02/11/2024

“Bệnh” sau khi xem báo

Cứ sau mỗi lần có một bài báo, chương trình truyền hình về một vấn đề bệnh tật nào đó, ngay lập tức chúng tôi nhận được những chẩn đoán bệnh từ bạn đọc và bạn xem đài.

 

“Bệnh” sau khi xem báo

Cứ sau mỗi lần có một bài báo, chương trình truyền hình về một vấn đề bệnh tật nào đó, ngay lập tức chúng tôi nhận được những chẩn đoán bệnh từ bạn đọc và bạn xem đài.

 

Khi chúng tôi trình bày các triệu chứng của ung thư xương ở trẻ con bao gồm triệu chứng sưng, đau vùng gối, vốn là nơi tập trung các loại ung thư xương nhiều nhất, ngày hôm sau một số phụ huynh dẫn các bé đến bệnh viện. Có phụ huynh với vẻ mặt lo lắng yêu cầu chúng tôi chỉ định chụp MRI cho cháu.

Bệnh nào cũng có

 

“Việc tự chẩn đoán bệnh dựa trên bài báo sẽ làm bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng vì thấy bệnh nào mình cũng có triệu chứng giống như vậy để rồi nghĩ rằng mình bị nhiều bệnh quá!”

 

Hỏi lý do, phụ huynh nói: “Tôi thấy cháu đã nổi cục u trước đầu gối mấy tháng nay, đi đau, chạy nhảy được nhưng đau, mặc dù mọi sinh hoạt khác của cháu vẫn bình thường. Tôi thấy bác sĩ trình bày triệu chứng ung thư xương sao mà giống cháu nó quá, cả đêm hôm qua hai vợ chồng không ngủ được vì chỉ có mỗi thằng cu làm giống thôi!”.

Nhìn sơ qua thấy thằng bé khỏe mạnh, trước gối có cục lồi lên ở vùng mâm chày, hỏi qua mới biết cháu học trường quốc tế, hoạt động thể dục thể thao rất nhiều. Thuyết phục mãi hai vợ chồng mới chịu cho cháu đi chụp phim X-quang vì nghĩ muốn chẩn đoán ung thư xương thì phải chụp MRI. Kết quả là cháu bị viêm lồi củ trước xương chày, một chứng bệnh hay xảy ra ở trẻ em chạy nhảy nhiều. Mất gần cả giờ để thuyết phục phụ huynh là bệnh của cháu không có gì đáng lo.

Có những bệnh nhân lớn tuổi khi chúng tôi trình bày triệu chứng thoát vị đĩa đệm, ngay hôm sau gọi điện thoại than thở với bác sĩ là mình bị thoát vị đĩa đệm. Nhưng vài tuần sau khi bài báo về hoại tử chỏm xương đùi ra đời, bệnh nhân ấy lại gọi điện thoại bảo rằng bà rất lo lắng vì bị hoại tử chỏm xương đùi y như bác sĩ đã viết. Đến bài báo bệnh gút xuất hiện, bà lại than thở sao ông trời bất công bắt bà chịu thêm căn bệnh gút quái ác. Đến khi chúng tôi khám trực tiếp mới biết bà lâu lâu mới có một vài triệu chứng đau giống như vậy và hiện tại không có vấn đề gì về bệnh tật.

Mỗi căn bệnh đều có triệu chứng biểu hiện bên ngoài giúp thầy thuốc dựa trên đó mà chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, nhiều căn bệnh lại có cùng một triệu chứng mà chủ yếu là đau với các kiểu tương tự nhau. Người thầy thuốc cần có nhiều kinh nghiệm để lắng nghe câu chuyện của bệnh nhân, khám cẩn thận và lập luận thật chặt chẽ dựa trên các chứng cứ mà họ có được để đưa ra chẩn đoán, rồi từ đó mới quyết định cho làm thêm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Các bài viết của bác sĩ chỉ để giúp bạn đọc cảm nhận những gì bất thường trong cơ thể, có kiến thức để kịp thời đi khám bệnh và có thể cung cấp các chi tiết chính xác cho bác sĩ khi khai bệnh.

“Viêm màng túi”

Không phủ nhận hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị hay giúp bệnh nhân chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn.

Nhiều bệnh nhân đọc các quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ việc chống lại sự lão hóa của sụn khớp đã tự mình đi mua thực phẩm chức năng để uống khi bị đau vùng vai. Vai từ chỗ đau nhưng cử động được đến lúc hạn chế vận động khớp vai mới chịu đi khám bệnh. Lúc này mới té ngửa ra là bệnh này không liên quan đến sụn khớp, nên việc uống thực phẩm chức năng không những không giúp điều trị bệnh mà còn gây tác dụng phụ là “viêm màng túi”.

Một số bệnh nhân đọc vài quảng cáo về thực phẩm chức năng với những lời có cánh đã tốn khá nhiều tiền để mua uống với hi vọng mình sẽ không mắc bệnh. Nếu điều này đúng, có lẽ các bác sĩ đã thất nghiệp dài dài vì không ai bị bệnh nữa cả. Nhưng rất tiếc điều này không đúng lắm. Ở đời cái gì cũng vậy, dùng đúng sẽ tốt, dùng sai không tốt.

BS TĂNG HÀ NAM ANH

 

 

Dừng phiền muộn

Các bác sĩ cung cấp kiến thức y khoa cho công chúng là hi vọng giúp mọi người cảnh giác với những căn bệnh mà mình có thể mắc phải. Mỗi bác sĩ phải mất cả chục năm để học hành và cũng ngần ấy thời gian điều trị bệnh mới đủ kinh nghiệm chẩn đoán bệnh. Do vậy, bạn đọc nếu chỉ dựa vào vài triệu chứng để suy ra mình bệnh gì đó thì e là hơi quá!

Chúng ta không nên tự mình làm khổ mình. Hãy giao phần thể xác và phần tinh thần của mình cho các bác sĩ chịu trách nhiệm chăm sóc. Phần của bạn là hãy vui sống và dừng phiền muộn vì những điều mà chưa chắc mình đã mắc phải.