26/11/2024

2,9 tỉ cơn say!

“90 triệu dân mà uống hết 2,9 tỉ lít. Vậy trung bình một người uống hết hơn 32,2 lít mỗi năm. Trừ người già cả, phụ nữ, trẻ em không uống được, có lẽ một dân nhậu đã nốc khoảng 100 lít bia”.

  

2,9 tỉ cơn say!

2,9 tỉ lít bia đã được tiêu thụ hết ở VN năm 2013? Người ta đã uống thế nào? Tốn kém ra sao? Tôi thử đặt câu hỏi này với vài người bạn là dân làm ăn và viết lách…

Một người là doanh nhân sẵn máu kinh doanh tính toán chi li ngay: “90 triệu dân mà uống hết 2,9 tỉ lít. Vậy trung bình một người uống hết hơn 32,2 lít mỗi năm. Trừ người già cả, phụ nữ, trẻ em không uống được, có lẽ một dân nhậu đã nốc khoảng 100 lít bia”.

Anh bạn nhà thơ mơ màng: “Nếu người uống mạnh, người uống yếu bù cho nhau, có lẽ dân ta có khoảng 2,9 tỉ cơn say mỗi năm”.

Anh bạn doanh nhân bù thêm sự chi li: “Cứ cho mỗi trận nhậu dài 3 giờ, sau đó say nghỉ khoảng 6 giờ. Lấy thời gian này nhân với 2,9 tỉ lít, vậy mỗi năm dân mình mất sơ sơ khoảng 26,1 tỉ giờ cho các trận nhậu và say. À, mà tính toán này mới chỉ là dành cho bia sản xuất trong nước, còn bia nhập khẩu và khoảng 400 triệu lít rượu dân mình tiêu thụ mỗi năm nữa thì sao?”.

Thật khủng khiếp!

Nhưng đó mới chỉ là tạm tính toán thời gian người Việt lãng phí cho bia bọt. Nếu làm thêm vài phép toán về lượng bia tiêu thụ với lượng tiền bạc phải mua thì hiện trạng này còn kinh khủng hơn nhiều. Như anh doanh nhân tính nếu đổ đồng một lít bia đắt, rẻ bán lẻ trên bàn nhậu hiện nay là 30.000 đồng, thì 2,9 tỉ lít tương đương với dân nhậu phải bỏ ra… 87.000 tỉ đồng!

Đó là chưa ghi sổ đầy đủ còn khoản tiền rất lớn khác phải chi cho thức ăn, dịch vụ. Đặc biệt là chưa hề tính đến số tiền bạc khổng lồ đã mất từ thu nhập trong thời gian làm việc hoặc ảnh hưởng đến công ăn việc làm đã trôi qua vì 2,9 tỉ cơn say này.

Không chỉ Việt kiều, mà người nước ngoài đến VN thường có chung nhận xét về chuyện rượu bia tràn lan ở đất nước này. Quán nhậu lô nhô mời mọc quanh các khách sạn hạng sang, phố du lịch ở trung tâm thành phố. Ra ngoại thành, rượu bia cũng ê hề khắp ngõ ngách.

Về nông thôn nghèo khó tưởng rằng khó kiếm men say, nhưng tình trạng vẫn thế. Chiều tối nhậu nhẹt đã đành, quán xá giờ làm việc cũng đen nghịt người. Thậm chí có những người bạn Việt kiều lâu ngày về quê hương đã bật ra những nhận xét dí dỏm: người mình thật khó cười mà cũng quá dễ cười. Những nụ cười trong công việc, giao tiếp, quan hệ đời sống hằng ngày quá hiếm hoi, nhưng lại luôn rền vang ở bất cứ quán nhậu nào.

Từ xa xưa, lối sống người Việt thể hiện qua lịch sử, văn chương và thi ca luôn thấp thoáng hình bóng tiên tửu, thi tửu lẫn tục tửu.

Những chén rượu quần hùng thề vệ quốc, những ly rượu nghĩa tình trong thơ ca hay say sưa mà đầy triết lý nhân sinh, ngợi ca cái đẹp dưới ngòi bút Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Tuân…

Các tay bút phương Nam như Đoàn Giỏi, Sơn Nam cũng chẳng tiếc lời khen chén rượu trắng, con cá nướng trui nghèo khó miệt bưng biền mà lồng lộng phóng khoáng, hào sảng, trọng nghĩa tình.

Nhưng người đời xưa cũng chẳng tiếc lời chê trách các cuộc rượu đầy ắp mưu toan cầu danh, kiếm lợi, ép bạn, hại người…

Thời nay, có người ví von nhậu nhẹt giờ đã thành “dịch”! Vui, buồn: nhậu. Không vui, không buồn: cũng nhậu. Bản thân rượu bia không có tội, đặc biệt khi nó là men say điều độ của nghĩa tình, của ý tưởng, cuộc vui tâm hồn.

Nhưng khi nó chảy tràn vô độ, thành đại dịch nghiện ngập, đó là quốc họa lãng phí và kẻ thù của sức khỏe con người. Đặc biệt, khi nó là “mối dây” không thể thiếu của mưu mô phe cánh, là chất bôi trơn của phi vụ đen tối dưới gầm bàn, là thứ dẫn đường cho kẻ luồn cúi, nịnh nọt thì nó đã trở thành một thứ chất lỏng khác.

Đó là bia rượu độc!

QUỐC VIỆT