26/11/2024

Sống “hoà bình”, lạc quan với ung thư

Bên cạnh những bệnh nhân ung thư bị trầm cảm, suy sụp tinh thần vẫn còn rất nhiều người bị ung thư chọn cách sống “hoà bình”, lạc quan với bệnh này.

Sống “hoà bình”, lạc quan với ung thư

Bên cạnh những bệnh nhân ung thư bị trầm cảm, suy sụp tinh thần vẫn còn rất nhiều người bị ung thư chọn cách sống “hoà bình”, lạc quan với bệnh này.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – nguyên giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM – trong một lần nói chuyện với bệnh nhân Câu lạc bộ 4T - Ảnh: BS Vân Hùng cung cấp 

Nhờ làm được điều này, nhiều bệnh nhân đã có cuộc sống tinh thần phấn chấn, sức khỏe tốt lên, tin tưởng vào thầy thuốc và an tâm điều trị.

Không bao giờ là ngõ cụt

 

“Nhiều bệnh nhân sau khi được bác sĩ điều trị đã sống khỏe mạnh 10, 15, 20 năm nhưng không phải ai cũng biết. Do vậy, câu lạc bộ bệnh nhân ung thư ra đời sẽ là nơi để chính người bị bệnh nhiều năm kể lại câu chuyện của mình với người mới bệnh, tạo cho họ có thêm niềm tin và sự tin tưởng để điều trị”

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng

 

Bà A.H. (56 tuổi, TP.HCM) cho biết bà là người thứ hai trong gia đình bị ung thư vú. Năm 1989, mẹ bà mất vì bệnh này. Trước khi qua đời, mẹ bà dặn dò phải thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Từ đó, bà A.h. nghĩ mình cũng có thể bị bệnh này nên bà xác định quan trọng là làm sao phát hiện bệnh sớm để điều trị. Vì thế cứ hai năm bà đi bệnh viện khám, chụp nhũ ảnh một lần. Ngoài đi khám, bà còn thường xuyên tự kiểm tra xem ngực có gì bất thường không theo hướng dẫn của bác sĩ. Bà thường xuyên theo dõi các chương trình sức khỏe trên báo, đài truyền hình để biết thêm thông tin về bệnh ung thư. Năm 2010, các bác sĩ phát hiện bà bị ung thư vú nhưng bà đón nhận thông tin này một cách bình thường. Sau khi được phẫu thuật, hóa trị, bà theo lời khuyên của bác sĩ: uống thuốc đều đặn, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện sức khỏe để vượt qua bệnh tật. Mỗi ngày bà dành hai tiếng tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Sau thời gian điều trị, bà đi làm trở lại và sức khỏe hồi phục rất tốt.

Theo bà A.H., yếu tố tâm lý rất quan trọng, góp phần rất lớn cho việc điều trị bệnh hiệu quả. Và sẽ rất tốt nếu bệnh viện hoặc hội ung thư tổ chức được câu lạc bộ dành cho bệnh nhân ung thư để giúp người bệnh có suy nghĩ tích cực hơn. Tham gia câu lạc bộ không chỉ có người đang bệnh ung thư mà cả người không bệnh, để cùng giúp nhau hiểu rõ hơn về bệnh này và biết cách phòng chống.

Ngày 11-12-2013, Tuổi Trẻ có bài viết “Đối mặt với ung thư” đã nhận được nhiều sự chia sẻ của bạn đọc. Trong đó có ý kiến của bạn đọc Phương Nguyễn: “Tôi từng trải qua tâm trạng lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc vì bệnh ung thư. Nhưng suy nghĩ kỹ lại thì có sợ, có buồn, có bi quan cũng không giải quyết được vấn đề nên đã chọn lối suy nghĩ tích cực, cùng đồng hành với bác sĩ chiến thắng căn bệnh này. Hãy sống thanh thản, vui vẻ, hạnh phúc, vừa giúp tinh thần mình tốt hơn vừa tránh cho gia đình, người thân phải lo lắng”. Đồng thời bạn đọc Phương Nguyễn đặt vấn đề: “Vì sao chúng ta không thành lập hội bệnh nhân ung thư để cùng chia sẻ và giúp tinh thần chúng ta suy nghĩ tích cực hơn?”.

Nối kết người bệnh với nhau

Bác sĩ Quan Vân Hùng – trưởng khoa nội Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – cho biết từ năm 2010, Viện Y dược học dân tộc TP đã thành lập Câu lạc bộ 4T (T1 là tâm lý, tinh thần liệu pháp: tự tạo lối sống bình yên, an lạc; T2 là thực phẩm liệu pháp: chế độ ăn quân bình âm dương; T3 là tập vận động liệu pháp: tập dưỡng sinh; T4: thuốc liệu pháp). Câu lạc bộ 4T hiện có hơn 160 hội viên chính thức, trong đó có 133 bệnh nhân ung thư, còn lại là các bệnh mãn tính khác. Câu lạc bộ tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, vui tươi, khoa học, lạc quan cho những người đồng cảnh ngộ để tiếp tục sống và chiến đấu với bệnh ung thư, tiến tới sống chung hòa bình với bệnh ung thư.

Trao đổi về vấn đề này, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – chủ tịch Hội Ung thư VN – cho biết ông đã nghĩ đến việc thành lập câu lạc bộ bệnh nhân ung thư nhưng đến nay chưa làm được, bây giờ là thời điểm có thể thực hiện. “Đây là việc phải làm, cần làm, thời điểm có thể bắt đầu từ bây giờ. Phải cho người bệnh biết về bệnh ung thư ở mọi khía cạnh” – GS Chấn Hùng nói.

GS Chấn Hùng chia sẻ thêm thời gian qua Bệnh viện Ung bướu kết hợp với Hội Ung thư VN tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề cho bệnh nhân ung thư. Ông luôn nhắn nhủ với người bệnh rằng “ung thư biết sớm trị lành, nếu mà để trễ dễ thành nan y”. Theo GS Chấn Hùng, hiện nay y học đã phát triển mạnh, các bác sĩ chuyên khoa ung thư rất giỏi và có nhiều phương tiện hiện đại để chẩn đoán bệnh ung thư. Nếu bị ung thư cũng có nhiều phương pháp, kỹ thuật, thuốc mới, chất lượng tốt để điều trị. Do vậy khi bị ung thư, người bệnh phải quyết đi điều trị sớm, điều trị đúng cách. Ngoài ra, tinh thần phải giữ thật thoải mái, tin tưởng thầy thuốc, yên tâm điều trị thì mới có kết quả tốt.

LÊ THANH HÀ