11/01/2025

Đối thoại liên tôn và Huấn quyền

Sáng thứ Ba 12-11, tại Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, cùng với Cha Miguel Angel Ayuso Guixot MCCJ, Thư ký Hội đồng, và Đức Tổng Giám mục Francesco Gioia, OFM, điều phối viên, đã giới thiệu ấn bản thứ ba của Tuyển tập nhan đề “Đối thoại liên tôn trong Huấn quyền Hội thánh Công giáo (1963 – 2013)”.

 Đối thoại liên tôn và Huấn quyền

 
WHĐ (14.11.2013) – Sáng thứ Ba 12-11, tại Phòng Báo chí Toà Thánh, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, cùng với Cha Miguel Angel Ayuso Guixot MCCJ, Thư ký Hội đồng, và Đức Tổng Giám mục Francesco Gioia, OFM, điều phối viên, đã giới thiệu ấn bản thứ ba của Tuyển tập nhan đề “Đối thoại liên tôn trong Huấn quyền Hội thánh Công giáo (1963 – 2013)”.

Thu thập các tài liệu thuộc huấn quyền Hội Thánh từ Công đồng Vatican II đến Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ưu điểm của quyển sách vĩ đại dày 2.100 trang này là giúp dễ dàng truy cập phương pháp cũng như những nền tảng thần học của đối thoại liên tôn mà Giáo hội giảng dạy và thực hành. Ba bản chỉ mục giúp người đọc xác định nhanh chóng các chủ đề; sau đó cũng có thể tham khảo các chủ đề này trên mạng Internet.

Vấn đề đối thoại liên tôn tiến triển qua mỗi triều đại giáo hoàng; cho đến đề nghị quả quyết của Đức Bênêđictô XVI: “Đối thoại trong Bác ái và Chân lý”. Một năm sau bài diễn văn tại Regensburg của Đức Bênêđictô XVI, 138 học giả Hồi giáo đã gửi cho ngài một bản trình bày các nguyên tắc của Hồi giáo, báo trước một sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa Hồi giáo và Kitô giáo dựa trên nền tảng mến Chúa yêu người, theo giáo huấn của Chúa Giêsu. Việc thành lập diễn đàn Kitô giáo – Hồi giáo là kết quả của sáng kiến ​​này.

Đức Bênêđictô XVI đã nhiều lần khẳng định và nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một quyền thiêng liêng tuyệt đối. Phủ nhận và ngay cả hạn chế quyền này một cách độc đoán có nghĩa là duy trì một nhãn quan giản lược về con người và phủ nhận viễn tượng về một nền hoà bình thực sự và lâu dài cho nhân loại. Đức Bênêđictô XVI đã nhận ra trong quá trình toàn cầu hoá một cơ hội tuyệt vời để phát triển mối tương quan huynh đệ hoàn vũ.

Đức Hồng y ca ngợi lòng kiên trì và sự cẩn trọng đến từng chi tiết của Đức Tổng Giám mục Gioia – cũng là tác giả các ấn bản trước của cuốn Tuyển tập này – cùng nhiều cộng tác viên của Hội đồng [Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn].

Cuối cùng, Đức Hồng y Chủ tịch lưu ý rằng việc chọn các bản văn này tôn trọng thẩm quyền của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn, còn những bản văn liên quan đến cuộc đối thoại với Do Thái giáo thì thuộc Uỷ ban Liên lạc Tôn giáo với người Do Thái (trực thuộc Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo), cũng như những bản văn về việc đối thoại với các hệ phái Kitô giáo khác thì thuộc thẩm quyền của Hội đồng Toà Thánh Cổ vũ Hiệp nhất Kitô giáo.

Sau đó, Cha Ayuso Guixot duyệt qua các phát biểu của các Đức Giáo hoàng gần đây về đối thoại liên tôn, nhất là Đức Giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1964: ngài tin tưởng mạnh mẽ rằng “Giáo hội phải đối thoại với thế giới mà mình đang sống trong đó. Bằng lời nói, sứ điệp và thảo luận”.

Sau đó, Đức Gioan Phaolô I tiếp tục “theo đuổi con đường vị tiền nhiệm đã vạch ra khi mời gọi mọi người cùng nhau ngăn chặn nạn bạo lực mù quáng giữa các quốc gia và cổ võ sự thăng tiến các dân tộc bị thiệt thòi trên tầm mức quốc tế”.

Về phần Đức Gioan Phaolô II, ngài đã phát triển nền văn hoá đối thoại này và có lẽ khó mà liệt kê hết những cuộc gặp gỡ mang dấu ấn triều đại giáo hoàng của ngài… Sau thảm hoạ 11 tháng 9 cùng những hậu quả bi thảm ở vùng Cận Đông và Trung Đông, Đức Gioan Phaolô II đã đề nghị với các vị nguyên thủ quốc gia và chính phủ một bản Thập điều Hoà bình.

Ngay sau đó, trong cùng đường hướng này, Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định rằng “Giáo Hội muốn tiếp tục xây dựng những cây cầu hữu nghị với các tín đồ của các tôn giáo khác, vì lợi ích của mỗi cá nhân và toàn xã hội”.

Cha Guixot kết luận: Chắc chắn “con đường phía trước còn dài, nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn tiếp tục cuộc đối thoại liên tôn trong tình hữu nghị. Trong vòng vài tháng, ngài đã có nhiều cuộc gặp gỡ và đã phát biểu về vấn đề đối thoại liên tôn… Kể cả việc chính ngài đã ký sứ điệp truyền thống gửi người Hồi giáo trong dịp kết thúc tháng Ramadan năm nay”.

Tuyển tập “Đối thoại Liên tôn trong Huấn quyền Hội thánh Công giáo (1963 – 2013)” gồm 909 văn bản các loại liên quan đến vấn đề đối thoại liên tôn: văn kiện công đồng; thông điệp, tông huấn và phát biểu của các Giáo hoàng – từ Đức Gioan XXIII đến Đức Bênêđictô XVI; văn kiện của các cơ quan thuộc Giáo triều Roma. Cụ thể, con số các văn bản được chọn như sau: văn kiện Công đồng: 7;  Đức Gioan XXIII: 2; Đức Phaolô VI: 97; Đức Gioan Phaolô I: 2; Đức Gioan Phaolô II: 591; Đức Bênêđictô XVI: 188; Giáo triều Rôma: 15; văn bản lập pháp: 3; và Ủy ban Thần học Quốc tế: 4.