25/11/2024

“Đóng cửa nhóm trẻ không phép: Tôi lo lắm!”

Chủ tịch HĐND TP lo vì nếu chấm dứt hoạt động đối với nhóm trẻ không phép, phụ huynh sẽ không có chỗ gửi con.

“Đóng cửa nhóm trẻ không phép: Tôi lo lắm!”

Đó là băn khoăn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM, tại phiên giải trình về tình hình quản lý hoạt động của các trường, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn TP do Ban văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM tổ chức sáng 23-12.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Ảnh: Như Hùng 

Chủ tịch HĐND TP lo là vì nếu chấm dứt hoạt động đối với nhóm trẻ không phép, phụ huynh sẽ không có chỗ gửi con.

Vượt quá khả năng trường công lập

Báo cáo tại cuộc họp, bà Trần Thị Kim Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết:

“TP.HCM có 161.072 học sinh mầm non học tại các trường mầm non công lập, 148.207 học sinh học tại các trường, nhóm, lớp tư thục. Tỉ lệ học sinh học ngoài công lập là 47,9%. Nếu tính cả số cháu học tại các nhóm trẻ gia đình không phép thì tỉ lệ học sinh học ngoài công lập còn cao hơn nhiều”.

 

“Khi người dân lao động chưa có chỗ gửi con, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo TP. Đây là bài học của HĐND TP đã không giám sát đến nơi đến chốn, không đeo bám quyết liệt”

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm(chủ tịch HĐND TP.HCM)

 

Bà Thanh thừa nhận việc giữ trẻ từ 6 tháng (sau khi người mẹ hết thời gian nghỉ sinh) là vượt quá khả năng của các trường mầm non công lập. Chỉ có một số ít trường công lập có điều kiện giữ trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng số chỗ cũng rất hạn chế. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh là công nhân phải gửi con rất sớm và đón rất trễ, có người gửi con cả thứ bảy và chủ nhật. “Như vậy, ai là người có trách nhiệm giải quyết chỗ học cho đối tượng trẻ từ 6-18 tháng tuổi? Tôi cho rằng phải có chủ trương của Nhà nước, của TP” – bà Thanh nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định: “Riêng về những nhóm trẻ không phép chúng ta cần chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, trong tình hình trường công lập đang quá tải thì phải có bài toán. Để giải quyết căn cơ và triệt để, chúng ta cần tăng cường kiểm tra, giám sát…”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm ngắt lời bà Nhung: “Tôi nghe chị nói rất nhiều đến từ “chúng ta”, vậy “chúng ta” ở đây là ai? Trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH ở đâu, mình đã phát hiện ra vấn đề này bao lâu rồi, sở đã có đề xuất gì với UBND TP chưa? Ví dụ: chị nói người dân nhận thức về pháp luật còn yếu. Thế thì sở đề xuất gì cho UBND TP để khắc phục yếu tố này. Chị nói cần chấm dứt hoạt động đối với nhóm trẻ không phép. Như vậy phụ huynh sẽ không có chỗ gửi con. Sở LĐ-TB&XH là đơn vị bảo vệ cho quyền lợi của trẻ em có đề xuất giải pháp gì? Theo quan điểm của chị có nên đóng cửa hay không?”.

Bà Nhung trả lời: “Không nên máy móc đồng loạt đóng cửa các nhóm trẻ không phép mà cần rà soát lại. Nơi nào có thể cấp phép được thì địa phương, ngành chuyên môn nên hướng dẫn họ, giúp họ đạt chuẩn theo yêu cầu. Bên cạnh đó, cần dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non trên địa bàn dân cư cũng như trong khu chế xuất, khu công nghiệp”.

Quản lý lỏng lẻo

Bà Tâm nói: “Tôi đọc báo thấy có lãnh đạo quận huyện, lãnh đạo sở khẳng định sẽ cương quyết đóng cửa các nhóm trẻ không phép, tôi lo lắm. Nếu đóng cửa thì công nhân họ gửi con ở đâu? Tôi muốn nghe quận Thủ Đức trình bày…”.

