09/01/2025

Phán quyết của toà án Malaysia: người ngoài Hồi giáo không được sử dụng từ Allah

Hôm thứ Hai 14-10 vừa qua, toà Phúc thẩm Malaysia đã đưa ra phán quyết: người ngoài Hồi giáo không được sử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa, ngay cả trong tín ngưỡng riêng của người ấy. Phán quyết này đảo ngược một phán quyết của toà án cấp dưới hồi năm 2009.

Phán quyết của toà án Malaysia: người ngoài Hồi giáo không được sử dụng từ Allah

 
WHĐ (18.10.2013) – Hôm thứ Hai 14-10 vừa qua, toà Phúc thẩm Malaysia đã đưa ra phán quyết: người ngoài Hồi giáo không được sử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa, ngay cả trong tín ngưỡng riêng của người ấy. Phán quyết này đảo ngược một phán quyết của toà án cấp dưới hồi năm 2009.
 
Toà phúc thẩm nói rằng từ Allah là độc quyền của Hồi giáo, vì nếu không sẽ gây ra xáo trộn trật tự công.
 
Các Kitô hữu cho rằng họ đã sử dụng từ Allah – từ được du nhập vào ngôn ngữ Mã Lai từ tiếng Ả Rập– để chỉ Thiên Chúa của họ từ nhiều thế kỷ qua. Họ nói rằng phán quyết của toà án vi phạm quyền của họ.
 
Một phụ nữ Malaysia là Kitô hữu cho biết phán quyết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, và một người khác nói rằng: “Hơn nữa, nếu chúng tôi bị cấm sử dụng từ Allah thì chúng tôi sẽ phải dịch lại toàn bộ Kinh Thánh”.
 
Phán quyết năm 2009 đã gây ra những căng thẳng dẫn đến sự kiện các nhà thờ Công giáo và đền thờ Hồi giáo bị tấn công.
 
Việc này xảy ra sau khi chính phủ nói rằng tờ báo Công giáo The Herald không được sử dụng từ Allah trong phiên bản tiếng Mã Lai để chỉ Thiên Chúa của Kitô giáo.
 
Tờ báo đã nộp đơn kiện, và tháng 12-2009 toà án đã xử cho báo này thắng kiện. Sau đó đến lượt chính phủ lại kháng án.
 
Trong phiên toà hôm thứ Hai 14-10 vừa qua, chánh án Mohamed Apandi Ali đã ủng hộ chính phủ và nói rằng: “Việc sử dụng từ Allah không phải là một phần thiết yếu của đức tin đối với Kitô giáo. Sử dụng từ này sẽ gây ra rối ren trong cộng đồng”.
 
Cha Lawrence Andrew, biên tập viên sáng lập tờ The Herald nói rằng ngài rất thất vọng, và sẽ nộp đơn kháng cáo. Cha nói, đây là một bước thụt lùi trong sự phát triển của luật pháp liên quan đến quyền tự do cơ bản của các tôn giáo thiểu số.
 
Những người ủng hộ tờ báo lập luận rằng Kinh Thánh bằng tiếng Mã Lai đã sử dụng từ Allah để chỉ Thiên Chúa của Kitô giáo trước khi Malaysia trở thành một quốc gia liên bang vào năm 1963.
 
Allah là một thuật ngữ của vùng Trung Đông, và ở Indonesia đó là thuật ngữ được cả người Kitô hữu và người Hồi giáo sử dụng. Bạn không thể bỗng dưng nói rằng từ này không phải là thiết yếu. Tiếng Mã Lai là một ngôn ngữ có nhiều từ vay mượn, Allah cũng là một từ vay mượn.
 
Tuy nhiên, một số nhóm Hồi giáo nói rằng việc người Kitô hữu sử dụng từ Allah có thể nhằm khuyến dụ người Hồi giáo cải đạo sang Kitô giáo.
 
Zainul Rijal Abu Bakar, một luật sư đại diện cho chính phủ, đưa ra ý kiến: “Allah không phải là một từ Mã Lai. Nếu họ [người ngoài Hồi giáo] nói rằng họ muốn sử dụng một từ Mã Lai, họ nên sử dụng từ Tuhan thay vì Allah”.
 
Hàng chục nhà thờ và một số nơi cầu nguyện của Hồi giáo đã bị tấn công và đốt cháy tiếp theo sau quyết định hồi năm 2009, cho thấy phản ứng mạnh mẽ của nhiều người đối với các vấn đề dân tộc và niềm tin ở Malaysia.
 
Theo tường thuật của phóng viên BBC bên ngoài toà án ở Putrajaya, một số người Malaysia tin rằng đảng cầm quyền Hồi giáo – Malaysia đang lợi dụng vụ này để chiếm lòng tin của các cử tri Hồi giáo.
 
Người Hồi giáo Malaysia chiếm hơn 60% dân số quốc gia, tiếp đến là Phật giáo (21%), Kitô giáo (9%) và Ấn giáo (6,4%).
 
(Theo BBC)