Thao thức với kịch Lưu Quang Vũ
Những ngày Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, người Hà Nội thao thức. Lại ngẫm ngợi, khóc cười, hả hê và dằn vặt… trước những trang kịch đã được Lưu Quang Vũ viết cách đây hơn 1/4 thế kỷ. Sân khấu như trở lại một thời vàng son, với những khán phòng chật ních khán giả…
Thao thức với kịch Lưu Quang Vũ
Đêm khai mạc 9-9, nhiều người ao ước rạp Công Nhân rộng hơn nữa để ai cũng có thể vào xem kịch Lưu Quang Vũ. Cũng vì 19g45 là rạp Công Nhân đã chật chỗ. Người đến sau đó 5 phút kiếm được chỗ ở những bậc cầu thang dẫn lối trong rạp là đã may mắn rồi. Ai đến sau nữa thì chỉ có thể chen chân đứng từ cửa nhìn vào.
Vậy mà khán giả vẫn ùn ùn kéo đến. Đang trong nỗi tiếc, bỗng đâu nghe được lời dẫn khai mạc: vở kịch được truyền hình trực tiếp, thế là người ở gần vội vã quay xe trở về để kịp ngồi trước màn ảnh nhỏ cho đúng lúc vở kịch Ông không phải là bố tôi mở màn. Số khán giả nhà quá xa, mãi bên Gia Lâm, Đông Anh… không thể quay xe thì nhanh chóng “ngồi ghé” vào chỗ bảo vệ rạp Công Nhân… để xem nhờ tivi đến tận phút cuối cùng.
Ngày công diễn thứ hai, thứ ba, điều đó cũng diễn ra ở cả ba rạp: Đại Nam, Tuổi Trẻ vàCông Nhân. Nếu như buổi sáng, rạp Đại Nam và Tuổi Trẻ vừa đủ chỗ để khán giả xem vở chèo Ngọc Hân công chúa (Nhà hát Chèo Hà Nội) và Mùa hạ cuối cùng (Nhà hát Tuổi Trẻ), thì buổi tối lại xảy ra tình trạng khán giả ngồi kín cả lối đi cho vở Điều không thể mất (Nhà hát Kịch quân đội) và Hồn Trương Ba – da hàng thịt (Nhà hát Tuổi Trẻ). Người Hà Nội giải thích rằng: dù có phải đứng chôn chân một chỗ, ngó nghiêng trái phải để xem kịch Lưu Quang Vũ thì vẫn thấy vui lòng. Không ai muốn quay xe trở về…
Đi đến tận cùng của những nỗi lòng
Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ diễn ra từ ngày 9 đến 16-9, có sự tham gia của chín đoàn nghệ thuật với 12 vở diễn. Nhân dịp này, Nhã Nam và gia đình cố tác giả Lưu Quang Vũ phối hợp với NXB Hội Nhà Văn xuất bản Tuyển kịch Lưu Quang Vũ. Tuyển kịch gồm năm vở kịch: Hồn Trương Ba – da hàng thịt, Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa, Tôi và chúng ta và Điều không thể mất. |
“May quá, vợ chồng mình không đưa con đến rạp đêm nay!” – ngồi ở lối đi trên tầng hai của rạp Công Nhân, đang xem vở Ông không phải là bố tôi (Nhà hát Kịch Hà Nội), một anh chồng đã nói khẽ với vợ như thế. Có thể khán giả thấy sợ khi Ông không phải là bố tôi bóc trần trụi quy luật nhân – quả. Vở kịch được mở dần, mở dần với những nỗi đau đời: chồng đuổi vợ, đuổi con về quê vì lo sợ lý lịch có vấn đề (thời cải cách ruộng đất), con đón bố về với những âm mưu “đòi nợ tuổi thơ” để rồi sẵn sàng đuổi bố ra đường khi thấy không lợi dụng được nữa… Vậy là cảm xúc của khán giả bị quay tròn: bố đấy – con đấy, ai đáng giận, ai đáng thương? Những lời bình luận xao xác ngay lúc vở kịch đang diễn ra. Làm mới, dù rằng đạo diễn đưa thêm phong vị của rap, hip hop…hay đôi lời thoại chọc cười nhưng khán giả gần như chẳng thể cười vì đã nghẹn ứ ở cổ trước mỗi tình tiết kịch, những lời thoại được Lưu Quang Vũ viết mà như soi đến tận tâm can. Đâu đó ta bắt gặp những ánh mắt người lớn sập xuống, những cái rùng mình trước câu hỏi không của riêng ai: Chúng ta đang đối xử với cha mẹ như thế nào? Đang dạy dỗ con chúng ta ra sao?
