Mở ngành y đơn giản như… mua bánh mì
Hàng loạt trường ĐH đua nhau đào tạo nhóm ngành y. Nhiều trường năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành còn rất hạn chế nhưng vẫn liên tục tăng quy mô đào tạo.
Mở ngành y đơn giản như… mua bánh mì
Một phòng chứa thiết bị phục vụ giảng dạy sinh viên ngành y của ĐH Trà Vinh – Ảnh: Chí Quốc
Thực tế tuyển sinh và đào tạo cho thấy sự bùng phát chỉ tiêu các ngành y dược có liên quan với sự phát triển nhanh chóng các trường ngoài công lập. Các ngành y dược có thể thu học phí cao và điều này cũng chỉ dễ thực hiện ở trường tư… Đó là lý do số lượng các trường ngoài công lập đang đua nhau mở mã ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học, dược sĩ và gần đây là bác sĩ đa khoa. Đi kèm thực tế này là câu hỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo.
Phòng thí nghiệm có “vỏ”, chưa có “ruột”
“Nói thật, để mở ngành y đơn giản như… mua bánh mì. Nhiều trường xin mở ngành y dược trên giấy tờ phải có vài nhân vật có tiếng, trường nào cũng có đội ngũ giảng viên hùng hậu nhưng thực tế một giảng viên dạy ở nhiều trường” Lãnh đạo một trường ĐH ở TP.HCM |
Khu giảng đường, các phòng thực hành, thí nghiệm và văn phòng khoa dược – điều dưỡng Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) là dãy nhà cấp bốn nằm lọt thỏm phía sau bãi giữ xe của trường. Một ngày giữa tháng 9-2013 khi chúng tôi ghé trường, các phòng thực hành, thí nghiệm cửa vẫn khóa trái nhưng các cửa sổ chỉ che tấm màn vải. Vén tấm màn cửa có thể quan sát được toàn bộ bên trong những căn phòng này. Khác với những phòng thí nghiệm, thực hành rộng lớn, đồ sộ với nhiều máy móc, thiết bị thường thấy ở khoa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM, bên trong phòng thí nghiệm thực vật dược của Trường ĐH Tây Đô khá đơn sơ với hai dãy bàn đặt khoảng chục kính hiển vi, phía cuối phòng còn có một bàn đặt vài dụng cụ, thiết bị thí nghiệm. Phòng thí nghiệm dược liệu và phòng thực hành y học cổ truyền nằm chung một phòng. Bên trong căn phòng “2 trong 1” này cũng đặt hai tủ thuốc và ba dãy bàn. Bên trong phòng thực hành giải phẫu có vài mô hình bộ phận cơ thể người và bộ xương người. “Ra dáng” phòng thực hành nhất là phòng thực hành bán thuốc với mô hình quầy thuốc tây!
Một nữ sinh viên năm 2 ngành dược Trường ĐH Tây Đô cho biết năm thứ nhất lớp dược chỉ mới được học các môn đại cương đều do giáo viên của trường giảng dạy. Đầu năm học thứ hai này sinh viên bắt đầu học các môn cơ sở ngành như giải phẫu 1, thực vật dược… do hai giảng viên thỉnh giảng mời từ trường khác về dạy. “Chúng em mới được tiếp xúc với chuyên ngành nên chỉ thực tập ở phòng khoa học cơ bản của khoa sinh học, riêng môn hóa được thực tập tại phòng hóa của khoa dược” – sinh viên này cho biết. Theo các sinh viên, khi vào chuyên ngành sẽ được giảng viên từ Trường ĐH Y dược TP.HCM giảng dạy. “Trường có nói sinh viên ngân hàng học chuyên ngành trường sẽ mời giám đốc các ngân hàng về giảng dạy và đã làm như vậy nên em tin ngành dược cũng sẽ làm được như thế”- một sinh viên chia sẻ.
Trong khi đó tại Trường ĐH Trà Vinh, nhà trường mới đưa vào sử dụng khu thực hành thí nghiệm dành riêng cho sinh viên khoa y dược. Đó là một khu nhà ba tầng rộng 960 m² với hơn chục phòng thí nghiệm, thực hành y khoa: phòng thực hành giải phẫu, phòng sinh hóa, phòng thực hành huyết học, phòng vi sinh – giải phẫu bệnh – sinh lý, phòng thực hành điều dưỡng. Tuy nhiên nhiều phòng trong số này mới có “vỏ” mà chưa có “ruột”. Ông Nguyễn Tiến Dũng – phó hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Riêng khu thực hành khoa y dược nhà trường mới triển khai ba gói thầu mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy, các mô hình, máy đếm bách phân bạch cầu, tranh giải phẫu… với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng”.
Dạy tới đâu mua sắm tới đó
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trường ĐH Trà Vinh là trường công lập, được phép mở đào tạo ngành điều dưỡng và xét nghiệm y học từ năm 2012. Năm 2013 trường được phép mở bổ sung ngành y đa khoa và y tế công cộng. Việc mở và đào tạo các ngành này là thực hiện chủ trương của tỉnh Trà Vinh nhằm cung cấp nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương và các tỉnh vùng Tây Nam bộ. “Do trường mới mở các ngành y dược nên có những máy móc, thiết bị không cần mua ngay vì sinh viên chưa học, chưa cần dùng tới. Nhà trường đang tiếp tục đấu thầu các trang thiết bị phục vụ đào tạo khoa y dược theo lộ trình với kinh phí hàng chục tỉ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt để đầu tư cho khoa y dược của trường từ năm 2012 – 2015 hơn 129 tỉ đồng”- ông Dũng cho biết.
Một sinh viên khóa 1 ngành y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) cho hay nhà trường đang trong quá trình vừa đào tạo vừa đầu tư cơ sở vật chất. “Khi sinh viên học đến môn nào thì trường sẽ hoàn thành cơ sở vật chất cho môn học đó trước khi dạy. Ở năm học trước, theo kế hoạch học kỳ II tụi em học môn giải phẫu thì học kỳ I trường hoàn thành việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ môn học này. Do là trường mới nên cơ sở vật chất lúc cần mới có chứ không có sẵn” – sinh viên này cho biết. Cũng theo các sinh viên năm thứ 2 ngành y đa khoa của trường này, do trường không có đủ giảng viên cơ hữu nên nhiều môn phải mời giảng viên thỉnh giảng. “Do một số giảng viên phải làm việc giờ hành chính nên tụi em phải học vào ban đêm. Nhà trường mời một số giảng viên ở Trường ĐH Y dược – ĐH Huế vào dạy nên thời gian học phụ thuộc vào giảng viên” – một sinh viên cho biết thêm.
Trong khi đó, chúng tôi nhiều lần đến Trường ĐH Võ Trường Toản, đồng thời tìm cách liên hệ với lãnh đạo nhà trường nhưng bị từ chối. Chúng tôi cũng không thể tiếp cận được với các phòng thực hành, thí nghiệm y khoa của trường này.
TS Phan Văn Thơm, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, nói: “ĐH Tây Đô không phải là trường chuyên đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe nhưng khi mở các ngành này nhà trường đã chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo ngang ngửa với trường chuyên ngành. Hơn nữa, muốn mở ngành này Sở GD-ĐT Cần Thơ đã đến trường kiểm tra các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Trường ĐH Dược Hà Nội thẩm định chương trình đào tạo ngành dược và Trường ĐH Y dược TP.HCM thẩm định chương trình đào tạo ngành điều dưỡng”.
TRẦN HUỲNH – CHÍ QUỐC