Chiều 8-8, nhiều người dân đã tập trung đến nhà anh Hồ Văn Tri, ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, để chứng kiến tận mắt đứa con “người rừng” trở về sau 40 năm.
Cha con “người rừng” vẫn hoảng loạn đòi về sống trên ngọn cây
Chiều 8-8, nhiều người dân đã tập trung đến nhà anh Hồ Văn Tri, ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi, để chứng kiến tận mắt đứa con “người rừng” trở về sau 40 năm.
Cũng tại Trung tâm y tế huyện Tây Trà, nhiều người cũng tò mò xem “người rừng” Hồ Văn Thanh, 82 tuổi, đang được các y bác sĩ và gia đình chăm sóc tận tình.
Trước đó, sáng sớm 7-8, hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối, đoàn đã bí mật tiếp cận căn chòi lá nằm chót vót trên thân cổ thụ ở đỉnh núi A Pon. Lúc này ông Thanh bị bệnh nên không thể bỏ chạy, còn anh Lang không thể bỏ mặc cha, nên đành theo đoàn đưa về. Vì sức khoẻ yếu, ông Thanh được mọi người dùng võng khiêng về Trà Phong.
“Người rừng” Hồ Văn Lang
Nơi 2 cha con ở là rừng rậm bên cạnh con suối mát. Đây là nguồn nước hàng ngày hai cha con sử dụng. Bên cạnh căn chòi là đám rẫy với đủ các loại lúa, bắp, cây thuốc lá… do hai cha con ông trồng. Nhờ căn chòi trên cây cao, giúp 2 cha con tồn tại giữa rừng hoang vắng, chống chọi thú dữ.
Theo anh Hồ Văn Tri, con trai ông Thanh cho biết: “Nhiều lần tôi lên trên đó để quần áo gần căn chòi cho cha và anh Lang, nhưng cha và anh không lấy quần áo mặc mà chỉ mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây”. Hai cha con ông Thanh còn tự chế ra những loại lê, mác, rìu để săn bắt thú rừng. Ngoài ra, hai cha con ông Thanh còn biết bảo quản, phơi khô thịt thú rừng, cũng như dự trữ lương thực để sử dụng dài ngày.
Đoàn giải cứu còn phát hiện một chiếc áo ấm trẻ nhỏ và quần người lớn được ông Thanh gói gém cất giữ kỹ. Theo người thân gia đình ông Thanh cho biết, đây là chiếc áo ấm của anh Lang lúc còn nhỏ.
Căn chòi nơi cha con “người rừng” sinh sống
Chiều 8-8, tại Trung tâm y tế huyện Tây Trà, ông Hồ Văn Thanh được các y bác sĩ chăm sóc chữa trị tận tình. Do tuổi cao, sức khỏe của ông Thanh rất yếu cần được chăm sóc tại Trung tâm y tế nhiều ngày tới. Riêng người con Hồ Văn Lang, được đưa về nhà người thân ở xã Trà Phong chăm sóc, canh chừng sợ anh Lang bỏ trốn.
Hay tin cha con ông Thanh được đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu, trong 2 ngày 7 và 8-8, hàng trăm người dân trên địa bàn huyện đã đến chia vui cùng gia đình. Anh Lang không thấy cha nên thường xuyên kêu ú ớ vài tiếng Kor đòi gặp cha. Người nhà và Công an xã Trà Phong đưa anh Lang lên Trung tâm y tế gặp cha. Thấy cha, anh Lang mừng rỡ ra hiệu cho mọi người đưa cha về. Nhìn mọi thứ đều xa lạ, anh Lang dáo dác, sợ sệt, co rúm ngồi góc tường và liên tục hút thuốc. Hiện anh Lang đang được người em trai ruột Hồ Văn Tri, ở xã Trà Phong chăm sóc.
Theo anh Hồ Văn Tri cho biết, từ nhỏ anh đã nghe người thân kể lại, vào năm 1972 cha anh đi bộ đội đóng quân gần nhà ở Trà Xinh. Trong một lần địch thả bom dữ dội tại khu nhà của gia đình, ông Thanh vội chạy về thì thấy căn nhà chỉ còn là đống đổ nát, mẹ ông Thanh và 2 con trai lớn của ông tử vong. Quá đau đớn hoảng loạn, ông Thanh ôm người con trai Hồ Văn Lang hơn một tuổi chạy vào rừng, bỏ lại người vợ đang bụng mang dạ chửa. Khoảng một tháng sau anh Hồ Văn Tri, con trai út được sinh ra đời.
Các đồ sinh hoạt của 2 cha con “người rừng”
“Từ khi tôi ra đời thì cha tôi và anh Lang sống biệt trong rừng sâu. Đến khoảng hơn 10 tuổi, tôi cùng các chú, bác ruột tổ chức vào rừng sâu tìm cha và anh trai. Sau nhiều ngày tìm thì phát hiện họ đang ở một chòi lá trên cây cao ở núi A Pon, thuộc thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà. Khi thấy chúng tôi, cha và anh trai không nhận ra người thân mà hoảng sợ bỏ chạy trốn. Mọi người đành gửi lại một số vật dụng sinh hoạt để lại cho cha và anh ruột sử dụng”, anh Hồ Văn Tri kể lại.
Về lại làng, anh Tri và người thân bàn bạc thống nhất mỗi năm lên thăm 2 cha con nhiều lần. Mỗi lần đều mang muối, dầu hỏa và dao, rựa cho cha và anh sử dụng.
Theo ông Hồ Văn Tính – Trưởng Công an xã Trà Phong, qua hơn 40 năm sống biệt lập giữa rừng, với cuộc sống hoang dã khắc nghiệt, không ngờ cha con ông Thanh vẫn tồn tại đến bây giờ. Bước đầu, xã tập trung thăm hỏi, hỗ trợ lượng giúp cha con ông Thanh vượt qua khó khăn, sớm hoà nhập với cộng đồng.
Hiện 2 cha con ông Thanh vẫn còn hoảng loạn, đòi quay về lại rừng sống. Công an xã tăng cường phối hợp gia đình canh chừng không để 2 cha con trốn vào rừng.