Hai phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT
Ngày 2.1, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo và lý giải về dự thảo mới nhất phương án thay đổi thi và công nhận tốt nghiệp trong những năm sắp tới.
Hai phương án thay đổi thi tốt nghiệp THPT
Như Thanh Niên đã thông tin trên số báo ngày 2.1, năm 2014 sẽ thay đổi lớn trong thi tốt nghiệp THPT. Cuối giờ chiều qua (2.1), Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông báo và lý giải về dự thảo mới nhất phương án thay đổi thi và công nhận tốt nghiệp trong những năm sắp tới.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Kết quả thi ngoại ngữ như hiện nay là hình thức !
|
Trước băn khoăn của nhiều người cho rằng tại sao ngoại ngữ chỉ là môn thi tính điểm khuyến khích, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích: “Sắp tới trong chương trình mới và như Đề án dạy học ngoại ngữ bắt buộc đã được triển khai từ lớp 3 thì điều mà Bộ muốn hướng tới không phải dạy học ngoại ngữ như hiện nay, không phải dạy ngữ pháp là chính là phải theo năng lực giao tiếp, nghe nói đọc viết được”. Theo ông Hiển, cách thi tốt nghiệp và điều kiện thi tốt nghiệp THPT như hiện nay thì không đánh giá được năng lực giao tiếp như mong muốn mà Bộ đang hướng tới ở trên. “Chính vì vậy, chúng tôi cũng không muốn thi ngoại ngữ bắt buộc mà chỉ dẫn tới một kết quả hình thức”, ông Hiển khẳng định.
Địa phương chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực
Trong dự thảo, Bộ có bổ sung đối tượng được miễn thi nhưng giới hạn ở tỷ lệ không quá 20% học sinh của toàn tỉnh. Giải thích về con số này, ông Hiển cho biết: “Ở đây căn cứ vào thực tế những năm trước khi thi tốt nghiệp thì thường có khoảng hơn 20% học sinh đạt loại tốt nghiệp khá giỏi. Để chặt chẽ hơn thì Bộ lấy ít hơn số đó, con số này cũng có thể xem xét và điều chỉnh sau”. Ông Hiển nói thêm: “Chúng tôi biết rằng chắc chắn số này thi thì sẽ đỗ nên miễn để học sinh đỡ phải thi và về mặt tổ chức cũng giảm được ít nhất là 20% số đề thi, số giám thị, số phòng thi…”.
Tuy nhiên dư luận lo ngại là có khả năng xảy ra tiêu cực nếu cho phép miễn thi và tính điểm học lực trung bình năm lớp 12 khi mà chất lượng giáo dục các nơi thì khác nhau. Ông Hiển cũng cho biết việc lựa chọn đối tượng miễn thi sẽ quy trách nhiệm cho các địa phương, của các trường. “Sẽ quy rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể nếu để xảy ra sai sót, tiêu cực. Bộ chỉ đưa ra các tiêu chí chứ không thể đến từng trường để chỉ định học sinh nào được miễn thi”, ông Hiển nhấn mạnh.
Có khả năng môn nào thì chú trọng môn đó
Theo dự thảo, thí sinh sẽ thi 4 môn trong đó có 2 môn tự chọn. Dư luận cũng lo ngại điều này sẽ dẫn đến việc học lệch. Ông Hiển cho biết thực tế học sinh vẫn học lệch kể cả đến cuối tháng 3 mới công bố môn thi như quy định hiện hành. “Nếu học lệch một cách chính đáng cũng là điều tốt, tức là đảm bảo có đủ kiến thức ở tất cả các môn một cách tối thiểu rồi sau đó học sinh yêu thích và có khả năng ở môn nào thì sẽ chú trọng hơn ở môn đó. Đây cũng là một trong những mục tiêu dạy học phân hóa mà Bộ đang mong muốn hướng tới ở bậc THPT. Hơn nữa, theo dự thảo, việc xét tốt nghiệp còn căn cứ tới 50% vào kết quả học lực của năm học lớp 12, nghĩa là tất cả các môn đều được tham gia vào xét tốt nghiệp chứ Bộ không bỏ môn nào cả”, ông Hiển giải thích thêm.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết nếu được dư luận đồng tình thì có thể áp dụng ngay trong năm nay 2014. Phương án được thông qua sẽ áp dụng ổn định đến năm đầu tiên học sinh hoàn thành lớp 12 theo chương trình, sách giáo khoa mới. Cũng theo ông Hiển học sinh cũng không ì đột ngột vì yêu cầu về nội dung thi cũng nằm trong chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông chứ không có gì thay đổi về mức độ yêu cầu. Chỉ có phương án chọn môn thi khác thôi còn cách thức thi vẫn như vậy.
Công nhận và xếp loại tốt nghiệp Dựa thảo đưa ra việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp được thực hiện theo quy chế thi. Điểm xét và công nhận tốt nghiệp được xác định như sau:
|
Về số môn thi Dự thảo mới nhất được công bố hôm qua (2.1) đưa ra 2 phương án về việc thay đổi số môn thi tốt nghiệp. Phương án 1: Thi 4 môn, gồm: 2 môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Ngoại ngữ là môn khuyến khích. Học sinh có thể đăng ký thi môn ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến bài thi môn ngoại ngữ đạt 9 trở lên được cộng 2 điểm; 7 trở lên được cộng 1,5 điểm; 5 trở lên được cộng 1 điểm. Phương án 2: Thi 5 môn, gồm: 3 môn thi bắt buộc: toán, ngữ văn và ngoại ngữ; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Với môn ngoại ngữ, thí sinh giáo dục thường xuyên và giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.
|
Tuệ Nguyễn