01/11/2024

Không chủ quan với cúm gia cầm

Dịch cúm H7N9 đang ngày càng tiến sát biên giới VN, khi giới chức Trung Quốc thông báo đã phát hiện mẫu bệnh phẩm gia cầm dương tính với cúm H7N9 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khu vực rất gần với tỉnh Lạng Sơn của VN.

Không chủ quan với cúm gia cầm

Dịch cúm H7N9 đang ngày càng tiến sát biên giới VN, khi giới chức Trung Quốc thông báo đã phát hiện mẫu bệnh phẩm gia cầm dương tính với cúm H7N9 tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, khu vực rất gần với tỉnh Lạng Sơn của VN.

Nhiều điểm mua bán gà, vịt sống dọc quốc lộ 91B (thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) sáng 4-2  – Ảnh: T.Lũy 

Theo ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 4-2, Trung Quốc đã có 286 người nhiễm virút cúm H7N9, 60 người trong đó đã tử vong và điều tra dịch tễ cho biết 70% trong số này từng tiếp xúc với gia cầm. Ngoài Trung Quốc đại lục, số mắc H7N9 cũng tiếp tục tăng tại Hong Kong.

Trước tình hình trên, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Nông lương LHQ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế VN vừa có thông cáo chung cho biết nguy cơ nhiễm cúm gia cầm cả trên người và trên gia cầm đều cao hơn trong giai đoạn này, dù nghiên cứu trên 10.000 mẫu bệnh phẩm gia cầm tại VN chưa phát hiện virút H7N9. Ông Phu nhận định tuy chưa khuyến cáo hạn chế đi lại nhưng Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo khách du lịch và người dân không nên tiếp xúc với trang trại gia cầm, chợ gia cầm tại vùng có dịch H7N9.

Trong khi đó, tại TP Cần Thơ trước và trong Tết Giáp Ngọ, tình hình gia cầm (gà, vịt) sống chưa qua kiểm dịch vẫn được bày bán tràn lan. Sáng 4-2 (mồng 5 tết Giáp Ngọ), dọc tuyến quốc lộ 91B (khu vực gần cầu Bà Bộ, thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy), gà vịt được bày bán công khai, người mua tấp nập. Chỉ khoảng vài trăm mét nhưng có đến vài chục điểm mua bán gia cầm, khách mua xong có thể yêu cầu làm thịt ngay tại các điểm giết mổ thô sơ, lưu động tại nhà dân. Vào các ngày cao điểm tết thì ngoài khu vực quốc lộ 91B, các chợ khác trong TP như An Hòa, An Nghiệp, Xuân Khánh cũng xuất hiện gà vịt sống bày bán tràn lan.

Cảnh báo về tình hình lây lan dịch cúm gia cầm tại Cần Thơ, ông Lưu Phước Hậu – phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ – cho biết: “Do tình hình thời tiết thuận lợi nên dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ lây lan. Gần nhất là vào tháng 12-2013 đã xuất hiện ổ bệnh tại hai hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Trường Xuân A (huyện Thới Lai) và xã Trường Long (huyện Phong Điền) song vẫn phát sinh việc mua bán giết mổ gia cầm nhỏ lẻ trong dịp tết, cán bộ thú y khó kiểm soát hết. Do vậy người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm gia cầm bày bán không an toàn hoặc nghi ngờ không an toàn, chưa qua kiểm dịch thú y phải báo cho ngành chức năng, lực lượng thú y xử lý kịp thời”.

L.ANH – T. LŨY

 

 

Những điều cần biết về bệnh cúm H7N9 trên người

Virút cúm gia cầm là những virút gây bệnh cúm bình thường, chỉ lây lan giữa các loại gia cầm (vịt, gà, ngan, ngỗng) và các loại chim chóc, nhưng đến tháng 3-2013 đã có những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận là người mắc bệnh cúm H7N9 do lây nhiễm từ gia cầm ở Trung Quốc.

Bệnh nhân thường có triệu chứng bị viêm phổi nặng. Các triệu chứng gồm sốt, ho và khó thở. Chỉ một số rất ít trường hợp biểu hiện nhẹ như cảm cúm thông thường và tự khỏi.

* Cúm H7N9 khác gì với cúm H1N1 và cúm H5N1?

– Tất cả ba loại virút này đều thuộc dòng họ cúm A nhưng:

– Cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1) là virút cúm gây bệnh ở gia súc, gia cầm và rất hiếm khi lây sang người.

– Cúm A (H1N1) là virút cúm gây bệnh cho người và động vật (heo).

* Virút cúm H7N9 lây nhiễm cho người thế nào?

– Nguồn nhiễm bệnh được ghi nhận là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với thịt gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc từ môi trường nhiễm bệnh (lồng chim, chuồng trại nuôi nhốt chim, gia cầm). Các chuyên gia đã tìm thấy virút này trên vịt, gà, chim bồ câu và trong môi trường xung quanh tại các chợ gia cầm ở gần nơi những ca bị bệnh được báo cáo.

Mặc dù có một số trường hợp những người sống gần gũi với người bị bệnh cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên cho đến hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới cho biết virút không lây trực tiếp từ người sang người.

* Cách phòng ngừa nhiễm virút cúm H7N9?

