Cướp vào tận nhà
Dù được đánh giá là “yên ổn” hơn TP.HCM, nhưng gần đây trên địa bàn TP.Hà Nội cũng liên tục xảy ra các vụ cướp, cướp giật tài sản nhằm vào người đi đường, gây bất an trong nhân dân.
Dù được đánh giá là “yên ổn” hơn TP.HCM, nhưng gần đây trên địa bàn TP.Hà Nội cũng liên tục xảy ra các vụ cướp, cướp giật tài sản nhằm vào người đi đường, gây bất an trong nhân dân.
|
Theo báo cáo mới nhất của Công an TP.Hà Nội, so với cùng thời điểm quý 3/2012, năm nay tỷ lệ cướp giật tăng 16,8% và hoạt động của các ổ nhóm tội phạm hiện vẫn diễn biến phức tạp. Còn theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an TP.Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2013, trên toàn địa bàn thủ đô đã xảy ra gần 500 vụ cướp, cướp giật tài sản.
Nhắm vào máy tính, điện thoại…
Có những vụ dù bị triệt phá, nhưng mỗi khi nhắc lại, nhiều người dân không khỏi bàng hoàng trước sự táo tợn của nhóm cướp: xông vào tận nhà riêng để đoạt tài sản. Điển hình, chiều 1.3, cháu Ngô Quang Tuấn Anh (10 tuổi, khu Đình Hồ B, P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng) một mình ngồi chơi điện tử bằng máy tính bảng iPad tại phòng khách ở tầng 1 thì một thanh niên xông vào cướp iPad trên tay cháu Tuấn Anh, tiện tay quơ luôn chiếc iPhone 5 để trên bàn gần đó. Sau đó, tên này lao ra đường, nhảy lên xe máy của đồng bọn đang đứng chờ sẵn gần đó để tẩu thoát.
Đúng một tuần sau, khoảng 17 giờ 30 ngày 8.3, đứa cháu nội 2 tuổi của bà Lê Thị Thu (ở số nhà 22 ngõ 647, đường Kim Ngưu, P.Vĩnh Tuy, Q.Hai Bà Trưng) đang ngồi chơi ở phòng khách một mình cùng chiếc iPad cũng bị kẻ cướp xông vào cướp mất. Tập trung lực lượng truy bắt, tới khuya ngày 13.3, PC45 bắt được Hoàng Ngọc Điệp (25 tuổi, trú tại P.Quỳnh Mai, Q.Hai Bà Trưng) và Trần Xuân Tùng (25 tuổi, trú tại 549 ngõ Trung Phụng, Q.Đống Đa), là những kẻ đã gây ra hai vụ cướp giật liều lĩnh nói trên. Ngoài ra, Tùng và Điệp thừa nhận đã gây ra hơn chục vụ trộm cắp, cướp giật tài sản khác, chủ yếu là máy tính xách tay, điện thoại đắt tiền.
|
Bất an trên đường phố
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, đại diện PC45 – Công an Hà Nội cho biết đang tiến hành tạm giữ hình sự 3 thanh niên cùng trú tại Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng, để điều tra làm rõ hành vi cướp giật tài sản. Trước đó, chỉ trong ngày 18.10, nhóm này đã gây ra 3 vụ cướp giật trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm và Q.Hai Bà Trưng.
Vào trung tuần tháng 8, PC45 cũng bắt giữ Nguyễn Trung Kiên (30 tuổi, ở Q. Hai Bà Trưng) và Lương Hải Đăng (35 tuổi, Q.Hoàng Mai). Tại trụ sở công an, hai tên này khai chỉ trong vòng khoảng 2 tháng chúng đã gây ra hơn 30 vụ cướp giật trên khắp các đường phố Hà Nội. Nạn nhân mà chúng nhắm đến là những phụ nữ chạy xe một mình, đeo trang sức đắt tiền. Thời gian gây án thường vào các buổi sáng.
Chị Thu An (36 tuổi, ở Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), một trong những bị hại kể lại một buổi trưa tháng 9, chị cùng đoàn khách Nhật sang nhà hàng đối diện công ty để dùng bữa trưa. Thời điểm này phố Duy Tân (mới mở, rất rộng lại không đèn đỏ – PV) đông người qua lại. Khi chị vừa bước chân xuống lòng đường thì bị hai tên cướp đi xe máy áp sát, tên ngồi sau giật chiếc túi xách, còn tên cầm lái rồ ga phóng đi. Do cầm chắc được phần quai chiếc túi, chị Thu An đu người bám theo giật lại, liền bị hai tên kéo lê một đoạn trên đường. “Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều người dân đã hô hoán vây bắt kẻ cướp. Biết khó thoát nếu tiếp tục giằng co chiếc túi nên tên ngồi sau đành buông tay”, chị Thu An kể lại.
