12/01/2025

Chế cầu phao kết chống ngập cho Tân Sơn Nhất?

Đó là cảnh báo của ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, trước cảnh kẹt ngoài, ngập trong ở sân bay Tân Sơn Nhất.

 

Chế cầu phao kết chống ngập cho Tân Sơn Nhất?

Đó là cảnh báo của ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, trước cảnh kẹt ngoài, ngập trong ở sân bay Tân Sơn Nhất.
 
 
 
 
 
 

Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước sau cơn mưa /// Hoàng Quỳnh

Sân bay Tân Sơn Nhất ngập nước sau cơn mưa   HOÀNG QUỲNH

 
Ngập trong, kẹt ngoài bủa vây
Chiều tối thứ bảy (9.6), cơn mưa không lớn nhưng kéo dài tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, trong đó có đại lộ Phạm Văn Đồng hướng về sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) khiến giao thông khu vực này rối loạn. Cơn mưa đổ xuống đúng vào giờ tan tầm, lại vào ngày cuối tuần, lượng phương tiện tăng cao, khiến tình trạng ùn tắc kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, đoạn từ cầu Bình Lợi đến đường Phan Văn Trị, dòng xe “chôn chân” bất động phủ kín cả đoạn đường dài 2 km.
 
Nhưng không riêng gì trận mưa cuối tuần vừa rồi, nhìn lại từ đầu mùa mưa tới giờ, hầu hết các trận mưa lớn, nhỏ đều khiến các tuyến đường ra vào cửa ngõ sân bay như Trường Chinh, Cộng Hòa, Trường Sơn, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả… ùn ứ, kẹt xe nghiêm trọng. Như, trong cơn mưa chiều ngày 2.6 vừa qua, đường Trường Sơn – tuyến độc đạo đi vào sân bay – ngập cục bộ khiến tình trạng ách tắc càng thêm kinh hoàng.

Trong khi bên ngoài lo đối phó kẹt xe, bên trong khu vực sân bay cũng đang thấp thỏm lo chống ngập sao cho qua khỏi mùa mưa năm nay. Tại cuộc họp bàn phương án giải quyết ngập khu vực sân bay TSN do Sở GTVT chủ trì diễn ra chiều 7.6, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó tổng giám đốc Cảng hàng không quốc tế TSN, cho biết sau những trận ngập nặng nề từ tháng 8.2015, cảng đã đầu tư tăng cường 2 hệ thống bơm công suất lớn hỗ trợ việc thoát nước tại các khu vực cần thiết; nạo vét, nạo sâu các đường thoát nước bên trong sân bay, đảm bảo việc thoát nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong các trận mưa lớn như ngày 19.5 (lượng mưa hơn 80 mm), đường cất, hạ cánh, đường lăn không bị ảnh hưởng nhưng khu vực sân đỗ vẫn bị ngập.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, đánh giá từ năm 2016, TP đã có nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ngập khu bay nhưng cho đến nay tình hình ngày càng kém hơn, nguy cơ ngập ngày càng cao. Nguyên nhân là các hãng hàng không đang mở rộng sân đỗ để phục vụ nhu cầu khai thác bay tăng thêm. Diện tích mặt đất để thẩm thấu nước tự nhiên bị thu hẹp, lượng nước đổ vào cống tăng đáng kể, không được khơi thông chắc chắn tắc.

 
“Bàn thì đã bàn nhiều rồi, bây giờ không thể chỉ nói nữa mà phải làm. Nếu không nhanh chóng có lộ trình thời gian quyết liệt và sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, với tình hình thời tiết đang diễn biến bất lợi như hiện nay, có khi phải nghĩ cách chế ra cầu phao kết đưa khách từ máy bay vào nhà ga, giống như tình trạng ngập tại Hà Nội từ những năm 2005, 2006”, ông Cường cảnh báo.
 
Ì ạch loạt dự án
Tình trạng tắc đường dẫn, nước thoát không kịp gây ngập nặng một số khu vực sân đỗ, đường lăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình cất, hạ cánh của máy bay. Thế nhưng, 2 dự án nạo vét, cải tạo đường thoát nước cho sân bay được trông đợi nhất vẫn đang nằm chờ.
 
 
Bổ sung đường thoát nước
UBND Q.Tân Bình đề xuất bổ sung thêm hệ thống mương hở để tăng cường khả năng thoát nước mặt tại khu vực sân đỗ tàu bay, thường xuyên tiến hành nạo vét đường cống hiện hữu. Tăng cường một số đoạn mương hở, làm mới đường cống tròn đường kính lớn hơn song song với đường cống hiện hữu tại các khu vực kho hàng SCSC, kho hàng Tecs, Bảo tàng Không quân phía nam… Đại diện Cảng vụ hàng không cũng cho rằng nếu chưa thể nạo vét, khơi thông các kênh thoát nước, có thể xây dựng hồ điều tiết tại khu vực sân bóng Chảo Lửa để trữ nước, giảm ngập bên trong sân bay

 

Dự án cải tạo mương A41 được Sở GTVT phê duyệt từ năm 2016 nhưng đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, giá bồi thường còn chưa được xét duyệt.

Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được UBND TP chỉ đạo thực hiện cấp bách từ năm 2013 nhưng việc Ngân hàng Thế giới dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án “Quản lý rủi ro chống ngập cho TP.HCM” khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào bế tắc. Hiện TP đang kêu gọi xã hội hóa để tìm nguồn vốn cho dự án.
 
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường thừa nhận phải đến mùa mưa năm sau, 2 dự án này mới có thể đưa vào khai thác hiệu quả. Trong báo cáo sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm khối đô thị, ông Bùi Xuân Cường cũng nêu ra nhiều dự án giải quyết kết nối khu vực sân bay TSN chậm tiến độ.
 
Đơn cử như nhánh cầu còn lại (Nguyễn Kiệm – Nguyễn Thái Sơn) trong tổ hợp cầu vượt bằng thép có dạng hình chữ N vẫn đang giậm chân tại chỗ do chờ giải tỏa mặt bằng. Dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám chỗ đi qua khu vực công viên Gia Định, đoạn chỉ khoảng 50 – 70 m trước Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hay dự án mở rộng khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả được duyệt từ tháng 7 năm ngoái nhưng đến nay cũng đang tắc vì vướng mặt bằng.
 
Trước tình hình trên, ông Cường yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng phối hợp, tìm các biện pháp tạm thời phòng chống ngập nước khu vực sân bay cả bên trong, khu vực giáp ranh, bên ngoài và trên các tuyến đường cửa ngõ vào sân bay trong mùa mưa năm nay; lực lượng CSGT, đội phản ứng nhanh tăng cường, thường xuyên túc trực để điều tiết, giảm thiểu ách tắc khu vực cửa ngõ sân bay; yêu cầu UBND Q.Tân Bình đẩy nhanh tiến độ cải tạo kênh A41; nhánh 2 mương Nhật Bản. Đối với hướng thoát nước phía bắc sân bay qua kênh Hy Vọng, ông Cường đề nghị Sở Kế hoạch – đầu tư nghiên cứu bố trí vốn để thực hiện dự án cải tạo mở rộng.
 
 
HÀ MAI