26/11/2024

Giúp trẻ ngủ riêng

Cùng với việc tự xúc ăn, tự đánh răng, vệ sinh cá nhân việc ngủ riêng là một trong những hoạt động đánh dấu sự trưởng thành của trẻ nhỏ, giúp trẻ dần hình thành tính tự lập, có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó.

Giúp trẻ ngủ riêng

Cùng với việc tự xúc ăn, tự đánh răng, vệ sinh cá nhân việc ngủ riêng là một trong những hoạt động đánh dấu sự trưởng thành của trẻ nhỏ, giúp trẻ dần hình thành tính tự lập, có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. 

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cho con ngủ riêng từ nhỏ (dưới 5 tuổi) là điều hiếm xảy ra trong các gia đình Việt.

Những rắc rối khó ngờ

 

“Không có con số chính xác là mấy tuổi trẻ cần ngủ riêng, quan trọng là phụ huynh đã sẵn sàng hay chưa! Tuy nhiên, trẻ 3 tuổi đã có thể tách khỏi ba mẹ để ngủ một mình”

 

Vợ chồng chị B. (ở TP.HCM) đưa con trai 13 tuổi đi khám tâm lý vì gần đây con có biểu hiện lạ sau khi vô tình đọc tin nhắn tình cảm của ba nhắn cho mẹ. Chị B. cho biết trước nay chị ngủ chung với hai con trai, ba ngủ riêng phòng khác. Sở dĩ các con ngủ chung với mẹ vì con hay ốm vặt, mẹ ngủ cùng để tiện chăm sóc con. Tuy nhiên, không hiểu sao từ khi trẻ đọc được tin nhắn của cha mẹ thì con chị khó chịu, giận dữ với mẹ và có thái độ chống đối ba. Trẻ thường tìm cách quấy rối khi thấy ba mẹ nói chuyện hoặc thân mật với nhau.

Một tình huống khác, bé gái 8 tuổi nhưng đi học vẫn khóc, học không tập trung. Tìm hiểu về cách ứng xử của người lớn với trẻ thì thấy gia đình chưa để trẻ tự làm những việc cá nhân như ăn uống, vệ sinh, tắm và trẻ vẫn ngủ cùng với cả ba mẹ. Những việc giúp con như vậy vô tình khiến trẻ không nhận ra mình đã lớn, hoặc cứ muốn nhỏ mãi để được cưng chiều. Điều đó sẽ hạn chế tính tự lập, tự giác, ngay cả việc học cũng không nghĩ là học cho mình.

Vì vậy, giúp con tự lập ngay từ nhỏ rất quan trọng, trong đó ngủ riêng là một trong những điều phụ huynh cần lưu ý để tập cho con.

Khi nào cho con ngủ riêng?

Tình mẫu tử hình thành từ lúc trẻ được mẹ mang nặng chín tháng mười ngày, đặc biệt ở giai đoạn trước 3 tuổi, mối quan hệ mẹ con được thể hiện qua sự vuốt ve, bồng bế, chăm sóc. Những thể hiện này càng nhiều thì trẻ càng có tâm lý vững vàng, an tâm. Sau 3 tuổi, trẻ có thể sẵn sàng cho những hoạt động xã hội (học mẫu giáo), tự lập theo độ tuổi (trong đó có tự ngủ một mình).

Bên cạnh đó, xét về yếu tố văn hóa, có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Ở nhiều nước, phụ huynh thường cho con ngủ riêng ngay từ khi mới chào đời với quan niệm để con tự lập từ nhỏ. Ở nước ta điều này rất hiếm. Vì vậy, không có con số chính xác là mấy tuổi trẻ cần ngủ riêng, quan trọng là phụ huynh đã sẵn sàng hay chưa! Tuy nhiên, trẻ 3 tuổi đã có thể tách khỏi bố mẹ để ngủ một mình.

Cần chuẩn bị như thế nào?

a. Tâm lý của phụ huynh:

– Sẵn sàng tách con: việc cho trẻ ngủ riêng là một trong những cách cha mẹ tạo điều kiện để con trưởng thành, không phải là hành động bỏ rơi con như một số phụ huynh nghĩ. Nếu nhìn thấy lợi ích đó, cha mẹ sẽ cho con ngủ riêng. Để yên tâm, phụ huynh có thể đặt máy thu âm bên giường và loa bên phòng mình để tiện việc theo dõi.

– Cho giới hạn: Điều này quyết định việc trẻ có chấp nhận ngủ riêng hay tìm cách trì hoãn. Cho giới hạn là để trẻ biết điều gì được phép làm và không được phép làm. Đến giai đoạn ngủ ở phòng riêng, dù rất muốn về phòng của ba mẹ, trẻ sẽ hiểu điều đó là không được phép và chấp nhận quy định mới này.

– Cương quyết: Để hình thành một thói quen, trẻ cần thời gian để thích nghi và việc bắt đầu ngủ riêng là không dễ với trẻ. Khi bắt đầu ngủ riêng, trẻ thường có xu hướng mè nheo, nài nỉ để được về phòng ba mẹ, vì vậy giai đoạn đầu nếu phụ huynh không cương quyết, cho trẻ về phòng ba mẹ, trẻ sẽ hiểu rằng chỉ cần mè nheo, nài nỉ sẽ không phải tự ngủ một mình.

b. Chuẩn bị tâm lý cho con từng bước một: Để dễ dàng cho trẻ lẫn phụ huynh, việc ngủ riêng cần được tách dần từng bước. Đầu tiên, phụ huynh cần trao đổi với trẻ về việc ngủ riêng này. Giải thích với trẻ về lợi ích của việc có góc riêng hoặc phòng riêng (được trang trí phòng hoặc chỗ ngủ theo ý thích, tự chọn chăn mền, đèn ngủ…). Việc trao đổi và thảo luận cùng trẻ sẽ giúp trẻ tự đưa ra ý kiến, giúp phụ huynh nắm bắt tâm lý trẻ đã sẵn sàng chưa.

c. Những giai đoạn tách con ngủ riêng:

– Giai đoạn đầu: cho con một chỗ ngủ riêng ngay bên cạnh nơi ngủ của ba mẹ.

– Giai đoạn 2: có bức màn ngăn giữa chỗ ngủ của con và nơi ngủ của ba mẹ.

– Giai đoạn 3: động viên con ngủ ở góc riêng, phòng riêng đã được chuẩn bị sẵn

(Mỗi giai đoạn 1-2 tuần, tuy nhiên không có con số cụ thể, tùy diễn tiến tâm lý của trẻ).

Phụ huynh vẫn cần duy trì những việc làm với trẻ trước khi ngủ như đọc sách, kể chuyện, trò chuyện, chơi vài trò chơi nhẹ nhàng để duy trì sự gần gũi, thân mật, giúp trẻ không cảm thấy xa cách hoặc hụt hẫng khi ngủ riêng.

Th.S tâm lý NGUYỄN THỊ DIỆU ANH (khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1)