25/11/2024

Chưa đủ sao, hỡi các nhà văn hoá?

Sự kiện chọi trâu Phúc Thọ được tổ chức vừa qua đang được dư luận quan tâm. Có thể gọi đó là một sự kiện được tổ chức thành công vì người dự rất đông. Nhưng liệu rồi đây có nên trở thành lễ hội, thêm một phiên bản mới của hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) có từ hàng ngàn năm từ thời Lữ Gia hay hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) khá nổi tiếng nữa hay không?

 

Chưa đủ sao, hỡi các nhà văn hoá?

Sự kiện chọi trâu Phúc Thọ được tổ chức vừa qua đang được dư luận quan tâm. Có thể gọi đó là một sự kiện được tổ chức thành công vì người dự rất đông. Nhưng liệu rồi đây có nên trở thành lễ hội, thêm một phiên bản mới của hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc) có từ hàng ngàn năm từ thời Lữ Gia hay hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) khá nổi tiếng nữa hay không? 

Hội chọi trâu nói trên với những luật chơi na ná giống nhau chắc chắn đã được thời gian sàng lọc rất kỹ qua minh triết dân gian. Dù rằng, có thể là minh triết với thời đại này nhưng lại lạc hậu, sai lầm với thời đại khác. Cạnh một số lễ hội dân gian bị biến dạng mua bán thánh thần hay hủ tục, thì hội chọi trâu được coi là lành mạnh và gần gũi với lớp trẻ. Một kiểu hội kích thích tinh thần thượng võ, đua tranh tìm và tụng ca chiến thắng, gợi lại sự hào hùng, sảng khoái của chiến tranh ác liệt và khải hoàn lộng lẫy. Trong bối cảnh một quốc gia thuần nông nghiệp, luôn có chiến tranh chống xâm lược phương Bắc, hội chọi trâu mang hồn dân tộc khá cao nên mới được gìn giữ đến ngày nay.

Nhưng đấu trường La Mã hình thành 60 năm sau Công nguyên, nơi giải trí lừng danh thời trung cổ của Rome, chỉ tồn tại đến thế kỷ thứ 6. Ánh sáng văn minh ló dần và con người không thể chấp nhận giải trí, mua vui trên cái chết của những con mãnh thú đẹp đẽ hay những võ sĩ giác đấu tài ba. Ngay hổ quyền (Huế) cũng phải chứng kiến trận đấu cuối cùng vào năm 1906 và chỉ còn là một di tích văn hóa, tuy độc đáo và quý hiếm nhưng hoàn toàn không còn lý do khôi phục những cuộc đấu voi – hổ đẫm máu thời Minh Mạng.

Liệu có “đẹp” và “thiện” không khi hàng vạn người trên khán trường hò la cổ vũ một vài cặp trâu – những con gia súc bạn nhà nông, bạn của trẻ con nông dân, hiền lành và tử tế – đang trở lại với bản năng man rợ dã thú đã được thuần hóa nhiều đời, lao vào nhau nhằm giết chết nhau trong một trận tử chiến máu me, không khoan nhượng và dung thứ? Liệu phải giải thích thế nào cho trẻ em và những chàng trai làm chủ đất nước tương lai vì sao con trâu chiến thắng lẫn thua cuộc của cả mấy hội chọi trâu đều bị giết để tế thần linh và sau đó nhập vào “kinh tế thị trường”, được bán thịt với giá cao gấp hàng chục lần? Tất nhiên phải dẫn giải hoặc bịa ra niềm tin thần bí và như thế phải chăng là cách tốt nhất để giúp thế hệ trẻ khả năng tự cường bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật hiện đại? Đó là chưa nói vì lợi ích cỏn con, những ông chủ các thớt trâu bị giết thịt phải huyên truyền rằng đó là thứ “thịt trâu thần thánh”! Chúng ta vẫn ăn thịt trâu. Nhưng giết trâu bò để lấy thịt trong những lò mổ được coi là nhân đạo hiện đại, hoàn toàn đối lập với cách giết trâu man rợ trước sự chứng kiến của đông đảo người xem hội.

Nghĩ và lạm bàn về hai hội chọi trâu vậy thôi chứ thay đổi được luật chơi với những hội như Hải Lựu và Đồ Sơn có hàng trăm năm tuổi là gần như không tưởng. Nhưng mở thêm, khởi đầu thêm một hội chọi trâu nữa trên đất thủ đô đang hòa nhập với thế giới văn minh là điều không nên. Không cần chờ “minh triết dân gian” mà vấn đề đang trong tầm tay của các nhà quản lý văn hóa. Bởi vì, trong thế giới ngày nay, việc hình thành một lễ hội dân gian rất có khả năng bị điều chỉnh nhanh chóng bằng truyền thông đại chúng và luôn có nguy cơ những thế lực, những nhóm lợi ích lợi dụng.

Theo thống kê, hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội. Hà Nội là một trong năm địa phương có nhiều lễ hội nhất. Hội hè gây nhiều cảm hứng tích cực nhưng quá nhiều, cùng hiện tượng kích thích bạo lực hay mê tín đang là gánh nặng trên vai một đất nước đang vất vả leo dốc để sánh bước cùng nhân loại văn minh. Tội ác cũng đang nảy nở đến mức đáng lo ngại trong xã hội hiện nay. Tất cả chưa đủ sao, hỡi các nhà văn hóa?

NGUYỄN QUANG THÂN