26/11/2024

Những người không có tết

Trong khi dòng người hối hả, chen chúc nhau để về sum vầy với gia đình lúc tết đã cận kề, ở đâu đó giữa Sài Gòn vẫn còn những người tất bật mưu sinh.

 

Những người không có tết

Trong khi dòng người hối hả, chen chúc nhau để về sum vầy với gia đình lúc tết đã cận kề, ở đâu đó giữa Sài Gòn vẫn còn những người tất bật mưu sinh.

 Chị Linh đang chuẩn bị cơm chiều để kịp giờ tăng ca
Chị Linh đang chuẩn bị cơm chiều để kịp giờ tăng ca

“Chỉ mong sao tết qua thật nhanh”

Nằm sâu trong hẻm đường Hiền Vương (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú) là dãy phòng trọ của nhóm sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch Sài Gòn. Tết đến gần, nhưng không còn tiếng trêu đùa, thay vào đó là nỗi buồn của người ở lại. Trong căn phòng nhỏ, Thu Hồng (24 tuổi, quê Đắk Lắk) tâm sự: “Đây không phải là năm đầu tiên mình ở lại Sài Gòn. Tuy nhiên cảm giác vẫn buồn lắm. Hồi sinh viên cũng có về, nhưng từ ngày đi làm thì không dám về quê vì sợ mất việc. Giờ tết sắp đến, thấy nhớ mấy đứa em và ba mẹ nhiều lắm. Chỉ mong tết qua thật nhanh để được nghỉ phép về với gia đình”.

Hồng vừa tốt nghiệp ngành nhà hàng khách sạn của Trường cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch Sài Gòn. Gia cảnh khó khăn và cùng lúc phải nuôi 3 đứa em ăn học nên mỗi dịp tết, cô đều phải ở lại để làm thêm phụ giúp gia đình. “Vì tính chất nghề nghiệp của mình nên phải ở lại. Nếu mà về tết thì người ta sẽ tuyển người khác, khi lên lại thì sẽ mất việc. Buồn lắm nhưng phải cố gắng thôi”, Hồng bùi ngùi.              

Chị Lê Thị Lý (27 tuổi, sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, quê Thanh Hóa) đã 5 năm rồi chưa về quê do phải ở lại làm thêm. Chị tâm sự: “Ở lại trong này cũng buồn lắm nhưng giờ về ngoài đó rất tốn kém mà còn phải lo cho mấy đứa em ăn học, nên đành bấm bụng ở lại làm phục vụ nhà hàng. Cũng may trong này có mấy anh em họ hàng, tết đến chạy qua thăm hỏi nên cũng đỡ tủi thân”.

Ngồi lặng lẽ ở Bến xe Miền Đông, với xấp vé số trên tay, ông Nguyễn Chính (72 tuổi, quê Khánh Hòa) chia sẻ: “Tết nhứt gì con. Năm nào chú cũng ở lại Sài Gòn bán vé số. Già rồi nên về quê cũng chẳng biết làm gì nên ở lại bán kiếm thêm. Tết người ta thấy thương nên mua cũng nhiều. Tết nào chú cũng mua một ít đồ về cúng. Già rồi nên không đi được nhiều, chỉ quanh quẩn ở Hàng Xanh, chợ Bà Chiểu rồi qua bến xe bán thôi”.

“Có tiền thì về quê ngay”

Dù không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường nhưng ở Khu công nghiệp Sóng Thần, cuộc sống của những người công nhân nơi đây vẫn tất bật như thường ngày. Chúng tôi hỏi anh Nam (23 tuổi, quê Hà Tĩnh): “Ở đây có công nhân nào ở lại làm tết không anh?”. Anh cho biết: “Tất cả các dãy phòng trọ ở đây đều có người không về quê trong dịp tết”. Còn chị Linh (32 tuổi, quê Thanh Hóa) kể: “Đã mười mấy năm rồi chị chưa về quê. Thấy người ta về trong lòng cũng nôn nao nhưng giờ tiền đâu mà về. Làm công nhân lương chẳng được bao nhiêu, giờ có thêm hai đứa nhỏ nữa nên chỉ đủ ăn thôi”. Chị cho biết thêm vào mỗi dịp tết, chị mua ít trái cây về cúng, rồi bạn bè trong công ty có ai ở lại thì rủ nhau góp tiền nấu nướng, vui chơi tại phòng trọ. “Về quê thì ai chẳng muốn nhưng mỗi lần về thì tốn kém lắm. Mình đi làm xa về cũng phải có chút quà cho bà con, hàng xóm chứ không thấy xấu hổ lắm. Giờ mà có tiền là về quê ngay”.

 

 Ông Chính mời chào vé số ở Bến xe Miền Đông - Ảnh: Đức Tiến
Ông Chính mời chào vé số ở Bến xe Miền Đông – Ảnh: Đức Tiến

 

Với anh Hoàng (28 tuổi, quê Nam Định), dù vào Sài Gòn làm công nhân từ năm 18 tuổi nhưng tới nay vẫn chưa một lần về quê trong dịp tết. Anh nhẩm tính: “Giờ mà về thì riêng tiền xe ra vào của hai vợ chồng đã hơn 6 triệu đồng, chưa tính quà cáp này nọ. Trong khi lương mỗi tháng chỉ được 4 triệu mà phải trả tiền phòng, tiền ăn uống thì vừa đủ. Lương thì mỗi năm tăng một lần còn phòng trọ thì tăng hai lần, tiền đâu mà về quê. Thế nên phải ở lại làm thêm được gì thì làm”…

Đêm về Sài Gòn vẫn lung linh như thường lệ, nhưng nỗi buồn của những người tha phương vẫn còn len lỏi đâu đó trong các ngõ ngách.

Đức Tiến