truyền, do đó, không trình bày thẳng một luận điểm theo tuyến tính, mà đòi hỏi chúng ta phải đọc bằng đầu óc tổng hợp, dùng điểm này soi rọi cho điểm kia. Trong mục ba của chương (“Tiên tri  và Khải huyền”) sắp tới, chúng ta sẽ quay lại vấn đề biên soạn – một vấn đề quan trọng giúp hiểu đúng bản văn.

Xét trên phương diện nội dung, bây giờ chúng ta thấy rõ rằng cả ba bản Phúc âm Nhất lãm đều công nhận thời của dân ngoại: thời gian chỉ đến hồi kết khi Tin Mừng được loan báo cho muôn dân. Thời của dân ngoại – thời mà Giáo hội hàm chứa đủ mọi sắc dân trên thế giới – không phải là sáng kiến của Thánh Luca, mà là di sản kế thừa chung của tất cả các bản Phúc âm.

Tại đây chúng ta lại gặp mối liên hệ giữa truyền thống Tin Mừng và những điểm chính trong thần học của Thánh Phaolô. Trong diễn từ cánh chung, Đức Giêsu nói trước tiên Tin Mừng phải được loan truyền cho dân ngoại, rồi chỉ khi ấy ngày tận thế mới đến. Chúng ta tìm thấy đúng ý này trong Thư gửi Tín hữu Rôma của Thánh Phaolô: “Một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Israel sẽ được cứu độ…” (Rm 11:25-26). Chúng ta thấy tính phổ quát trong ý định cứu độ của Thiên Chúa trong lối diễn đạt: các dân ngoại đông đủ và toàn thể Israel. Tuy nhiên, mục đích của chúng ta ở đây là xác nhận điểm quan trọng sau: chính Thánh Phaolô cũng công nhận thời của dân ngoại – thời đang diễn ra trong hiện tại, và cần phải được hoàn thành để chương trình của Thiên Chúa đạt được ý định.

Giáo hội sơ khai không đánh giá được quãng kéo dài của thời (kairoï) dân ngoại và họ cho rằng khoảng thời gian ấy khá ngắn ngủi – điều đó lại hoá ra chẳng mấy quan trọng. Điều quan trọng là thời của dân ngoại đều đã được khẳng định và báo trước, và các môn đệ cần phải hiểu thời ấy như sứ vụ mang Tin Mừng đến cho mọi dân tộc. Các môn đệ cần phải thực hiện ngay từ bây giờ điều được loan báo và đồng thời cũng là trách nhiệm được giao phó.

Một nỗi thao thức thúc đẩy Thánh Phaolô lên đường mang Tin Mừng đến các nước, và nếu có thể được, ngài mong hoàn thành nhiệm vụ trong chính quãng đời mình. Chúng ta chỉ có thể lý giải nỗi thao thức khôn nguôi này khi hiểu ra ý nghĩa lịch sử và cánh chung trong lời cảm thán của ngài: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9:16).

Theo nghĩa này, trong thế hệ các tông đồ, họ không cố gắng khẩn trương rao giảng để từng cá nhân được cứu độ nhờ hiểu Tin Mừng cho bằng căn cứ vào mục tiêu mang tầm vóc lịch sử sau đây: Tất cả các quốc gia phải được truyền giảng Tin Mừng, như vậy thế giới mới có thể đạt đến cùng đích. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, ý thức khẩn trương truyền giáo như thế đã từng trở nên mờ nhạt, nhưng lại luôn được hồi sinh, mang lại động lực mới cho công tác Phúc âm hoá.

Về mặt này, vấn đề sứ mệnh của Israel luôn ẩn đằng sau. Ngày nay, chúng ta nhận ra hậu quả nghiêm trọng của bao nhiêu sự hiểu lầm đè nặng lên lịch sử. Thế nhưng một tia suy tư mới có thể công nhận rằng dù bóng tối sâu thẳm tới đâu thì luôn luôn hiện diện sẵn đó những dấu khởi điểm cho một cách hiểu đúng đắn, đang chờ được tái khám phá.

Ở đây tôi muốn gợi lại lời khuyên của Thánh Bernard thành Clairvaux dành cho học trò của ngài – Đức Giáo hoàng Eugene II – về vấn đề trên. Ngài nhắc Đức Giáo hoàng rằng nhiệm vụ mục tử không chỉ giới hạn ở cộng đoàn Kitô hữu: “Anh còn có trách nhiệm đối với những người chưa tin, cho dù đó là dân Hy Lạp, Do Thái, hay dân ngoại” (De Consideratione III/1, 2). Sau đó ngài điều chỉnh lại ngay và nhận xét chính xác hơn: “Cứ cho là như vậy, nhưng liên quan đến người Do Thái, anh không cần phải bận tâm về thời gian, vì thời điểm cho họ đã được ấn định, mà chúng ta không thể tiên đoán. Số các dân ngoại đông đủ phải được ưu tiên lo trước. Mà anh có gì để nói về những dân ngoại này? … Tại sao các vị tiền nhiệm của anh thấy là ổn … khi trì hoãn việc Phúc âm hoá đang lúc sự vô tín đứng sừng sững trước mắt? Tại sao chúng ta cho rằng Lời lan nhanh như gió đã đột ngột chững lại?” (De Consideratione III/1, 3).

Nữ tu viện trưởng Xitô Hildegard Brem bình luận đoạn văn trên như sau: “Dựa vào câu 11:25 trong Thư gửi Tín hữu Rôma, Giáo hội không cần phải cố gắng làm cho người Do Thái trở lại, vì Giáo hội phải chờ thời điểm hoán cải đó do Thiên Chúa ấn định, “cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ” (Rm 11:25). Ngược lại, Giáo hội phải lưu tâm đến người Do Thái, vì chính họ là bài giảng sống động, họ giúp chúng ta nhớ lại sự đau khổ của Đức Giêsu (x. Ep 363)…” (được trích trong Sämtliche Werke, Winkler biên tập, I, tr. 834).

Điểm cốt lõi trong thông điệp cánh chung của Đức Giêsu là lời tiên tri về thời của dân ngoại và sứ vụ loan báo Tin Mừng cho họ. Sứ mệnh Phúc âm hoá dân ngoại mà Thánh Phaolô đón nhận từ Chúa Phục sinh gắn chặt với sứ điệp Đức Giêsu trao cho các môn đệ trước cuộc Khổ nạn. Như chúng ta đã thấy, tất cả các bản Phúc âm đều nói đến thời của dân ngoại – “thời của Giáo hội” – điều thiết yếu trong thông điệp cánh chung của Đức Giêsu.

