23/01/2025

Đờn ca tài tử từng xuất ngoại hơn 100 năm trước

UNESCO vừa chính thức công nhận loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ít ai biết hơn 100 năm trước, nó đã gây “sốc” trên sân khấu Paris và Marseille (Pháp).

 

Đờn ca tài tử từng xuất ngoại hơn 100 năm trước

UNESCO vừa chính thức công nhận loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Ít ai biết hơn 100 năm trước, nó đã gây “sốc” trên sân khấu Paris và Marseille (Pháp). 

 

Đờn ca tài tử từng xuất ngoại hơn 100 năm trước 1 
Đoàn Đờn ca tài tử dự Hội chợ Thuộc địa năm 1906 ở Marseille, Pháp – Ảnh: Tư liệu của nhóm dự án Đông Dương

 

Cuối thế kỷ thứ 19 ở Mỹ Tho, nhóm đờn ca tài tử (ĐCTT) do ông Nguyễn Tống Triều làm trưởng nhóm đã vang danh. Ông Triều (còn gọi Tư Triều), sinh năm 1876, nổi tiếng với ngón đờn kìm, từng làm lay động trái tim rất nhiều người, trong đó có ông Viang (một viên chức người Pháp). Ông Viang đã can thiệp để ban nhạc tài tử Mỹ Tho sang Pháp dự Hội chợ thế giới Paris năm 1900. Sự kiện gây chấn động giới sân khấu ở “Kinh đô ánh sáng” là ban nhạc của những người An Nam này đã đệm Vũ khúc Đông Dương cho “Nữ hoàng sắc đẹp” Cléo de Mérode múa. Bà sinh năm 1875 ở Paris, xuất thân từ dòng dõi quý phái từ Bỉ, được học múa ba lê ở trường múa quốc gia nổi tiếng Opera Ballet ở Paris vào lúc 7 tuổi.

Trong các tư liệu do nhóm Dự án Đông Dương (gồm nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên – ĐH Quốc gia Úc, Giáo sư Yves Defrance – ĐH Rennes Pháp, nhà văn Ngô Thị Hạnh, đạo diễn Huy Moeller và nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp – Úc) sưu tầm được, có bài viết trên báo Le Monde Artiste ngày 14.10.1900: Đoàn hát người An Nam ở Nhà hát Đông Dương là đoàn duy nhất không muốn rời Hội chợ trước khi bế mạc (Hội chợ Paris diễn ra trong 5 tháng – NV). Đó là điều hiển nhiên, vì là đoàn thu hút khán giả nhiều nhất. Đúng thật là ở nhà hát này và với âm nhạc lanh lảnh của ban nhạc, cô Cléo de Mérode đã nhảy theo tiếng nhạc qua các bước chân một cách chậm rãi mơ mộng…

 

Đờn ca tài tử từng xuất ngoại hơn 100 năm trước 2
Cléo de Mérode và ban nhạc ĐCTT tại Paris năm 1900 – Ảnh: Tư liệu của nhóm dự án Đông Dương 

 

Còn nhà văn Maurice Talmeyr thì viết chi tiết hơn: … Tôi đến dự buổi trình diễn ở Nhà hát Đông Dương. Hai bên sân khấu, 16 nhạc công người An Nam, ngồi dưới đất khoanh chân và chơi đàn  giữa hai đầu gối của họ, các dụng cụ âm nhạc chua chát và lạ lùng… Những gương mặt đánh sáp mờ ảo của các nhạc công ngồi xổm, với âm nhạc nhè nhẹ, lanh lảnh và hơi nhôn nhốt chua, vang âm, cuồn cuộn theo điệu múa. Toàn bộ tập hợp này rất dễ chịu. Nhưng minh tinh nào nhảy múa trước mắt tôi trong cảnh trí Đông Dương này?… Cô Cléo de Mérode! Vâng chính cô Cléo de Mérode với băng đô của cô ấy!… Dàn nhạc thì quả thật đúng là An Nam. Bạn không thể lầm được, cũng như không thể lầm về diện mạo của những nhạc sĩ, và nhất là diện mạo của ông trưởng đoàn của họ (tức Nguyễn Tống Triều – NV). Ông mặc áo dài màu đen, người mảnh khảnh đến ngạc nhiên, mảnh khảnh như cây vĩ (archet) sống động, với hình thù như một ngà voi già và cong. Nhưng mà ông ta nói được tiếng Pháp và cho tôi biết về những nhạc sĩ của đoàn ông ta…

 

 
 

Lịch sử hình thành ĐCTT

 