– Tuy cách lây lan của virút cúm H7N9 vẫn chưa được xác định rõ, nhưng chúng ta vẫn phải chú ý các biện pháp vệ sinh căn bản để phòng ngừa:

+ Rửa tay:

– Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn.

– Trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

– Sau khi tiếp xúc hay làm thịt gia súc, gia cầm.

– Sau khi dọn dẹp chất thải gia súc, gia cầm.

– Khi bàn tay của bạn bị bẩn.

– Khi chăm sóc người bị bệnh hoặc người nhà bị bệnh.

Lưu ý: Rửa tay bằng xà phòng và rửa dưới vòi nước chảy khi thấy tay bị dính bẩn. Nếu không thấy tay dính bẩn thì rửa tay bằng xà phòng với nước hoặc sử dụng một loại nước rửa tay có pha cồn.

+ Vệ sinh hô hấp:

– Khi ho hoặc hắt hơi, cần che miệng và mũi của bạn bằng khẩu trang y tế, khăn giấy hoặc dùng tay che lại.

– Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác đậy kín lập tức sau khi sử dụng.

– Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp.

* Có nên ăn thịt gia cầm, trứng gia cầm, thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo không?

– Virút cúm H7N9 không lây truyền qua thực phẩm được nấu chín vì virút cúm sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70OC, do đó có thể ăn thịt và trứng đã được nấu chín toàn bộ từ trong ra ngoài. Nhưng không ăn thịt gia súc, gia cầm chết do bệnh hay chết không rõ nguyên nhân.

* Chế biến thịt và trứng an toàn?

– Thịt và trứng chưa được nấu phải để riêng và cách xa với thức ăn đã nấu chín để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

– Tuyệt đối không chế biến thức ăn với trứng chưa nấu chín hoặc chỉ chín một phần.

– Dao và thớt dùng để cắt thịt sống phải dùng riêng, không dùng để cắt các loại thức ăn khác (rau, củ, quả, thức ăn đã nấu chín…).

– Khi làm bếp, cần chú ý sau mỗi lần tiếp xúc với thịt sống chưa nấu chín, phải rửa tay sạch rồi mới đụng chạm vào thức ăn đã được nấu chín trước đó để tránh lây nhiễm chéo.

– Sau khi thịt được nấu chín, phải đặt trong vật chứa (đĩa, tô, hộp, chén…) mới sạch hoàn toàn. Tuyệt đối không đặt trong vật chứa thịt trước đó (lúc thịt và trứng chưa được nấu chín).

– Tất cả vật chứa thịt lúc chưa nấu chín, thậm chí nền gạch hay nền bàn để thịt lúc chưa nấu chín cũng phải được rửa sạch lại bằng xà phòng.

– Sau khi chế biến thịt, trứng xong cần rửa tay lại bằng xà phòng.

* Tiếp xúc với gia súc, gia cầm sống?

– Khi đi đến chợ gia súc, gia cầm, tránh tiếp xúc trực tiếp với gia súc, gia cầm, cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với vật dụng chứa gia súc, gia cầm (nên mang găng tay) và rửa tay sau đó.

– Gia súc, gia cầm bị bệnh hoặc chết phải được tiêu hủy và báo cáo với cơ quan thú y tại chỗ. Tuyệt đối không chế biến rồi ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh hay đã chết.

– Tuyệt đối không để trẻ em tiếp xúc với gia súc, gia cầm bệnh hay gia súc, gia cầm bị chết.

BS Trần Ngọc Lưu Phương (Theo WHO 1-2014)

 

 

 

 

Thu gom gà chết ở một chợ gia cầm tại Hong Kong – Ảnh: Reuters

 

Cúm gia cầm lan rộng ở các quốc gia châu Á

Chính phủ Hàn Quốc ngày 3-2 cho biết cơ quan kiểm dịch của nước này đã xác nhận thêm hai trường hợp tình nghi nhiễm cúm gia cầm khi người dân cả nước đang rộn ràng trong không khí tết cổ truyền.

Theo Yonhap, hai trường hợp mới trên nâng tổng số ca tình nghi cúm gia cầm tại Hàn Quốc tính đến thời điểm này lên con số 77, trong đó có 40 ca tình nghi nhiễm dòng cúm gia cầm mới H5N8. Chính quyền Hàn Quốc đã cho tiêu hủy hơn 2,6 triệu gia cầm bao gồm gà và vịt kể từ khi có báo cáo về ổ dịch đầu tiên xuất hiện trong nước hôm 16-1. Tuy nhiên, các cán bộ y tế khẳng định sự gia tăng các trường hợp nhiễm cúm H5N8 không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với con người khi không có thêm bất kỳ báo cáo nhiễm cúm từ dòng virút mới này.

Trong khi đó, Reuters dẫn báo cáo từ Tổ chức Y tế thế giới xác nhận 127 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc trong tháng 1-2014 và Tân Hoa xã báo cáo dịch cúm gia cầm đã làm 21 người chết tại nước này trong năm nay.

Cũng trong tháng 1, Hong Kong đã tiêu hủy hơn 20.000 con gà và đình chỉ hoạt động nhập khẩu gia cầm tươi từ Trung Quốc sau khi phát hiện virút cúm gia cầm H7N9 từ các tỉnh phía nam của Quảng Đông.

ANH THƯ