Sang đến rạp Đại Nam, ta bắt gặp những đôi mắt xa xăm của thế hệ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước đến xem Điều không thể mất. Các bà, các ông đang sống lại thời hoa lửa của chính mình với bao tâm sự, nỗi lòng như cô Nhâm, anh Minh, anh Thế Anh… của Lưu Quang Vũ.
Ở rạp Tuổi Trẻ, dù màn nhung của vở Mùa hạ cuối cùng đã khép nhưng nhiều bạn trẻ vẫn ngồi lặng thinh giữa rạp. Họ giật mình quay sang nhau với ánh nhìn như muốn nói: sao giống chuyện ở lớp mình, trường mình thế nhỉ. Cũng có những người nắm tay nhau đi xuống cầu thang mà vẫn rì rầm kể cho nhau nghe về người thầy đáng kính của riêng mình.
Những cảnh báo “xuyên thế kỷ”
Có thể nói phần lớn những người trẻ đến rạp Công Nhân, Đại Nam hay Tuổi Trẻ dịp này đều là… lần đầu đi xem kịch. Họ biết Lưu Quang Vũ qua sách vở nên đi đến rạp để kiểm chứng. Lặng lẽ dõi theo mỗi vở để nhận ra nhân vật nào Lưu Quang Vũ dành cho mình, họ bảo đã không uổng phí thời gian và thấy kịch cũng đáng để quan tâm đấy chứ. “Bao điều trong đời sống hiển hiện ở đây: vui – buồn, xấu – tốt. Những lời thoại dễ hiểu mà lại thành triết lý sâu cay… Nếu sân khấu tiếp tục có những vở diễn hay, sâu sắc như của bác Lưu Quang Vũ thì chắc chắn sẽ hút chúng em” – bạn Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên năm 1 Học viện Báo chí và tuyên truyền Hà Nội, nói.
Lý giải về sự cuốn hút này, NSƯT Chí Trung bảo kịch Lưu Quang Vũ hay “xuyên thế kỷ”. Còn đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai thì khẳng định: “Kịch của Lưu Quang Vũ có tính dự báo rất cao nên không bao giờ bị lạc hậu. Bên cạnh đó, các vở đều đi vào và nói được nỗi lòng của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân lao động”.
Trước ngày diễn ra liên hoan đã được nghe dự báo: tháng 9 này, sân khấu ở Hà Nội “trở lại” thời vàng son, khán giả kéo đến nườm nượp, rạp mà không đủ nghìn chỗ thì bị quá tải trong các buổi công diễn. Dự báo ấy vẫn bị hoài nghi vì dù rằng kịch của Lưu Quang Vũ rất hay, rất đời nhưng giữa thời buổi này cũng phải chấp nhận thực tế: sân khấu vắng khán giả. Nhưng rõ ràng vừa gióng hồi chuông cho liên hoan thì rạp Công Nhân, Đại Nam hayTuổi Trẻ đã có những buổi diễn chật như nêm. Vậy khán giả hôm nay đâu có quay lưng lại sân khấu? Vấn đề là những vở kịch đã đủ sức hút khán giả đến rạp giống như kịch của Lưu Quang Vũ hay chưa?
ĐỨC TRIẾT