Phải nói thật về trợ giá xe buýt
Đây là kiến nghị của nhiều đại biểu tại hội thảo “Vấn đề trợ giá xe buýt – tồn tại và các giải pháp định hướng” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 31-7.
Phải nói thật về trợ giá xe buýt
Mỗi ngày trôi qua mất đi hàng trăm triệu đồng (do xé khống vé xe buýt – PV). Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc. Ông Lê Chí (đại diện Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM) – Ảnh: Viễn Sự.
Không hẹn mà gặp, có ít nhất bốn đại biểu đã kẹp tờ báo Tuổi Trẻ ngày 29-7 có đăng bài điều tra “Xe buýt: khách ảo, trợ giá thật” vào tài liệu dự hội thảo để dẫn chứng cho nỗi bức xúc lẫn những hồ nghi về hiệu quả thực tế của việc trợ giá xe buýt tại TP.HCM.
Rút ruột
Một chuyên gia Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP.HCM: Có dấu hiệu lãng phí Năm 2011 và 2012, hoạt động xe buýt không hiệu quả do tổng kinh phí trợ giá tăng trên 70% so với năm 2010, nhưng sản lượng vận tải lại giảm hoặc tăng ít, đồng thời giá vé xe buýt tăng 20-33% làm ảnh hưởng đến tâm lý hành khách và lạm phát. Theo lý thuyết, khi giá vé tăng sẽ làm tăng doanh thu, giảm bớt trợ giá. Tuy nhiên, năm 2011 so với năm 2010, mặc dù giá vé tăng 20-33%, sản lượng giảm 7,1% nhưng tổng trợ giá vẫn tăng trên 70%. Do đó, nếu không tăng giá vé thì tổng trợ giá năm 2011 sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2010. Đây là điều vô lý không chấp nhận được, chỉ có lãng phí, tham nhũng mới gây nên hậu quả này. |
Giơ cao tờ Tuổi Trẻ ngày 29-7, quay phần trang nhất với hình ảnh và tít lớn của bài viết “Xe buýt: khách ảo, trợ giá thật” ra phía các đại biểu, ông Lê Chí, đại diện Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM, bày tỏ: “Tôi nghĩ tất cả người dân TP này, những ai quan tâm đến xe buýt đều cảm thấy day dứt vì không biết việc trợ giá có đạt được hiệu quả hay không”. Ông Chí cũng bày tỏ sự khó hiểu khi một số người có trách nhiệm quản lý trong ngành giao thông TP.HCM trả lời báo chí đã tỏ ra bất ngờ khi nói không biết tài xế xé vé khống cho đến khi báo Tuổi Trẻ phát hiện. “Mỗi ngày trôi qua mất đi hàng trăm triệu đồng. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc” – ông Chí nói.
Tiếp tục đề cập về bài viết trên Tuổi Trẻ, TS Lê Kinh Vĩnh – giảng viên bộ môn quy hoạch giao thông Trường đại học GTVT TP.HCM – cho rằng không người dân nào, hành khách nào có thể đồng tình với hình ảnh tài xế, phụ xe buýt xé khống vé. TS Lê Kinh Vĩnh chỉ ra mâu thuẫn: Xe buýt đang chủ yếu dựa vào nguồn thu trợ giá và nguồn thu bán vé. Vậy tại sao các chủ xe, tài xế và tiếp viên trên xe vẫn chấp nhận xé vé? Việc xé khống vé của họ đồng nghĩa với việc gây tổn thất cho nguồn thu của họ nhưng họ vẫn phải xé, cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc làm rõ hơn về vấn đề này. “Đây là sự mỉa mai với hoạt động xe buýt nói chung và thể hiện một lỗ hổng trong việc quản lý bán vé xe buýt” – TS Vĩnh nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng – phó trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng việc xé vé khống là hành vi rút ruột. “Liệu có bao nhiêu tỉ đồng mà TP.HCM trợ giá cho xe buýt bị rút ruột theo cách này? Nếu đúng như vậy thì thật lãng phí và cần xem lại cách thức quản lý và điều hành hiện nay” – bà Hồng nói. Ông Hoàng Minh Trí, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng Sở GTVT phải có trách nhiệm trả lời về hành vi xé khống vé của các tài xế xe buýt. Cùng với các ý kiến khác tại hội thảo, những vấn đề các đại biểu đặt ra xung quanh việc xé khống vé xe buýt sẽ được Viện Nghiên cứu phát triển tổng hợp và chuyển đến UBND TP.HCM.