 

3.  TIÊN TRI VÀ KHẢI HUYỀN TRONG BÀI DIỄN TỪ CÁNH CHUNG

Trước khi bàn trực tiếp đến phần khải huyền trong diễn từ cánh chung của Đức Giêsu, chúng ta hãy tổng kết những gì chúng ta đã xem xét.

Đầu tiên, chúng ta thấy lời báo trước vụ sụp đổ Đền thờ và bản Tin Mừng theo Luca cũng nêu rõ sự tàn phá thành Giêrusalem. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra lời Đức Giêsu không nhắm tới những sự kiện chiến tranh và phá hoại bên ngoài, mà hàm ý sự suy vi của Đền thờ trên phương diện lịch sử cứu độ. Đền thờ thành “nhà bị bỏ hoang”. Đấy không còn là nơi Thiên Chúa hiện diện và địa điểm xá tội cho dân Israel, cho thế giới. Thời của các lễ tế như Luật Môsê quy định đã qua.

Chúng ta cũng thấy rằng Giáo hội sơ khai ý thức bước ngoặt quan trọng này trong lịch sử rất lâu trước khi Đền thờ thật sự sụp đổ trên thực tế, và cho dù trong thời đó nhiều cuộc tranh luận đã nảy sinh về vấn đề các tập tục Do Thái nào cần được giữ lại và áp dụng cho cả dân ngoại, thì rõ ràng họ luôn nhất trí về điểm này: với Thập giá của Đức Kitô, thời của lễ tế đã qua.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhận ra rằng cốt lõi của thông điệp cánh chung bao gồm sự công bố về thời của các dân tộc, trong thời gian này Tin Mừng phải được mang đến cho mọi người trên thế giới: lúc đó lịch sử mới đạt tới cùng đích.

Trong khoảng thời gian đó, Israel giữ sứ vụ của riêng mình. Israel nằm trong tay Chúa – Đấng sẽ cứu độ “toàn thể Israel” vào đúng thời đúng buổi, khi nào con số các dân ngoại đông đủ. Rõ ràng con người không thể tính ra giai đoạn này kéo dài bao lâu, và chúng ta không lấy đó làm ngạc nhiên. Tuy nhiên, chúng ta thấy rõ rằng việc Phúc âm hoá các dân tộc trở thành nhiệm vụ chính yếu dành riêng cho các môn đệ, nhất là qua sứ vụ được trao cho Thánh Phaolô như một gánh nặng, và đồng thời cũng là ân sủng.

Từ góc độ này, chúng ta có thể hiểu rằng “thời của dân ngoại” chưa phải là thời trọn vẹn của Đấng Messia khi những lời hứa cứu độ lớn lao được hoàn tất, mà là thời của chính lịch sử hiện tại với những nỗi khổ ải gian truân, nhưng theo cách nhìn mới, cũng là thời của hy vọng: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13:12).

Tôi thấy rõ rằng một vài dụ ngôn của Đức Giêsu như dụ ngôn về lưới đầy cá tốt cũng như cá xấu (Mt 13:47-50) và dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa (Mt 13:24-30) nói về khoảng thời gian này của Giáo hội, vì chúng trở nên vô nghĩa nếu được đặt trong một tương lai cánh chung sắp diễn ra.

Chúng ta cũng gặp một đề tài phụ: lời chỉ dẫn kêu gọi dân Kitô giáo trốn khỏi thành Giêrusalem khi nào Đền thờ bị tục hoá. Người ta khó mà ngờ vực tính lịch sử của cuộc tháo chạy sang vùng Pella bên kia sông Jordan. Dù chi tiết sau có vẻ nằm ngoài mục đích bàn luận hiện tại của chúng ta, nhưng lại mang ý nghĩa thần học sâu sắc: các Kitô hữu không tham gia vào cuộc chiến bảo vệ Đền thờ – nơi đã thành pháo đài và đấu trường đẫm máu – cũng như tiên tri Giêrêmia đã có đường lối tương tự khi Giêrusalem bị người Babylon vây hãm (x. Gr 7:1-15; 38:14-28).

Học giả Kinh Thánh Joachim Gnilka nhấn mạnh mối liên kết giữa đường lối trên với cốt lõi giáo huấn của Đức Giêsu: “Chắc hẳn các Kitô hữu tại Giêrusalem không hề tham gia vào cuộc chiến. Kitô giáo vùng Palestine đã truyền đi Bài giảng trên Núi của Đức Giêsu. Vì thế các Kitô hữu tại Giêrusalem hẳn đã biết những điều răn về khước từ bạo lực và khoan dung đối với kẻ đối lập. Chúng ta cũng biết rằng họ đã không tham gia trong cuộc khởi nghĩa vào thời Hoàng đế Hadrian” (Nazarener, tr. 69).

Một điểm chính nữa trong bài diễn từ cánh chung của Đức Giêsu là lời cảnh báo về các vị Messia giả hiệu và tính nhiệt thành Khải huyền thái quá. Tiếp nối là lời khuyên phải tỉnh táo và đề phòng mà Đức Giêsu triển khai trong một chuỗi dụ ngôn, đặc biệt dụ ngôn những người trinh nữ khôn ngoan và khờ dại (Mt 25:1-13) và người giữ cửa tỉnh thức (Mc 13:33-36). Trong dụ ngôn thứ hai, chúng ta hiểu được thế nào là “tỉnh thức”: đó không phải là suy tính cho tương lai, lơ là hiện tại, bỏ quên nhiệm vụ trước mắt, mà là thực hiện những gì ngay đây và bây giờ, làm phận sự của mình trước mặt Chúa.

Matthêu và Luca tường thuật dụ ngôn về tên đầy tớ đinh ninh rằng chủ về trễ, nhân lúc chủ vắng mặt, hắn tự phong mình lên làm chủ nhà, hành hạ tôi trai tớ gái, và sống buông thả theo ý mình. Trái lại, người đầy tớ trung tín ý thức mình vẫn là người hầu, biết mình sẽ phải tường trình cho chủ mọi việc. Anh cung cấp lương thực cho họ tử tế và được chủ khen ngợi; như vậy, sống công chính mới là biết tỉnh thức thật sự (x. Mt 24:45-51; Lc 12:41-46). Tỉnh thức nghĩa là ý thức mình đang sống trong cái nhìn quan phòng của Thiên Chúa, và hành động theo ý thức đó.

