Than ôi, trẩy hội viếng chùa!
Một tập tục có từ lâu đời của người dân Việt vào mùa Xuân là trẩy hội viếng chùa để hoà mình cùng cộng đồng vui hưởng không khí xuân tươi.
Than ôi, trẩy hội viếng chùa!
Người ta đến hội để xem và dự những đám rước lễ, những cuộc thi các trò dân gian, tưởng nhớ tiền nhân đã có công lao gây dựng quê hương xứ sở, tắm mình trong niềm tự hào, gây cho mình một nỗi phấn khích sống tốt hơn. Còn viếng chùa là để thanh sạch lại lòng mình, khuyên mình hướng thiện, hướng về nhân quần, bớt tham sân si, sống đời giản dị, an lành. Bao đời xưa, người trẩy hội lễ chùa không cốt cầu tiền tài lợi lộc.
Một nén hương toả mùi thơm là đủ một cõi nhớ. Đâu cứ phải đốt thật nhiều khói hương nghi ngút, đốt thật nhiều vàng mã mới là tỏ lòng thành kính, nhớ thương. Vậy mà nay cái tục thắp hương thiêng liêng, trong sạch đang trở thành một cái tệ đốt vàng mã, đồ cúng phô trương, cốt là để cầu cho người sống phát tài phát lộc, cốt là để khoe của khoe giàu. Cố nhiên, mỗi người, mỗi nhà có quyền tự do cúng tế cho người đã khuất của nhà mình. Nhưng việc hương khói, thờ cúng là việc tâm linh, là việc làm từ cái tâm và cái tình, là sợi dây nối liền tình cảm, tinh thần, nó cốt ở hương hoa, không phải nặng về vật chất, không phải trần tục một cách phàm tục. “Vị tha” là tiếng nhà Phật hay dùng, dịch nghĩa đen hai chữ này là “vì người”, ta đi chùa cầu phúc cầu an là cầu cho cả chúng sinh đang cùng ta sống cuộc đời này, cõi trần gian này. Cúng dường cho chùa chiền tiền bạc tỉ mà ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh khổ đang diễn ra hằng ngày của những người sống quanh mình thì đó chưa chắc là vì Phật vì người.
Vậy nên giờ đây cứ trông cảnh viếng chùa trẩy hội đầu xuân thấy thật buồn. Ở đó diễn ra những cảnh tượng chen chúc đặt lễ, cúng lễ với bao điều cầu khấn xin tài lộc, xin quyền chức. Ở đó diễn ra những cảnh gài tiền, đặt tiền vào bất cứ chỗ nào, khiến cho cánh tay Phật Bà Quan Âm cũng bị vướng vào tục luỵ, một bức khảm, một pho tượng cũng đầy những đồng tiền dính vào. Ở đó diễn ra cảnh ăn uống chen chúc ồn ào hỗn tạp, những trò chơi rẻ tiền, phi văn hoá.
Như vậy, chuyện trẩy hội viếng chùa đầu năm ở nước ta hiện nay là một sự báo động về văn hoá lễ hội, văn hoá tinh thần của người Việt. Nét đẹp truyền thống cứ bị biến chất và phai nhạt, thay vào đó là những hình thức giả lễ hội hoặc biến tướng lễ hội. Người làm hội và người dự hội nhiều phần không còn tâm thành cho những điều giản dị bình thường mà thiêng liêng tự chính lòng mình.
Một câu hỏi nhức nhối là: tình trạng ô nhiễm môi trường văn hoá tinh thần này diễn ra đã lâu, sao không chấm dứt được? Một lễ hội như chùa Hương năm nào cũng có cảnh dồn ép người trên thuyền, hét giá quá quy định, bán hàng bắt ép khách cùng nhiều tệ khác nữa, thử hỏi những biện pháp giải quyết đề ra lâu nay ở đâu? Hay ngày xuân để bị con người đổ vấy là cả năm chỉ có một dịp “làm ăn” vào tết nên phải “chặt chém” cho đã!
Ai ơi đừng trẩy hội vào chùa đầu xuân nữa, kẻo tâm lại không an! Tôi kêu lên thế biết có thể không phải với những người đi chùa thành tâm thành ý, cốt thanh thản cõi lòng trong một khoảnh khắc giao hoà âm dương trời đất ngày xuân mới, nhưng thú thật lâu nay tôi tránh vào chùa các dịp lễ hội chen chúc đông người. Có khi đọc một cuốn truyện như Cõng nhau trong một cõi người (Hoàng Công Danh) còn thấy lòng mình thanh tịnh trong trẻo được hơn!
Hà Nội, mồng 9 Tết Giáp Ngọ 2014
PHẠM XUÂN NGUYÊN