27/04/2025

Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm C
Cuối tuần Bát Nhật Phục Sinh,
Kính Lòng thương xót của Chúa

Cv 5,12-16 • Tv 117,2-4.22-24.25-27a (Đ. c.1) • Kh 1,9-11a.12-13.17-19 • Ga 20,19-31

✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ

Suy niệm: ĐẤNG PHỤC SINH TỎ MÌNH TRONG ĐỜI TÔI

Thiên Chúa có những cách tỏ mình khác nhau. Người ta thường thích và chờ đợi cách tỏ mình trong vinh quang, đáng sợ, tuy dù cách ấy làm họ sợ hãi! Thiên Chúa ở núi Sinai đã tỏ mình theo cách này, và dân chúng thì ở xa, bị cấm lại gần, và họ cần ông Môsê làm trung gian để nói lại lời của Thiên Chúa.

Các bài Sách Thánh hôm nay cho thấy Đấng phục sinh có những cách khác nhau để tỏ mình. Từ một Đấng phục sinh trong vinh quang của Thiên Chúa trong bối cảnh các kitô hữu bị bắt bớ vì niềm tin của mình vào thời thánh Gioan tông đồ, đến một Đấng phục sinh mang lại sự chữa lành bệnh tật thể l‎ý qua trung gian của ông Phêrô, rồi lại đến một Đấng phục sinh như một vị Thầy kiên nhẫn với lòng yếu tin của môn đệ, hiện ra một lần nữa với ông Tôma, để chính ông cũng xác tín rằng Thầy Giêsu của ông đã sống lại là Đấng Kitô, và hơn nữa, còn là chính Thiên Chúa:
“Ông Tôma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!’” (Ga 20,28). Từ “Chúa” được dịch bởi từ “Kyrios” để chỉ Đức Giêsu Kitô sống lại, nghĩa là Thiên Chúa xác nhận trước con người đây là Đấng Kitô được Ngài sai đến cứu độ con người. Từ “Thiên Chúa” do bởi “Theos” là từ để gọi Thiên Chúa. Đấng phục sinh được tin là Thiên Chúa.

Có khi chỉ trong những cách tỏ mình đơn giản, gần gũi, nhưng Đấng phục sinh được người ta xác tín, cảm nhận cách sâu xa. Có những cuộc biến đổi không phải từ những cuộc thần hiện hay những phép lạ lớn lao theo yêu cầu của con người, nhưng để lại những dấu ấn sâu sắc làm ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời. Chân phước Antôn Chevrier đơn giản chỉ là chiêm ngắm Hài Nhi nằm trong máng cỏ như mỗi năm cha vẫn làm, nhưng năm 1856 ấy, cha đã thực sự được đánh động sâu xa và đưa đến quyết tâm thay đổi toàn bộ cuộc đời sau đó.

Thiên Chúa vẫn thường tỏ mình trong sự giản dị hơn là nơi những hiện tượng phi thường, nhưng cách thức này thường bị các tín hữu xem nhẹ và bỏ qua. Họ bỏ mất rất nhiều cơ hội để chuyển hướng cuộc đời! Để có thể bắt được những cơ hội này, kitô hữu cần xác tín rằng Đấng phục sinh đang ở đây với con người và đang hoạt động cho ơn cứu độ cùng với Thánh Thần của Ngài. Hãy có cái nhìn sâu hơn về cuộc sống, biết ngẫm nghĩ về cuộc sống trong những giây phút thinh lặng cuối ngày, và hãy có đức tin để nhận ra Thiên Chúa ở đó, hầu cộng tác với Ngài cho ơn cứu độ của mình và của anh chị em. Và bản thân các kitô hữu, khi kiên nhẫn với anh chị em như Thầy Giêsu đã làm, cũng cho thấy Đấng phục sinh đang biến đổi cuộc đời họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô là người làm lớn lên cách mạnh mẽ việc sùng kính lòng thương xót của Chúa, không chỉ trong các giờ cầu nguyện, nhưng còn được thể hiện trong đời sống hàng ngày. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô là người đã sống suốt đời lòng thương xót ấy và là vị tông đồ của lòng thương xót Chúa trong sứ vụ giáo hoàng của ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn