5 biện pháp phòng chống cướp giật
5 biện pháp phòng chống cướp giật và những cách xử lý một số tình huống trên đường.
1. Khi rời khỏi nhà hoặc di chuyển sang vị trí mới, bạn hãy kín đáo quan sát xem có dấu hiệu nào khả nghi không, có ai bám theo bạn không. Lúc đầu, bạn nên lái xe chậm so với tốc độ cho phép, sau đó từ từ tăng tốc.
2. Khi lưu thông trên đường, bạn nên tập trung quan sát từ hai hướng trước mặt và sau lưng (nhớ sử dụng kính chiếu hậu của xe). Nếu thấy dấu hiệu không an toàn, bạn hãy nhanh chóng dừng xe vào lề đường và có cách xử lý hợp lý.
3. Khi lưu thông trên đường, bạn nên đi với nhiều người, hạn chế đi một mình, nhất là ở những đoạn đường vắng, thiếu ánh sáng hoặc đi vào những nơi mà bạn chưa quen đường, hạn chế việc đi sớm về khuya ở những đoạn đường không an toàn. Lưu ý: Bạn hãy tìm hiểu rõ nơi bạn đến trước khi tham gia lưu thông. Nếu có hỏi thăm đường nên hỏi ở các chốt giao thông, các chiến sĩ công an sẽ chỉ đường cho bạn.
4. Khi lưu thông bằng xe máy trên đường, bạn hãy biết tự bảo vệ bản thân và tài sản, nên tập trung cho việc lái xe, không đeo nhiều đồ trang sức, những tài sản có giá trị nên để trong cốp xe, nếu có mang giỏ nên cài quai chắc chắn vào thân xe. Khi cần gọi điện thoại, nên dừng hẳn xe và chọn vị trí an toàn để nói chuyện.
5. Nếu đến ngân hàng để giao dịch, bạn nên cẩn thận vì kẻ cướp thường rình rập ở gần đấy. Nếu rút số lượng tiền lớn, bạn nên đi với người thân, nên sử dụng phương tiện xe hơi. Khi rút thẻ ATM, bạn nên đến ngân hàng hoặc đến các trụ ATM có giữ xe hoặc có bảo vệ.
Cách xử lý một số tình huống trên đường
Nếu thấy có đối tượng khả nghi bám theo, bạn nên dừng xe và quan sát tình hình. Nếu không an toàn, bạn có thể vào quán uống nước và tiếp tục quan sát đối tượng bám theo bạn. Nếu thấy không an tâm, bạn nên điện thoại cho người thân nhờ hỗ trợ.
Các đối tượng cố tình dàn cảnh để cướp tài sản như: thông báo xe bạn có vấn đề đề nghị được giúp đỡ, cố tình va quệt xe, vu khống bạn tông xe rồi bỏ chạy, dựng chuyện đánh ghen… Khi gặp trường hợp như vậy, bạn cần thật bình tĩnh để xử lý: khóa cổ xe, bảo vệ túi xách, phòng ngừa bị móc túi hoặc bị giật đồ, có hành động thu hút mọi người chú ý và nhờ giúp đỡ, điện thoại cho cảnh sát 113. Không nên nghe theo lời đề nghị của chúng, không nên tranh cãi với chúng.
Lưu ý nếu đối tượng áp sát, có hành vi đe dọa hoặc tấn công thì cách tốt nhất là bạn rút chìa khóa xe và bỏ chạy, vừa chạy vừa tri hô nhờ mọi người giúp đỡ.
Đối tượng đã ra tay giật đồ của bạn, nếu bạn có khả năng khống chế chúng thì hãy ra tay bắt chúng; nếu không có khả năng khống chế thì bạn nên chú ý các đặc điểm của cướp như hình dáng, phương tiện chúng dùng gây án, dùng điện thoại để chụp hình, tri hô nhờ mọi người giúp đỡ. Sau đó, bạn hãy bình tĩnh kiểm tra xem vừa bị cướp những gì và đề phòng những kẻ hôi của, hoặc đồng bọn của cướp trà trộn nhằm tiếp tục tìm sơ hở của bạn để tiếp tục cướp hoặc để đánh lạc hướng cơ quan công an.
Bạn không nên vì tiếc tài sản vừa bị mất mà ứng xử không phù hợp làm ảnh hưởng đến tính mạng bản thân. Bạn cần nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để báo cướp và cung cấp những thông tin cần thiết để giúp cơ quan công an phá án.
Thạc sĩ Nguyễn Chua
(Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Thành đoàn TP.HCM)