Ông Nguyễn Thọ Truyền, phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, thừa nhận: “Công tác quản lý còn lỏng lẻo nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc. Trách nhiệm của Thủ Đức là không kiên quyết xử lý. Nhóm trẻ Phương Anh đang trong quá trình thẩm định để cấp phép. Bà Phương (chủ nhóm trẻ Phương Anh) trước đây khi dạy ở Trường mầm non Hoa Lư (quận 1) có vấn đề nên mới nghỉ. Vai trò của hệ thống chính trị cũng chưa phát huy hết”.

Bà Tâm lại ngắt lời: “Thủ Đức tuyên bố sẽ đóng cửa các nhóm trẻ không phép. Vậy học sinh ở các nhóm trẻ này sẽ giải quyết như thế nào?”. Ông Truyền trả lời: “Thủ Đức hiện có 131 nhóm trẻ không phép với 1.288 trẻ. Trong đó, nhóm trẻ nào đủ điều kiện thì sẽ cấp phép. Số còn lại phải đóng cửa thì quận sẽ bố trí cho học sinh vào học tại các trường mầm non công lập, tư thục ở gần đó. Tuy nhiên, việc bố trí này hiện đang gặp khó khăn. Ví dụ như phường Linh Xuân hiện đang có 100 trẻ cần bố trí. Như vậy, sĩ số học sinh tại các trường lân cận sẽ tăng lên hơn 40 học sinh/lớp. Riêng phường Bình Chiểu có đến 415 trẻ, nếu bố trí thì sĩ số các trường lân cận sẽ tăng khoảng 45 học sinh/lớp. Hiện cũng đang chờ Trường mầm non Bình Chiểu khánh thành vào tháng 2-2014 để bố trí số trẻ này. Đương nhiên, sẽ có trường hợp phụ huynh phải đưa con đi học xa hơn trước”.

Bà Tâm đánh giá: “Cách làm của mình hiện tại là “hớt bèo nổi”, cái nào dễ thì mình làm. Khi không quản lý được thì đóng cửa, như vậy là dở. Cũng nên xem xét lại mình bố trí cho phụ huynh gửi con nơi khác nhưng có hợp túi tiền với họ không, đường đi có thuận lợi không? Phải giải mã cho được TP lo cho trẻ em như thế mà sao vẫn để xảy ra chuyện đau lòng. Chúng ta đang xây dựng TP văn minh – hiện đại. Liệu có hiện đại được không khi trẻ em bị ngược đãi?”.

 

 

Phó giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM Trần Thị Kim Thanh:

Thành phố có giúp gì không?

Có những nhóm trẻ khi chúng tôi đi kiểm tra thấy rất thương. Có nhóm chỉ thiếu cái cầu thang chưa đạt yêu cầu, có nhóm thiếu nhà vệ sinh bảo đảm an toàn cho trẻ, có nhóm thiếu đồ dùng, đồ chơi… Yêu cầu họ hoàn thiện để cấp phép thì họ không có kinh phí. Tôi muốn hỏi trong những trường hợp họ cần một số tiền để sắm sửa thì UBND TP có giúp gì được cho họ không? Chị Nhung (bà Thi Thị Tuyết Nhung, phó trưởng Ban văn hóa – xã hội HĐND TP – PV) nói có thể vay quỹ của Hội Liên hiệp phụ nữ, của Liên đoàn Lao động TP… nhưng trên thực tế không dễ để vay. Vay có điều kiện gì không, cần thế chấp cái gì?

Nếu quy kết trách nhiệm thì ngành GD-ĐT hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc này. Tuy nhiên về mặt quản lý chung, TP nên có định hướng. Ví dụ: đã xác định được cứ chỗ nào có đông công nhân ở là có nhóm trẻ, có trường mầm non. Nếu chúng tôi đưa giáo viên đến đó làm thì Nhà nước có tính giờ phụ trội cho các cô giáo không?

 

HOÀNG HƯƠNG