Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng?
Việc cộng điểm ưu tiên thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và rất nhiều diện ưu tiên khác đang gây xôn xao dư luận trong tuần qua đã giúp chúng ta có dịp nhìn nhận lại chính sách ưu tiên này. Liệu có công bằng không khi một học sinh giỏi chỉ vì yếu tố tâm lý khi đi thi thiếu 0,5 điểm có thể rớt ĐH, trong khi thí sinh thuộc diện ưu tiên cao nhất đã có lúc cầm chắc 5 điểm (nay là 3,5) để vào ĐH?
Việc cộng điểm ưu tiên thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng và rất nhiều diện ưu tiên khác đang gây xôn xao dư luận trong tuần qua đã giúp chúng ta có dịp nhìn nhận lại chính sách ưu tiên này.
Liệu có công bằng không khi một học sinh giỏi chỉ vì yếu tố tâm lý khi đi thi thiếu 0,5 điểm có thể rớt ĐH, trong khi thí sinh thuộc diện ưu tiên cao nhất đã có lúc cầm chắc 5 điểm (nay là 3,5) để vào ĐH? Có hợp lý không trước thực tế kỳ tuyển sinh năm 2012, cộng tất cả các loại điểm ưu tiên, có thí sinh khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ chỉ cần 3 điểm/môn đã có thể trúng tuyển ĐH? Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, có rất nhiều diện ưu tiên đến mức có ý kiến cho rằng chính sách này đang bị lạm dụng…
Thực tế hiện nay khiến chúng ta cần xem lại chủ trương ưu tiên trong tuyển sinh. Thực hiện chính sách như thế nào cho hợp lý để vừa thể hiện được đạo lý vừa đảm bảo công bằng trong giáo dục? Những giải pháp nào cho vấn đề ưu tiên tuyển sinh?… Thanh Niên mở diễn đàn Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? với mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của nhiều bạn đọc, nhằm giúp chính sách này mang tính thực tiễn, khoa học và hợp lý hơn.
Xóa bỏ khoảng cách vùng miền
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhìn nhận: “Về nguyên tắc của sự công bằng trong học tập thì chẳng cần phải ưu tiên gì cả, nhưng do điều kiện học tập của các nơi khác nhau, nhu cầu sử dụng nhân lực của các vùng miền khác nhau nên chính sách ưu tiên cũng có tính hợp lý của nó”. Đồng quan điểm, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho rằng: “Việc cộng điểm ưu tiên vào điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo khu vực và đối tượng cho thí sinh các khu vực khó khăn như hiện nay là đúng đắn và cần thiết. Với ưu tiên theo đối tượng, thí sinh được hưởng theo đóng góp của cha mẹ – những người có công với cách mạng. Còn ưu tiên theo khu vực là hết sức cần thiết”. Theo tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, chính sách này là giải pháp tình thế trong một giai đoạn nào đó và hiện tại vẫn nên tiếp tục để xóa bỏ khoảng cách giữa vùng sâu và thành phố lớn.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đồng tình với chủ trương “có chế độ ưu tiên”, nhưng cho rằng phải thay đổi cách vận hành. Theo giáo sư, chế độ ưu tiên đối với một số đối tượng trong thi tuyển sinh ĐH là thể hiện chính sách của nhà nước dành cho các diện này và cũng là một sự công bằng, điều này trong tương lai vẫn phải duy trì, tuy nhiên, cần có những quy định cụ thể phù hợp với phương thức tuyển sinh mới.
|
Không thể quy đổi ra điểm
Những người không ủng hộ chủ trương này lập luận rằng cần phải đảm bảo công bằng cho mọi người. Chính sách ưu tiên, nếu có, phải thực hiện bằng cách khác thay vì chế độ cộng điểm.
