Co giật do sốt cao
Co giật do sốt cao ở trẻ em là tai biến tương đối nặng, tuy không gây ra tử vong nhưng có thể để lại nhiều biến chứng.
Co giật do sốt cao ở trẻ em là tai biến tương đối nặng, tuy không gây ra tử vong nhưng có thể để lại nhiều biến chứng.
Biểu hiện
Co giật do sốt cao là tình trạng xuất hiện các cơn giật tự phát, khi trẻ em bị sốt cao và không do động kinh gây ra. Đây là một tai biến hay xuất hiện ở trẻ em từ 6 đến 15 tháng tuổi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trẻ sơ sinh thì không bị co giật do sốt cao. Nếu để trẻ sốt quá cao, nguy cơ co giật vẫn xuất hiện như thường. Nhiệt độ xuất hiện co giật là từ 40 độ C trở lên. Nếu để sốt đến 41 độ C, gần 100% trẻ sẽ bị co giật.
Khi co giật, trẻ có thể chỉ tăng trương lực cơ thân mình nhưng cũng có thể co giật ở chân, tay, miệng; thét lên và sùi bọt mép. Tùy từng dạng và triệu chứng xuất hiện mà mỗi trẻ có biểu hiện khác nhau, nhưng tựu trung đều có hiện tượng co giật cơ chân tay, méo miệng, sùi bọt mép, trợn mắt và tăng trương lực cơ.
Có nguy hiểm ?
Nếu ta cho rằng thiệt hại tính mạng là nguy hiểm thì tai biến co giật do sốt cao không nguy hiểm, do nó không gây hại tính mạng – ngoại trừ các trường hợp bị ngã khi đang trong cơn. Chẳng những vậy, nó cũng không gây ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ và tinh thần, nghĩa là trẻ em không bị ảnh hưởng tới khả năng học tập và hòa nhập cộng đồng; ngoại trừ các biến chứng đáng ngại dưới đây:
– Có thể gây ra các chấn thương gián tiếp sau đó như ngã khi đang co giật, chạm vào các vật dụng nhọn, chạm vào các vật dụng có nhiệt độ cao. Khi đó trẻ sẽ bị sang chấn tương ứng theo từng tai nạn.
– Sặc và viêm đường hô hấp, xảy ra khi co giật xuất hiện lúc bạn đang cho bé bú hoặc uống sữa, uống thuốc.
– Gây ra hạ ngưỡng điện thần kinh kích thích. Nếu đã có co giật lần đầu thì những lần sau rất dễ xuất hiện. Không cần phải sốt cao mà chỉ cần sốt vừa cũng đã đủ gây ra cơn co giật liên hồi.
– Động kinh. Tỷ lệ trẻ bị bệnh động kinh từ co giật do sốt cao vào khoảng 5%. Khi đã bị động kinh thì bắt buộc phải điều trị, đồng thời sau đó trí tuệ của trẻ sẽ bị giảm ít nhiều.
Đối phó
Khi trẻ lên cơn giật, bạn hãy cứ để trẻ tự giật và sau đó thì tự hết. Thường trẻ giật do sốt cao kéo dài khoảng 15 – 20 giây, có trẻ kéo dài khoảng 1 – 2 phút. Đây là những biểu hiện thường thấy nhất. Cá biệt có trẻ bị co giật kéo dài hơn. Bạn nên đẩy nhẹ trẻ vào giữa giường, hoặc ẵm trẻ trong lòng, để giữ trẻ không rơi xuống đất.
Không khuyến khích người lớn nhét khăn vào miệng trẻ dưới 6 tháng tuổi vì có thể trẻ sẽ bị nghẹt thở. Lúc này trẻ chưa mọc răng nên không sợ biến chứng cắn vào lưỡi. Chỉ nên nhét khăn xô sạch vào miệng trẻ từ 6 tuổi trở lên hoặc trẻ đã mọc răng. Khi đó, miệng trẻ đã lớn, mũi trẻ đã thông, nhét khăn sạch vào miệng vừa tránh được biến chứng cắn lưỡi lại vừa không sợ tai biến khác.
Điều quan trọng là tránh tuyệt đối không để co giật xảy ra. Muốn như vậy, nhất thiết không được để trẻ bị sốt cao từ 39,5 độ C trở lên. Hỏi ý kiến bác sĩ và có thể dùng thuốc hạ sốt khi trẻ đang ở nhiệt độ từ 38,5 – 39 độ C. Ngoài ra, lau đùi, ngực, bụng, chân, tay, trán bằng nước mát (chừng 26 – 28 độ C) là ổn. Lau liên tục 3 lần, sau mỗi lần lau thì giặt khăn, chờ cho da khô mới lau tiếp. Nhớ kiểm tra độ mát của da trước khi quyết định lau tiếp hay không. Người kiểm tra là người không chạm vào nước. Hoặc ấp khăn mát vào đùi, chân, tay, trán, với nước có nhiệt độ như trên, từ 2-3 phút thì thay khăn khác hoặc nhúng nước lại. Chỉ cần thay chừng 3 lần khăn là trẻ sẽ mát ngay. Sang hôm sau trẻ vẫn còn sốt cao thì cần đưa đến bác sĩ.
BS Yên Lâm Phúc