Trong Thư thứ hai gửi Tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô giải thích thẳng thắn và sống động thế nào là sự tỉnh thức của người Kitô hữu: “Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (3:10-12).

Một điểm quan trọng khác nữa trong diễn từ cánh chung là sự bách hại đang chờ sẵn các môn đệ của Chúa Giêsu. Ở đây nữa cũng tiền giả định thời của dân ngoại, vì Đức Giêsu nói rằng các môn đệ sẽ bị điệu ra trước các toà án và hội đường, trước mặt vua chúa quan quyền (Mc 13:9). Đây là bài học mà những ai theo Đức Giêsu trong mỗi thế hệ phải ôn đi ôn lại: việc rao giảng Tin Mừng luôn gắn liền với dấu chỉ của Thánh giá. Thánh giá vẫn luôn là dấu hiệu của “Con Người”: suy cho cùng, trong trận chiến chống lại bạo lực và dối trá, chân lý và tình yêu chẳng còn vũ khí nào khác ngoài làm chứng bất chấp đau khổ phải chịu.

Giờ đây chúng ta hãy quay lại phần mang đậm tính khải huyền trong diễn từ cánh chung của Đức Giêsu: lời tiên tri về ngày tàn của thế giới, sự kiện Con Người đến lần thứ hai, và cuộc Phán xét Cuối cùng (Mc 13:24-27).

Điều đáng lưu ý là phần này hầu như gồm các đoạn trích từ Cựu Ước, đặc biệt từ sách Tiên tri Đanien, nhưng cũng từ sách Tiên tri Isaia, Êzêkien và các đoạn khác trong Kinh Thánh Cựu Ước. Các đoạn này liên kết nội tại với nhau: trong những hoàn cảnh gian nan, những hình ảnh cũ được giải thích lại và phát triển thêm; trong sách Đanien, người ta có thể phát hiện quá trình đọc hiểu lại vài đoạn văn theo kiểu như thế khi lịch sử sang trang. Đức Giêsu cũng đặt chính mình vào quá trình đọc lại đó (relecture), và do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi cộng đồng các Kitô hữu cũng đọc lại lời của Đức Giêsu trong bối cảnh những tình trạng mới của họ, dĩ nhiên vẫn giữ lại thông điệp căn bản của lời Người. Đức Giêsu không dùng lời lẽ của riêng Người để nói về tương lai, mà lại mượn ý tứ của những lời tiên tri cổ xưa và diễn đạt lại theo một cách mới – điều này rất có ý nghĩa.

Đầu tiên, dĩ nhiên chúng ta chú ý tới điều mới lạ: Con Người quang lâm, Đấng mà Tiên tri Đanien có nói tới (7:13-14) tuy chẳng thể miêu tả chi tiết, mà nay lại tương thích với Con Người đang diễn thuyết trước các môn đệ. Nay đoạn văn cổ xưa được thêm vào chiều kích cá nhân: bây giờ tại trọng tâm của đoạn văn này chúng ta nhìn ra con người Đức Giêsu, nơi Người kết hợp hiện tại sống động và tương lai bí ẩn. “Sự kiện” thật sự ở đây lại là một con người, mà dù thời gian có qua đi, nơi người ấy vẫn cứ là hiện tại. Cũng nơi người ấy, tương lai hiện diện tại đây rồi. Dù ai nói gì làm gì, tương lai cũng sẽ đưa chúng ta tới địa điểm mà cuộc gặp gỡ giữa ta với Chúa trước đây đã mang chúng ta tới đó rồi.

Theo hướng này, chúng ta không còn quá bận tâm vào bối cảnh vũ trụ nữa, vì những hình ảnh hoàn vũ đã được tập trung vào một con người – một người mà chúng ta biết, một người bây giờ đang hiện diện. Ngay cả vấn đề thời gian cũng không còn mấy quan trọng: người đó “hiện đang” ở giữa thế giới vật chất; người đó “vẫn còn” hiện diện với chúng ta; người đó nắm giữ “thời gian” của mình.

Trong câu kết của phần khải huyền, chúng ta thấy vũ trụ bị tương đối hoá, và trọng tâm được đặt vào một con người cá biệt: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói đây sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:31). Lời này dường như chỉ là một làn gió thoảng qua so với vũ trụ mênh mông hùng vĩ, thế nhưng hoá ra lời lại thực hơn, và tồn tại lâu hơn toàn bộ thế giới vật chất kia. Lời là sự thật đáng tin cậy, là nền đá vững chắc không lay chuyển ngay cả khi mặt trời tàn tạ và bầu trời tan rã. Các thành phần của vũ trụ biến đi, nhưng lời Đức Giêsu là “nền trời” vĩnh viễn che cho chúng ta đứng vững và tồn tại.

Việc đặt trọng tâm vào một con người cụ thể, nghĩa là sự chuyển đổi những hình ảnh thế mạt theo cách này, tuy vẫn giữ lại ý nghĩa nội tại của những hình ảnh trong Cựu Ước, chính là điểm đặc trưng trong giáo huấn của Đức Giêsu về ngày tận thế: đấy là tất cả những gì về ngày tận thế.

Từ quan điểm này, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của việc Đức Giêsu chọn cách không miêu tả ngày tận thế, mà mượn những lời lẽ đã có trong Cựu Ước để tuyên bố về ngày đó. Nhờ Đức Giêsu dùng những lời trong quá khứ để nói về những điều sẽ tới trong tương lai, nên không ai có thể gán bất kỳ khung tham chiếu về thời gian nào cho những đoạn diễn từ này. Chúng ta không có ở đây một bản tường trình cập nhật về tương lai như loại mà người ta hay chờ đợi từ mấy thầy thấu thị, mà chúng ta đang tập trung nhìn vào tương lai đang mở ra ngay trong lời Chúa đã được trao ban từ trước, Lời thể hiện cả giá trị vĩnh cửu và tiềm năng khai mở. Lời Chúa từ quá khứ soi sáng ý nghĩa của tương lai, nhưng không miêu tả tương lai đó, mà chỉ dẫn chúng ta ngay hôm nay biết con đường đúng đắn cho hiện tại và tương lai.

