Giáo dục các nước: Thi cử không phải là gánh nặng
100 năm qua, hội đồng khảo thí tiếng Anh ĐH Cambridge (Cambridge English) đã phát triển mạnh mẽ với nguyên tắc: “Thi cử phải mang tính chất khuyến khích học sinh học tập chứ không phải là gánh nặng”.
Giáo dục các nước:
Thi cử không phải là gánh nặng
100 năm qua, hội đồng khảo thí tiếng Anh ĐH Cambridge (Cambridge English) đã phát triển mạnh mẽ với nguyên tắc: “Thi cử phải mang tính chất khuyến khích học sinh học tập chứ không phải là gánh nặng”.
It ai biết rằng một tổ chức giáo dục ngôn ngữ lớn, có uy tín như Cambridge English lại có sự khởi đầu rất khiêm tốn tròn 100 năm trước. Tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập diễn ra tại TP.HCM ngày 15-10, ông Roger Johnson, giám đốc điều hành Cambridge English, kể năm 1858 ban đặc trách khảo thí ĐH Cambridge (UCLES) được thành lập nhằm kiểm tra trình độ tiếng Anh của các sinh viên vào đại học.
Đến năm 1913, UCLES tổ chức bài thi kiểm tra lấy chứng chỉ trình độ tiếng Anh (CPE) đầu tiên. Bài thi kéo dài tới 12 giờ, chuyên sâu về các kiến thức và kỹ năng tiếng Anh. Bài thi bao gồm các phần ngữ âm, dịch, viết luận, đọc, hội thoại, chính tả… “Bài thi đó phổ biến đến mức mà chúng tôi thu hút được tổng cộng ba thí sính – ông Johnson đùa – Tôi đọc bài thi này còn thấy khó, nói chi là thi suốt 12 giờ”. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cả ba thí sinh trên đều trượt.
Mãi đến tháng 6-1914 mới có bốn thí sinh đầu tiên vượt qua cuộc thi CPE. Đến năm 1929 cuộc thi này cũng chỉ thu hút được 30 thí sinh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chuyên gia Jack Roach đã giúp UCLES đưa số lượng thí sinh lên 752 vào năm 1939. Ông Jack Roach đã giới thiệu và áp dụng nhiều ý tưởng sáng tạo như chuẩn hóa đội ngũ giám khảo thi viết và thi nói nhằm đảm bảo chất lượng và sự chặt chẽ, đưa ra các chuẩn phỏng vấn thí sinh.
Năm 1945 số lượng thí sinh CPE đã tăng lên 6.000. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, ngày nay Cambridge English đã trở thành một tổ chức giáo dục toàn cầu với hơn 4 triệu thí sinh tại 130 quốc gia, 2.700 trung tâm khảo thí và 400 nhân viên. Bí quyết nào giúp Cambridge English đạt được sự thành công lớn đến thế? Đó là rút ra bài học từ thất bại đầu tiên năm 1913.
Các bài thi của Cambridge English bao gồm tiếng Anh tổng quát, tiếng Anh kinh doanh, tiếng Anh hàn lâm, tiếng Anh cho trẻ em và cả các bài thi cho giáo viên. Trong đó, Cambridge English đặc biệt thành công với các bài thi tiếng Anh dành cho trẻ em. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Cambridge English là đảm bảo các bài thi không gây áp lực và sự căng thẳng cho học sinh nhỏ tuổi.
“Các bài thi nên là kết quả tự nhiên của quá trình học tập, để các em thấy rằng năng lực tiếng Anh của mình đã có sự cải thiện – ông Johnson cho biết – Chúng tôi muốn tiếng Anh trở thành môn học thu hút đối với các em”. Ở các nước châu Á, trước đây tiếng Anh bị xem là môn học quá hàn lâm. Và Cambridge English đã thay đổi quan niệm đó.
Tuân thủ đúng nguyên tắc đó, các bài thi của Cambridge English dành cho học sinh nhỏ tuổi rất nhẹ nhàng, vui vẻ, sử dụng các hình ảnh minh họa gồm động vật, hoa cỏ, lớp học… đầy màu sắc sống động. Các bài thi cơ bản này đều dựa trên những chủ đề và tình huống quen thuộc đối với học sinh nhỏ tuổi, không phân chia đậu hay trượt.
Mỗi học sinh nhỏ tuổi đều được nhận giải thưởng Cambridge English để khuyến khích sự tiến bộ của chúng. Như các chuyên gia Cambridge English khẳng định, phương pháp này có tác dụng xây dựng sự tự tin của các em khi học và thi tiếng Anh, qua đó giúp các em tiến bộ từng bước để rồi có thể làm chủ tiếng Anh, sẵn sàng chuẩn bị cho việc học hành và những thành công trong công việc trong tương lai.
Ông Johnson nhấn mạnh các bài thi của Cambridge English dành cho học sinh nhỏ tuổi chú trọng phát triển kỹ năng nghe nói của các em. “Các kỹ năng đọc viết cũng rất quan trọng nhưng cần thiết nhất vẫn là nghe nói. Kỹ năng nghe nói tiếng Anh tiến bộ sẽ giúp các em có thêm sự tự tin khi giao tiếp, qua đó càng hứng thú với việc học tập” – ông Johnson cho biết.
Thành công của Cambridge English là một bài học kinh nghiệm đáng quý cho ngành giáo dục các nước đang phát triển tại châu Á như VN, nơi nhà trường và phụ huynh luôn quá chú trọng đến thi cử, điểm số, bằng cấp… khiến các em nhỏ luôn phải oằn mình trước áp lực học hành nặng nề.
HIẾU TRUNG