Giáo dục chỉ quan tâm học sinh vào đại học
Mục tiêu giáo dục hiện nay dẫn đến một thực tế: Không chú trọng, không quan tâm đến những học sinh không có khả năng học lên đại học.
Giáo dục chỉ quan tâm học sinh vào đại học
Mục tiêu giáo dục hiện nay dẫn đến một thực tế: Không chú trọng, không quan tâm đến những học sinh không có khả năng học lên đại học.
|
Tình trạng học sinh (HS) bỏ học ngày càng nhiều tạo nên một lực lượng lao động không nghề nghiệp, khả năng kiếm sống khó. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động nước ta dồi dào, nhưng chất lượng thấp.
Cửa nào vào đời?
Luật Giáo dục quy định mục tiêu của giáo dục THPT nhằm giúp HS củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học ĐH, CĐ, TC, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Mục tiêu giáo dục phổ thông đặt ra rất toàn diện. Tuy nhiên, nhiều trường đã đặt nặng trọng tâm ở khâu hoàn thiện học vấn phổ thông, tiếp tục học ĐH, CĐ. Một số cán bộ quản lý trường THPT mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng quan trọng nhất ở cấp THPT là hoàn thiện học vấn phổ thông, sau đó HS sẽ đi ra nhiều “cửa”: thứ nhất là ĐH, thứ hai là CĐ, thứ ba là TC hoặc học nghề, và “cửa” cuối cùng mới là đi vào cuộc sống lao động.
Chính vì vậy, trọng tâm của nhà trường là tổ chức dạy và học làm sao HS đỗ tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào ĐH, CĐ cao nhất. Vấn đề học nghề và định hướng nghề nghiệp của HS vẫn là thứ yếu. Như vậy, một bộ phận khá lớn HS, do nhiều nguyên nhân khác nhau không tiếp tục học lên ĐH, không được nhà trường quan tâm, nhất là vấn đề học nghề, trang bị các kỹ năng để các em ra đời có thể kiếm sống và cao hơn nữa là trở thành những công dân tốt.
Học sinh bỏ học cao
Thế nhưng trên thực tế, số HS không lên được THPT hoặc không vào được ĐH, CĐ là rất nhiều. Những HS này rồi cũng vào đời nhưng do không được quan tâm đúng mức, không được trang bị kỹ năng nên không có nghề nghiệp và khả năng kiếm sống rất khó.
Báo cáo tổng kết năm học 2012 – 2013 của các địa phương cho thấy tình trạng bỏ học của HS vẫn còn rất cao, nhất là HS cuối cấp THCS và cấp THPT. Chẳng hạn, Tây Nam bộ là khu vực có tỷ lệ HS bỏ học cao so với cả nước, nhiều nhất là các tỉnh: Bạc Liêu 26,2%, An Giang 25,9%, Sóc Trăng 25,8%. Ngay cả TP.Cần Thơ, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2012 – 2013, tỷ lệ huy động HS trong độ tuổi THPT chỉ đạt 47,52%. Năm học 2013 – 2014, ở An Giang nếu tính trên tổng số HS phải huy động đi học đúng độ tuổi thì tỷ lệ HS vào học lớp 10 của tỉnh chỉ đạt 43,53%.
Năm học 2013 – 2014, tình trạng bỏ học của HS các tỉnh miền Trung, Tây nguyên tăng cao. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk có đến 9.792 HS bỏ học. Trong đó, tỉnh có số HS bỏ học nhiều nhất là Khánh Hòa (1.606), Lâm Đồng (1.502), Bình Định (1.232)… HS bỏ học chủ yếu ở địa bàn các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học yếu, lưu ban, nhà xa trường… Trong đó có một nguyên nhân ít được đề cập, đó là bệnh thành tích của giáo dục đã đẩy nhiều HS lên lớp khi kiến thức và kỹ năng còn non. Những HS này học yếu dẫn đến chán học và bỏ học. Phần lớn HS bỏ học ở cấp THCS và THPT.
Thay đổi mục tiêu giáo dục
Nghị quyết số 29 ngày 4.11.2013 của BCH T.Ư Đảng, khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định rõ: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp”; “Bảo đảm cho HS trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.
Như vậy, đã có sự thay đổi trong mục tiêu giáo dục bậc trung học, những năm học THCS là những năm giúp HS “khám phá” khả năng của mình và “dự hướng” để chuẩn bị phân luồng mạnh sau THCS. HS THPT không chỉ hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp mà phải được tiếp cận nghề nghiệp.
Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi mục tiêu giáo dục trung học, các trường không chỉ quan tâm đến đối tượng HS khá giỏi sẽ tốt nghiệp phổ thông và lên ĐH mà phải quan tâm đến bộ phận không nhỏ những HS không đủ khả năng vào ĐH.
Vấn đề này không chờ đợi đến khi có chương trình phổ thông mới sau năm 2015, mà có thể làm ngay, bằng cách giao cho các sở GD-ĐT xây dựng các mô đun nghề phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Theo đó, có phương án khám phá, phân loại HS sao cho những HS muốn ra đời ngay có thể cho các em theo học các mô đun này. Vấn đề là làm sao để những HS này cũng cảm thấy tự hào, không thua kém các bạn khác.
Để thực hiện được điều này, cần phải có sự phối hợp, liên kết giữa các trường THPT và các trường dạy nghề trong việc đào tạo nghề cho HS. Có như vậy mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước trong giai đoạn mới.
Ý kiến
Phải thực học và thực nghiệm nhiều hơn “HS ở các nước học nhiều kỹ năng và được thực nghiệm nhiều ngay từ lúc nhỏ. Chính vì vậy, các em sẽ giỏi và hiểu rõ nghề nghiệp ngay từ lúc nhỏ. Dù không học lên cao được thì các em vẫn có thể vận dụng kỹ năng vào quá trình làm việc, ổn định trong cuộc sống. Còn ở ta, HS chỉ học lý thuyết là chính. Mà thường học lý thuyết thì khó có thể vận dụng vào cuộc sống được”. Lê Xuân Giang Mục tiêu có nhưng thiếu đồng bộ “Mục tiêu giáo dục trung học của chúng ta rất rõ ràng. Việc HS THCS không theo nổi THPT hoặc THPT không vào ĐH, CĐ thì có hướng học nghề. Tuy vậy, lại thiếu sự chuẩn bị chu đáo và đồng bộ nên đến lúc vận hành thì gặp nhiều khó khăn. Ở nước ngoài, người ta trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho HS ngay bậc trung học nên nếu không lên ĐH, CĐ thì ra đời, các em vẫn có kỹ năng và ý thức làm tốt công việc”. Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM Định kiến xã hội “Chúng ta vẫn tạo điều kiện cho các em không đủ điều kiện học ĐH, CĐ vào các trường nghề. Tuy nhiên, chính định kiến của xã hội xem nhẹ việc học nghề, nên dù các em có học xong thì cũng khó tìm được việc. Tôi đã chứng kiến nhiều em có bằng nghề trong tay, nhưng khi xin việc, người ta không nhận vào làm chỉ vì các em không có bằng tốt nghiệp THPT”. Trần Tấn Tài Minh Luân (ghi)
|
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)