Những lời khải huyền của Đức Giêsu không liên quan gì đến thuật thấu thị, mà thật ra còn có ý định ngăn cản chúng ta khỏi tính tò mò hay ngóng trông những hiện tượng có thể quan sát được (x. Lc 17:20), và hướng chúng ta về điểm thiết yếu: về đời sống xây dựng trên Lời Chúa, về cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu – Ngôi Lời hằng sống, về trách nhiệm của mình trước mặt vị Thẩm phán Tối cao của kẻ sống và kẻ chết.

 

—o0o—

Hướng dẫn học hành 

DIỄN TỪ CÁNH CHUNG CỦA ĐỨC GIÊSU

Tóm tắt

Chuyến hành hương của Đức Giêsu đến Giêrusalem gợi lên nơi Người những lời yêu thương và u sầu. Vì yêu mến thành Giêrusalem và kỳ vọng thành sẽ hoán cải, nên Đức Giêsu buồn sầu vì thành khước từ thông điệp hoà bình của Người. Đức Giêsu biết Giêrusalem đang trên đường diệt vong, cũng sẽ như lần quân Babylon phá huỷ Đền thờ năm 587 tr. CN. Hàng ngũ chức sắc Do Thái tại Giêrusalem cho rằng dù họ không sống theo đúng những ràng buộc thiêng liêng của Giao Ước, Thiên Chúa cũng vẫn đảm bảo sự tồn tại chính trị của họ. Tuy nhiên, điều đó không đúng. Những nỗ lực quân sự của người Do Thái nhằm lật đổ chế độ cai trị của La Mã cũng sẽ thất bại. Quân La Mã phá huỷ Đền thờ năm 70 là việc tất yếu sẽ xảy ra: hệ thống tế tự của dân Do Thái sẽ phải chấm dứt.

Sự suy tàn của Đền thờ trên phương diện tâm linh diễn ra trước kết cục về vật chất của nó.  Cả Đức Giêsu và Giáo hội sơ khai đều xác quyết sự thật này. Dù Đức Giêsu yêu mến Đền thờ, Người cũng tới lúc buộc phải nhận định rằng nó đã thành “nhà bị bỏ hoang”. Thời của lễ tế theo Luật Môsê đã tận. Bây giờ chính Đức Giêsu là nơi Thiên Chúa cứu độ hiện diện. Cái chết của Người trên Thánh giá sẽ là tế lễ chuộc tội cuối cùng, làm kiện toàn hệ thống tế tự theo Cựu Ước. Đức Kitô, và cả những môn đệ nhờ sự hiệp thông của họ với Thầy, sẽ trở thành Đền thờ mới của Thiên Chúa.

Diễn từ cánh chung của Đức Giêsu có lẽ là phần khó hiểu nhất trong Phúc âm. Tại thời điểm Người nói, các sự kiện Người đề cập là những điều sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng ở thời điểm các Tông đồ Thánh sử viết Phúc âm, thì các sự kiện đó đã diễn ra rồi. Người cũng nói đến các hiện tượng trong tương lai nằm ngoài kinh nghiệm của con người, do đó, người ta khó giải thích thông điệp của Người. Người thường dùng hình ảnh và lối biểu đạt ngôn ngữ từ những lời tiên tri trong Cựu Ước, mà các vị Tông đồ Thánh sử khi truyền đạt lại lời Người phải điều chỉnh theo tình huống hiện tại của riêng mỗi vị, cho dù vẫn giữ đúng thông điệp ban đầu của Đức Giêsu. Đôi lúc chúng ta thấy vất vả  khi phải cố phân biệt trong diễn từ cánh chung giữa điều gì đã xảy ra rồi, như vụ phá huỷ Đền thờ, với điều gì sẽ xảy ra trong tương lai của chúng ta, liên quan tới ngày tận thế.

Vì đọc một cách phiến diện, một số nhà bình luận cho rằng Đức Giêsu báo ngày tận thế sẽ theo ngay sau vụ phá huỷ Đền thờ. Trái lại, Đức Giêsu đề cập tới khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai biến cố: “thời của dân ngoại”, trong đó Giáo hội rao truyền Tin Mừng đến các đất nước, để lịch sử có thể đạt tới cùng đích của nó. Theo Thánh Biển Đức, khoảng thời gian chuyển tiếp đó – thời của Giáo hội – chưa phải là thời trọn vẹn của Đấng Messia, mà là thời của đau khổ và hy vọng. Trong lúc đó, dân Do Thái vẫn giữ sứ mệnh đặc biệt của họ như là một dân riêng của Thiên Chúa, cho tới khi “đông đủ các dân ngoại” gia nhập Giáo hội. Chỉ khi ấy, như lời Thánh Phaolô dạy trong Thư gửi Tín hữu Rôma, “toàn thể Israel sẽ được cứu độ” (Rm 11:26).

Đức Giêsu nói về ngày tận thế, nhưng như chúng ta đã thấy, Người dùng ngôn ngữ lấy từ những lời tiên tri trong Cựu Ước. Người dùng ngôn ngữ tiên tri chuẩn mực để nói về tương lai trong viễn tượng đời đời. Do đó, lời của Người luôn hợp thời. Các môn đệ có thể đọc lại thông điệp đó trong ánh sáng soi dẫn từ hoàn cảnh riêng của mỗi người. Giáo huấn của Đức Giêsu không mô tả theo thuật “thấu thị” những sự kiện tương lai cụ thể nào xảy ra trên thế giới.

Thế nhưng Đức Giêsu không đơn giản chỉ lặp lại những lời lẽ từ Cựu Ước. Người thêm vào một yếu tố mới: Người đồng hoá chính mình với Con Người trong Đaniel 7:13-14. Người liên kết những sự kiện hoàn vũ của ngày tận thế cùng tất cả sự hiện hữu của loài người với chính bản thân mình. Bằng cách này, bài giảng cánh chung của Đức Giêsu cho ta thấy: lời Chúa từ quá khứ soi sáng hiện tại và tương lai của chúng ta, gồm cả cuộc gặp gỡ trong tương lai với Người – Đấng xét xử kẻ sống và kẻ chết.