GS-TSKH Hà Huy Bằng, Chủ nhiệm Khoa lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, không đồng ý ưu tiên cho đối tượng chính sách. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta khó có thể quy đổi ra điểm vì không có sự tương đương. Nếu anh là đối tượng chính sách thì nhà nước có thể quy đổi công sức mà anh hoặc bố mẹ anh đóng góp cho đất nước bằng tiền trợ cấp, bằng các ưu đãi về điều kiện vật chất. Sự quy đổi nếu làm ảnh hưởng đến người thứ ba, rộng hơn là tới xã hội thì càng không nên”. Ông Bằng phân tích, nếu cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng chính sách thì không chỉ chất lượng của trường ĐH bị ảnh hưởng mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sinh mạng người khác nếu ngành đào tạo là bác sĩ; chất lượng nền dân trí, nguồn nhân lực nếu ngành đào tạo là sư phạm… Về việc cộng điểm khuyến khích cho học sinh ở các vùng miền khó khăn, ông Bằng cho rằng có thể duy trì nhưng lâu dài nên có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với những người công tác ở các vùng miền khó khăn, thay vì cộng điểm khuyến khích cho họ khi tuyển sinh ĐH.
Quyết liệt phản đối, Nhà giáo ưu tú Lê Thái Phong, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), nói: “Tôi không ủng hộ cộng điểm khuyến khích cũng như điểm ưu tiên trong tuyển sinh ĐH”. Ông Phong phân tích: “Phải kiểm soát đầu vào để những người có năng lực tốt nhất là những người được học ĐH. Chúng ta có thể mở những trường dự bị giúp các em diện chính sách còn thiếu hụt kiến thức, kỹ năng bồi dưỡng thêm. Sau khi học xong các lớp dự bị này, để được học lên ĐH các em vẫn sẽ phải vượt qua kỳ thi tuyển ngặt nghèo như bao em khác”. Ông Phong còn cho rằng: “Việc ưu đãi bằng điểm số sẽ là sự xúc phạm tới những người có nhân cách. Những người có nhân cách chắc cũng chẳng lấy làm vui khi mình đỗ ĐH do được ưu tiên khu vực 1, 2 hay đối tượng ưu tiên 1, 2…”.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy ĐH, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ – văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), khẳng định: “Nên ưu tiên bằng các chính sách khác chứ không nên cộng điểm. Tất cả những loại hình cộng điểm ở các kỳ thi đều không công bằng. Thi ĐH lại càng phải bỏ vì đó là một kỳ thi khắc nghiệt, chỉ cần chênh nhau 1/4 điểm là đã có em đỗ em trượt”. Ông Khôi chia sẻ: “Đỗ ĐH bằng điểm ưu tiên khiến sinh viên ngồi trong một lớp có trình độ rất khác nhau. Có thể ưu tiên cho các em diện chính sách bằng cách nhà nước bỏ tiền ra cho các em học bổ túc hoặc học dự bị để họ đạt trình độ ngang các bạn khác khi bước vào thi ĐH. Khi đầu vào thua kém các bạn, đa số các em cứ đuối mãi, giáo viên luôn phải bận tâm với họ và vô hình trung kéo chất lượng giáo dục ĐH xuống”. Ông Khôi nhắc lại giáo sư Tạ Quang Bửu cũng từng thể hiện quan điểm này khi có ý kiến ưu tiên bằng việc cho học dự bị chứ không ưu tiên điểm.
Thành phố cũng là… khu vực 1 Theo quy định hiện hành, thí sinh TP.Đà Lạt hiện vẫn thuộc khu vực ưu tiên 1 (được hưởng 1,5 điểm vào điểm thi ĐH, CĐ). Trong khi đó, cũng thuộc tỉnh Lâm Đồng, học sinh của nhiều khu vực khó khăn hơn rất nhiều mới được hưởng mức ưu tiên này. Theo các chuyên gia tuyển sinh, Lâm Đồng không phải là trường hợp duy nhất, do vậy cần rà soát lại để việc cộng điểm ưu tiên thực sự công bằng cho thí sinh.
|
L.Đ.Ngọc – H.Ánh – M.Quyên – Đ.Nguyên