26/11/2024

ĐBSCL: hiu hắt trường nghề

Trong khi nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở miền Trung được ví như “bệnh nhân rất gần nhà xác” thì tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều trường và trung tâm dạy nghề đang lâm vào cảnh đìu hiu, thậm chí có nơi phải đóng cửa khiến thiết bị dạy nghề “trùm mền”.

 

ĐBSCL: hiu hắt trường nghề

Trong khi nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở miền Trung được ví như “bệnh nhân rất gần nhà xác” thì tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhiều trường và trung tâm dạy nghề đang lâm vào cảnh đìu hiu, thậm chí có nơi phải đóng cửa khiến thiết bị dạy nghề “trùm mền”.
Thiết bị dạy nghề điêu khắc gỗ tại Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy (Hậu Giang) vẫn chưa được sử dụng lần nào – Ảnh: Lê Dân

 

Và kéo theo đó là tiền tỉ mà ngân sách bỏ ra mua thiết bị dạy nghề cũng đang bị “ăn mòn” theo thời gian.

Thiết bị chưa sử dụng lần nào

 

“Thiết bị bỏ không tôi cũng thấy lãng phí nhưng chiêu sinh không có nên đành chịu”

Ông LÊ TỨ PHƯƠNG (phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình)

 

Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình (Cà Mau) khá khang trang với đầy đủ các phòng như hội trường, phòng dạy nghề cơ khí, uốn tóc, nữ công gia chánh, may dân dụng… Đặc biệt, dãy khối nhà hai tầng còn rất mới với đầy đủ phòng làm việc, thư viện và cả phòng truyền thống. Tuy nhiên nơi đây lại rất đìu hiu vì các lớp dạy nghề rất ít khi được mở.

Theo chân cán bộ Lý Thành Trung (phụ trách thiết bị dạy nghề của trung tâm), chúng tôi thấy nhiều thiết bị đang “trùm mền”. Khi ông Trung mở khóa đẩy cửa phòng uốn tóc ra, chúng tôi thấy căn phòng như bị bỏ hoang: mạng nhện giăng phủ đầy dụng cụ uốn tóc và hoa trang trí, tấm kính khổ lớn gắn vào vách tường cũng mờ vì bụi, nhất là các ghế nằm dùng để gội đầu ở phía sau bụi phủ một lớp dày. Tại phòng dạy nghề cơ khí thì các máy tiện, máy phay kim loại, máy bào kim loại… bị gỉ sét.

Bất ngờ nhất tại Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình là ở phòng dụng cụ. Tại đây nhiều thiết bị được mua về chỉ để cất vào kho. Hàng chục máy may công nghiệp hiệu Riccar còn nguyên đai nguyên kiện. Vì vậy xưởng may công nghiệp của trung tâm dù được xây dựng nhưng khóa trái cửa. Ngoài ra, nhiều dụng cụ uốn tóc như máy sấy tóc, máy hấp nóng tóc… cũng được lưu kho.

Tình hình cũng tương tự ở Trung tâm dạy nghề huyện U Minh. Từ năm 2012 đến nay, trung tâm này chỉ mở được một lớp dạy nghề ngay tại trung tâm. Bà Hoàng Thị Kim Nương – phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện U Minh – cho biết: “Từ năm 2011, trung tâm mua tám dụng cụ dạy nghề là điện dân dụng, điện tử dân dụng, hàn, trang điểm, nữ công gia chánh, sửa chữa máy tính và sửa chữa môtô. Tổng kinh phí 1,15 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chỉ mới sử dụng được ba bộ dụng cụ dạy nghề, còn lại thì chưa “bóc tem””.

Còn tại Hậu Giang, trung tâm dạy nghề cũng lâm vào cảnh đìu hiu. Ngày đầu tuần giữa tháng 2-2014 nhưng tại Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy (Hậu Giang) không thấy bóng dáng học viên học nghề. Dạo một vòng trung tâm, tại phòng dạy sửa chữa điện tử, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư hiện đại nhưng không có người học. Tương tự, tại phòng dạy sửa chữa xe gắn máy cũng không có học viên, phòng chứa thiết bị chế biến điêu khắc gỗ đóng cửa im ỉm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước – giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy, các lớp dạy nghề trong năm 2013 đã hoàn tất, học viên đã hoàn thành các khóa học. Năm 2013 trường đã đào tạo được 26 lớp cho 650 học viên. Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy đang chiêu sinh, đến tháng 5-2014 mới bắt đầu dạy nên mới có tình trạng vắng học viên.

Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy hoạt động từ tháng 8-2008, là một trong những trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư lớn ở ĐBSCL. Cơ sở vật chất khang trang với 17 phòng, đủ điều kiện đào tạo chín nghề: sửa chữa máy vi tính, điện thoại, sửa xe gắn máy, may công nghiệp… Từ khi hoạt động đến nay, trung tâm được đầu tư 17 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy nghề, thế nhưng việc thu hút học viên đến học gặp nhiều khó khăn. Để thu hút được học viên, Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy đang xin phép mở thêm nghề điện lạnh, điện cơ, chế biến, điêu khắc gỗ, nấu ăn, nhưng những ngành nghề này hiện vẫn chưa có giáo viên. Riêng ngành điêu khắc gỗ dù đã được đầu tư phòng ốc, trang thiết bị từ lâu nhưng do chưa đăng ký hoạt động dạy nghề được nên không thể mở lớp. Lý giải việc Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy thiếu học viên, ông Phước cho biết các lớp dạy nghề được đưa hết về dạy ở các xã nên mới có tình trạng trên.

Đành chịu lãng phí?

Trong danh sách mua sắm thiết bị được đầu tư bằng nguồn ngân sách tại Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình, chúng tôi thấy hàng loạt thiết bị có giá trị nhưng từ khi được đầu tư đến nay chưa một lần sử dụng. Cụ thể năm 2008, trung tâm mua máy đo kinh vĩ điện tử (19 triệu đồng), máy đo thủy bình điện tử (13 triệu đồng), máy xoáy nòng xilanh (29,5 triệu đồng), khuôn tiện kim loại (35,6 triệu đồng, hai cái), phụ tùng đi kèm khuôn tiện (19 triệu đồng)… về để “trưng” cho đến nay.

Trong khi đó nhiều thiết bị mua về không sử dụng nên đã hao mòn theo năm tháng, nhiều món hiện nay như đống sắt phế liệu. Cụ thể năm 2005, Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình được đầu tư các máy phay, máy bào, máy tiện kim loại trị giá trên 140 triệu đồng, dù không sử dụng nhưng cũng hư hỏng theo thời gian. Theo định giá trị còn lại ba món hàng nói trên đến cuối năm 2012 chỉ khoảng 45 triệu đồng.

Ông Lê Tứ Phương – phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình – cho biết hằng năm trung tâm đào tạo nghề đều đạt kế hoạch giao (chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 là 2.000 lao động, trong đó có 400 đào tạo nghề sơ cấp). Giải thích nguyên nhân nhiều thiết bị dạy nghề “trùm mền”, ông Phương nói: “Khi mua thiết bị dạy nghề thì trung tâm có cân nhắc đầu tư và điều tra nhu cầu của địa phương. Tôi thấy trước đây cũng như hiện nay nghề xây dựng tại địa phương rất cần, đầu ra việc làm rất tốt, tuy nhiên chiêu sinh thì… không có. Tương tự nghề cơ khí cũng vậy. Dù hiện nay thiết bị phục vụ hai nghề nói trên mua đã lâu nhưng không sử dụng được”.

Bà Hoàng Thị Kim Nương cũng than: “Thiết bị mua về bị “trùm mền” chúng tôi cũng thấy lãng phí và xót lắm. Tuy nhiên do không thể chiêu sinh mở lớp nên đành chịu. Tới đây, chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ với một số trung tâm dạy nghề để liên kết mở một số nghề nhằm tìm “đầu ra” cho thiết bị dạy nghề”. Ông Nguyễn Ngọc Phước cũng thừa nhận việc đầu tư phòng ốc, trang thiết bị… mà không đào tạo tại Trung tâm dạy nghề huyện Vị Thủy là một sự lãng phí. “Do đó, trung tâm đang xin Sở Lao động – thương binh & xã hội đem các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về đây” – ông Phước cho hay.

LÊ DÂN – TẤN THÁI