 

Dàn ý

I.                   Cơ sở diễn từ thế mạt của Đức Giêsu

A.    Đức Giêsu nói về tình yêu và nỗi buồn của Người đối với thành Giêrusalem

B.     Cơ sở trong Cựu Ước về chim mẹ chăm sóc, bảo vệ đàn chim non

C.     Thái độ loại trừ của dân thành Giêrusalem đưa tới thời điêu tàn của thành

1.      Những lời tiên tri về sự tàn phá thành và viễn tượng thành bị Thiên Chúa bỏ rơi: Gr 12:7

2.      Nhà sử học Do Thái – Josephus – cũng báo cáo tương tự về những năm cuối trước khi cuộc chiến Do Thái bắt đầu

D.    Diễn từ cánh chung của Đức Giêsu đi từ ý tả Đền thờ tiêu điều đến khi bị phá huỷ hoàn toàn

E.     Có lẽ diễn từ cánh chung là đoạn khó nhất trong Kinh Thánh Tân Ước

1.      Khó về ngữ cảnh

a.       Diễn từ gồm những lời Đức Giêsu nói về những sự kiện tương lai, nhưng những sự kiện đó đã diễn ra rồi khi các bản Tin Mừng được viết ra

b.      Bài diễn từ này lại dùng cách diễn tả về những sự kiện tương lai vượt thời gian và vượt trên cả sự trải nghiệm của con người ở trần gian

2.      Vấn đề về lịch sử biên soạn của diễn từ

a.       Đức Giêsu diễn đạt dựa trên những hình ảnh từ truyền thống tiên tri để chỉ những chân lý khó diễn tả bằng lời

b.      Những người biên soạn có thể đã viết lại lời lẽ của Đức Giêsu tuỳ theo tình huống cụ thể của họ, trong khi đó vẫn giữ đúng thông điệp của Đức Giêsu

3.      Cuốn sách này không chủ trương bàn sâu về những vấn đề thuộc khoa phê bình biên soạn và lịch sử lưu truyền

II.                Sách này khảo sát ba khía cạnh trong diễn từ thế mạt của Đức Giêsu

A.    Thời của Đền thờ chấm dứt

1.      Bối cảnh của sự phá huỷ Đền thờ và tàn phá thành Giêrusalem vào năm 70 sau CN

a.       Vì sao các Kitô hữu tháo chạy khỏi Giêrusalem để sang Pella ngoài Jordan?

b.      “Đồ ghê tởm khốc hại” là gì?

c.       Một vài sự kiện chính trong cuộc chiến Do Thái và vụ phá huỷ Đền thờ

2.      Ảnh hưởng của sự kết thúc lễ toàn thiêu và vụ Đền thờ bị huỷ diệt lên Do Thái giáo

a.       Những bước phát triển trong Do Thái giáo theo sau sự phá huỷ Đền thờ

b.      Để hiểu ý Chúa và lời Chúa, cần có sự thông giao giữa cách đọc bản văn Kinh Thánh của bên Thiên Chúa giáo và bên Do Thái giáo

3.      Cách đọc hiểu của bên Thiên Chúa giáo về sự kết thúc lề toàn thiêu và vụ phá huỷ Đền thờ

a.       Lời phát biểu chung của Thánh Gregory thành Nazianzen về khía cạnh chuyển tiếp và tạm thời của luật hiến tế cũ

b.      Quan điểm của Đức Giêsu về sự sụp đổ của Đền thờ

1)      Không thể chối cãi về việc Đức Giêsu đã báo trước về biến cố Đền thờ bị phá huỷ

2)      Đức Giêsu yêu mến Đền thờ vì đó là Nhà Cha, nhưng Người biết thời của Đền thờ qua đi khi Người trải qua cái chết và Phục sinh

c.       Cách giải thích của các Kitô hữu tiên khởi: trước khi Đền thờ bị phá huỷ, thì vai trò cứu độ của Đền thờ trong lịch sử đã chấm dứt với cái chết của Đức Giêsu

1)      Cách thực hành sơ khởi nhất của các tín hữu Kitô gốc Do Thái:

a)      Gặp nhau trong Đền thờ để cầu nguyện, nhưng dành riêng cho “việc bẻ bánh” trong những cộng đoàn riêng của họ

b)      Sự chuyển đổi âm thầm từ các lễ vật toàn thiêu sang hy lễ Thánh Thể

2)      Thánh Têphanô và Thánh Phaolô

a)      Têphanô, “một người thiên Hy Lạp” (“Hellenist”): một Kitô hữu gốc Do Thái nói tiếng Hy Lạp

(1)   Đức Giêsu kết thúc thời của Đền thờ và lễ hiến tế của nó

(2)   Thánh Têphanô bị ném đá đến chết; vụ ngài bị xử và cái chết của ngài tương tự như cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu

b)      Phaolô

(1)   Sự tranh cãi của Thánh Phaolô về một vài phong tục trong Lề Luật không liên quan tới Đền thờ và các nghi lễ hiến tế của nó

(2)   Tất cả những lễ tế của Cựu Ước đều được kiện toàn nơi Thập giá Đức Kitô

(3)   Thư gửi tín hữu Rôma 3:23: Đức Giêsu chính là của lễ chuộc tội (hilastërion)

(a)    Thuật ngữ dùng cho việc che phủ Hòm bia Giao ước khi Đức Chúa Giavê xuất hiện rong một đám mây

(b)   Vào ngày lễ Xá tội, máu bò là vật tế đền tội thay cho mạng sống của những kẻ tội lỗi

(c)    Thánh Phaolô xem Đức Giêsu như chính Thiên Chúa hằng sống hiện diện. Những hy sinh của Người thay thế nền thần học phụng tự của Cựu Ước

(d)   Thánh Phaolô sáp nhập Đền thờ và nền thần học hiến tế của nó vào Kitô học; như thế, đối với ông, Đền thờ đã bị “phá huỷ” nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh

(4)   Thư gửi tín hữu Do Thái chỉ khai triển những gì Thánh Phaolô đã suy tư thêm từ truyền thống trước đó về ngày lễ Xá tội đã được kiện toàn nơi Thánh giá

B.     Thời của Dân ngoại

1.      Nếu đọc một cách phiến diện, người ta dễ suy ra rằng bài diễn từ thế mạt nối kết giữa thời Giêrusalem suy tàn và ngày tàn của thế giới