“Chuyện bình thường”!?
Ông Dương Hồng Thanh, phó giám đốc Sở GTVT, thừa nhận: “Chúng tôi cũng lường trước được các đơn vị sẽ xé khống vé để đạt sản lượng đã ký hợp đồng”. Vì thế cuối năm 2011, Sở GTVT đã đưa ra công cụ quản lý giao sản lượng cho các đơn vị hợp tác xã (HTX) và những đơn vị nào không hoàn thành sản lượng (được ký hợp đồng trực tiếp với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng) thì sẽ bị phạt và mức phạt rất cao, cao nhất lên đến 8 triệu đồng/trường hợp. Theo ông Thanh, quy định về mức chế tài này giai đoạn đầu (khoảng quý 1-2012) phát huy rất tốt. Tuy nhiên, sau đó công cụ này lại “phản tác dụng”, không còn là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành vi xé khống vé xe buýt nữa. “Chúng tôi nghĩ điều này cũng bình thường trong công tác quản lý. Vấn đề là làm sao phát hiện được nhanh, đồng thời có biện pháp kịp thời chấn chỉnh” – ông Thanh nói.
Phần cuối hội thảo, ông Lê Hải Phong, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, đã dành nhiều thời gian giải thích một số điểm xung quanh hành vi xé khống vé xe buýt mà theo ông Phong, cần phải nói lại cho rõ để báo chí và các đại biểu hiểu đúng. Cụ thể, ông Phong cho rằng nhân viên xé khống vé xe buýt sẽ “hại chết” doanh nghiệp của mình, còn Nhà nước sẽ không bị thiệt hại, thậm chí còn có lợi (?). Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phong lý giải việc giao sản lượng cho các đơn vị HTX được cụ thể hóa bằng hợp đồng hằng năm, khoản chi cho việc trợ giá vì khoản tiền trợ giá không thay đổi. “Mình nhìn hành động đó và cho rằng để mang về cơ quan nhà nước để tính tiền. Nhưng thực tế lấy nhiều hay ít là do họ, Nhà nước không mất thêm đồng nào. Như vậy, thiệt hại ở đây doanh nghiệp sẽ gánh chịu, vì lần sau dựa trên số vé khống sẽ khoán tăng một lần nữa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ chết, có lợi cho Nhà nước” – ông Phong nói.
Gian dối sao không thiệt hại?
Ngay sau phát biểu của ông Dương Hồng Thanh, một số đại biểu và phóng viên đã mong muốn được trao đổi lại quan điểm của ông. Tuy nhiên, do “bận họp” tại Sở GTVT, ông Thanh đã ra về sớm. Tương tự, do đã hết thời gian hội thảo nên giải thích của ông Nguyễn Hải Phong không kịp nhận được các ý kiến phản biện. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Bích Hồng đã bày tỏ sự không đồng tình.
Bà Hồng cho rằng không thể bóc tách riêng sự việc trước mắt để cho rằng Nhà nước không bị thiệt hại về kinh tế sau hành vi xé khống vé xe buýt. Bởi lẽ, việc xé vé sẽ tạo nên lượng khách ảo, tạo ra hiệu quả ảo của chương trình trợ giá, và rồi Nhà nước sẽ lại tiếp tục đổ tiền vào sau một “kết quả đẹp”. “Theo tính toán của tôi về trợ giá xe buýt, lượng khách đi xe buýt tăng bình quân qua các năm 2010-2012 là 5,92%, trong khi tăng tiền trợ giá đến 32,68%, cao gấp năm lần. Chưa kể nếu 5,92% là một con số ảo do hành vi xé khống vé xe buýt thì mức chênh lệch giữa tăng hành khách và tăng trợ giá sẽ còn cao hơn nữa” – bà Hồng nói.
Thiệt hại lớn hơn, theo bà Nguyễn Thị Bích Hồng, là trật tự về quản lý nhà nước sẽ bị “bẻ gãy”. “Không thể có chuyện một chủ trương, chính sách của Nhà nước được thực thi bằng một hành vi gian dối mà lại nói rằng Nhà nước không bị thiệt hại, chỉ có lợi được” – bà Hồng khẳng định.
