Thứ Năm 27.03.2025
Cứng đầu và cứng lòng!
Thứ Năm Tuần III – Mùa Chay
Gr 7,23-28 • Tv 94,1-2.6-7a.7b-9 (Đ. c.7b.8a) • Lc 11,14-23
✠ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
14 Khi ấy, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?… bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.
23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”
Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Suy niệm: Cứng đầu và cứng lòng!
Tiên tri Giêrêmia (thế kỷ 8 tCN) nói về tình trạng dân không chịu nghe lời Đức Chúa nhắc bảo qua các tiên tri. Chính ông là người có kinh nghiệm về điều ấy trong sứ vụ của mình. Ông được Đức Chúa sai đến để nhắc nhở dân chúng về tình trạng sa sút trong đời sống đạo của họ, nhưng họ phản kháng, ném đá và gọi ông là “Lão tứ phía kinh hoàng”! Ông cũng cho thấy tình trạng ấy nơi dân lữ hành trong sa mạc đi về đất hứa trước đó (thế kỷ 13 tCN). Đó cũng là tình trạng dân chúng thời Đức Giêsu.
Câu chuyện Đức Giêsu chữa người bị câm trong Tin Mừng Luca không nhằm lưu ý đến bệnh câm, nhưng nhắm đến quỷ ám: “Đức Giêsu trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm” (11,14). Và dụng ý của ông Luca được làm rõ sau đó khi ghi rằng “một số người” nói rằng Đức Giêsu dùng quyền của quỷ vương mà trừ quỷ. Matthêô ghi những người nói điều ấy là các Pharisêô, còn Marcô ghi là các kinh sư. Thời ấy, nhiều kinh sư, tức là những chuyên gia về Lề Luật, là thành viên của nhóm Pharisêô. Nhìn chung, dù là ai, thì cũng có nhiều người phản ứng như vậy với Đức Giêsu.
Đó là tình trạng gì vậy? Có thể gọi đó là cứng đầu-cứng cổ hay là cứng lòng? Không muốn thay đổi suy nghĩ là cứng đầu. Không muốn quy thuận, nhưng chỉ muốn phản kháng, đó là cứng lòng. Và thường hai điều này đi chung với nhau.
Người ta cứng đầu và cứng lòng nên không muốn quy thuận lời mời gọi của Thánh Thần. Khi muốn áp đặt ý riêng trên cộng đoàn thì họ gọi là vì ích chung, áp đặt trên Giáo Hội thì gọi là vì ích lợi của Giáo Hội, và… khi áp đặt ý mình trên ý Thiên Chúa nữa, thì người ta gọi đó là làm theo ý Chúa!!! Đó là sự tráo đổi có dụng ý để yên lương tâm và để đánh lừa người chung quanh. Và điều ấy sinh ra xung đột, chia rẽ! Ý Chúa sao nhiều quá vậy và đối kháng với nhau nữa! Khi nhân danh Chúa và niềm tin, người ta đấu đá nhau quyết liệt hơn!!!
Điều cần làm trước hết là sám hối! Phải thay đổi tư tưởng cá nhân theo tư tưởng của Thiên Chúa. Đây là điều mỗi người cần làm, không trừ ai! Mùa Chay là cơ hội và phải coi đây là cơ hội để thực hiện sự sám hối này cách triệt để thì mới thực sự đó là đổi mới, không dừng lại ở tình trạng nửa vời!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn