Đĩa than ngày trở lại
Trong khi việc phát hành đĩa CD ngày càng teo tóp về chất lượng lẫn số lượng thì lạ thay, thị trường đĩa than (đĩa nhựa, vinyl) lại rục rịch “hồi sinh” với rất nhiều album vừa ra mắt.
Đĩa than ngày trở lại
Một số đĩa than đã có mặt trên thị trường khoảng hai năm trở lại đây
Mở màn là đĩa than Tóc ngắn Acoustic của Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em phát hành cách đây khoảng hai năm. Sau đó là Tình ca Phạm Duy của Quang Dũng và Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Gần đây nhất là sự xuất hiện bộ ba sản phẩm của Hãng phim Trẻ và Công ty Giao Hưởng Xanh (MFC Star Group): Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy – Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng), Mùa thu không trở lại (tiếng hát Lê Dung) vàHà Nội mùa vắng những cơn mưa. Hãng phim Trẻ còn “bật mí” thời gian tới sẽ có Lệ Quyên Acoustic, Yêu – những tình khúc vượt thời gian, Ngồi hát ca bềnh bồng (4 diva), Evergreen Thuyền viễn xứ…
Mạo hiểm trở lại
Đĩa than cũng như máy nghe đĩa than từng rất phổ biến tại Việt Nam vào thập niên 1960. Máy nghe đĩa than hiện rất phong phú, do sự trở lại của đĩa vinyl trên toàn cầu. Giới nghe đĩa than ở Việt Nam hiện có ba xu hướng: 1. Tìm mua các máy nghe đĩa cổ từ ngày xưa, thay kim mới, sửa chữa thay thế một số bộ phận, kết nối với dàn loa hiện đại. 2. Mua các loại máy nghe đĩa nhựa mới của các nhãn hiệu cao cấp. 3. Sử dụng các loại máy hiện đại dành cho người mới nghe, tích hợp cả ổ CD và USB, có chức năng chuyển âm thanh từ đĩa nhựa thành mp3 chép thẳng vào USB. |
Một sản phẩm đĩa than hiện có giá cao gấp gần mười lần so với một CD (giá trung bình một CD 100.000-200.000 đồng, riêng đĩa than đều có giá từ 900.000 đồng trở lên). Chưa kể, để nghe đĩa than cần phải có chiếc máy nghe đĩa và một hệ thống âm thanh hi-end tốt để có thể tái hiện tinh tế nhất nguồn âm từ đĩa. Số tiền đầu tư cho máy và hệ thống âm thanh đó có khi bằng… cả một gia tài. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị hiếu người nghe “lộn xộn”, nạn băng đĩa lậu và nghe/tải nhạc miễn phí tràn lan trên Internet, việc sản xuất đĩa than “made in Vietnam” thật sự là cuộc chơi mạo hiểm.
Với các ca sĩ, việc quyết định phát hành những album đĩa than đôi khi chỉ để “thỏa đam mê”. Nhưng với những đơn vị như Hãng phim Trẻ và Công ty Giao Hưởng Xanh thì việc cho ra một sản phẩm mới phải có căn cứ, mục tiêu lẫn chiến lược rõ ràng.
Ông Phan Văn An, phó giám đốc Hãng phim Trẻ, cho hay: “Hãng phim Trẻ hiện sở hữu một khối lượng băng đĩa, ca khúc thu âm lớn của thời hoàng kim nhạc nhẹ Việt Nam thập niên 1990. Sẽ rất phí phạm nếu “bỏ kho” như lâu nay. Vì vậy, chúng tôi cùng Công ty Giao Hưởng Xanh đã quyết định tái khai thác những chương trình âm nhạc, chuyển tải qua phương tiện đĩa than cùng với việc tổ chức thu các chương trình mới, sản xuất mới theo công nghệ analog”.
Trên những trang web, mạng xã hội của cộng đồng “chơi âm thanh”, đã có rất nhiều lời than phiền về việc khan hiếm những album đĩa than hát bằng tiếng Việt, hầu hết là đĩa trước năm 1975, chất lượng âm thanh đã xuống cấp trầm trọng. Vì thế, đã có những “cơn sốt nhẹ” ngay khi thị trường Việt Nam xuất hiện những album đĩa than đầu tiên.