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý “Những vấn đề báo Tuổi Trẻ nêu chúng ta đã biết rồi, đã đề ra giải pháp rồi nhưng lại thiên về hành chính. Sai là phạt. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Sở GTVT”. Ông Dương Hồng Thanh, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận trong buổi làm việc với các HTX vận tải chiều 31-7 về vấn đề “Xe buýt: khách ảo, trợ giá thật” mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh. Tại cuộc họp, nhiều HTX làm sáng tỏ vấn đề: Vì sao có tình trạng xé khống vé, ai được lợi? Gian lận phổ biến “Việc xé khống vé xảy ra ở đơn vị nào chứ chỗ tôi thì ngược lại, là có chuyện thu tiền của khách nhưng không xé vé. Tình trạng gian lận này rất phổ biến nhưng chưa xử lý đến nơi đến chốn được” – ông Phùng Đăng Hải, chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM, cho biết. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng có việc không xé vé cho khách đến một lúc nào đó các tài xế, nhân viên xe “giật mình” vì còn nhiều vé dẫn đến nguy cơ không đạt được sản lượng khách được giao nên phải xé vé để bù vào. Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Triệu, HTX 19-5, chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến việc xé vé là do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng giao chỉ tiêu sản lượng vận chuyển hành khách quá cao, chưa phù hợp thực tế, trong khi hoạt động xe buýt trên các tuyến có sự ảnh hưởng bởi đào đường, “lô cốt”… Lẽ ra sản lượng ấn định cho phù hợp, tuyến nào bị ảnh hưởng nhiều có thể giữ mức cũ hoặc giảm, đằng này chỉ tiêu tăng đều các tuyến. Ông Lâm Văn Phấn, chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, cũng như nhiều đơn vị vận tải khác cho rằng động cơ dẫn đến việc xé khống vé thật ra không để tăng thêm tiền trợ giá, vì khoản trợ giá được ấn định từ đầu năm (dựa vào sản lượng vận chuyển của năm trước). Tuy nhiên, để nhận được 100% tiền trợ giá này, doanh nghiệp vận tải bị ràng buộc phải đạt chỉ tiêu vận chuyển hành khách do Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng ấn định. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, doanh nghiệp bị phạt với mức 5% trên tổng mức trợ giá. “Chính vì vậy, động cơ việc xé khống vé chủ yếu để doanh nghiệp không bị phạt và được hưởng trọn tiền trợ giá” – ông Phấn kết luận. Giảm phạt Để giải quyết tình trạng xé khống vé, đại diện các HTX vận tải yêu cầu Sở GTVT, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng nên xem xét điều chỉnh lại mức giao sản lượng cho phù hợp thực tế từng tuyến, thời điểm, hạ tầng giao thông trong năm. “Khi việc giao sản lượng hợp lý thì ngoài việc phạt các đơn vị không đạt, nên xem xét thưởng cho các đơn vị đạt, vượt sản lượng được giao” – đại diện Công ty TNHH một thành viên Xe khách Sài Gòn đề nghị. Ông Phạm Đình Đức, trưởng phòng quản lý vận tải Sở GTVT, ủng hộ phương án giảm mức phạt nếu các doanh nghiệp vận tải không đạt sản lượng trong thời gian tới. Cụ thể, nếu doanh nghiệp đạt 95-99% sản lượng thì chỉ bị phạt 1% trên tổng kinh phí trợ giá; đạt 90-95% sản lượng phạt 2% và 85-90% phạt 3%. Ông Đức còn đề nghị nên yêu cầu nhân viên, tài xế xe buýt phải ký quỹ 5-10 triệu đồng/người cho các doanh nghiệp. Nếu bị phát hiện xé khống vé, bán không thu vé sẽ buộc thôi việc thì mất luôn tiền ký quỹ này. Ông Dương Hồng Thanh cho rằng mấu chốt vấn đề là có bất cập trong việc giao chỉ tiêu sản lượng vận chuyển hành khách. Vì vậy, ông Thanh đề nghị Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng nghiên cứu điều chỉnh theo những ý kiến đóng góp của các HTX. Trước mắt, các đơn vị cần phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận trong công tác bán vé. Bên cạnh đó, thực hiện công tác đánh giá sắp xếp lại toàn bộ mạng lưới tuyến xe buýt, tuyến nào hoạt động không hiệu quả thì kiên quyết cắt không thực hiện trợ giá nữa. Về lâu dài, ông Thanh cho biết đang trình UBND TP.HCM đề án sử dụng thẻ xe buýt thông minh có thể tích hợp việc sử dụng đi các tuyến metro, monorail sau này. |
V.SỰ – Q.KHẢI – M.TRƯỜNG – N.ẨN