Kỹ năng giúp trẻ không bị xâm hại
Trẻ em bị xâm hại tình dục thường chịu hậu quả nặng nề và lâu dài. Theo các chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất để phòng tránh là dạy trẻ cách tự vệ sớm nhất ngay khi có thể.
Kỹ năng giúp trẻ không bị xâm hại
Trẻ em bị xâm hại tình dục thường chịu hậu quả nặng nề và lâu dài. Theo các chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất để phòng tránh là dạy trẻ cách tự vệ sớm nhất ngay khi có thể.
|
85% là từ người quen biết
Các chuyên gia tâm lý cho biết xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào, trong mọi thời điểm và hoàn cảnh. Trong đó, đối tượng mà trẻ cần đề phòng nhất lại chính là những người thân của gia đình. Thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, dẫn ra số liệu đáng lo ngại: “Đối tượng xâm hại có tới 85% là người trẻ quen biết. Đó có thể là người thân trong gia đình hoặc thân với gia đình. Nếu người lạ thường xâm hại một lần thì người thân có thể lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Thạc sĩ Thúy cũng lưu ý sự chăm sóc và đụng chạm của người lớn mang lại cho trẻ cảm giác được yêu thương. Kẻ xâm hại cũng sử dụng hình thức này để tiếp cận trẻ khi gia đình và bản thân trẻ mất cảnh giác. Có nhiều môi trường để đối tượng có thể tiếp cận trẻ dễ dàng như trường học, sân chơi, chỗ đi dạo, nhà hàng xóm hay chính trong nhà của trẻ. Từ chỗ làm quen cho quà, giúp đỡ học tập đến làm thân để trẻ yêu mến mình bằng cách đến nhà xin phép bố mẹ cho trẻ đi chơi. Quá trình này sẽ dẫn đến hành vi xâm hại khi bắt đầu thử đụng chạm, sờ mó trẻ mà trẻ không từ chối.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, còn cảnh báo: “Mọi người thường nghĩ chỉ có bé gái mới bị xâm hại tình dục, trong khi thực tế cho thấy tình trạng này còn xảy ra với cả trẻ nam. Đặc biệt, với xu hướng độ tuổi dậy thì của trẻ ngày càng sớm như hiện nay, cha mẹ càng cần phải chú ý đến điều này”.
Tránh tạo hoàn cảnh
Thạc sĩ Khắc Hiếu cho rằng điều đầu tiên cha mẹ nên làm là không vô tình đẩy trẻ rơi vào những hoàn cảnh có nguy cơ. Chẳng hạn, không để trẻ đi chơi với người có dấu hiệu bất thường, tránh đến nơi có nhiều người say rượu, người lạ, gửi trẻ cho người không tuyệt đối tin tưởng. Tuy nhiên, cha mẹ không thể dõi theo trẻ mọi lúc mọi nơi nên quan trọng hơn là phải trang bị cho trẻ cách tự vệ.
Trước hết, cần cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính, dạy trẻ cách nhận diện các tình huống nguy cơ và cách xử lý. Trẻ cần được dạy cách nhận diện tình huống bất thường, như: bị bắt cởi đồ hoặc người khác cởi đồ trước mặt mình; bị sờ soạng, hôn hít, vuốt ve chỗ kín; bị người khác nhìn chăm chăm thèm thuồng, bị rủ rê xem phim đồi trụy…
Trong trường hợp có nguy cơ bị xâm hại, trẻ cần biết cách phản ứng đúng đắn, như: tìm cách tránh né tiếp xúc những người có biểu hiện trên, bỏ chạy hoặc ẩn nấp nếu có thể, la to cầu cứu… Ngoài ra, trẻ cũng cần biết một vài tư thế thoát hiểm tức thời như đá vào chỗ kín, đánh vào mắt, vào yết hầu… Đặc biệt, với bé gái, khi sự việc xảy ra cần biết cách áp dụng ngay các biện pháp tránh thai tức thời (như uống thuốc tránh thai khẩn cấp) để tránh mang thai ngoài ý muốn và thông báo cho người lớn biết.
Trong trường hợp xấu nhất, cha mẹ cũng cần biết cách xử trí nhằm không để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo thạc sĩ Thúy, cha mẹ cần lưu ý khi phát hiện một số dấu hiệu ở trẻ như: đặc biệt sợ một ai đó, có dấu hiệu trầm cảm, thay đổi cân nặng bất thường, sợ đụng chạm thân thể hoặc những bất thường xung quanh vùng kín của trẻ… Khi phát hiện sự thật, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là giữ được bình tĩnh để không làm trẻ thêm hoảng sợ. Hãy nói với trẻ, sự việc xảy ra không phải lỗi do trẻ và khẳng định trẻ sẽ rất dũng cảm khi nói ra sự việc, tuy nhiên không bắt trẻ nói ra khi trẻ chưa sẵn sàng. “Đặc biệt, trẻ cần được quan tâm đối xử yêu thương, hòa nhập cộng đồng để dần bỏ đi sự tự ti, mặc cảm và vượt qua ký ức đau đớn của người bị xâm hại tình dục”, thạc sĩ Thúy tư vấn.
Hân Trân