Ít ngày sau, cũng tại tuyến phố này, anh Vũ Văn Nam (23 tuổi, ở Q.Đống Đa) bị hai tên cướp giật mất chiếc iPhone. “Khi đó khoảng 19 giờ 15, trời tuy tối nhưng đường còn rất đông người qua lại. Tôi đang đứng trước cổng tòa nhà Thành Công bấm điện thoại thì bị 2 tên đi xe máy lao từ phía sau lên cướp chiếc điện thoại. Nghe tôi hô hoán, người dân lao ra đường định đuổi theo nhưng tên ngồi sau rút dao ra nên không ai dám tiếp cận”, anh Nam kể.
|
Sáng gây án, chiều rút về
Thiếu tá Nguyễn Minh Quang, Đội trưởng Đội phòng chống cướp, cướp giật thuộc PC45 – Công an Hà Nội, nhận định loại tội phạm cướp, cướp giật tài sản trên địa bàn Hà Nội không có tổ chức, ít manh động và chỉ thực hiện hành vi cướp, cướp giật tài sản rồi bỏ chạy, chứ không sử dụng vũ khí nóng để tấn công nạn nhân, khác hẳn tội phạm cướp, cướp giật trên địa bàn các tỉnh phía nam, đặc biệt là TP.HCM.
“Trong gần 500 vụ đã được điều tra khám phá, số đối tượng đều còn rất trẻ, chỉ từ 17 – 28 tuổi. Do không nghề nghiệp lại nghiện hút nên chúng thường làm quen rồi rủ nhau lập thành nhóm từ 2 – 4 tên và dùng xe máy lượn lờ khắp các phố, quan sát thấy người tham gia giao thông mang theo tài sản giá trị như túi xách, điện thoại, dây chuyền… mà mất cảnh giác là lập tức ra tay”, thiếu tá Quang nói.
Theo ông Quang, do nhiều ổ nhóm sinh sống ở ngoại tỉnh, hoạt động theo kiểu cơ hội, sáng lên Hà Nội gây án, chiều rút về nên đã gây không ít khó khăn trong việc trinh sát, nắm tình hình hoạt động của chúng. “Để công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm cướp, cướp giật đạt hiệu quả, người dân khi tham gia giao thông không nên đeo túi xách, không đeo nhiều loại trang sức lộ liễu, cũng không nên nghe điện thoại. Nếu có việc cấp thiết thì dừng xe, tấp vào lề đường và chỉ nghe điện thoại khi đã lên vỉa hè”, thiếu tá Quang khuyến cáo.
Xử lý triệt để 964 đối tượng cộm cán Tại buổi làm việc với TP.Hà Nội về tình hình và kết quả công tác phòng, chống tội phạm năm 2013 hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, TP.Hà Nội và TP.HCM chiếm 20% tội phạm cả nước và khuyến nghị thành phố tấn công giải quyết các băng nhóm cho vay nặng lãi, đánh bạc vốn luôn gắn với hoạt động bảo kê, côn đồ. Cần tập trung chuyển hóa địa bàn về ma túy, tệ nạn tại vùng ven đang đô thị hóa nhanh, nơi có hiện tượng tội phạm hình sự có dấu hiệu tăng. Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an, cũng cho rằng Hà Nội cần chú ý đến tội phạm tín dụng đen với nhiều ổ nhóm để làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; đồng thời lưu ý phòng ngừa tội phạm do các nguyên nhân mâu thuẫn xã hội. Hiện nay, các băng nhóm tội phạm có vũ khí đang có dấu hiệu gia tăng, Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo khu vực giáp ranh. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tình hình vẫn diễn biến phức tạp khi tội phạm hình sự nguy hiểm và án nghiêm trọng còn cao, chiếm gần 10% số vụ trong cả nước, nhiều vụ việc gây nhức nhối xã hội. Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội cần tăng cường công tác quản lý; thường xuyên tự kiểm tra, chỉ đạo kiên quyết trong phòng, chống tội phạm; không để xảy ra tình trạng bao che, bảo kê của lực lượng công an đối với tội phạm. Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu phải xử lý triệt để hết 964 đối tượng cộm cán và 33 băng nhóm tội phạm trên địa bàn TP. Thái Uyên
|
Hà An