Người dân vùng Ngũ Quảng (5 tỉnh miền Trung) là những lưu dân đầu tiên theo lệnh chúa Nguyễn vào khai phá vùng đất phương Nam. Trong số họ, có nhiều người vốn là giáo phường nhạc lễ của triều đình Huế. Sau những giờ lao động mệt nhọc, họ ôm đàn tìm đến nhau, cùng tấu lên những khúc nhạc như một hình thức để thư giãn. ĐCTT ra đời từ đó và theo thời gian đã trở thành món đặc sản “quốc hồn, quốc túy” của miền Tây Nam bộ. Người được coi là “ông tổ” của ĐCTT chính là nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) – một nhạc quan của triều đình Huế. Vào nửa cuối thế kỷ 19, ông truyền dạy nhạc lễ và nhạc tài tử khắp Gia Định và vùng phụ cận (Đồng Nai, Bình Dương, Cần Giuộc, Cần Đước, Long An…). Nguyễn Quang Đại là chủ soái nhóm nhạc miền Đông trong khi các nhóm nhạc ở miền Tây do ông Trần Quang Quờn thống lĩnh.

 

 

Sau Hội chợ thế giới Paris, đoàn tài tử Mỹ Tho của ông Nguyễn Tống Triều (gồm các nghệ sĩ: Chín Quán, Mười Lý, Bảy Vô, Ba Đắc, Hai Nhiễu…) còn được mời sang Pháp biểu diễn tại Hội chợ thuộc địa 1906 (Marseille), và cũng gặt hái được những thành công vang dội. 

Nỗ lực gìn giữ và truyền bá

Phong trào ĐCTT ở hải ngoại phát triển từ năm 2005 trở lại đây. Hội Cổ nhạc miền Nam Việt Nam tại Nam California (Mỹ) thường tổ chức giải Phụng Hoàng để tuyển lựa tài năng mới, vì thế tinh thần học ca của các nhóm ĐCTT sôi động hơn hẳn. Các chương trình cải lương, vọng cổ trên đài truyền hình tiếng Việt ở Nam California cũng phát sóng nhiều hơn và phát đi nhiều tiểu bang.

Tại Paris (Pháp), cặp vợ chồng nghệ sĩ Trần Quang Hải và Bạch Yến luôn nỗ lực truyền bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới từ hơn 30 năm nay dưới hình thức các buổi hòa nhạc, dẫn giải âm nhạc trong trường học, hội thảo và trình diễn trong các trường đại học, tham dự các liên hoan âm nhạc dân tộc thế giới.

Nghệ sĩ Ngọc Giàu tâm sự: “Tôi thường đi nước ngoài biểu diễn, vừa rồi có sang Pháp diễn tại Bảo tàng Guimet (Bảo tàng quốc gia về nghệ thuật châu Á) và nói chuyện với ba đài truyền hình tại Paris. Tôi ngạc nhiên và cảm động vì cái cách người ta trân trọng ĐCTT – cải lương của Việt Nam. Cảm động hơn nữa là ở Pháp có hội người Việt luôn ý thức giữ gìn văn hóa dân tộc. Họ tổ chức các nhóm ĐCTT, ngay cả lớp trẻ cũng chịu khó học bài bản. Mỗi lần có nghệ sĩ nào bên Việt Nam sang họ đều hỗ trợ hết mình, muốn đờn loại nào có loại đó, muốn ai ca, ai diễn chung cũng đều có ngay”.

Còn ca sĩ Hương Lan thì nhận định: “Gần 20 năm trước, thiếu vắng những chương trình cải lương hay nhóm hát ĐCTT ở hải ngoại. Nay thì khác hẳn. Ở Mỹ, giới trẻ có tuổi thơ từng sống tại Việt Nam hay người tuổi trung và cao niên rất thích ĐCTT. Do người Việt ở ngoại quốc không có rạp riêng nên chỉ gặp tại nhà, sân vườn hay thậm chí là quán ăn, nhà hàng rồi ngồi lại với nhau, đôi khi một cây guitar thùng phím lõm là có thể hát cho nhau nghe ĐCTT. Mới đây, tôi và chồng ăn mì tại khu Phước Lộc Thọ, bang California (Mỹ), chợt thấy ấm lòng và hạnh phúc khi chứng kiến nhóm người tuổi trung niên ôm cây guitar hát ĐCTT rất hay dù giọng không phải nhà nghề nhưng cái tình với quê hương đất Tổ thì không thiếu. Tôi nghe mà nước mắt lưng tròng vì dù ở đâu người Việt mình cũng ráng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Hà Đình Nguyên – Hoàng Kim – Đỗ Tuấn