26/11/2024

Người Hà Nội muốn tìm lại nét thanh lịch

Ngày 18-2, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức hội nghị về phát triển văn hoá – xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2014.

Người Hà Nội muốn tìm lại nét thanh lịch

Ngày 18-2, Thành uỷ Hà Nội đã tổ chức hội nghị về phát triển văn hoá – xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh năm 2014.

Hình ảnh các bạn trẻ xô đẩy, giành nhau bứt hoa bẻ cành tại Lễ hội hoa anh đào vào tháng 4-2008 ở Hà Nội đã trở thành một trong những hình ảnh nhức nhối – Ảnh: Ph.Hải 

“Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, hàng triệu người Hà Nội, người dân khắp mọi miền đã xếp hàng chờ được viếng. Rất nhiều điều về cách ứng xử rất tự nguyện của người dân trong những ngày đó đã được bạn bè quốc tế ngợi ca” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói vậy tại hội nghị.

Tuy nhiên, ông Nghị cũng cho rằng giữa những cái hay, cái đẹp thì cái xấu cũng đang “chen lấn”, cá biệt có những người coi trọng đồng tiền lớn hơn tất cả.

Nhức nhối về cái xấu

 

“Chúng ta đang bị những cái tiêu cực xâm lấn, có lúc cái xấu còn lấn át. Đã có một bộ phận người coi giá trị đồng tiền hơn tất cả mọi thứ trên đời, hơn cả lương tâm, đạo đức”

 PHẠM QUANG NGHỊ
Bí thư Thành ủy Hà Nội

 

Khẳng định nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội là điều đáng tự hào, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng cái hay, cái đẹp đã được biết bao thế hệ trước bồi đắp mới có, vì vậy trước bất kỳ điều xấu, cái xấu nào lấn át nét đẹp đó đều khiến người dân cảm thấy nhức nhối.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – cho biết tiếp nối truyền thống của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội đang triển khai tiếp về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn TP.

“Hầu hết các thôn, làng đều đã thống nhất quy trình, nghi thức trong việc tang. Định hướng chung là trang nghiêm, tiết kiệm, đậm nghĩa tình. Nghi thức phải phù hợp, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn. Còn việc cưới sau một năm thực hiện nếp sống văn minh cũng đã có nhiều mô hình cưới mới. Nhiều lễ cưới chỉ tổ chức tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở xã, phường, đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ. Hoặc đám cưới không khói thuốc lá, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, không mời tràn lan, không làm quá 40 mâm cỗ. Những lễ cưới tiết kiệm đó đã được nhân rộng tới gần 30.000 trường hợp của toàn TP trong cả năm 2013” – bà Ngọc cho biết.

Tuy nhiên, giữa những cái đẹp về nếp sống văn minh, bà Ngọc cũng thừa nhận nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa được coi trọng và chưa thật sự lan tỏa rộng rãi.

Biểu hiện của những mặt chưa được là văn hóa ứng xử nơi công cộng còn nhiều điều bất cập, thậm chí nhận thức và cách ứng xử của một số cán bộ trong một số vụ việc cho thấy cái đẹp chưa thấm vào tâm.

Theo bà Ngọc, để nhân rộng nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, đẩy lùi những cái xấu, chuyện xấu, TP Hà Nội xác định phải xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử giữa các quan hệ trong công việc, trong cộng đồng.

“Đề án xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư đã được giao cho Sở VH-TT&DL soạn thảo. Hiện tại đang bắt đầu điều tra xã hội học đối với các nhóm trong khối cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu vực dân cư, khu vực công cộng để tiến tới hình thành khung tiêu chuẩn quy tắc ứng xử đi kèm với chế tài, dự kiến năm 2015 sẽ áp dụng” – bà Ngọc nói.

Cần nhân rộng sự tôn trọng lẫn nhau

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Quang Nghị chia sẻ ông có cảm nhận chương trình của Thành ủy về phát triển văn hóa – xã hội… xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang rất cấp bách với sự phát triển của thủ đô.

“Nhiều người trong ban chỉ đạo của chương trình cũng rất trăn trở về những mặt nhức nhối được nhắc đến nhiều, những cái xấu, cái ác, tệ nạn xã hội vẫn còn tràn ngập thông tin. Chúng ta đang bị những cái tiêu cực xâm lấn, có lúc cái xấu còn lấn át. Đặc biệt, phải chăng giữa kinh tế thị trường đã có một bộ phận người coi giá trị đồng tiền hơn tất cả mọi thứ trên đời, hơn cả lương tâm, đạo đức? Có hiện tượng những người mải miết chạy theo đồng tiền, bất chấp pháp luật, đang ảnh hưởng vào đời sống xã hội, làm suy thoái đạo đức, lối sống” – ông Nghị nêu.

Theo ông Nghị, tác động của mặt trái là điều không thể coi thường. Đáng lưu ý là có nhiều vụ việc xảy ra cho thấy ý thức, thậm chí cả đạo đức, cách ứng xử, giao tiếp thiếu chuẩn mực, thiếu tôn trọng lẫn nhau.

“Ngay việc giảm ùn tắc giao thông, tuyên truyền cũng nhiều, tăng xử lý vi phạm cũng có, tăng đầu tư hạ tầng đã làm, song không phải ai cũng nghiêm túc chấp hành. Thậm chí thế giới còn kinh ngạc về việc không chấp hành giao thông của người VN. Ra đường vẫn thấy cảnh xe cứ lao ầm ầm vào người khác như là tự tử, văn hóa, ý thức như vậy rất đáng phải bàn” – ông Nghị chỉ rõ.

Cũng theo ông Nghị, truyền thống nhân văn, nét đẹp thanh lịch, văn minh và biết bao cái hay, cái đẹp đều đã được những thế hệ trước dày công bồi đắp. “Xây dựng và phát huy nét đẹp thanh lịch, văn minh là trách nhiệm phải làm, trong thực hiện cũng phải có tiếp thu cái hay cái đẹp của các vùng miền. Nói gọn lại, cần phải nhân rộng sự tôn trọng lẫn nhau, đó là cách ứng xử có văn hóa nhất” – ông Nghị nói.

Ông Nghị cũng lưu ý dù Hà Nội được bầu là điểm du lịch của châu Á song nhiều hiện tượng du lịch cũng rất chua xót. Vì vậy, với vị trí, vai trò là thủ đô đòi hỏi nét đẹp, sự văn minh, thanh lịch cần được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. “Các cấp phải rà soát, đánh giá lại để tìm nguyên nhân, kịp thời đưa ra các giải pháp, quy tắc ứng xử ngay trong cơ quan, công sở, nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư” – ông Nghị lưu ý.

XUÂN LONG