2.      Diễn từ thế mạt bao gồm một khoảng thời gian chuyển tiếp mà trong Luca 21:24 được gọi là “thời của Dân ngoại”

a.       Dường như chỉ có mỗi Tin Mừng theo Luca nói đến “thời của Dân ngoại” giữa ngày tàn của Giêrusalem và ngày tận thế; tuy nhiên, cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm đều công nhận có khoảng thời gian chuyển tiếp đó (Lc 21:24; Mt 24:14; và Mc 13:10)

b.      Thánh Phaolô cũng khẳng định thời của Dân ngoại (Rm 11:25-26)

c.       Hội Thánh tiên khởi đã nhầm khi cho rằng khoảng thời gian này sẽ tương đối ngắn, nhưng điểm thiết yếu là các môn đệ hiểu họ có một sứ vụ phải hoàn thành trong khoảng thời gian đó

3.      Những sứ vụ của Giáo hội và của Israel trong “thời của Dân ngoại”

a.       Theo một cách hiểu, các Tông đồ khẩn trương rao giảng Tin Mừng là vì ý tưởng cho rằng Tin Mừng cần phải được loan báo cho mọi quốc gia trước khi thế giới đến ngày tận cùng

b.      Lịch sử của chúng ta trĩu nặng những lầm lẫn đáng sợ về sứ mệnh của Israel, nhưng đã có những nỗ lực khởi điểm để hiểu đúng về sứ mệnh đó, mà chúng ta có thể khám phá lại

1)      Thánh Bernard thành Clairvaux khuyên Đức Giáo hoàng Eugene III đừng cố cải đạo người Do Thái vì số “dân ngoại gia nhập đông đủ” trước tiên phải bước vào Giáo hội, rồi thì khi ấy toàn thể Israel sẽ cải đạo thôi

2)      Nữ Đan viện trưởng Hildegard Brem giải thích bản văn trên dựa theo Thư gửi tín hữu Rôma 11:25

c.       Sứ vụ rao giảng Tin mừng của Giáo hội cho Dân ngoại trong suốt “thời của Dân ngoại” là điểm quan trọng nhất trong thông điệp cánh chung của Đức Giêsu

C.     Lời tiên tri và Khải huyền trong diễn từ cánh chung

1.      Đức Bênêđictô tóm tắt cuộc thảo luận

2.      Một vài điểm thêm vào trong phần tóm tắt này về những vấn đề đã được thảo luận

a.       “Thời của Dân ngoại” không phải là thời trọn vẹn của Đấng Cứu tinh, nhưng là thời của đau khổ trong niềm hy vọng

b.      Một vài dụ ngôn của Đức Giêsu nói về “thời của Giáo hội”, qua đó ta thấy rõ rằng bài diễn từ thế mạt của Đức Giêsu không nói đến một biến cố sắp xảy ra

1)      Dụ ngôn cá tốt, cá xấu (Mt 13:47-50)

2)      Dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng (Mt 13:24-30)

c.       Các Kitô hữu chạy tới Pella vùng ngoại biên Jordan chứ không ở lại để chiến đấu bảo vệ Đền thờ

1)      Điều này tương thích với đường lối được trình bày trong sách Giêrêmia vào thời Babylon chiếm giữ Giêrusalem (Gr 7:1-15; 38:14-28)

2)      Đức Bênêđictô trích lời của Gnilka giải thích các Kitô hữu gốc Do Thái không tham gia vào cuộc chiến Do Thái vì họ tuân theo lời giảng dạy của Đức Giêsu trong Bài giảng trên Núi

d.      Đức Giêsu cảnh báo về các tiên tri giả và sự nhiệt huyết khải huyền

1)      Đức Giêsu đưa ra thông điệp khuyên cần phải thận trọng

2)      Trong Thư 2 gửi Tín hữu Thêxalônica 3:10-12, Thánh Phaolô răn đe các Kitô hữu cần phải cảnh giác

e.       Đức Giêsu nói về sự bách hại sẽ đổ xuống những ai dám theo Người trong suốt “thời của Dân ngoại” và về sự can đảm làm chứng bất chấp đau khổ

3.      Phần mang đậm tính khải huyền trong diễn từ cánh chung

a.       Đức Giêsu nói đến tương lai hầu như theo lối diễn đạt cổ của các sách Cựu Ước như Đaniel, Isaia, và Êdêkien

b.      Điều này cho phép chúng ta có cơ hội đọc lại lời của Đức Giêsu trong ánh sáng của những hoàn cảnh lịch sử mới

c.       Khía cạnh mới trong cách Đức Giêsu sử dụng lời tiên tri: bóng dáng Con Người được xác định là chính Đức Giêsu

1)      Những hiện tượng trong vũ trụ vào thời tận cùng của thế giới và tương lai của chính chúng ta được nối kết ở mức độ cá vị với Đức Giêsu, Con Người

2)      Lời của Đức Giêsu mạnh mẽ và lâu dài hơn toàn thể vũ trụ (Mc 13:31), để rồi Đức Giêsu là bầu trời đích thực

d.      Đức Giêsu dùng ngôn ngữ của Cựu Ước để nói về ngày tàn của thế giới nhằm tránh bị người đời trói buộc lời của mình vào một khung thời gian cụ thể nào đấy

1)      Những lời ấy không liên quan tới “khả năng thấu thị”

2)      Những lời ấy cho chúng ta thấy con đường đúng đắn phải theo cho hôm nay và tương lai, chứ không giới hạn vào một thời điểm cụ thể

3)      Những lời ấy nhằm chuẩn bị cho chúng ta một ngày đến gặp Người là Lời hằng sống và Đấng xét xử nhân loại

Câu hỏi đọc hiểu

1.      Hãy miêu tả thái độ của Đức Giêsu đối với thành Giêrusalem.

2.      Sự suy tàn tâm linh của Đền thờ đi trước sự sụp đổ vật chất của nó ra sao?

3.      Những chủ đề chính trong bài diễn từ thế mạt của Đức Giêsu là gì?

4.      Tại sao diễn từ cánh chung có lẽ là bài khó hiểu nhất trong Tin Mừng?

5.      Cuộc chiến Do Thái bắt đầu vào năm 66 liên quan gì tới diễn từ thế mạt của Đức Giêsu?

6.      Theo Eusebius thành Caesarea và Epiphanius thành Salamis, vì sao các Kitô hữu tháo chạy khỏi thành Giêrusalem trước khi thành bị chiếm giữ? Đức Bênêđictô đề cập tới ai như nhân vật khả dĩ được gọi “Đồ-ghê-tởm-khốc-hại”? Tại sao nhân vật này, cho dù hắn là ai, lại bị các Kitô hữu quan tâm cảnh giác? Vì sao cuộc chạy trốn khỏi thành Giêrusalem cho thấy họ khước từ cách đọc hiểu Kinh Thánh theo hướng “Quá khích”?

