09/01/2025

Hai phụ nữ Israel và Palestin được trao Giải “Núi Sion”

Tại Đan viện Biển Đức “Đức Mẹ An Nghỉ” trên Núi Sion ở Giêrusalem, hôm Chúa Nhật 27-10-2013 vừa qua, đã diễn ra lễ trao Giải “Núi Sion” cho hai phụ nữ, Yisca Harani và Margaret Karram. Hai năm một lần, giải thưởng này được trao tặng các cá nhân có những hoạt động góp phần phát triển cuộc đối thoại liên tôn vì hoà bình, đặc biệt giữa người Do Thái, người Kitô hữu và người Hồi giáo.

 Hai phụ nữ Israel và Palestin được trao Giải “Núi Sion”

 
WHĐ (01.11.2013) – Tại Đan viện Biển Đức “Đức Mẹ An Nghỉ” trên Núi Sion ở Giêrusalem, hôm Chúa Nhật 27-10-2013 vừa qua, đã diễn ra lễ trao Giải “Núi Sion” cho hai phụ nữ, Yisca Harani và Margaret Karram. Hai năm một lần, giải thưởng này được trao tặng các cá nhân có những hoạt động góp phần phát triển cuộc đối thoại liên tôn vì hoà bình, đặc biệt giữa người Do Thái, người Kitô hữu và người Hồi giáo.

Đông đảo khách mời đã tới tham dự lễ trao giải tổ chức tại đan viện Đức Mẹ An Nghỉ để chào mừng hai người đoạt giải “Núi Sion” lần này. Đức giám mục Shomali, giám mục phụ tá Toà thượng phụ Giêrusalem, Cha Pierbattista Pizzaballa, Bề trên tỉnh dòng Phanxicô quản thủ Thánh Địa, và nhiều đại diện của các Giáo hội Chính Thống đã có mặt cùng với một cộng đồng người Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Bà Verena Lenzen, giám đốc Viện Nghiên cứu Do Thái – Kitô giáo và Cha Gregory Collins, Bề trên Tu viện Đức Mẹ An Nghỉ đã thay mặt ban tổ chức trao giải.

Từ khi được thiết lập vào năm 1986 – do một linh mục người Đức- giải “Núi Sion” đã được trao cho khoảng 30 nhà hoạt động vì hoà bình qua việc xây dựng các cuộc đối thoại liên tôn và gặp gỡ giữa các nền văn hoá.

Theo truyền thống, giải thưởng được trao vào dịp 28-10 để ghi nhớ Tuyên ngôn Nostra Aetate của Đức giáo hoàng Phaolô VI, công bố ngày 28-10-1965; tuyên ngôn mở ra một quan hệ mới giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo, chẳng hạn Do Thái giáo.

Hai phụ nữ được trao giải

Việc hai phụ nữ, một là người Israel, một là người Palestin, được trao giải năm nay có thể được xem như là một biểu tượng.

Yisca Harani sinh tại Giêrusalem trong một gia đình Do Thái truyền thống. Bà là cố vấn về Kitô giáo cho các bộ An ninh Quốc gia, Tôn giáo và Du lịch của Israel. Từ năm 1989, bà đã dành thời giờ để giúp rất nhiều người Do Thái tìm hiểu Kitô giáo. Năm 1999, bà đã phát triển một sáng kiến độc đáo nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc trao đổi và gặp gỡ giữa các thiếu niên người Ả Rập tại Thành phố Cổ và các thiếu niên người Do Thái tại Tel Aviv. Hiện nay bà hoạt động nhiều để người Do Thái và Kitô hữu khám phá và chấp nhận những gì họ có chung với nhau để hiểu rõ hơn các sự khác biệt và gặp gỡ nhau.

Margaret Karam xuất thân từ một gia đình Công giáo ở Haïfa. Bà tốt nghiệp Đại học về Do Thái giáo ở Los Angeles. Từ khi còn rất trẻ, bà đã sống trong môi trường Do Thái nhờ số đông bạn bè thuộc các gia đình Do Thái. Sống giữa những người bạn này, bà làm tất cả những gì có thể liên kết người Kitô hữu và người Do Thái mặc dù có những khác biệt về tôn giáo. Gắn với phong trào Focolari, Margaret Karam là thành viên của Ủy ban Giám mục phụ trách đối thoại liên tôn bên cạnh Hội đồng các Đấng bản quyền Công giáo tại Thánh Địa. Bà cũng đã giúp rất nhiều trong việc tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa người Do Thái và người Kitô hữu tại Giêrusalem và các nơi khác.

Giải thưởng dành cho hai phụ nữ đang hoạt động vì hòa bình cùng với các người khác đã nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của đối thoại liên tôn để tạo nên sự thông hiểu giữa con người với nhau. Không có sự thông hiểu này, hòa bình không thể có được. Giải “Núi Sion” được thiết lập là để nói lên điều này, và để nhắc nhở rằng mọi người, nam cũng như nữ, đều có thể dấn thân vào công việc này.

(Theo LPJ)