Nghiên cứu khoa học từ cấp I
Cho dù chỉ mới học tập và làm việc tại Hoa Kỳ hơn hai năm, tôi cũng đã cảm nhận được sự mới mẻ trong sự nghiệp “trăm năm trồng người” của hệ thống giáo dục tại đây.
Mỹ: Nghiên cứu khoa học từ cấp I
Học sinh tham quan hội chợ triển lãm do trường tổ chức
Một vài trải nghiệm thực tế đối với các thành viên trong gia đình là minh chứng cụ thể trả lời cho câu hỏi vì sao giáo dục Hoa Kỳ có sức hút mãnh liệt đối với các phụ huynh Việt Nam đến vậy.
Chuyện từ ngày hội nghề nghiệp
“Hội chợ triển lãm khoa học”cũng là cơ hội vàng cho các đơn vị tài trợ, đặc biệt là các nhà hàng. Mỗi thành viên tham gia hội chợ đều được một phiếu quà tặng là một bữa ăn miễn phí tại nhà hàng dành cho trẻ em. Tính ra hàng ngàn trẻ tham gia nhận được phiếu và đi cùng bố mẹ (phần ăn của bố mẹ phải trả tiền) thì các nhà hàng đã có cơ hội lớn để quảng bá và thu lợi nhuận từ chương trình này. |
Có một điều dễ nhận thấy rõ ràng là giáo viên không tạo cho học sinh một áp lực để trở thành nhân tài hay học sinh xuất sắc, mà định hướng cho các em phát triển các kỹ năng toàn diện và chính các em mới là người quyết định trở thành công dân như thế nào cho xã hội theo điều các em muốn. Mỗi người đều có quyền chọn nghề mình thích trước cho dù chưa có nhiều ý niệm về nó. Nếu có chọn làm người lính cứu hỏa, thợ cơ khí, nhà khoa học, cảnh sát… thì cũng được giáo viên ghi nhận bởi mỗi người đều có một sứ mệnh của mình đối với xã hội và một phần do ở đây người ta nhảy việc liên tục nên định hướng nghề nghiệp cũng thoáng hơn. Tuy nhiên hai nghề được hầu hết học sinh chọn thể hiện qua việc chọn trang phục đóng giả trong “ngày hội nghề nghiệp” của các lớp đó là bác sĩ và… siêu nhân. Có lẽ suy nghĩ về nghề bác sĩ – một nghề kiếm được nhiều tiền và học hành cực kỳ vất vả – là do phụ huynh… định hướng từ nhỏ và nghề siêu nhân “giải cứu thế giới”, là “cảnh sát toàn cầu” cũng được định hình vào trong tư tưởng của các cháu bé sinh ra ở Mỹ.
Đến hội chợ triển lãm khoa học
Với quan niệm “khoan biến trẻ em trở thành nhà bác học nhí, hãy để trẻ em yêu khoa học trước đã!” nên mỗi năm các trường tiểu học đều có “hội chợ triển lãm khoa học” dành cho các cấp độ trong trường sau thời gian nghỉ lễ giáng sinh và năm mới. Các đề tài khoa học đều có thể được sự hỗ trợ của gia đình, trang thiết bị hiện đại, Google… nhằm giúp học sinh tiếp cận với việc nghiên cứu khoa học, khám phá những điều mới lạ từ tự nhiên, từ cuộc sống dù chỉ là điều nhỏ nhất hoặc những điều người khác đã làm mà mình thấy… không đúng.
Bảng phương pháp nghiên cứu và tiếp cận đề tài, trả lời cho mục đích đề tài, phân tích đề tài, tiến trình thực hiện… được hướng dẫn kỹ lưỡng giúp phụ huynh cùng “nhúng tay” với con cái thực hiện. Một số đề tài được định hướng cho học sinh tự tìm tòi tùy vào cấp học nhưng nhà trường vẫn khuyến khích đề tài mới lạ, vui là chính. Bởi người chấm chính là mọi người tham quan hội chợ đó, nhằm bảo đảm tính khách quan và xác định đây không phải là cuộc thi thố mà chỉ là triển lãm, trình bày những sản phẩm của chính con cái mình. Đó cũng chính là lý do tôi và con gái cùng thực hiện đề tài “Xôi thay cho playdoh được không?” để giúp nó hiểu hơn về việc nếu bố không có tiền mua playdoh (loại bột tổng hợp như đất sét để nặn hình tò he ở Việt Nam) thì bố có thể nấu xôi và con gái có sản phẩm để tô phẩm màu thực phẩm vào để nặn hình.
Tại hội chợ của Trường Roscoe Wilson, cùng với các phụ huynh, tôi thật sự thích thú với nhiều đề tài rất ngộ nghĩnh, thú vị mà bạn cùng trang lứa của cháu thực hiện như: nam châm hình gì hút mạnh nhất, loại trái cây nào nổi hay chìm, thời tiết lạnh hay nóng thì mẹ đạp xe đạp nhanh hơn?…Còn các anh chị lớp trên (từ lớp 1-5) thì đề tài càng phong phú và nghiêm túc hơn: loại trái cây hay rau củ nào cho năng lượng điện nhiều nhất, quy trình làm sạch nước trước khi bạn sử dụng tại gia đình, núi lửa có lớn không, màu gì thu hút loài bướm nhất?… Và kết quả của cuộc triển lãm cũng nhận được đa số sự đồng tình, đó là giải nhất dành cho nghiên cứu “Loài mèo thuận tay phải hay tay trái” ghi nhận trên việc quan sát các cử động của hơn 15 con mèo và giải nhì thuộc về “Đánh giá tác động của các loại đồ uống đến răng của bạn” ghi nhận việc bỏ trứng gà vào nhiều loại đồ uống có gas, đường và sau một tuần xem xét màu sắc, hiện tượng của vỏ trứng.
Việc có thể các cháu sau này không chọn ngành khoa học làm nghề của mình nhưng chính những đam mê sáng tạo, những tìm tòi khám phá (có pha chút phá phách) đã khuyến khích niềm yêu thích khoa học trong mỗi học sinh, giúp các cháu luôn chủ động đặt ra câu hỏi và tìm cách trả lời bằng nhiều phương pháp khác nhau, tự chứng minh những điều mình thực hiện là sai so với những điều mà mọi người làm là đúng thay vì chấp nhận một định luật đúng mà không hiểu lý do vì sao.
PHAN QUỐC VINH