7.      Biến cố nào diễn ra vào ngày 5 tháng 8 năm 70? Biến cố này quan trọng đối với lịch sử cứu độ, vì sao? Ý nghĩa của biến cố này đối với Do Thái giáo? Biến cố này đưa tới hai cách đọc Kinh Thánh nào? Liên quan tới điều này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói “nghĩa vụ” của chúng ta là gì?

8.      Thánh Gregory thành Nazianzen hiểu thế nào về các phân đoạn trong lịch sử tôn giáo?

9.      Đức Kitô nghĩ gì về Đền thờ và sự suy tàn của nó? Trong cách Đức Giêsu nói về Đền thờ, điều gì là “chắc chắn”? Đoạn nào trong Kinh Thánh nói về điều này? Đức Bênêđictô XVI diễn tả sự tôn kính của Đức Giêsu đối với Đền thờ như thế nào?

10.  Khi Đền thờ bị phá huỷ, các Kitô hữu nghĩ gì về vị trí của Đền thờ trong lịch sử cứu độ? Đức Giêsu đã đưa dẫn tới cách suy nghĩ này của các Kitô hữu như thế nào?

11.  Theo Đức Bênêđictô, nếu cho rằng Đức Giêsu tuyên bố ngày tận thế sẽ theo ngay sau biến cố Giêrusalem bị tàn phá, thì đó là ý nghĩ sai lầm, vì sao?

12.  “Thời của dân ngoại” có ý nghĩa gì đối với ngày tận thế?

13.  Thánh Phaolô nói gì về thời của dân ngoại? Thời của dân ngoại khiến ngài khẩn trương truyền giáo ra sao?

14.  Trong chương 2 này, Đức Giáo hoàng Bênêđictô nói về vấn đề Phúc âm hoá Do Thái ra sao?  Những lời bình luận của ngài có cản trở công tác truyền giáo cho người Do Thái? Ngài nghĩ gì về số mệnh cuối cùng của dân Do Thái? Đức Bênêđictô đưa ra những dụ ngôn nào hỗ trợ cho ý tưởng về “thời của dân ngoại”?

15.  Biết về “những tiên tri giả và tính nhiệt thành khải huyền thái quá”, người Kitô hữu phải có thái độ nào? Ở đây, Đức Bênêđictô xác định và mô tả sự tỉnh thức đúng nghĩa là như thế nào?

16.  Thập giá có ý nghĩa gì trong việc rao giảng Tin Mừng, và đối với thời tận cùng của thế giới?

17.  Đức Bênêđictô nói điều gì là phần “thuần tuý khải huyền” trong diễn từ thế mạt? Tại sao Đức Giêsu dựa vào Cựu Ước để nói tới ngày tận thế và ngày phán xét cuối cùng? Người thêm vào việc sử dụng ngôn ngữ Cựu Ước yếu tố mới, mang tính cá nhân nào? Đức Bênêđictô xem gì là mục tiêu của các bài diễn từ thế mạt?

 

Câu hỏi áp dụng

1.      Tôi tự do phó thác cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa (Người chăm sóc chúng ta như gà mẹ lo cho đàn con) theo những cách nào? Tôi chống lại tình yêu quan phòng đó (tới mức có thể đưa tới sự hư mất) theo những kiểu gì? Làm thế nào tôi có thể chấp nhận sự Quan phòng của Chúa với tâm tình yêu thương và dễ bảo hơn?

2.      Làm sao Đền thờ bị phá huỷ có thể được xem như dấu chỉ của Chúa quan phòng, dẫn chúng ta đến với Đức Kitô?

3.      Theo Đức Bênêđictô, có thể tới lúc mà “cuối cùng, trong trận chiến chống lại bạo lực và dối trá, sự thật và tình yêu chẳng còn vũ khí nào khác ngoài việc làm chứng bằng đau khổ”. Bạn có thấy câu nói đó đúng trong chính cuộc đời bạn? Nếu có, xin giải thích.

4.      Vì sao “thời của dân ngoại” là thời của truyền giáo? Tôi chia sẻ như thế nào vào sứ vụ truyền giáo này?

5.      Sự tỉnh thức đích thực dẫn tới điều gì? Tôi có thể rèn luyện tính chất này ra sao?

6.      Trong cách tôi thờ phượng Chúa, tôi có hướng về Đền thờ đích thực – con người của Đức Giêsu Kitô – hay không, hay sự thờ phượng của tôi xoay quanh một trọng tâm khác (ví dụ, quy kỷ)? Làm thế nào tôi có thể thanh lọc dụng ý trong lời nguyện của mình?

7.      Đọc đoạn cuối trong chương 2. Đoạn này trình bày trọng điểm để suy nghĩ về “thời cuối” ra sao?

 

Thuật ngữ

abomination that makes desolate: Đồ ghê tởm khốc hại

Hành vi phạm thượng báng bổ Đền thờ Giêrusalem (x. Ðn 9:27; 11:31; 12:11). Trong Sách Đanien, hành vi này chỉ sự chiếm giữ và phỉ báng điện thờ do vua Antiôkhô Êpiphanê làm vào năm 167 tr. CN. Đức Giêsu dùng cụm từ này trong bài diễn từ cánh chung của Người (Mt 24;15; Mc 13:14; trong bản Kinh Thánh chuẩn RSV được dịch là “Đồ ghê tởm khốc hại” (“desolating sacrilege”)) để chỉ dấu hiệu quân La Mã sẽ mạo phạm Đền thờ vào năm 70 sau CN. Đức Giáo hoàng Bênêđictô không loại trừ quan điểm này, nhưng ngài đề cập một lý thuyết khác: “Đồ ghê tởm khốc hại” ám chỉ việc tấn phong cựu thượng tế Ana II vào năm 66 sau CN lên làm lãnh đạo quân sự Do Thái chống lại người La Mã. Vào năm 62 sau CN, Ana đã ban hành án tử đối với Giacôbê, “người anh em của Đức Chúa” và người đứng đầu các Kitô hữu gốc Do Thái. Theo Đức Bênêđictô, có thể các Kitô hữu đã xem việc bổ nhiệm quân sự cho Ana là dấu hiệu trốn khỏi thành Giêrusalem.