Thực tế đĩa than (vinyl) chưa bao giờ biến mất khỏi đời sống của những người yêu nhạc và vẻ đẹp của âm thanh, cho dù đã có thời gian bị thất sủng bởi sự ra đời của băng cối, băng cassette, đĩa CD, đĩa bluray audio và nhạc số. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thế giới bắt đầu có xu hướng chán nhạc số và quay về với đĩa than. Và thị trường Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi này.
Phục vụ người nghe “khó tính”
Ca sĩ Đức Tuấn, chuẩn bị phát hành album mới mang nhan đề Đức Tuấn – Phạm Duy Requiem ở ba hình thức đĩa CD, bluray audio và đĩa than, thổ lộ: “Phát hành đĩa than lần này ngoài việc thỏa ước mơ của tôi còn thỏa nhu cầu của công chúng”. Rõ ràng, “cầu” ở hình thức đĩa than là có thật khi các album đã phát hành của Mỹ Linh, Quang Dũng và Nguyễn Ánh 9 đều bán chạy. Hãng phim Trẻ cũng vui mừng thông báo ba chương trình vừa ra mắt hiện cũng bán rất tốt, hai album Vinh quang Việt Nam (Hồng Vy – Trần Mạnh Hùng và dàn nhạc giao hưởng) và Mùa thu không trở lại (tiếng hát Lê Dung) đã tiêu thụ gần hết sau hơn một tháng ra mắt (mỗi album phát hành 500 bản).
Tuy nhiên những tín hiệu đáng mừng ban đầu đó chưa hẳn sẽ đảm bảo được cả quãng đường dài đầy gian khó về sau. Bởi cộng đồng “chơi” đĩa than là những người nghe nhạc tinh tế và kỹ tính. Họ chấp nhận đầu tư cho thú “chơi âm thanh” của mình nên cũng đòi hỏi cao chất lượng của những sản phẩm mình chọn mua. Vậy nên sẽ khó có chuyện những tác phẩm âm nhạc “vớ vẩn” được chọn làm đĩa than. Ngoài phần nội dung, tại buổi ra mắt album đĩa than Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhạc sĩ Đức Trí từng chia sẻ khi Music Faces và Gia Định Audio bắt tay vào thực hiện các dự án đĩa than thì điều đầu tiên hai bên âu lo nhất chính là chất lượng âm thanh của đĩa. Và để thỏa mãn những “tai nghe” khó tính nhất, hầu hết album đĩa than tại Việt Nam hiện nay đều được làm master (làm đĩa cái) và sản xuất tại nước ngoài. Sau Lặng lẽ tiếng dương cầm được “dân chơi âm thanh” đánh giá cao (đĩa này và đĩa Tóc ngắn Acoustic hiện nhận được nhiều nhận xét tích cực nhất về mặt âm thanh), nhạc sĩ Đức Trí tiếp tục cộng tác với Gia Định Audio phát hành đĩa Ngàn thu áo tím với lời hứa giữ vững chất lượng âm thanh tiêu chuẩn.
Anh C.N. – một người sở hữu gần như đầy đủ các đĩa than mới phát hành – nhận định: “Một vài album mắc lỗi âm thanh như: âm lượng không đồng nhất giữa các bản thu trong cùng một đĩa, tiếng bị lệch giữa hai kênh, không gian không sâu, dải tần hẹp… Nếu chất lượng chỉ ở mức trung bình mà giá lại ngang đĩa ngoại như vậy, sẽ khó cho đĩa than Việt phát triển đường dài”.
Trong khi đó, theo chị Thu Ngọc – người kinh doanh trong lĩnh vực băng đĩa ở Q.1 (TP.HCM): “Đầu tư sản xuất đĩa than hàng loạt là thức thời vì theo đúng xu hướng của thế giới. Tuy nhiên nhà sản xuất cần đầu tư tốt về ghi âm, đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng âm thanh tuyệt hảo. Nếu không người nghe sẽ nhanh chóng quay lưng khi đã qua cơn khát”.
Vậy nên dẫu các album đĩa than hiện đang “mốt” và khá đắt hàng nhưng các nhà sản xuất đều cho biết sẽ không in nhiều vì không thể đại trà hóa các sản phẩm tinh hoa. Cố gắng “giữ mình”, không sản xuất và phát hành ồ ạt, tránh cho ra sản phẩm kém chất lượng là những cách mà giới sản xuất đĩa than đưa ra nhằm tránh tình trạng sớm bão hòa trong một thị trường nhỏ như Việt Nam.
QUỲNH NGUYỄN