 

Bernard of Clairvaux: Thánh Bernard thành Clairvaux

Viện phụ Đan viện Xitô, nhà thần học, Tiến sỹ Hội Thánh (1090-1153). Đức Bênêđictô lưu tâm đến ý tưởng của Thánh Bernard về “lần ngự đến trung gian” của Đức Giêsu vào thời của Giáo Hội.

 

Brem, Hildegard

Nữ tu Dòng Xitô và Nữ Đan viện trưởng của Đan viện Maria-Stern Gwiggen (1951 – nay).

 

Cuộc chiến Do Thái

Đôi khi còn được gọi là cuộc chiến Do Thái – La Mã, hay cuộc chiến Do Thái – La Mã thứ nhất, chỉ mâu thuẫn giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và giới cầm quyền La Mã tại Palestine (66-67 sau CN). Các binh đoàn La Mã dưới sự chỉ huy của tướng Titus đã dập tắt cuộc khởi nghĩa và phá huỷ Giêrusalem, Đền thờ và đồn lũy còn lại của nhóm phiến loạn. Nhà sử học người Do Thái Flavius Josephus đã kể về cuộc đối đầu này trong tác phẩm Cuộc chiến Do Thái (The Jewish War). Đức Giêsu đã tiên báo về sự phá huỷ Đền thờ và chiếm đóng thành Giêrusalem.

 

Hellenists: các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp

Được nói đến trong sách Công vụ Tông đồ 6:1 như một cộng đồng tín hữu Do Thái xuất thân từ những kiều dân Do Thái sống bên ngoài Palestine trở về tái định cư tại Giêrusalem. Tên gọi của họ cho thấy họ dùng tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ chính (thứ nhất) hơn là tiếng Do Thái hay Aram. Thánh Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, là gương mặt nổi bật của nhóm này (Cv 6:5; 7:54-60).

 

Josephus, Flavius

Nhà sử học người Do Thái (37 – 100 sau CN), người đã ghi lại các sự kiện về Cuộc chiến Do Thái và sự phá huỷ thành Giêrusalem do quân đội La Mã thực hiện.

 

Mittelstaedt, Alexander

Tác giả của một công trình nghiên cứu quan trọng bằng tiếng Đức nhan đề Lukas at Historiker, cho rằng cả Tin mừng theo Luca và Công vụ các Tông đồ đều được viết trước khi thành Giêrusalem sụp đổ năm 70 sau CN.

 

Pharisees: Nhóm Pharisêu/Biệt phái

Phong trào Do Thái, được thành lập sau thời kỳ lưu đày Babylon, nổi tiếng vì việc giữ nghiêm nhặt các luật lệ và quy định theo Lề Luật (Torah). Vào thời Đức Giêsu và trước đó nữa, những người Biệt phái phản đối mạnh mẽ ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp và La Mã lên đời sống của dân Do Thái. Người Pharisêu thường xung đột với người Xađốc, một nhóm khác trong Do Thái giáo. Sau khi Đền thờ thứ hai sụp đổ năm 70 sau CN, thần học Biệt phái trở thành cơ sở cho Do Thái giáo rabbi. Đức Giêsu thường hay tranh cãi với những người Biệt phái.

 

Qumran

Vị trí tìm ra các Cảo bản Biển Chết, gần góc Tây Bắc của Biển Chết, từng là nơi trú ngụ của phái Essênô, một giáo phái của Do Thái chống lại việc thờ phượng tại Đền thờ do vua Hêrôđê xây tại Giêrusalem. Một số dấu chỉ cho thấy ông Gioan Tẩy giả và có lẽ cả Đức Giêsu cùng gia đình của Người có mối liên hệ với cộng đồng này, dù giáo huấn của Thánh Gioan và Đức Giêsu khác biệt đáng kể với giáo huấn của cộng đồng Qumran.

 

Thời của dân ngoại

Một khoảng thời gian mà Đức Giêsu nói rõ ràng trong trình thuật của Luca về bài diễn từ cánh chung. Đức Giêsu nó rằng thành Giêrusalem sẽ bị giày xéo “cho đến khi mãn thời của dân ngoại” (Lc 21:24). Một vài học giả cho rằng chính Luca, chứ không phải Đức Giêsu, thêm ý này vào để cho “thời của Giáo hội” đi trước ngày tận cùng của thế giới. Đức Bênêđictô chứng tỏ các Thánh sử Nhất lãm đã ngầm bao hàm ý “thời của dân ngoại” trong các bản trình thuật của họ về bài diễn từ cánh chung của Đức Giêsu (Mt 24:14; Mc 13:10), cũng như nơi khác (Mc 13:24-30, 47-50). Đức Giêsu đã tiên đoán một thời kỳ như thế trong đó giáo huấn của Người sẽ lan rộng khắp các nước (Mt 28:19).

Titus

Con trai của hoàng đế Vespasian, và là tư lệnh quân đội La Mã đã dập tắt cuộc khởi loạn của người Do Thái và chiếm thành Giêrusalem vào năm 70 sau CN. Titus nối tiếp vua cha lên ngôi hoàng đế vào năm 79 sau CN.

 

Torah: Lề Luật

Nói chung chỉ Luật của Môsê, và cụ thể là Ngũ thư -  năm quyển đầu tiên của Kinh Thánh Do Thái  hay Cựu Ước, gồm Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật.

 

Wilckens, Ulrich

Giám mục giáo phái Luther ở Đức và học giả Kinh Thánh đương đại (sinh năm 1928), người lập luận rằng môn đệ yêu dấu trong Phúc âm theo Thánh Gioan không phải là một nhân vật có thật trong lịch sử mà chỉ là một biểu tượng. Đức Giáo hoàng Bênêđictô xem quan điểm này là không tương hợp với cách trình bày trong Phúc âm theo Thánh Gioan về người môn đệ yêu dấu như là một chứng nhân cho các sự kiện mà bản Phúc âm này mô tả.